"Cán bộ cấp chiến lược”: Cho ai và để làm gì? (Trân Văn)
Với nghị quyết ấy,
hơn 200 ủy viên cả chính thức lẫn dự khuyết sẽ trở thành “cán bộ cấp
chiến lược”. “Tinh hoa của những tinh hoa quốc gia” này đã từng bỏ phiếu
hay công khai tán thưởng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa”, giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành những “quả
đấm”, những “anh cả” hạ gục kinh tế quốc gia, nhấn xứ sở chìm sâu hơn
trong nợ nần.
Thảo luận để đặt định tiêu chuẩn về “cán bộ cấp chiến lược” và lựa
chọn – sắp đặt lại nhân sự lãnh đạo Đảng CSVN là “lõi” Hội nghị lần thứ
bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (BCH TƯ Đảng CSVN) khóa 12
(07/05/2018-12/05/2018).
Dẫu chỉ là kỳ họp của một tổ chức chính trị nhưng Hội nghị lần thứ
bảy của BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12 trở thành đáng chú ý vì bất kể thế nào,
tổ chức chính trị ấy vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn diện,
tuyệt đối Việt Nam.
Trước cũng như trong thời gian diễn ra hội nghị, thông qua hệ thống
truyền thông chính thức, giới lãnh đạo Đảng CSVN đã giới thiệu rộng rãi
“Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Theo đó, giới lãnh đạo Đảng CSVN sẽ chọn ra khoảng 600 cá nhân là
thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TƯ Đảng CSVN, Bộ trưởng, Thứ
trưởng hoặc mang hàm tương đương Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Phó Bí
thư và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các
tỉnh, thành phố… để đưa vào diện “cán bộ cấp chiến lược”.
Cứ như lời ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ Theo dõi các cơ quan của
BCH TƯ Đảng CSVN thuộc Ban Tổ chức Trung ương Đảng CSVN thì giới lãnh
đạo Đảng CSVN đã xác định xong cái gọi là “khung tiêu chuẩn” cho các
“chức danh lãnh đạo hệ thống chính trị”. Tổ chức Đảng ở tất cả các cấp
sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch nhân sự. Để trở thành “cán bộ cấp chiến
lược”, đương sự phải đi từ dưới lên trên cho tới khi trở thành cá nhân
được BCH TƯ Đảng CSVN chọn làm cá nhân đặt dưới quyền quản lý của Bộ
Chính trị, Ban Bí thư của BCH TƯ Đảng CSVN.
Ông Hưng nhấn mạnh, theo đề án vừa đề cập, “cán bộ cấp chiến lược”
phải có: “Bản lĩnh chính trị vững vàng. Lý tưởng, đạo đức nhân sinh quan
cách mạng. Ý chí và nghị lực. Khát vọng đưa đất nước phát triển. Sẵn
sàng hi sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tư
duy đổi mới. Tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt nhanh xu thế của thời đại.
Khả năng hoạch định chính sách. Trình độ, năng lực để bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng. Khả năng dùng người. Biết xây dựng và bảo vệ uy tín của
Đảng cũng như hình ảnh của cá nhân, không để các mối quan hệ cá nhân,
lợi ích nhóm chi phối trong quá trình công tác”.
Sau “tiết lộ” của ông Hưng về “Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán
bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy
tín, ngang tầm nhiệm vụ”, thông qua hệ thống truyền thông chính thức,
một số cá nhân đang nắm giữ nhiều trọng trách khác nhau trong hệ thống
chính trị Việt Nam đã tham gia quảng cáo cho “cán bộ cấp chiến lược”.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực của Ủy ban Tài chính và Ngân
sách Quốc hội Việt Nam, gửi cho báo điện tử Dân Trí một bài mô tả “cán
bộ cấp chiến lược” như những người có năng lực tư duy vượt trội, thấu
hiểu quy luật vận động của tự nhiên - xã hội, cảm nhận được những biến
thiên của đất, trời, thấu tỏ muôn triệu nhân tâm, dự báo được quá trình
hình thành, phát triển, diệt vong và sự tuần hoàn sinh, tử của vạn vật.
Ngoài trí tuệ thiên bẩm, “cán bộ cấp chiến lược” là những người trải quá
quá trình học tập, rèn luyện nghiêm ngặt và được thừa nhận qua các kỳ
thi, sát hạch nghiệt ngã. Ông Vân tin rằng, “cán bộ cấp chiến lược”
chính là những người có khả năng tổng kết thực tiễn, tường minh thực
trạng, biết rõ được, mất và biết làm gì để đạt được mục tiêu. Đó cũng là
những người có khả năng tổ chức lực lượng vật chất, sức mạnh tinh thần
của cộng đồng xã hội một cách khoa học, hợp lý để triển khai đường lối,
chính sách chiến lược trong thực tiễn nhờ năng lực phân tích, đánh giá
chính xác các nguồn lực vật chất hiện có, hiểu được công năng, lợi thế
tiềm tàng của từng nguồn lực để sắp xếp, bố trí theo trật tự ưu tiên. Từ
đó, tìm ra được điểm kích hoạt hợp lý, làm “bùng nổ” có tính dây chuyền
sức mạnh tự nhiên của các nguồn lực ấy. Với sức mạnh tinh thần, “cán bộ
cấp chiến lược” là người có khả năng thuyết phục muôn người bằng chính
tấm gương về trí tuệ và phẩm hạnh đạo đức của bản thân, làm ngọn cờ dẫn
dắt các lực lượng xã hội đi theo, khai thác triệt để nguồn lực và biết
trọng dụng nhân tài, thực bồi nguyên khí, chấn diệu hồng đồ để muôn dân
ngưỡng vọng và vạn sĩ hàm đan đi theo. “Cán bộ cấp chiến lược” là “lương
đống của quốc gia, xã tắc” có lòng tự trọng và liêm sỉ, hội đủ các phẩm
chất của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, chí thành tâm huyết, dốc lòng, dốc
sức đem hết khả năng cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân mà không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình.
Ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản thì khen “Đề án Tập
trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ
năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là văn kiện “bài bản,
toàn diện nhất về công tác cán bộ”. Ông Nhị Lê tin rằng với văn kiện
này, “cán bộ cấp chiến lược” sẽ là những “rường cột quốc gia”, là “tinh hoa của tinh hoa dân tộc”…
Đó là những ý kiến bên lề Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng CSVN (BCH TƯ Đảng CSVN) khóa 12, bên trong hội nghị này,
các ủy viên của BCH TƯ Đảng CSVN nhất trí rằng, từ nay, khi lựa chọn
“cán bộ cấp chiến lược”, không nên sắp xếp, bổ nhiệm để đương sự trở
thành lãnh đạo ở nguyên quán, sinh quán hay trú quán của họ để đạt yêu
cầu mà ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN đã đặt ra là “khắc
phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, đồng thời
xây dựng một cơ chế giám sát quyền lực và chính sách để cán bộ tâm huyết gắn bó với công việc, với đất nước, nhân dân”.
***
Nhìn chung, trừ yếu tố, không sắp xếp, bổ nhiệm “cán bộ cấp chiến
lược” làm lãnh đạo tại nguyên quán, sinh quán hay trú quán của họ, “Đề
án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến
lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được giới
thiệu là nghiên cứu – soạn thảo suốt hai năm, không có gì mới. Đề án này
là anh em song sinh với Nghị quyết của BCH TƯ Đảng khóa 8 về “Chiến
lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được các ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN thời đó thông qua tại kỳ họp thứ ba hồi 1997.
“Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước” đã mở đường cho cán bộ lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa
phương thi nhau tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp vợ, chồng, con trai, con
gái, con dâu, con rể, anh, chị, em, bà con nội, ngoại cùng với mình lãnh
đạo tiến trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. “Chiến lược”
đó tạo điều kiện cho cán bộ lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa
phương cùng nhau “ăn không từ thứ gì”.
“Chiến lược” ấy tạo ra thực trạng mà tháng trước, ông Nguyễn Thiện
Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM kiêm Ủy viên Bộ Chính trị Khóa 12, phải
trấn an “đồng chí, đồng bào” rằng, Đại hội Đảng CSVN khóa tới (khóa 13) ở thành phố này sẽ “không có chạy chức”.
Với cái gọi là “quy hoạch cán bộ”, “chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” từng tiếp tục cưỡng đoạt
quyền của hàng trăm triệu người Việt: Lựa chọn những cá nhân đại diện
cho họ tại Quốc hội, phê duyệt lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ.
Giờ, “Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ
cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” có
gì đáng để hoan hỉ, vững tâm khi lựa chọn ai đó làm “rường cột quốc gia,
xã tắc” vẫn là Đảng CSVN và chỉ Đảng CSVN mới có quyền sắp đặt, bổ
nhiệm?
Chắc chắn BCH TƯ Đảng CSVN khóa này sẽ ban hành Nghị quyết về “Tập
trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ
năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Với nghị quyết ấy,
hơn 200 ủy viên cả chính thức lẫn dự khuyết sẽ trở thành “cán bộ cấp
chiến lược”. “Tinh hoa của những tinh hoa quốc gia” này đã từng bỏ phiếu
hay công khai tán thưởng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa”, giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành những “quả
đấm”, những “anh cả” hạ gục kinh tế quốc gia, nhấn xứ sở chìm sâu hơn
trong nợ nần.
Những cá nhân “có khả năng tổng kết thực tiễn, tường minh thực trạng,
biết rõ được, mất và biết làm gì để đạt được mục tiêu” này đã từng bỏ
phiếu hay công khai tán thưởng đủ thứ dự án kiểu như khai thác bauxite
tại Tây Nguyên và khi các “chủ trương lớn” kiểu đó trở thành thảm họa
thì vì “dư tự trọng” và “thừa liêm sỉ” nên dứt khoát không đoái hoài đến
trách nhiệm.
Những người có “khả năng thuyết phục muôn người bằng chính tấm gương
về trí tuệ và phẩm hạnh đạo đức của bản thân, làm ngọn cờ dẫn dắt các
lực lượng xã hội đi theo, khai thác triệt để nguồn lực và biết trọng
dụng nhân tài, thực bồi nguyên khí, chấn diệu hồng đồ để muôn dân ngưỡng
vọng và vạn sĩ hàm đan đi theo” cũng chính là những người chọn Đinh La
Thăng, Nguyễn Bá Thanh,… cùng làm “lương đống của quốc gia, xã tắc” như
mình.
Chắc chắn trong Nghị quyết về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các
cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín,
ngang tầm nhiệm vụ” sẽ có qui định không sắp xếp, bổ nhiệm “cán bộ cấp
chiến lược” lãnh đạo ở nguyên quán, sinh quán hay trú quán. Qui định ấy
có mới như một “dấu son” hay vẫn là “vết chàm”? Đã có những “cán bộ cấp
chiến lược” được “luân chuyển” từ Hà Nội vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch
tỉnh như… Trịnh Xuân Thanh và nếu Đảng CSVN không cần chứng tỏ nỗ lực
“chỉnh đốn”, đồng chí Trịnh Xuân Thanh – “Anh hùng lao động” vẫn vừa là
Đại biểu Quốc hội, vừa lãnh đạo Bộ Công Thương, vừa tham gia BCH TƯ Đảng
CSVN như… “qui hoạch”. Nhà báo Nhị Lê làm gì có cơ hội để dẫn ra như
một bằng cớ lên án chuyện “lẻn vào Trung ương”.
VOA