Ai ‘đồng thuận’ tăng thuế xăng dầu? (BBC)
"Có thể họ vẫn quyết định tăng thuế xăng dầu vì đánh
giá việc này đáp ứng được việc tăng ngân sách, không ảnh hưởng mạnh đến
lạm phát và sự phản đối của người dân chắc cũng ở mức độ như vậy thôi."
Một nghiên cứu viên chính sách ở Hà
Nội nói với BBC rằng "sự đồng thuận" về việc tăng thuế xăng dầu "là của
các cơ quan nhà nước mà Bộ Tài chính thăm dò, còn người dân là chuyện
khác."
Tin cho hay từ hôm 1/7, thuế xăng dầu tại Việt Nam "sẽ
tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít với xăng và 2.000 đồng/lít với dầu,"
theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Truyền thông Việt Nam tường thuật
rằng động thái này "sẽ đem về 55.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách, tăng
14.368 tỷ so với mức cũ."
Trước
đó, báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự án Nghị quyết về biểu
thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cho hay họ đã lấy ý kiến "của
các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác."
"Về
cơ bản, các ý kiến đều nhất trí và đồng thuận với sự cần thiết và nội
dung của dự thảo Nghị quyết, với 40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn," Bộ
Tài chính khẳng định.
'Có nhu cầu tăng thu'
Trả
lời BBC từ Hà Nội, ông Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu
Chính sách & Công nghệ nói: "Theo như tôi hiểu, sự đồng thuận về
việc tăng thuế xăng dầu là của các cơ quan nhà nước mà Bộ Tài chính thăm
dò, còn người dân là chuyện khác."
"Không có dữ liệu gì để đánh
giá người dân ủng hộ việc này hay không, nhưng nhìn trên mạng xã hội và
các chuyên gia độc lập thì không có nhiều người ủng hộ việc tăng thuế
như vậy."
"Nhà
nước có nhu cầu tăng thu thì họ tăng thôi. Đó là cơ quan lo về thu ngân
sách cho quốc gia, còn tăng thu đó được đồng tình hay không là chuyện
khác."
"Tôi nghĩ họ cũng có sự cân nhắc nhất định nên mới đưa ra các hình thức thăm dò, lấy ý kiến."
"Có thể họ vẫn quyết định tăng thuế xăng dầu vì đánh
giá việc này đáp ứng được việc tăng ngân sách, không ảnh hưởng mạnh đến
lạm phát và sự phản đối của người dân chắc cũng ở mức độ như vậy thôi."
"Theo
tôi, mấu chốt của vấn đề lạm phát thì là do bên Ngân hàng Nhà nước
quyết định, nên nếu có sự phối hợp với cơ quan này thì sẽ không tạo ra
lạm phát cao trong dài hạn."
"Còn về người dân thì tôi nghĩ chẳng ai ủng hộ tăng thuế xăng dầu hay bất kỳ loại thuế nào cả."
Hôm
20/5, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành nói: "Ổn định
giá cả là mong ước không những người dân (nhất là của người có thu nhập
bằng lương tháng) mà còn là mục tiêu của các nhà quản lý kinh tế. Xăng
dầu là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của
người dân. Với ngành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm 40% giá cước vận
tải, nên giá xăng dầu tăng chắc chắn cước vận tải không thể đứng im."
"Hầu
hết mặt hàng, dịch vụ đều phải chịu chi phí vận chuyển trực tiếp hoặc
gián tiếp, nên giá cước tăng sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng. Giá cả các
mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... sẽ tăng theo,
ảnh hưởng đến sinh hoạt của xã hội."
"Khi nói đến sự "đồng thuận
cao" của người dân thường người ta không dựa vào ý kiến chủ quan của một
ai đó mà phải dựa trên một kết quả của một tổ chức thăm dò có uy tín."
Theo
báo Tuổi Trẻ, việc tăng thuế xăng dầu khiến nhóm dân cư có thu nhập
thấp sẽ phải chi thêm 22.000 đồng/tháng, còn nhóm có thu nhập cao, mức
tăng chi cao nhất là khoảng 130.000 đồng/tháng.
"Ông Lê Xuân
Trường, Học viện Tài chính, nhận định túi tiền của người tiêu dùng sẽ bị
vơi đi. Ước tính khoảng cách giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu
nhập thấp nhất khoảng 10 lần thì với đề xuất này người nghèo sẽ bị ảnh
hưởng tiêu cực nhiều hơn," tờ báo viết.