Trí thức Việt Nam có lỗi lớn với dân tộc (Việt Hoàng)

Nếu một người "thất phu" cũng đáng trách khi đất nước lâm nguy thì những người được xem là "trí thức" càng đáng trách hơn rất nhiều lần vì trí thức luôn là đại diện, là tiếng nói phản ánh tâm hồn và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. 

Người Việt Nam có lẽ ai cũng biết câu "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Câu này có nghĩa là khi đất nước hưng thịnh hay suy vong, dù là một người dân bình thường cũng phải có trách nhiệm. Câu này càng đúng nếu chúng ta xem đất nước là của chung của tất cả mọi người Việt Nam.
Nếu một người "thất phu" cũng đáng trách khi đất nước lâm nguy thì những người được xem là "trí thức" càng đáng trách hơn rất nhiều lần vì trí thức luôn là đại diện, là tiếng nói phản ánh tâm hồn và trí tuệ của dân tộc Việt Nam.
Thật ra, người dân thường (thất phu) không đáng trách vì họ mải lo kiếm sống, họ không đủ thời gian và nhận thức để lo việc nước. Trí thức phải làm việc đó. Đáng buồn là trí thức Việt Nam đã không đảm đương và làm tròn bổn phận của mình đó là ‘hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng’. Sỡ dĩ cho đến bây giờ, Việt Nam vẫn chưa có dân chủ là vì trí thức Việt Nam vẫn im lặng và vô cảm trước bất công. Theo báo chí Việt Nam thì :
"Nếu như năm 2000, đội ngũ trí thức cả nước chỉ có 1.322.691 người (từ cao đẳng trở lên) thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên là 6.550.234 (gấp 4,95 lần) ;  số thạc sĩ từ 10.000 lên 118.653 người (tăng 11,86 lần), còn số tiến sĩ thì tăng từ 12,691 lên  đến 24.667 người (tăng 1.94 lần). Ngoài trí thức trong nước, còn có khoảng hơn 400.000 người trí thức Việt kiều (trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao) trên tổng số hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ" (1).
Như vậy, những người có trình độ trên cao đẳng tại Việt Nam là gần 10 triệu, chiếm 10% dân số.
Có kiến thức (cao) không có nghĩa là người đó được xem là trí thức vì ‘Trí thức là những người có kiến thức, có hiểu biết, có quan tâm đến xã hội và dám nói dám làm những điều đúng đắn’. Trong gần 10 triệu người ‘có học’ (trên cao đẳng) nêu trên có bao nhiêu người thực sự quan tâm đến đất nước ? Chắc không đến 0,1% ! Nhiều người tham gia phong trào dân chủ Việt Nam không thuộc thành phần ‘có học’ trên.
Trước một xã hội bất công và một đất nước tụt hậu như Việt Nam ngày hôm nay thì trí thức có một trách nhiệm vô cùng lớn. Họ phải làm gì ? Có ba nấc để đánh giá một người trí thức có trách nhiệm với dân tộc :
1. Lên tiếng trước những bất công và cảnh báo các nguy cơ đang đe dọa người dân và đất nước. Có nhiều trí thức Việt Nam đã và đang làm điều này.
2. Lên tiếng chỉ trích sự yếu kém và bất lực của chính quyền. Đây là việc làm khó khăn đòi hỏi sự dũng cảm của mỗi người. Cũng có khá nhiều người làm được việc này.
3. Hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng đứng dậy đấu tranh. Đây là tiêu chí và nhiệm vụ quan trọng nhất của tầng lớp trí thức, tiếc thay trí thức Việt Nam chưa làm được.
Ai cũng thấy sự thối nát của chính quyền Việt Nam đã đạt đến tột đỉnh, ngay cả đến Đinh La Thăng, một trong các ông ‘vua tập thể’, đến khi ra tòa, vẫn không được đối xử như một con người. Thử hỏi gần 100 triệu người Việt Nam sẽ bị đối xử ra sao dưới chế độ này ?
Đành rằng di sản lịch sử và văn hóa Khổng giáo đã khiến tầng lớp sĩ phu (ngày trước) và trí thức Việt Nam (ngày nay) sinh ra chỉ để làm nô bộc cho vua chúa và cường quyền, tuy nhiên đã bước sang thế kỷ 21 mà thứ văn hóa đó của trí thức Việt Nam vẫn không thay đổi. Có ý kiến cho rằng trí thức Việt Nam không yêu nước và không yêu người Việt Nam nên họ không có trái tim để cùng đau, cùng chia sẻ với những bất hạnh của dân tộc.
Rất nhiều trí thức Việt Nam ‘hồn nhiên như cô tiên’ tuyên bố rằng họ ‘không làm chính trị’, họ ‘không quan tâm đến chính trị’ vì chính trị là nhơ bẩn và xấu xa. Không những thế, có kẻ còn lên tiếng bài bác và chỉ trích những tổ chức chính trị đứng đắn như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên dù họ chẳng làm được gì. Càng có tí hiểu biết và kiến thức thì họ càng không ưa nhau, thậm chí thù ghét nhau. Tầng lớp khó đoàn kết và khó tìm được tiếng nói chung nhất chính là tầng lớp trí thức Việt Nam.
‘Chính trị’ tức là việc chung của đất nước, của mọi người vì vậy ‘làm chính trị’ là một phần quan trọng thuộc về trách nhiệm của công dân. Đa số trí thức Việt Nam khi nói rằng ‘tôi không quan tâm chính trị’ tức là họ đã chối bỏ trách nhiệm của mình đối với đất nước, xã hội, gia đình và bản thân. Họ cho rằng chỉ cần lo cho gia đình nhỏ của họ là đủ và tốt rồi, tuy nhiên dù họ không quan tâm đến chính trị nhưng chính trị lại tác động đến mọi mặt của đời sống, từ giá cả của cân gạo, cân thịt, lít xăng đến giá trông trẻ hay giữ xe đều do chính trị quyết định.
‘Không quan tâm đến chính trị’ không chỉ vô trách nhiệm với chính mình và gia đình mình mà còn là biểu hiện của sự hèn nhát và không lương thiện nếu không muốn nói là gián tiếp gây ra tội ác. Chúng ta đều biết ở các nước văn minh, không ngăn cản tội ác hay không cứu giúp người mắc nạn là một tội hình sự. Giữa kẻ phạm tội ác và kẻ biết đó là tội ác mà không ngăn cản thì nhiều lúc kẻ biết mà không ngăn cản tộc ác đáng bị lên án nghiêm khắc hơn. Trong nhiều trường hợp, có những người ‘phạm tội ác’ vì họ không ý thức được việc mình làm, có thể do khả năng hiểu biết có vấn đề hoặc do tâm thần. Trong những trường hợp này kẻ gây ra tội ác có thể ‘thông cảm và tha thứ’ nhưng những người biết rõ đó là tội ác mà không ngăn cản thì đáng trách và đáng bị lên án hơn nhiều lần. Tổng giám mục Desmond Tutu người Nam Phi, Nobel Hòa Bình 1984 có nói rằng ‘Trong trường hợp có bất công mà bạn không chọn đứng về phe nào, thì thực chất là bạn đã chọn đứng về phía áp bức’.
Câu hỏi quan trọng nhất lúc này cần đặt ra cho trí thức Việt Nam đó là : Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay những người "không làm chính trị" có lương thiện không? Trách nhiệm của người trí thức là gì ?
Có lẽ không thừa khi nhắc lại câu nói của Mục sư Martin Luther King rằng ‘cuộc đời chúng ta bắt đầu kết thúc kể từ khi chúng ta im lặng cho những điều mà đáng ra phải lên tiếng’ hay câu nói của Napoleon Bonaparte ‘thế giới chìm trong đau khổ không phải vì cái xấu, mà là bởi sự im lặng của những người tốt’.
Khi người tốt và tử tế quay lưng lại với chính trị thì kẻ xấu sẽ thao túng chính trị và đày đọa cả dân tộc. 73 năm cầm quyền của đảng cộng sản đã chứng minh cho điều đó. Và như đã nói ở trên đảng cộng sản không chỉ đày đọa dân tộc Việt Nam mà nó còn hành hạ tất cả thành viên của nó mà ông Đinh La Thăng là một ví dụ. Không một ai trong ban lãnh đạo đảng cộng sản dám lên tiếng bênh vực ông ta một lời, ngay cả ông Nguyễn Tấn Dũng. Có bao nhiêu đảng viên cộng sản và công chức nhà nước cảm thấy yên tâm và thoải mái dưới chế độ này ?
Trong suốt dòng lịch sử của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn đứng bên lề của thời cuộc. Các ông vua lập nên các triều đại mới như Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh), Lê Đại Hành (Lê Hoàn), Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), Trần Thủ Độ (người dựng lên nhà Trần), Lê Thái Tổ (Lê Lợi), Quang Trung (Nguyễn Huệ), Gia Long (nhà Nguyễn) đều là quan võ, anh hùng hảo hán chứ không phải quan văn hay xuất thân từ giới sĩ phu.
Suốt trong 80 năm đô hộ của thực dân Pháp thì trí thức Việt Nam dù được tiếp cận với văn minh của Châu Âu mà người Pháp mang đến cũng không khá hơn bao nhiêu. Đảng cộng sản (Việt Minh) một chi nhánh của Đệ tam quốc tế cộng sản, với chủ thuyết xóa bỏ biên giới quốc gia lại được trí thức và người dân ủng hộ nhiều nhất. Lý do dẫn đến thắng lợi của đảng cộng sản năm 1945 là vì sự hời hợt và vô cảm của giới trí thức Việt Nam lúc đó. Xin mời độc giả đọc lại bài viết ‘Nhìn lại Cách mạng tháng Tám’ của ông Nguyễn Gia Kiểng viết từ năm 1991 để hiểu thêm về các tổ chức chính trị và đảng phái thời đó (2).
Ngày hôm nay, có vẻ lịch sử năm 1945 đang lặp lại. Đất nước đang lâm nguy và đứng bên bờ vực thẳm nhưng tầng lớp trí thức Việt Nam vẫn tiếp tục đứng bên lề của thời cuộc. Họ thờ ơ và không quan tâm đến vận nước. Không ai nghĩ đến chuyện tham gia hay thành lập các tổ chức chính trị để tranh đấu một cách bài bản hay có một lộ trình cụ thể để thay đổi Việt Nam về hướng dân chủ.
Trí thức Việt Nam không chịu hiểu rằng đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa các tổ chức chứ không phải đấu tranh cá nhân. Họ không thể nào kêu gọi người dân Việt Nam đoàn kết khi bản thân họ không tham gia hay ủng hộ cho bất cứ tổ chức chính trị dân chủ đối lập nào. Cũng không có một tổ chức nào ngoài Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đưa ra được một Dự Án chính trị cho đất nước. Ngay cả Dự án Chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng gặp phải sự thờ ơ của tầng lớp trí thức Việt Nam. Không mấy ai lên tiếng phản đối hay ủng hộ cho dự án chính trị đó ngoài các bạn trẻ, là thế hệ sinh ra sau biến cố 30/4/1975.
Đừng quên rằng, từ xưa đến nay, tất cả các cuộc cách mạng đổi đời đều phải do giới trí thức lãnh đạo và dẫn dắt. Việt Nam tụt hậu và thua kém các dân tộc khác vì trong suốt dòng lịch sử, trí thức Việt Nam chưa bao giờ xây dựng được cho mình và đất nước một tổ chức chính trị thật sự với một đội ngũ nhân sự chính trị có hiểu biết và một tư tưởng chính trị trong sáng, lành mạnh chuyên chở các giá trị của thời đại. Trí thức Việt Nam phải biết rằng không có ‘tư tưởng chính trị’ thì không thể có các tổ chức chính trị. Không có Kinh thì không thể có Đạo. Có những tổ chức ra đời nhưng vì không có tư tưởng chính trị nên không thể phát triển hoặc sớm tan rã.
Các chế độ độc tài trên thế giới đang co cụm lại để tự vệ nhưng dù cố gắng đến đâu chúng cũng sẽ bị làn sóng dân chủ thứ Tư tràn tới và quét đi. Các nước độc tài như Nga, Trung Quốc... đang chuyển từ chế độ tài đảng trị sang chế độ độc tài cá nhân trị với sự phong đế suốt đời cho Putin hay Tập Cận Bình và đây là quá trình tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ độc tài. Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Việt Nam đang đứng trước một khúc quanh trọng đại của lịch sử, một kỷ nguyên mới đang đến với dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên của tự do và dân chủ. Trí thức Việt Nam cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trước vận mệnh và tương lai của đất nước. Việc làm cần nhất trong lúc này là tìm hiểu các dự án chính trị của các tổ chức dân chủ đối lập để rồi ủng hộ cho một tổ chức tâm đắc nhất. Không có các tổ chức chính trị dân chủ thì không thể có dân chủ cho Việt Nam.
Việt Hoàng
(03/04/2018)
----------------