USS Carl Vinson đến VN: Quan hệ Mỹ - Việt 'trưởng thành' (Tiến sĩ Jonathan T. Chow)
Sự kiện này không nhằm chuyển tải một thông điệp
về sức mạnh quân sự Mỹ, mà quan trọng hơn, là nhằm trấn an Việt Nam và
các nước Đông Nam Á khác rằng Hoa Kỳ vẫn có mặt ở khu vực này.
Việc một hàng không mẫu hạm Mỹ lần
đầu cập cảng Việt Nam sau hơn bốn thập kỷ có ý nghĩa quan trọng, tuy
đây chỉ là dấu hiệu mới nhất cho một xu hướng rộng hơn trong quan
hệ quốc phòng Việt - Mỹ ngày một nồng ấm.
Kể từ khi hai nước
bình thường hóa quan hệ năm 1995, Mỹ và Việt Nam đã cải thiện quan
hệ ngoại giao, chính trị và quốc phòng.
Dưới chính sách "tái cân
bằng sang châu Á" của chính quyền Obama, Hoa Kỳ và Việt Nam ký một
hiệp định đối tác toàn diện năm 2013. Tháng 05/2016, chính quyền Obama
dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam. Cho đến thời điểm chính
quyền Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi
năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đều cam kết theo đuổi TPP như một cách gắn
kết hai nền kinh tế chặt chẽ hơn.
Từ
2010, Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam đã thực hiện các đợt hoạt
động hải quân hàng năm, tập trung vào các kỹ năng phi tác chiến như
cứu hộ, an ninh hàng hải, và tập huấn Quy tắc cho Các cuộc đụng độ
Trên biển Không định trước.
Các tàu hải quân Mỹ cũng từng cập
cảng của Việt Nam từ khi tàu khu trục Mỹ USS Vandegrift tới Thành phố
Hồ Chí Minh hồi tháng 11/2003 - chuyến thăm đầu tiên của một tàu hải
quân Mỹ tới Việt Nam kể từ khi Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt.
Sự kiện này không nhằm chuyển tải một thông điệp
về sức mạnh quân sự Mỹ, mà quan trọng hơn, là nhằm trấn an Việt Nam và
các nước Đông Nam Á khác rằng Hoa Kỳ vẫn có mặt ở khu vực này.
Tổng thống Donald Trump gửi một thông điệp lẫn lộn
tới các nước châu Á về cam kết của Hoa Kỳ cho an ninh khu vực và hợp tác
kinh tế. Trong ngày đầu nhậm chức, ông ký lệnh rút nước Mỹ ra khỏi
TPP.
Mặc dù đây là một hiệp định thương mại, chính quyền Obama
từng coi TPP là một cách Mỹ thể hiện cam kết lâu dài cho thương mại
và hợp tác an ninh với các nước dọc Vành đai Thái Bình Dương. Việt Nam
rất thất vọng khi Mỹ rút khỏi TPP, đặc biệt khi Mỹ là thị trường xuất
khẩu quan trọng nhất của nước này. Chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson
cho thấy mặc dù có những thay đổi về chính sách, quan hệ an ninh giữa
Mỹ và Việt Nam đang tiếp tục trưởng thành.
Lẽ
dĩ nhiên, chuyến thăm của tàu Carl Vinson còn có ý nghĩa tượng trưng
đối với tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra giữa Trung Quốc và Việt Nam ở
Biển Đông. Philippines, quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền ở
Biển Đông, đã mạnh mẽ khi kiện Trung Quốc ra tòa dưới thời Tổng thống
Benigno Aquino III.
Năm 2016, Việt Nam được sự ủng hộ lớn cho
tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán
quyết ủng hộ Philippines đối với "đường chín đoạn" của Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên
cầm quyền ở Philippines tháng 06/2016, ông đã tìm cách ve vãn đầu tư và
thương mại của Trung Quốc, mở các cuộc đàm phán song phương với Trung
Quốc về Biển Đông, gây đồn đoán về khả năng hai bên cùng thăm dò dầu khí
hơn là thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài.
Hôm 1-3, Philippines tuyên bố nước này đang đàm phán
với một công ty nhà nước của Trung Quốc về khả năng cùng thăm dò và
khai thác nhiên liệu ở Biển Đông. Tổng thống Duterte thậm chí còn nói
về vụ hợp tác tiềm năng này giống như "quyền đồng sở hữu" của vùng lãnh
thổ tranh chấp.
Mặc dù hiện chưa rõ thương vụ này có thành
hiện thực không, giọng điệu mềm mỏng hơn của Philippines đối với Trung
Quốc đã cản đà Việt Nam phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Vì
vậy, việc hàng không mẫu hạm Mỹ cập cảng Việt Nam sẽ nhiều khả năng
được Hà Nội chào đón như một dấu hiệu yên tâm rằng Mỹ vẫn cam kết
đảm bảo tự do đi lại trên Biển Đông.
Cuối cùng, tôi cảnh báo các bạn đừng nhìn sự kiện
này đơn thuần qua lăng kính của sự cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ hay Trung
Quốc - Việt Nam. Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục có tranh chấp
lãnh thổ, Việt Nam nhập nhiều hàng hóa của Trung Quốc hơn từ bất cứ
quốc gia nào khác và hai nước vẫn tiếp tục hợp tác trong một loạt các
lĩnh vực.
Điều mà Việt Nam đang cố gắng thực hiện là đa dạng
hóa quan hệ để không quá phụ thuộc vào bất kỳ nước nào. Vì thế, chúng
ta thấy Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong khối ASEAN, thực
hiện vai trò chủ tịch hiệp hội này một cách ấn tượng năm ngoái. Chủ
tịch Trần Đại Quang đang thăm Ấn Độ, tiếp theo chuyến thăm Việt Nam
của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hồi 2016 và tìm cách thắt chặt quan
hệ kinh tế và quốc phòng.
Chúng ta cũng đã thấy Việt Nam dùng Cảng Quốc tế
Cam Ranh như một cách chào đón và bảo dưỡng tàu hải quân từ nhiều quốc
gia, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật và Pháp. Điều đáng chú ý là
mặc dù chuyến thăm của USS Carl Vinson có ý nghĩa lớn, Việt Nam chỉ
cho cho phép các tàu hàng hải nước ngoài vào Việt Nam mỗi năm một lần.
Ngoại lệ duy nhất là Nga, với tàu của nước này được phép vào Vịnh Cam
Ranh nhiều lần mỗi năm nếu báo trước, theo một thỏa thuận ký hồi 2014.
Điều này thực ra đã gây quan ngại cho Washington khi có tiết lộ
rằng các máy bay ném bom Nga bay gần đảo Guam đã được tiếp nhiên liệu
từ các tàu chở dầu đậu ở Vịnh Cam Ranh. Mặc dù Mỹ muốn cho các tàu hải
quân của mình được vào Vịnh Cam Ranh nhiều hơn, Việt Nam vẫn lưỡng lự.
Cho tàu hải quân Mỹ có đặc quyền giống các tàu hải quân Nga ở
Vịnh Cam Ranh [trong tương lai] sẽ là một dấu hiệu quan trọng chứng tỏ
sự trưởng thành của quan hệ Việt - Mỹ.
*Tiến sĩ Jonathan T. Chow là giảng dạy ở Khoa Hành chính Công và Chính phủ tại Trường Đại học Macau.