Trung Quốc dựng rào cản nông sản Việt (Thanh Niên)
Bộ Công thương cho biết, từ ngày 1.4.2018, Trung Quốc yêu cầu các
doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hoa quả nước này khi làm thủ tục xin “Giấy
phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” phải cung cấp thêm “hình ảnh
chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.
Trung Quốc đang từng bước thể hiện nước này không còn là thị trường dễ tính bằng các rào cản kỹ thuật.
Bộ Công thương cho biết, từ ngày 1.4.2018, Trung Quốc yêu cầu các
doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hoa quả nước này khi làm thủ tục xin “Giấy
phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” phải cung cấp thêm “hình ảnh
chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.
Thông tin bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà
xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Bên cạnh đó, ngành chức
năng nước này cũng khuyến cáo DN có thể dán thêm nhãn để bổ sung các
thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả
để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Trước đó, vào cuối năm 2016 đầu năm 2017, Trung Quốc cũng đã đặt ra
các yêu cầu rất nghiêm ngặt với hạt gạo VN và đã cử đoàn công tác sang
tận ruộng, vào tận nhà máy để kiểm tra quy trình sản xuất, chế biến gạo.
Theo ông Nguyễn Bá Tùng, chủ vựa trái cây ở An Hữu (Tiền Giang),
nhu cầu của thị trường Trung Quốc rất đa dạng, cái gì họ cũng “ăn” nhưng
còn tùy theo mùa vụ ở bên đó.
"Trước giờ chúng tôi cung cấp hàng cho các DN ở TP.HCM xuất khẩu,
chỉ thấy các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu có yêu cầu giấy tờ chứ chưa
nghe chuyện “đi” Trung Quốc cũng phải truy xuất hay kiểm dịch. Nếu quy
định được áp dụng ngày 1.4 tới thì rõ ràng việc xuất khẩu sang Trung
Quốc sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Về lâu dài thì việc này cũng bình thường
vì đây là việc chúng ta đã quen khi xuất hàng vào các thị trường khó
tính. Tuy nhiên, nguồn hàng đi Trung Quốc rất lớn, đồng nghĩa với sự
tham gia hợp tác của bà con nông dân", ông Tùng nói.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu
rau quả vào Trung Quốc đạt 2,65 tỉ USD, tăng 52% so với năm 2016. Thị
trường Trung Quốc hiện chiếm đến 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả
của VN. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh vì nhu cầu
rất lớn và VN là nguồn cung bổ sung.
Nhìn vấn đề ở góc độ lạc quan, các rào cản sẽ giúp VN nâng cao quy
trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, kể cả thị trường Trung Quốc cũng
ngày càng khó tính và chúng ta cần phải thay đổi tư duy để bắt kịp thị
trường.
Chí Nhân