Triệu tập Nguyễn Tấn Dũng - Tại sao không? (Trương Duy Nhất)

Trở lại vụ đại án đang xử. Đinh La Thăng, và các bị cáo khác nên yêu cầu tòa triệu tập cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phải ý thức rằng đó là quyền đương nhiên của bị cáo.
 
 
 Vụ 800 tỷ Oceanbank đang xử. Khi Đinh La Thăng khai vai trò của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến sự chỉ đạo, đồng ý để PVN bưng một núi tiền sang "gửi" Oceanbank, nhưng thấy Hội đồng xét xử bỏ qua, không triệu tập ông Dũng.
Tòa cho qua. Nhưng tôi nghĩ, ở quyền lợi bị cáo, Đinh La Thăng và các bị cáo khác nên yêu cầu triệu tập ông Dũng ra tòa đối chất. Tại sao không ?
Và một khi đã có yêu cầu từ bị cáo, thì tòa phải triệu tập. Phải xem đây là nguyên tắc bắt buộc, không được từ chối.
Trước tòa, Hội đồng xét xử phải triệu tập nhân chứng, người bị hại, hoặc các cá nhân liên quan khác theo yêu cầu của bị cáo. Không thể vin cớ "không cần thiết" (theo quan điểm của Hội đồng xét xử) để từ chối yêu cầu triệu tập. Hội đồng xét xử cho rằng "không cần thiết", nhưng bị cáo lại cho rằng "cần thiết", để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo trong khi xét xử, thì Hội đồng xét xử không có quyền từ chối.
Sẽ là sai phạm, bất công lớn khi Hội đồng xét xử tự coi việc triệu tập là quyền của tòa, chứ không phải quyền của bị cáo.
Rất nhiều, nếu không muốn nói là đa phần các vụ án (đặc biệt án chính trị), Hội đồng xét xử đều từ chối các yêu cầu triệu tập của bị cáo.
Ở vụ án của tôi trước đây, không chỉ yêu cầu tại tòa, trước cả hai phiên xét xử (sơ và phúc thẩm), tôi đều có đơn yêu cầu triệu tập các cá nhân liên quan (được cáo trạng xem là đối tượng "bị hại" trong vụ án) gồm : Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Nông Đức Mạnh... Đặc biệt với trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, tôi yêu cầu "nếu triệu tập không đến thì phải dẫn giải".
Nhưng đã không "đối tượng bị hại" nào được triệu tập, không "người bị hại" nào được dẫn giải tới tòa.
Xét xử một bị cáo về hành vi "xâm hại" đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, mà không có sự đối chất với đối tượng "bị hại", không xác định được ai là người bị hại.
Đến giờ, tôi vẫn tin rằng, không ai trong số họ (cả ông Nguyễn Tấn Dũng) dám cho rằng những bài viết của tôi là "xâm hại, bôi nhọ", làm giảm "uy tín chính trị" của họ. Và thật sự, nếu triệu tập họ đến tòa, nếu cho đối chất sòng phẳng, công tâm, thì tôi xử họ chứ làm sao họ xử được tôi.
Nguyên tắc tranh tụng trước tòa, không có sự đối chất này, coi như phiến diện, một chiều, dễ mắc oan sai.
Trở lại vụ đại án đang xử. Đinh La Thăng, và các bị cáo khác nên yêu cầu tòa triệu tập cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phải ý thức rằng đó là quyền đương nhiên của bị cáo.
Các thẩm phán chủ toạ phiên tòa, cũng nên trưởng thành hơn trong nhận thức để hiểu rằng : Triệu tập, không chỉ là quyền của tòa án, cơ quan điều tra, công tố, mà còn phải được xem là quyền của bị cáo. Tước bỏ quyền này là tước bỏ nguyên tắc công bằng trong tranh tụng, xét xử, là xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Nhận thức vậy, hiểu được vậy, thì Nguyễn Tấn Dũng hay bố, tổ, tông ti thằng X cũng phải triệu đến tòa.
Nhận thức vậy, xử vậy, thì khối kẻ đã vào tù thay tôi.
Nhận thức vậy, xử vậy, thì trước tòa hôm nay, sẽ không chỉ là Đinh La Thăng.
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 21/03/2018 (truongduynhat's blog)