Liệu ông Tập có rời sân bóng sau 2023? (BBC)
"Tôi không thể chịu được việc này nữa. Tôi đã
thảo luận với các bạn bè và chúng tôi đều bực bội. Chúng tôi muốn nói
lên sự phản đối của mình."
Gia hạn nhiệm kỳ cho Chủ tịch nước
Tập Cận Bình sẽ là "trò hề", theo ý kiến nêu công khai của ông Lý Đại
Đồng, cựu tổng biên tập một tạp chí của Trung Quốc.
Nhà báo từng
phụ trách tạp chí Băng Điểm của nhật báo Đoàn Thanh niên Trung Quốc đã
gửi thư tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Kinh, nơi ông cư trú, phản đối
đề nghị gia hạn các nhiệm kỳ chủ tịch và phó chủ tịch nước.
Nếu được thông qua, sửa đổi Hiến pháp về nhiệm kỳ "quá ba lần" này sẽ cho ông Tập Cận Bình cầm quyền quá năm 2023.
Các báo quốc tế đã nói đây là động thái giúp ông Tập Cận Bình trở thành nhân vật số một "như Mao Trạch Đông".
Truyền
thông nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ cho đề nghị sửa hiến
pháp về nhiệm kỳ của lãnh đạo cao nhất, và ca ngợi ông Tập Cận Bình.
Báo China Daily nói bỏ hạn chế về nhiệm kỳ là cần thiết để "hoàn thiện hệ thống lãnh đạo Đảng và Nhà nước".
Nhật Báo Quân Giải phóng thì viết động thái này là "cần thiết và đúng lúc vô cùng".
Nhưng khi trả lời BBC Tiếng Trung qua điện thoại từ
Bắc Kinh hôm 27/02/2018, nhà báo Lý Đại Đồng nói ông "đã quá già để mà
sợ hãi".
Ông giải thích vì sao ông nhắn trên mạng WeChat cho đoàn
đại biểu Quốc hội từ thành phố Bắc Kinh, nói việc gia hạn nhiệm kỳ
"sẽ chỉ gieo mầm nội loạn".
"Là công dân Trung Quốc, tôi có nghĩa
vụ phải cho các đại biểu Quốc hội biết quan điểm của mình. Tôi không
quan tâm các đại biểu có hành động gì hay không. Nhưng không thể mặc
định là cả nước đều đồng ý với kiến nghị sửa Hiến pháp. Người ta chỉ bị
buộc im lặng."
"Tôi không thể chịu được việc này nữa. Tôi đã
thảo luận với các bạn bè và chúng tôi đều bực bội. Chúng tôi muốn nói
lên sự phản đối của mình."
Ông cũng cho hay, trên nguyên tắc, các
đại biểu Nhân dân Đại hội Toàn quốc nhận tin nhắn của ông là đại diện
cho vài triệu cử tri thủ đô, gồm có ông.
"Tôi thể hiện ý kiến của mình bằng cách an toàn, hợp pháp."
Tên
của ông Tập Cận Bình đã được ghi vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung
Quốc với "tư tưởng" của ông thành một phần văn kiện Đảng.
Con người ông Tập trở thành 'hạt nhân trung tâm' của tổ chức hơn 90 triệu thành niên này sau kỳ đại hội cuối 2017
Các vấn đề lịch sử
Sinh năm 1952, từng làm tổng biên tập Băng Điểm
(Freezing Point), một tuần báo thuộc Nhật báo Đoàn Thanh niên, ông Lý
Đại Đồng bị đuổi việc năm 2006.
Lý do trực tiếp là 'án báo chí'
khi Băng Điểm đăng một bài nghiên cứu đặt lại vấn đề về nhà Thanh và
phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (Boxing rebellion).
Nhưng theo báo nước
ngoài như The Guardian, nguyên nhân chính khiến ông Lý Đại Đồng bị sa
thải là vì ông liên tục đòi quyền tự do thông tin ở Trung Quốc.
Hiện
ông viết cho trang OpenDemocracy có trụ sở tại London nhưng các bài báo
không được phép xuất hiện trên mạng ở Trung Quốc.
Những vấn đề lịch sử thường được trí thức Trung Quốc lật lại để nói lên các chủ đề hiện đại.
Ngay khi xuất hiện ý tưởng để ông Tập Cận Bình
"gia hạn" nhiệm kỳ sau 2023, có ý kiến đã ví ông với Viên Thế Khải thời
cuối nhà Thanh.
Blogger có nick Zhang Chaoyang viết trên mạng xã hội:
"Đêm qua, giấc mơ phục hồi chế độ phong kiến của Viên Thế Khải đã trở lại trên quê hương."
Từ một sứ quân đầy quyền lực, Viên Thế Khải sau khi Thanh triều bị lật đổ, đã làm Tổng thống nền Cộng hòa Trung Hoa năm 1912.
Sang năm 2015, ông tuyên bố lập vương triều Hồng Hiến theo Khổng giáo và tự xưng làm Đại Hoàng Đế.
Triều đại của ông Viên Thế Khải chỉ tồn tại được 83 ngày.