Táo mòn (Luân Lê)

Táo quân, chỉ khiến cho những con người bế tắc trong đời thường, tìm lấy sự cảm thông và được chia sẻ những nỗi bức xúc, phẫn uất dồn nén, tìm đến như một sự trút bỏ. Và họ được chính cái triều đình bấn loạn cai trị ấy ban thưởng cho những tràng cười nhạt nhẽo, bi kịch mà họ chính là những người đang thừa hưởng và gánh chịu những thứ bất công ấy.


Năm nay thực ra có một chút thay đổi về cách trình diễn nhưng về cơ bản thì nội dung và khung chương trình vẫn như cũ: kể ra các hậu quả yếu kém, những thứ thiệt hại, những bất cập và tồn tại trong mọi ngành, nghề và lĩnh vực. Và nó vẫn không có bất cứ giải pháp gì ngoài mấy lời khuyên bảo là từ giờ không như vậy nữa. Chấm hết.

Ở đó, vị Ngọc Hoàng vẫn là vị “to nhất” trên thiên đình. Ở đó vẫn chỉ có vị trí độc tôn quyền lực. Và ở đó vẫn chỉ có những câu nói sáo rỗng, vô hồn và vô dạng đối với những trò lố của các Táo. Chẳng ai phải chịu trách nhiệm, từ người có nghĩa vụ và chức phận đối với việc quản lý, đến người đứng đầu thiên đình. Có vẻ như tất cả đều vô can và không có bất kể phương án hay chế tài nào được đưa ra giải quyết hoặc xử lý. Tất cả đâu lại đóng đó. Người dân vẫn gánh chịu mọi biến cố, hậu quả, nhưng thiên đình thì là một sân khấu tuồng, chèo, tố nhau qua lại, bẩm báo lố bịch, rồi nhân dân dưới hạ giới vẫn nhận tất thảy những “12 cái nút áo”, “chiếc cánh giả gãy rời”, “sợi dây kinh nghiệm rút mãi không hết” hay “đường giao thông bé như sợi tóc”.

Ở đó, vẫn là một triều đình rối loạn, lên án và cứ để đó năm này qua năm khác, không năm nào hậu quả giống năm nào. Và sẽ ra sao nếu ông to nhất thiên đình trở nên tồi bại, kém trí hay vô đạo? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu người này, với vị thế lớn như vậy, lại không gì kiểm soát và có thể thay thế? Tại sao vị to nhất không phải là nhân dân? Tại sao lại có một triều đình để bàn luận về những vấn đề của một xã hội trong lòng quốc gia mà vô phương cách cứu chữa?

Vậy, giá trị một tác phẩm nghệ thuật là ở đâu, nếu không thể thức tỉnh dân chúng, không có giải pháp thiết thực hay chí ít là đem lại tiếng nói của người dân bằng việc đòi hỏi phải có những áp lực, sự chịu trách nhiệm?

Táo quân, chỉ khiến cho những con người bế tắc trong đời thường, tìm lấy sự cảm thông và được chia sẻ những nỗi bức xúc, phẫn uất dồn nén, tìm đến như một sự trút bỏ. Và họ được chính cái triều đình bấn loạn cai trị ấy ban thưởng cho những tràng cười nhạt nhẽo, bi kịch mà họ chính là những người đang thừa hưởng và gánh chịu những thứ bất công ấy.

Điều lố bịch hơn nữa ở Táo quân năm nay, đó là việc, họ đổ lỗi khá nhiều cho mạng xã hội. Trong khi, những bất công và tiêu cực ở lĩnh vực nào cũng có và cũng lớn (thông qua các Táo báo cáo). Vậy những bất công ấy ở mạng xã hội mà ra? Hay chỉ từ khi có mạng xã hội thì nhiều sự thật mới được phơi bày, nhiễu nỗi oan khuất mới được minh giải, nhiều những khổ đau bị che khuất mới được bộc lộ? Bất công có từ sau khi mạng xã hội trở thành một phương tiện thông tin hữu ích hay từ trước khi nó tồn tại? Mạng xã hội chỉ là một phương tiện, và người ta không thể đổ lỗi cho phương tiện một khi những con người không đủ nhận thức, sự giáo dục và cả luật pháp kiểm soát hữu ích sử dụng nó.

Và cũng cần phải nói thêm, tại sao một số hình ảnh tốt của những viên chức công quyền lại ít được chia sẻ và biểu dương? Đơn giản ở hai lẽ, một là những thứ xấu xí quá nhiều trong xã hội, đến mức người ta không còn muốn hoặc có đủ thời gian để nghĩ về những điều tốt. Hai là, người ta đã trở nên nghi ngờ những thứ tốt đẹp, họ không còn đủ niềm tin vào những điều đó là trung thực khi mà họ thấy quá nhiều sự dối trá quanh mình và ở mọi nơi, mọi lúc. Hơn nữa, việc làm vài việc được cho là tốt, đáng ra đó là những việc làm đương nhiên của một con người trong một xã hội nếu có đầy đủ sự giáo dục, văn minh và nhân bản, vậy cần gì phải biểu dương những giá trị bình thường của một xã hội bình thường và đúng mực (?). Đó là điều mới cần phải bàn và đáng phải lo cho một xã hội hơn là đặt câu hỏi như là một hệ quả tất yếu của xã hội không còn lòng tin và điều tử tế dành cho nhau.

Đổ lỗi cho xã hội hoặc phương tiện nào đó thực rất dễ dàng và ai cũng sẽ vô can. Nhưng nhìn vào bản chất cũng như cội rễ vấn đề để nói lên và đưa ra những giải pháp thay đổi tốt hơn lên đó mới là giá trị của một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Chứ không phải nó chỉ đơn giản là liều moóc phin để người ta quên mất cơn đau và cái chết đang cận kề trong chính mình.