Cần tư duy đổi mới về ăn Tết (Trung Chánh)

Ở đây, nếu mình coi kinh nghiệm của Nhật Bản, Tết Dương lịch họ cũng làm lớn như các nước khác. Nhưng, Tết Âm lịch, họ nghỉ trong 3 ngày và chỉ thực hiện những tục lệ còn thích hợp, chứ không kéo dài như Việt Nam mình. Ví dụ, Việt Nam duy trì Tết Âm lịch, thì trước Tết khoảng mấy tuần mọi người cũng đã bận rộn lo Tết, rồi khi xong Tết kéo dài như vậy công việc bị dồn ứ. Thành ra, bây giờ nên gom hai cái Tết lại thành một và nên duy trì 3 ngày Tết Âm lịch để làm những thủ tục cổ truyền một cách gọn gàng, văn minh như cách gìn giữ những giá trị văn hóa.

 GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh


Nhiều nước phát triển ở châu Á hiện đã chuyển sang đón Tết giống như các nước phương Tây hoặc tổ chức kỳ nghỉ Tết cổ truyền của họ chỉ trong ba ngày. Việt Nam có nên thực hiện như vậy hay tiếp tục duy trì đón Tết dài ngày như hiện nay?

TBKTSG Online đã trao đổi với GS. TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, người 11 năm trước làm “nóng” dư luận khi đề xuất gộp tết ta vào tết tây, xung quanh vấn đề này.

TBKTSG Online: Có ý kiến cho rằng Việt Nam hiện mất quá nhiều thời gian vào việc đón Tết cổ truyền, trong khi các nước phát triển thì ngược lại, họ đón Tết chỉ trong vài ba ngày. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- GS. TS Võ Tòng Xuân: Theo tôi, những người nêu ra ý kiến trên không phải họ muốn bỏ Tết cổ truyền, mà là gom hai cái Tết (Dương lịch và Âm lịch) lại thành một. Hiện nay, khuynh hướng này đã có rồi, mà cụ thể là ba năm nay, tối 31-12 thì dân mình cũng làm như quốc tế rồi, tức cũng tụ họp, vui chơi; lãnh đạo mình cũng có thông điệp y như các quốc gia khác trên thế giới. Tôi rất mừng về điều đó.

Cách đây 11 năm, khi tôi đề xuất lên Chính phủ, có rất nhiều ý kiến chống đối vì nhiều người lớn tuổi họ chờ những ngày Tết cổ truyền để tiến hành lễ hội do người ta không có những cái gì bức xúc để phải đi làm việc, trong khi đó, những người có công ăn việc làm, người ta không có nhiều thời gian để hưởng thụ cái Tết.

Ở đây, nếu mình coi kinh nghiệm của Nhật Bản, Tết Dương lịch họ cũng làm lớn như các nước khác. Nhưng, Tết Âm lịch, họ nghỉ trong 3 ngày và chỉ thực hiện những tục lệ còn thích hợp, chứ không kéo dài như Việt Nam mình. Ví dụ, Việt Nam duy trì Tết Âm lịch, thì trước Tết khoảng mấy tuần mọi người cũng đã bận rộn lo Tết, rồi khi xong Tết kéo dài như vậy công việc bị dồn ứ. Thành ra, bây giờ nên gom hai cái Tết lại thành một và nên duy trì 3 ngày Tết Âm lịch để làm những thủ tục cổ truyền một cách gọn gàng, văn minh như cách gìn giữ những giá trị văn hóa.

Xuất phát từ ý như thế nào mà ông lại đưa ra đề xuất như vậy?

- Xuất phát từ công việc mình thôi vì ngày nào cũng thiếu thời gian để làm hết công việc. Tôi gặp bà con nông dân cũng vậy, đôi khi ngày mùng một Tết họ cũng phải ra ngoài đồng để lo sâu bệnh hoặc lo thu hoạch. Nếu mình có công ăn việc làm thì bắt buộc phải làm, chứ không thể bỏ để lo đi chơi.

Trong khi đó, nhiều người không có nhiều việc, thì họ trông chờ Tết để thực hiện lễ lộc, vui chơi, đó là cái chính của họ, chứ không phải để họ làm ra tiền.

Khi nhìn tới các nước Tây phương, người ta cũng làm như thế. Bây giờ công việc mình nó đi lên trên thế giới phẳng rồi, có internet thông suốt, thì trong khi người ta đang làm việc, chuyển tới cái này, đưa tới cái kia để mà làm ăn với mình, thì mình cũng không thể nghỉ được, phải làm với người ta. Ngược lại, khi người ta nghỉ, thì mình cũng đâu nhận được cái gì từ họ.

Nếu xét về góc độ kinh tế, thì đề xuất của ông có ý nghĩa thế nào trong đóng góp cho nền kinh tế?

- Bây giờ, công việc làm của mình đang còn rất yếu nên người ta mới đi làm ruộng, làm nông nghiệp. Dân số làm nông nghiệp của mình hiện trên 70%, trong khi bên Hà Lan dân số trong nông nghiệp chỉ 2,9%, còn 97,1% người ta làm mấy công việc khác, có thu nhập cao hơn và 2,9% dân số làm nông nghiệp của họ, thì người ta cơ giới hóa, sản xuất lớn nên người ta cũng giàu hơn.

Còn mình bây giờ, doanh nghiệp cũng yếu, không tạo ra nhiều công ăn việc làm, thành ra phải trở lại làm nông nghiệp, mà làm nông nghiệp thì mạnh ai nấy làm, đất đai manh mún... Những người có học, có kỹ thuật cao, thì người ta vượt lên được, nhưng phần lớn không vượt được. Ví dụ, với nông dân làm lúa, thời xưa còn cày bừa, nhổ mạ cấy rồi làm cỏ, bơm nước, thu hoạch thủ công. Nhưng bây giờ hầu như máy làm hết nên số ngày làm việc của người nông dân giảm, thành ra bây giờ Nhà nước phải làm thế nào tạo ra nhiều công ăn việc làm, mà cụ thể là Chính phủ khuyến khích khởi nghiệp để tạo ra nhiều doanh nghiệp hay nói cách khác tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động dư thừa từ nông nghiệp. Khi tiến tới mức đó, tức người ta có công ăn, việc làm nhiều thì người ta sẽ không nhất thiết phải nghỉ Tết rất dài, tới mười mấy ngày như hiện nay.

Như vậy, nếu xã hội có nhiều doanh nghiệp, tạo ra nhiều công ăn việc làm, mà những doanh nghiệp này được Nhà nước “chăm sóc, nâng đỡ” để họ làm cho thành công, sản xuất tốt để đóng góp cho Nhà nước và nó cũng cần nhiều lao động để làm, người lao động, doanh nghiệp tăng lợi tức, Nhà nước thu được ngân sách nhiều hơn.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập, trong khi đó mình nghỉ Tết quá nhiều, phải chăng mình đã lãng phí quá nhiều nguồn lực, cơ hội để phát triển?

- Đúng rồi, nếu nhìn qua Hồng Kông hoặc Singapore, họ vừa ăn Tết tây vừa ăn Tết ta, nhưng họ cũng nghỉ có ba ngày thôi, chứ đâu nghỉ quá nhiều như mình. Bên đó, nghỉ kéo dài họ sẽ bị đuổi việc vì họ làm công việc theo kiểu Tây phương. Còn mình, không ai đuổi, tức không có gì bắt buộc họ làm nhiều, trong khi ở những nơi người ta có công việc ổn định, thì buộc người ta nghỉ người ta cũng không nghỉ.

Thông qua đề xuất của mình, tức gom Tết Dương lịch và Tết Âm lịch thành một, ông gửi gắm điều gì đến người dân Việt Nam?

- Tôi thấy đất nước mình phát triển đi lên, nhất là trong giai đoạn với Chính phủ đổi mới của mình, có rất nhiều tư duy của Chính phủ đã tiến tới cái hướng làm sao cho đất nước giàu thật sự, thành ra những biện pháp được Chính phủ công bố như nâng đỡ doanh nghiệp, thì cái hướng rất là hay.

Khi Chính phủ có tư duy đổi mới như vậy, tôi rất mong những chính sách mới về lao động cũng phải được thay đổi thật sự, chứ không phải thay đổi theo cái báo cáo. Chính sách về người lao động, chính sách mở rộng kinh tế, sản xuất phải đi song song với nhau. Trong khi đó, thanh niên khi được học trong các trường đại học, trường nghề phải “học thật sự”, chứ không phải học giả như hiện nay. Vì vậy, nền giáo dục của mình phải thật sự cải tiến, nhất là giáo dục phổ thông và phải biết được một ngoại ngữ để khi học sinh ra trường bắt kịp các nước, chứ không phải như bây giờ học sinh ra trường năng lực yếu quá.

Đào tạo của mình có chất lượng, rồi doanh nghiệp phát triển, tức các thanh niên có việc làm tốt, thì đất nước mình sẽ phát tiển. Khi đó, nhu cầu tìm những ngày vui chơi, lễ hội dài như hiện nay sẽ không còn, mà người ta tập trung lao động để làm giàu cho bản thân và đất nước, chứ không phải để vui chơi theo thủ tục cổ truyền của mình.

Nhật Bản đã đổi ngày ăn Tết theo dương lịch từ năm 1873. Đất nước có tư duy dám đổi mới như thế cách đây 145 năm, thì tư duy đó mới làm được những việc lớn cho quốc gia phồn thịnh như ngày nay. Còn Việt Nam chúng ta chậm tiến, chậm giàu vì thiếu những tư duy dám đổi mới như thế. Nước ta đang có Chính phủ có tư duy đổi mới, hy vọng trong tương lai gần Nhà nước cũng thấy cần tăng cạnh tranh của người Việt Nam bằng cách sử dụng hiệu quả nhất thời gian của từng lao động.

Theo TBKTSG