Mậu Thân 1968, giải mã một nghịch lý lịch sử (Nguyễn Gia Kiểng)

Nếu những người cầm đầu chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm Mậu Thân 1968 không quá tồi, nếu Westmoreland không kém như vậy, nếu Lyndon Johnson không hoảng hốt? Chỉ cần một trong ba lý do đó vắng mặt thì hậu quả của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã khác hẳn và lịch sử Việt Nam cũng sẽ khác hẳn




50 năm sau cuộc tổng tấn công đẫm máu của quân đội công sản vào các thành phố và thị xã miền Nam Việt Nam một câu hỏi dần dần lấn át tất cả những câu hỏi khác: tại sao một thảm bại quân sự cho Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có thể biến thành một thắng lợi chính trị quyết định cho họ? Câu hỏi này chứng tỏ rằng ngày nay người ta đã biết khá rõ nhiều sự thực về biến cố lịch sử này và càng biết nhiều hơn càng thấy nó khó hiểu.

Một thảm bại quân sự

Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 nhiều khi được mô tả là gồm ba đợt: đợt 1 vào dịp Tết Mậu Thân, đợt 2 vào tháng 5 và đợt 3 vào tháng 8. Tuy vậy người dân miền Nam vẫn gọi chung biến cố này là "cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân" bởi vì nó đã chủ yếu diễn ra trong dịp Tết. Đợt 2 yếu hơn hẳn và đợt 3 không đáng kể.

Ngày nay ít ai còn ngờ vực rằng nó đã là một thất bại quân sự thê thảm cho phe cộng sản. Các số liệu mà chính quyền cộng sản đưa ra chẳng có gì đáng tin khi có hại cho họ. Thí dụ như cuộc Cải Cách Ruộng Đất năm 1955 tại miền Bắc. Chính quyền cộng sản, khi nhìn nhận sai lầm, đã đưa ra những con số nạn nhân 10.000 hay 15.000 để rồi hơn một nửa thế kỷ sau cố giáo sư Đặng Phong sau một khảo cứu công phu đã tìm ra con số nạn nhân chính xác 172.008 người. Trong trận Mậu Thân 1968 Đảng Cộng Sản, một năm sau, đưa ra con số "43.000 chiến sĩ hy sinh", một con số vớ vẩn vì quân đội Việt Nam Cộng Hòa cho biết đã thu lượm được 75.000 xác chết cộng quân bị bỏ lại trên chiến trường, còn quân đội Mỹ cũng cho biết đã đếm được 58.000 xác.

Vào khoảng năm 1970 (hay 1971?) tôi có gặp ông Mai Văn Sổ một cán bộ hậu cần của quân đội cộng sản trong trận chiến này. Ông là em song thai của ông Mai Văn Bộ đại sứ của chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Pháp vào lúc đó. Hình như ông mang quân hàm thượng tá lúc ra đầu thú và được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa sang Paris trong mục đích giải độc tuyên truyền của phe cộng sản. Ông Mai Văn Sổ đã gây tiếng vang lớn trong làng báo Pháp giữa lúc hội nghị Paris đang diễn ra và người anh song thai của ông đang vừa là đại sứ vừa là thành viên phái đoàn Hà Nội. Trong trao đổi riêng tư với anh em chúng tôi ông Sổ nói một cách vắn tắt: "quân đội cộng sản đã tan tành". Ông cho biết hầu hết các tiểu đoàn hay trung đoàn chỉ còn lại vài người. Ông cũng nói thêm rằng số người thiệt mạng trên chiến trường chỉ là thiểu số, đa số đã chết vì thương tích sau đó. Cũng lớn không kém là số người ra đầu thú mà chính quyền miền Nam gọi là "hồi chính" (trở về với chính nghĩa), nhiều đến nỗi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải lập một bộ mang tên Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi.

Năm 1995 chính quyền cộng sản đã điều chỉnh lại con số thương vong của họ trong dịp Tết Mậu Thân: 111.306 người. Con số này coi có vẻ chính xác như là kết quả của một nghiên cứu nghiêm chỉnh nhưng nó cũng vẫn rất xa sự thực. Các tài liệu của đảng cộng sản cũng như của Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ cho thấy là Hà Nội đã gửi vào miền Nam cho chiến dịch này hơn 200.000 quân chính quy và gần 300.000 tấn vũ khí và đạn dược, chủ yếu bằng đường biển, qua cảng Sihanoukville của Campuchia. Phối hợp với quân có sẵn tại miền Nam, lực lượng cộng sản vào thời điểm Tết Mậu Thân là trên 500.000 người. Một tài liệu của cơ quan tình báo CIA Mỹ ước lượng tổng số quân cộng sản lúc đó là khoảng 600.000 người. Cuối năm 1968 lực lượng này sau những thương vong và hồi chính chỉ còn lại khoảng 200.000 với hàng ngũ rã rượi và tinh thần suy sụp.

Sau này, từ năm 1979 đến cuối năm 1982, sau khi đi tù về và trước khi đi Pháp, tôi đã có dịp trao đổi với nhiều người cộng sản có vai trò chỉ huy trong chiến dịch này, tất cả đều nói là thiệt hại rất nặng, một số còn nói thẳng rằng lực lượng cộng sản "không còn gì". Thiệt hại về phía Việt Nam Cộng Hòa trong trận đánh vào vào dịp Tết là gần 5000 người (con số chính xác là 4954) và gần 16.000 người bị thương. Phía quân đội Mỹ có 3895 người thiệt mạng và khoảng  19.000 người bị thương. Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa hình như chỉ coi trận Tết Mậu Thân là vào dịp Tết nên không có những con số cho đợt 2 và đợt 3, chỉ có thống kê thiệt hại cho cả năm 1968 theo đó quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã có 28.800 người thiệt mạng, quân đội Mỹ và đồng minh 16.000 người.

So sánh những thiệt hại của đôi bên và nhìn vào tình trạng kiệt quệ của quân cộng sản sau năm 1968 thỉ phải nói Trận Tết Mâu Thân đã là một thảm bại cho phe cộng sản. Mặc dù phía Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh hoàn toàn bị bất ngờ nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch. 500.000 quân cộng sản phải đương đầu với gần 800.000 quân Việt Nam Cộng Hòa, 500.000 quân Mỹ và 50.000 quân Hàn Quốc. Hơn nữa các đội quân cộng sản đến từ miền Bắc lại không biết địa hình, nhiều khi đi lạc rồi bị tiêu diệt. Bộ chỉ huy cộng sản hy vọng rất nhiều ờ hai vũ khí mới: khẩu pháo cầm tay B40 và nhất là khẩu trung liên cá nhân AK47. Quả nhiên hai vũ khí này đã gây bất ngờ rất lớn nhưng sau phút bỡ ngỡ ban đầu chúng đã bất lực trước các trực thăng và xe bọc thép.  Hy vọng nhân dân sẽ nổi dậy ủng hộ lực lượng cộng sản lại càng não nề. Nhân dân miền Nam đã không hưởng ứng mà còn thù ghét, nhất là khi họ được biết những vụ tàn sát dã man người dân vô tội, đặc biệt là vụ thảm sát tại Huế trong đó khoảng 6.000 người, kể cả phụ nữ và trẻ em, đã bị giết, nhiều khi bằng cách chôn sống. Ngày nay khi nhìn lại biến cố Tết Mâu Thân không ai có thể chối cãi rằng đó đã là một thảm bại cho phe cộng sản cả về quân sự lẫn nhân tâm. Khách quan mà nói đây là một hành động tự sát.

Lý do của một liều lĩnh tự sát

Tại sao ban lãnh đạo cộng sản lại lấy quyết định tự sát này?

Từ sau hội nghị Geneve chia cắt đất nước Đảng Cộng Sản vì nhiều lý do vẫn cho rằng họ đương nhiên phải thôn tính miền Nam. Họ hy vọng ở cuộc tổng tuyển cử được lập lờ dự trù năm 1956 trong bản tuyên bố chung cùng với hiệp định Genève. Nhưng khi chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra sáu điều kiện để đảm bảo cuộc tuyển cử sẽ được thực hiện một cách lương thiện và được đa số các quốc gia trên thế giới ủng hộ thì họ thất vọng. Thất vọng trở thành tuyệt vọng khi, năm 1957, chính Liên Xô đề nghị hoãn vô hạn định cuộc tổng tuyển cử này và cho cả hai nhà nước Nam và Bắc Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc. Hy vọng ở cuộc tổng tuyển cử tiêu tan, chỉ còn lại giải pháp chiến tranh. Không phải cấp lãnh đạo cộng sản nào cũng nhiệt tình với giải pháp này nhưng không ai dám công khai chống lại bởi vì đồng thuận chính thức trong Đảng Cộng Sản lúc đó là phải thống nhất đất nước bằng mọi giá.

Hậu quả của chọn lựa chiến tranh là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nắm được thế áp đảo vì là hai người hiểu biết nhất về miền Nam và từng chỉ huy lực lượng cộng sản  tại đây trong cuộc chiến 1945 – 1954.  Cặp bài trùng này kết nạp được Nguyễn Chí Thanh và dần dần gạt ra ngoài lề Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan và một phần nào đó cả Hồ Chí Minh. Chiến tranh càng khốc liệt thì thế lực của họ càng mạnh và sau cuộc thanh trừng nhóm bị gọi là "bọn xét lại chống đảng" thì quyền lực của họ trở thành tuyệt đối. Lê Duẩn trở thành bí thư thứ nhất và cùng với Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức và xây dựng đảng, kiểm soát quyền lực trung ương trong khi Nguyễn Chí Thanh chỉ huy cuộc chiến trong Nam.

Tuy nhiên sau khi Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam, oanh tạc miền Bắc và gây thiệt hại nặng nề cho quân cộng sản trong nhiều trận đánh lớn thì hy vọng chiến thắng tiêu tan và quyền lực của bộ ba Duẩn , Thọ, Thanh bị đe dọa. Xuống thang trong chiến tranh đồng nghĩa với sự đào thải của họ. Bộ ba này vì vậy phải tìm một giải pháp để tự cứu. Giải pháp đó chính là cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân. Mục đích của chiến dịch này là đổ toàn lực để đánh một trận liều lĩnh, chấp nhận những thiệt hại lớn hầu gây một chấn động thật lớn buộc Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa phải chấp nhận thương thuyết rồi từ đó chuyển sang chiến lược "vừa đánh vừa đàm" dựa vào dư luận thế giới đang khá thuận lợi lúc đó để hy vọng một lối thoát ít nhất không quá bẽ bàng. Nói chung chiến dịch này trước hết nhắm cứu nguy quyền lực đang bị đe dọa của bộ ba Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh. Tháng 6-1967 Nguyễn Chí Thanh ra Bắc họp để bàn kế hoạch nhưng đến nơi không bao lâu thì bất ngờ bị đột quỵ và chết. Cuộc họp vẫn tiếp tục, kế hoạch tổng tấn công trong dịp Tết Mậu Thân vẫn được duy trì với Khe Sanh, một huyện lỵ thuộc Quảng Trị nằm sát biên giới Lào, được chọn làm điểm tấn công đầu tiên với mục đích đánh lạc sự chú ý, làm cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa tưởng rằng Hà Nội chỉ tập trung đánh Khe Sanh và muốn biến Khe Sanh thành một trận Điện Biên Phủ mới. Về điểm này thì Hà Nội đã thành công, Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa quả nhiên đã tin là Hà Nội đã tập trung toàn lực vào Khe Sanh và vì thế càng tin tưởng phần còn lại của miền Nam, nhất là các tỉnh phía Nam có thể yên tâm đón Tết Mậu Thân, vả lại hai bên lại đã có thỏa thuận hưu chiến trong dịp Tết.

Đối với Việt Nam Cộng Hòa bất ngờ đã hoàn toàn. Cũng bất ngờ không kém là số quân cộng sản được tung vào trận đánh, gần như toàn bộ lực lượng hơn 500.000 người với hai vũ khí lần đâu tiên xuất hiện B40 và AK47. Tuy vậy Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng phải biết trước rằng cuộc tổng tấn công này sẽ thất bại bởi vì muốn tấn công, dù là tấn công bất ngờ, phải có lực lượng mạnh hơn hẳn đối phương, trong khi lực lượng hai bên quá chênh lệch theo thế bất lợi cho họ. Điều cũng làm họ hoàn toàn thất vọng là nhân dân miền Nam đã không hề hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy của họ. Sau một tháng lực lượng cộng sản không chỉ bị đẩy lui mà còn bị đánh tan tành, với những tổn thất kinh khủng. Sau khi thu thập tàn quân họ đã cố gắng mở một đợt tấn công thứ hai vào tháng 5 nhưng chỉ chịu thêm những thiệt hại vì lần này yếu tố bất ngờ không còn nữa.

Tóm lại vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân chỉ là một hành động tuyệt vọng của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ trong thế nguy ngập. Họ chấp nhận để quân cộng sản trả giá rất đắt với hy vọng là nhờ đó có thể giữ được quyền lực. Chính họ cũng không ngờ tình hình lại diễn biến một cách khác hẳn.

Giữa lúc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang tan nát

Cuộc tổng tấn công Tết Mâu Thân đã là một khúc quanh lịch sử đưa đến sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và thắng lợi của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Câu hỏi vẫn còn nhức nhối cho nhiều người là "tại sao đối với Đảng Cộng Sản một thảm bại về quân sự lại có thể biến thành một thắng lợi quyết định về chính trị?" Hay "tại sao chế độ Việt Nam Cộng Hòa lại có thể để một thảm bại của đối phương biến thành một đòn chí mạng cho chính mình?"

Phải nói rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào lúc đó đang ở trong một tình trạng cực kỳ tồi tệ. Sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm, tháng 11-1963, đã mở ra một giai đoạn hỗn loạn trong đó các tướng tá bất tài, vô học và vô trách nhiệm thi nhau tranh giành quyền lực trong lúc các sư sãi, mà thành phần chủ động là những cán bộ cộng sản trá hình, xuống đường hàng ngày gây rối loạn. Một nhân vật nói lên tình trạng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó: Nguyễn Khánh. Ông này là một sĩ quan của quân đội Pháp để lại –như tất cả các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa- đã đảo chính lật đổ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của nhóm Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính ba tháng sau khi họ lật đổ Ngô Đình Diệm. Ông Khánh hành động như một kịch sĩ, liên tục đưa ra những lời tuyên bố và sáng kiến nhảm nhí chỉ có tác dụng là làm cho tình hình rối loạn thêm. Sau này vào tuổi gần 80, tại Mỹ, ông còn nhận lời làm "quốc trưởng" cho trò hề chính phủ lưu vong của Nguyễn Hữu Chánh. Sự kiện một con người như vậy mà đã có thể thao túng chính trường miền Nam trong hơn một năm chứng tỏ chính quyền miền Nam lúc đó tan nát đến mức nào.

Từ tháng 6-1965 tình hình tương đối ổn định hơn với Hội Đồng Quân Lực cầm quyền trong đó tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (quốc trưởng) và Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (thủ tướng) nhưng vì cả hai người này đều không có uy tín nên bộ máy chính quyền vẫn chao đảo, miền Trung gần như bất phục tùng trung ương trong gần nửa năm trời. Ngay sau đó lại xẩy ra sự đấu đá ngay giữa Thiệu và Kỳ để tranh nhau ứng cử tổng thống cuối năm 1967. Kết quả là Nguyễn Cao Kỳ, mầu mè và phô trương, dù nhiều quyền hơn và phe đảng đông hơn phải nhượng bộ nhận ứng cử phó tổng thống cho Nguyễn Văn Thiệu, mờ nhạt và thiển cận nhưng ít tai tiếng và được lòng Mỹ hơn. Tuy vậy vào thời điểm Tết Mậu Thân quyền hành của Kỳ vẫn còn mạnh hơn Thiệu, hai người chia đôi Dinh Độc Lập với mỗi người một bô tham mưu riêng.

Một hậu quả của sự tan nát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là bộ máy an ninh tình báo bị tê liệt. Sự kiện chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không hề biết tới cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân chỉ giản dị là không tưởng tượng nổi. Nó đã được chuẩn bị từ hơn nửa năm trước, Hà Nội đã gửi vào Nam hơn 200.000 quân chính quy và hơn 300.000 tấn vũ khí, hơn nữa còn dàn quân chung quanh, thậm chí xâm nhập, gần như tất cả các thành phố và thị xã trên khắp lãnh thổ. Vào lúc súng bắt đầu nổ Nguyễn Văn Thiệu đang về quê ăn Tết, còn Nguyễn Cao Kỳ đang đánh bài. Tất cả những điều này đều khó tưởng tượng, nhưng điều còn khó tưởng tượng hơn là những gì xẩy ra sau đó. Nha Trang và sau đó Đà Nẵng bị tấn công đầu tiên. Sài Gòn chỉ bị tấn công một ngày sau nhưng vẫn không chuẩn bị gì cả. Huế còn chỉ bị tấn công sau Sài Gòn 4 giờ nhưng cũng không đề phòng và quân cộng sản đã chiếm được thành phố mà không găp một chống cự nào.

Trong lịch sử cận đại không có trận chiến nào diễn ra một cách kỳ cục như vậy. Càng khó tưởng tượng khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là một chính quyền quân đội đặt an ninh lên trên hết và có đầy đủ phương tiện truyền thông hiện đại. Nếu có một chút danh dự của một người làm tướng thì cả Thiệu lẫn Kỳ đều phải tự xử sau sự kiện ô nhục này, nhưng họ chỉ biết tự mãn chứ không có danh dự. Các cấp lãnh đạo và tướng lãnh của Việt Nam Cộng Hòa cũng không khác họ bao nhiêu, không thấy ai tỏ ra xấu hổ. Không phải là phe cộng sản đã hành quân khéo và giữ bí mật giỏi, họ hành quân rất luộm thuộc, sai cả giờ phát động vì lẫn lộn lịch tầu và lịch ta. Vấn đề chỉ là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó quá tồi dở. Bộ máy hành chính cũng như quân sự có nhiều người rất tốt, rất dũng cảm và rất giỏi nhưng lãnh đạo quá tồi nên cũng giống như một cơ thể cường tráng nhưng cái đầu không hoạt động.

Điều cũng tai hại không kém sự kiện để bị đánh bất ngờ là không khai thác được sự thảm bại về mặt quân sự cũng như dân vận và nhất là những tội ác của quân cộng sản như cuộc thảm sát tại Huế. Lúc đó mọi đèn chiếu và mọi con mắt của thế giới hướng về Sài Gòn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa được một dịp ngàn năm một thuở để chinh phục cảm tình và hậu thuẫn của thế giới nhưng lại không có gì để nói, không những thế còn nói ngu, như Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố coi Hitler là thần tượng.

Lý do chính là Lyndon Johnson

Sự tồi dở của chính quyền Thiệu Kỳ quả là đã vượt mọi tưởng tượng, nhưng nếu chỉ có thế thì biến cố Tết Mậu Thân cũng sẽ chỉ là một tai họa cho cặp Lê Duẩn - Lê Đức Thọ và chính quyền Hà Nội. Người đã góp phần quyết định chuyển bại thành thắng cho ĐCSVN là Lyndon Johnson. Ông này là một tay hoạt đầu chính trị địa phương với kiến thức hạn hẹp, hoàn toàn không có một tư tưởng chính trị và một tầm vóc chính trị nào. Ông thăng tiến nhờ tính thực thà tận tụy và nhờ may mắn, sau cùng trở thành tổng thống vì một sự tình cờ: tổng thống Kennedy bị ám sát. Do bản chất của chế độ tổng thống trong đó các chính đảng không đủ mạnh để đảm nhiệm vai trò của một lò sản xuất ý kiến và đào tạo nhân tài, sau những tổng thống kiệt xuất đầu tiên, các tổng thống Mỹ thường không phải là những người có bản lãnh chính trị, nhưng Lyndon Johnson là một trong những tổng thống kém nhất.

Sau vụ Tết Mậu Thân thái độ của ông là thái độ của một người hoảng hốt bỏ chạy. Ngày 31/3, ngay khi cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của quân cộng sản còn đang gây sôi nổi trên khắp thế giới, ông tuyên bố chấp nhận thương tuyết song phương với Hà Nội và chỉ cho Việt Nam Cộng Hòa tham dự với tư cách quan sát viên đúng như đòi hỏi của Hà Nội. Ông cũng tuyên bố sẽ không ra ứng cử tổng thống nữa. Quyết định này tương đương với một lời thú nhận đã sai lầm và thất bại bởi vì mới một năm trước tại Hội Nghị Quân Sự Tối Cao tại Guam với hai tướng Thiệu và Kỳ ông đã dõng dạc tuyên bố cương quyết giúp Việt Nam Cộng Hòa đánh bại cuộc xâm lược của cộng sản và ông không ngừng nhắc lại cam kết này cho đến ngay trước Tết Mậu Thân. Chính Hà Nội cũng không thể ngờ tổng thống Mỹ có thể hốt hoảng như thế ngay cả nếu cuộc tổng tấn công không thất bại thê thảm như nó đã thực sự diễn ra. Thái độ hoảng hốt bỏ chạy của Johnson đã có ảnh hưởng tức khắc trên quần chúng Mỹ. Ngay sau đó các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 80% người Mỹ muốn rút khỏi Việt Nam. Các nghị sĩ và dân biểu Mỹ trong tuyệt đại đa số là những người chạy theo chứ không thách thức dư luận. Họ còn một lý do khác để không thách thức dư luận. Quan tâm hàng đầu của Mỹ khi can thiệp vào Việt Nam là bảo vệ lưu thông qua eo biển Malacca giữa Malaysia, Singapore và Indonesia nơi quá phân nửa hàng hóa của thương mại quốc tế được chuyển qua nhưng từ năm 1965 Indonesia đã tiêu diệt hết lực lượng cộng sản trong khi an ninh của Malaysia và Singapore cũng không còn bị đe dọa nữa. Như thế số phận của Việt Nam Cộng Hòa đã được quyết định.

Westmoreland đã làm Johnson hoảng hốt

Nhưng tại sao Johnson lại hốt hoảng đến như thế?

Lý do đầu tiên là cách ứng xử của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Johnson không phải là một chính trị gia có bản lãnh và hiểu biết rất ít về thế giới nói chung và Châu Á nói riêng, ông chỉ phán đoán như một người Mỹ bình thường qua những sự kiện khách quan, và sự kiện khách quan không thể tưởng tượng được là chính quyền Thiệu Kỳ lại có thể không biết gì về một cuộc tổng tấn công lớn như vậy. Trong thâm tâm ông phải nghĩ rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là một bọn vô dụng không đáng giúp đỡ và có giúp cũng vô ích. Cũng đừng nên quên rằng từ sau khi lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm các tướng tá Việt Nam Cộng Hòa đã làm tất cả để dư luận thế giới khinh thường.

Tuy vậy Việt Nam Cộng Hòa không phải là lý do chính khiến. Lý do chính là Westmoreland, tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam. Westmoreland đã tỏ ra rất dở trong biến cố Tết Mậu Thân. Trước hết ông mắc lừa trận đánh hỏa mù Khe Sanh. Ông thực sự tin là Hà Nội chỉ muốn đánh lớn ở Khe Sanh. Sau khi cuộc tổng tấn công nổ ra ông vẫn tuyên bố rằng đó chỉ là một cố gắng để lôi kéo sự chú ý của Mỹ và Đồng Minh khỏi Khe Sanh. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng nơi một vị tướng chỉ huy 500.000 quân. Nhưng sai lầm lớn hơn nhiều của Westmoreland là đã xin tổng thống Johnson viện trợ thêm 206.000 quân sau đó. Ông không thấy rằng quân cộng sản đã thảm bại. Đối với Johnson việc Westmoreland xin viện binh là bằng cớ rằng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại. Và ông hốt hoảng bỏ chạy.

Thử tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra nếu thay vì xin tiếp viện thêm 206.000 quân Westmoreland báo cáo với tổng thống Mỹ rằng quân cộng sản vừa làm hành động tự sát, lực lượng của họ đã tan tành và Mỹ có thể rút bớt 200.000 quân, lực lượng còn lại cũng thừa sức giúp Việt Nam Cộng Hòa đánh bại cộng sản. Đây không phải là chính trị giả tưởng mà là sự thực bởi vì ngay sau đó Nixon liên tục rút quân nhưng vào tháng 01/1973 khi hiệp định Paris được ký kết quân cộng sản chỉ giữ được một huyện Sa Huỳnh trên tổng số 245 quận huyện của miền Nam, dù lúc đó quân Mỹ đã rút gần hết. Nhưng lúc đó quyết định bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa không đảo ngược được nữa, như cựu ngoại trưởng John Kerry sau này từng tuyên bố.

Cũng thử tưởng tượng nếu thay vì về quê ăn Tết như ông Thiệu hay đánh bài như ông Kỳ, các cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa lập tức có mặt chỉ huy cuộc phản công và đến hiện trường thăm hỏi dân chúng và khích lệ quân lính. Hay ngay cả có lỡ để bị bất ngờ -điều cần nhắc lại là không thể tha thứ được- nhưng sau đó có thái độ xứng đáng, có lập luận thuyết phục để khẳng định lòng tin và lên án những tội ác của quân cộng sản tại Huế và nhiều nơi khác. Nếu như thế thì Lyndon Johnson đã không quá hốt hoảng. Nhưng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và những người cầm đầu chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã chỉ là chính họ. Đã chỉ có Nguyễn Ngọc Loan làm cử chỉ côn đồ tự tay bắn chết một du kích vừa bị bắt ngay trước ống kính của một ký giả nước ngoài. Hình này được trưng ra trước cả thế giới và làm xấu thêm hình ảnh vốn đã xấu của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cũng cần nói thêm là Nguyễn Văn Thiệu chắc chắn không ý thức được sự nguy ngập của chế độ sau biến cố Mậu Thân vì sau đó ông còn giở trò độc diễn trong cuộc bầu cử tổng thống 1971 làm danh nghĩa dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa mất hết nội dung. Không những thế năm 1973, hai năm trước khi bỏ chạy, ông còn sửa đổi hiến pháp để có thể ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Hậu quả đã có thể rất khác

Nếu những người cầm đầu chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm Mậu Thân không quá tồi, nếu Westmoreland không kém như vậy, nếu Lyndon Johnson không hoảng hốt? Chỉ cần một trong ba lý do đó vắng mặt thì hậu quả của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã khác hẳn và lịch sử Việt Nam cũng sẽ khác hẳn. Thực tế là, về phía Hà Nội, một chọn lựa liều lĩnh ngu xuẩn đã đưa đến một thảm bại quân sự làm hàng trăm ngàn người chết nhưng rồi lại biến thành một thắng lợi chính trị và sau cùng một thắng lợi toàn diện. Ngược lại, về phía Sài Gòn, một thắng lợi quân sự lớn đã biến thành một thảm bại chính trị và sau cùng một thất bại hoàn toàn. Kẻ thắng không xứng đáng để thắng nhưng kẻ thua lại rất xứng đáng để thua. Và Việt Nam đã là Việt Nam hiện nay. Số phận nước ta thật hẩm hiu.

Bài học nào?

Người Việt Nam không chọn được Johnson và Westmoreland, nhưng còn hai chế độ cộng sản và Việt Nam Cộng Hòa? Những người miền Bắc đã để cho Đảng Cộng Sản thống trị và Đảng Cộng Sản đã để cho một nhóm người thiển cận và độc hại chung quanh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thống trị, trong khi những người miền Nam đã để cho những người chẳng ra gì như Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ dẫn vào vực thẳm. Khi một dân tộc không có một lớp trí thức chính trị thì tất cả đều có thể xẩy ra. Đó là bài học lớn nhất của biến cố Mậu Thân 1968 và của giai đoạn lịch sử gần đây.

Một lời sau cùng cho bên thắng cuộc.

Chiến thắng 30/4/1975, hậu quả của biến cố Mậu Thân 1968, đã làm cho nhóm Lê Duẩn – Lê Đức Thọ say sưa đến mất trí. Họ tưởng họ là thiên tài và anh hùng dân tộc. Họ nghĩ họ đã rất may mắn. Nhưng lịch sử có logic của nó. Họ đã chỉ được một cơ hội để chứng tỏ sự tồi dở và sẽ mãi mãi được các thế hệ mai sau nhớ đến như những tai họa. Sau cùng chính họ mới là những người không may nhất.

Nguyễn Gia Kiểng
(15/02/2018, Giao thừa Mậu Tuất)