Trở lại vấn đề Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc (Nguyễn Gia Kiểng)

“…Nó là một cuộc phấn đấu, bằng sự nhường nhịn và bằng cố gắng thuyết phục bền bỉ, để vượt lên trên di sản lịch sử và thắng những lực ly tâm chia rẽ dân tộc. Nó là phản ứng tự vệ của một dân tộc trước nguy cơ tan rã…”
LTS : Cách đây 14 năm, trong bối cảnh cao trào đấu tranh người Việt ở nước ngoài vẫn mong muốn đánh đổ chính quyền CSVN bằng bạo lực, bài dưới đây được đăng trên báo giấy Thông Luận số 125, tháng 4 năm 1999 đã không được sự lưu tâm cần thiết. Chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc lúc bấy giờ được coi là bắt tay với chính quyền cộng sản nếu không muốn nói là đầu hàng. Thông Luận giới thiệu lai bài này với niềm tin ý niệm hòa giải và hòa hợp dân tộc tạo nên đồng thuận giữa người Việt với nhau để vượt lên trên di sản lịch sử đau đớn của chúng ta.



Trước hết cần một minh định: trở lại chứ không đặt lại. Trở lại để bàn thêm cho rõ nghĩa, với hy vọng đạt tới một cảm thông lớn hơn, chứ không phải đặt lại hay xét lại vì thấy có điều gì không đúng.
Sau sự minh định trên là một nhắc lại cần thiết. ”Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc” chứ không phải ”Hòa Hợp Hòa Giải”. Hai cụm từ này khác nhau, và cần được phân biệt, nhất là khi cuộc tranh luận lại thường xoay quanh vấn đề thuật ngữ.
Hòa giải là tháo gỡ những hận thù và hiềm khích để tiếp tục sống chung với nhau, trong khi hòa hợp là quí mến nhau và hợp tác mật thiết với nhau. Như thế, khi giữa các cá nhân hay giữa các tập thể đã có sự xung đột và bất hòa thì hòa giải phải được thưc hiện trước, hòa hợp chỉ có thể có sau khi đã hòa giải xong. Nói như thế không có nghĩa là hễ cứ hòa giải xong là tự nhiên sẽ có hòa hợp. Còn cần nhiều cố gắng to lớn khác mới đi được đoạn đường từ chỗ ”không hận thù nhau nữa” đến chỗ ”quí mến nhau và hợp tác với nhau”. Hòa hợp dân tộc, hay đoàn kết dân tộc cũng thế, là mục đích. Hòa giải là một chặng đường cần thiết để có hòa hợp. Chắc chắn là chúng ta, dân tộc Việt Nam, cần hòa hợp để cùng đưa đất nước ra khỏi thua kém và vươn lên, vì thế chúng ta mới cần hòa giải để có hòa hợp. Nếu chúng ta không quan tâm tới tương lai đất nước, và do đó không cần hòa hợp, thì chúng ta cũng chẳng cần hòa giải làm gì. Hòa giải và hòa hợp như vậy là hai ý niệm khác nhau về nội dung và thứ tự. Chữ ”và” trong cụm từ ”Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc” cũng cần thiết.
Cụm từ ”Hòa Hợp Hòa Giải” hoàn toàn vô nghĩa. Nó lẫn lộn hai khái niệm khác nhau về nội dung, nó đảo ngược thứ tự tự nhiên, giống như đặt con trâu trước cái cày. Nó cần được xóa bỏ dứt khoát và vĩnh viễn để khỏi gây lẫn lộn trong một cuộc thảo luận vốn đã tế nhị.
Và cũng đừng quên ”dân tộc” vừa là người chủ động vừa là đối tượng của hòa giải và hòa hợp. Mặc dầu cụm từ ”hòa giải và hòa hợp dân tộc” đã được nhắc lại nhiều lần, vẫn có nhiều người chất vấn ”hòa hợp hòa giải với ai ?” ; vẫn có những người lên án ”bọn chủ trương hòa hợp hòa giải với cộng sản”, hay ngộ nghĩnh hơn nữa, như tôi đã được đọc một vài lần, ”bọn chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc với cộng sản” ! Lẫn lộn trong từ ngữ là bằng chứng rằng vấn đề chưa được suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh.
Đến đây xin nhắc lại, lập trường ”hòa giải và hòa hợp dân tộc” chủ trương hòa giải người Việt Nam với nhau để tiến đến hòa hợp dân tộc, nghĩa là tiến đến tình trạng trong đó người Việt tin tưởng và quí trọng nhau để cùng bắt tay nhau xây dựng một tương lai chung. Hòa giải và hòa hợp dân tộc là vấn đề tình cảm giữa người và người, chứ không phải giữa các lực lượng và phe phái. Giữa các lực lượng và phe phái cùng lắm chỉ có vấn đề hợp tác hay thỏa hiệp.
Nhưng tại sao lại cần trở lại vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc ?
Lý dó thứ nhất là vì vấn đề chưa được thảo luận một cách đầy đủ. Ngay khi lập trường này vừa được đưa ra, nó đã gây sôi nổi đến nỗi chúng ta mất bình tĩnh và chỉ tập trung vào một trong những khía cạnh của vấn đề là cuộc xung đột quốc-cộng. Chắc chắn cuộc chiến vừa qua đã tạo ra rất nhiều đổ vỡ nhưng nó không phải là tất cả. Chúng ta còn nhiều điều khác để hòa giải.
Một thí dụ. Trong nhóm Thông Luận chúng tôi có anh Nguyễn Hắc Đỗ, người gốc Chăm (từ đời vua Minh Mạng gia đình anh bị bắt đổi sang họ Nguyễn). Trong một cuộc hội thảo, chúng tôi ủy nhiệm anh Đỗ mời các anh em người gốc Chăm tham dự. Anh Đỗ đi vận động và trở về cho hay người Chăm không chấp nhận nói chuyện với người Việt. Cũng may cộng đồng người Chăm không khai trừ anh Đỗ vì đã gia nhập Thông Luận vì họ đánh giá Thông Luận là tổ chức Việt Nam tôn trọng họ, nếu không thì anh Đỗ đã bị đặt trước một chọn lựa rất khó xử.
Một thí dụ khác. Tôi có một người bạn tên Claude, viên chức cao cấp trong chính quyền Úc. Claude kể cho tôi nghe câu chuyện của anh. Hồi còn đi học tại Paris, anh gặp và yêu một cô gái Việt với cái tên đẹp như người. Hai người muốn lấy nhau nhưng gia đình cô gái chống đối dữ dội. Sau cùng thì sự kiên trì của đôi trẻ đã thắng. Họ lấy nhau. Bà nội Việt Nam đành tự an ủi : ”Thôi, chẳng thà nó lấy chồng Tây còn hơn là để nó lấy chồng Bắc Kỳ !”.
Quả thật chúng ta là một dân tộc rất cần hòa giải.
Chúng ta cần hòa giải giữa những người đã đứng trong hai phe quốc gia và cộng sản. Chúng ta cần hòa giải giữa các sắc tộc thiểu số và người Kinh. Chúng ta cần hòa giải giữa người Nam và người Bắc. Chúng ta cần hòa giải giữa người Công giáo và phần còn lại của dân tộc, nhất là với Phật giáo. Chúng ta cần hòa giải giữa cộng đồng người Việt hải ngoại với đất nước. Và chúng ta cũng cần hòa giải người Việt Nam với đất nước Việt Nam. Chắc chắn tôi chưa liệt kê hết những đổ vỡ lớn cần được hàn gắn, nhưng nếu chúng ta giải quyết được tạm ổn những khúc mắc đó thì tương lai của chúng ta cũng sẽ khá hơn hẳn. Tất cả những chia rẽ đó làm kiệt quệ sinh lực quốc gia và đã khiến chúng ta là chúng ta ngày nay, nghĩa là một dân tộc không lười biếng, không tối dạ, cũng không bị thiên nhiên quá ngược đãi, nhưng lại thua kém thế giới một cách bi đát, và tệ hơn nữa vẫn chưa trút bỏ nổi ách độc tài ô nhục trên lưng.
Chúng ta cần hòa giải các sắc tộc ít người với người Kinh vì trong suốt dòng lịch sử các vua chúa người Kinh chỉ biết dùng bạo lực để thống trị các sắc tộc ít người mà hầu như chưa bao giờ chứng tỏ một bổn phận và một sự kính trọng nào đối với họ. Chính sách và thái độ thô bạo này đã khiến các sắc tộc thiểu số hoàn toàn dửng dưng với đất nước Việt Nam, khi không thù ghét.
Chúng ta cần hòa giải giữa miền Nam và miền Bắc, bởi vì trong hàng thế kỷ hai miền đã bị ngăn chia trong thế tương tranh, làm cho người hai miền trở thành xa lạ và ngờ vực, có khi nhìn nhau như kẻ thù. Phải rất thận trọng. Chúng ta đang đòi bầu cử tự do và thế nào rồi cũng sẽ có bầu cử tự do, nhưng cuộc bầu cử tự do đầu tiên có thể chỉ công khai hóa sự rạn nứt : đảng cộng sản có thể sẽ được 30% tại miền Bắc trong khi không được gì tại miền Nam. Và một cách tương tự, tại quốc hội cũng sẽ có những đảng miền Bắc và những đảng miền Nam.
Chúng ta cần hòa giải giữa người Công giáo và người Phật giáo vì hai tôn giáo đã bị những thế lực chính trị đặt vào thế đối đầu trong hơn một thế kỷ và vẫn có những phần tử muốn lợi dụng sự chia rẽ này cho tham vọng phe nhóm. Chúng ta có một thảm kịch trong đó hàng trăm ngàn người Công giáo đã bị bách hại vì tín ngưỡng của họ và cho tới nay vẫn chưa có biện pháp hàn gắn nào. Hơn một thế kỷ vẫn còn những người cho hành động đánh các họ đạo của các phe Cần Vương, Văn Thân là đúng. Đảng cộng sản đã khai thác tối đa sự chia rẽ lương-giáo, trong khi chính sách tôn sùng Công giáo một cách lố lăng của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng đã chỉ mở rộng vết thương.
Chúng ta phải hòa giải cộng đồng người Việt hải ngoại với đất nước, vì sự ra đi của họ đã là một sự ra đi trong tủi hờn. Tất cả ra đi vì thất vọng đối với quê hương, đại đa số đã ra đi sau khi bị hắt hủi và chà đạp, một số đông đã phải chịu đựng những khổ đau và mất mát rất to lớn trên đường vượt biên vì công an, hải tặc, sóng gió. Đối với phần đông người Việt hải ngoại, đất nước là một kỷ niệm đau buồn cần phải quên đi. Hòa giải giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và đất nước phải có vì nhu cầu tình cảm nhưng cũng cần thiết về mặt thực tiễn bởi vì cộng đồng người Viêt hải ngoại là một tiềm năng đầy hứa hẹn cho đất nước cần được khai thác triệt để.
Quan trọng hơn hết, nhưng tiếc thay nhiều người lại không nhìn thấy, chúng ta phải hòa giải người Việt với chính đất nước Việt Nam. Phải nói rằng làm người Việt Nam trong suốt thế kỷ này đã chỉ là chịu đựng và nhục nhằn. Tổ quốc đã chỉ là chiến tranh, đói khổ, thua kém và công an, khi không phải là nhà tù và các đội hành quyết. Người ta không nhân danh tổ quốc để quí mến và nâng đỡ nhau, mà trái lại chỉ nhân danh tổ quốc để lên án và tiêu diệt nhau. Tổ quốc đã được sử dụng để biện minh cho quá nhiều tội ác. Tất cả những thất vọng, oan ức, tủi nhục đã khiến cho tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của người Việt Nam chúng ta xuống rất thấp, thấp ở mức độ cực kỳ báo động, mộng ước của rất nhiều người Việt Nam hiện nay chỉ giản dị là được bỏ nước ra đi làm công dân một nước khác. Mà khi đã thiếu lòng yêu nước thì không có vấn đề nào, kể cả vấn đề hòa giải dân tộc, có thể giải quyết được. Muốn phục hồi được lòng yêu nước, tổ quốc cũng phải biết ăn năn trước những đau khổ của người dân.
Tất cả những đổ vỡ trên đây đều rất to lớn, cho nên vấn đề của thời đại chúng ta hiện nay thực ra mới chỉ là hòa giải dân tộc và phần sau của bài này sẽ chủ yếu bàn về hòa giải. Tuy vậy, chúng ta cần nêu ngay từ bây giờ lập trường ”Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc” vì có như thế chúng ta mới biểu lộ được cứu cánh của hòa giải và lý do tại sao chúng ta quyết tâm hòa giải.
Tới đây, chúng ta có thể định nghĩa hòa giải dân tộc một cách chính xác hơn. Hòa giải là tình cảm, xuất phát từ lòng yêu nước, của một dân tộc quyết tâm sống chung và xây dựng với nhau một tương lai chung mặc dầu đã trải qua nhiều đổ vỡ. Nó là một cuộc phấn đấu, bằng sự nhường nhịn và bằng cố gắng thuyết phục bền bỉ, để vượt lên trên di sản lịch sử và thắng những lực ly tâm chia rẽ dân tộc. Nó là phản ứng tự vệ của một dân tộc trước nguy cơ tan rã.
Cũng cần nhận định là trong thế giới ngày nay những tiến bộ khoa học kỹ thuật làm xáo trộn không ngừng mọi quốc gia, lúc nào cũng có những ngành nghề vươn lên trong khi những ngành khác suy thoái, lúc nào cũng có những thành phần dân tộc được may mắn trong khi những thành phần khác bị thiệt thòi. Một chính sách dù công bình và hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể làm vừa lòng mọi người, luôn luôn có những người thỏa mãn và những người bất mãn. Cho nên quốc gia nào, dân tộc nào cũng liên tục phải hòa giải vì những mối bất hòa liên tục xảy ra. Hòa giải đã trở thành một triết lý điều hành quốc gia, chưa nói một quốc gia đã trải qua nhiều xung đột đẫm máu như Việt Nam.
Nói như vậy không phải là để tránh né nhận diện cuộc xung đột quốc cộng. Đó là đổ vỡ to lớn nhất và đau nhức nhất. Vết thương vẫn còn đang chảy máu. Để hàn gắn, chúng ta cần một nhận định khiêm tốn và sáng suốt. Trong cuộc xung đột đẫm máu vừa qua có thể nói, trừ một thiểu số nông cạn, đại bộ phận người Việt đã không có một chọn lựa vừa ý. Chúng ta đã không say mê tranh đấu cho một lý tưởng mà mình thấy là đẹp, trong đại bộ phận chúng ta đã chỉ chống lại một lực lượng mà sau nhiều cân nhắc và do dự chúng ta thấy còn tồi tệ hơn hàng ngũ mà chúng ta đang đứng. Người không chịu đựng nổi sự tồi tàn của các chính quyền phe quốc gia thì ngả theo đảng cộng sản, mặc dầu cũng thừa biết sự tàn bạo và độc đoán của nó. Còn người thấy rằng để đảng cộng sản nắm được chính quyền là một tai họa quá lớn cho đất nước thì cũng chỉ ngậm ngùi mà ủng hộ các chính quyền quốc gia. Anh em ruột thịt, bạn bè thân thích đã chỉ vì một sự lượng định thời cuộc nặng nhẹ khác nhau, hay đáng buồn hơn nữa, chỉ vì hoàn cảnh, mà đã phải quay lưng lại với nhau, mạt sát nhau và bắn giết nhau trong ba thập niên. Đổ vỡ tình cảm còn lớn hơn cả đổ vỡ vật chất và sinh mạng. Để rồi ngày nay đất nước như thế này, tất cả chúng ta đều đã thất bại, tất cả chúng ta đều là nạn nhân. Chẳng ai hơn ai, chẳng có ai có vị thế để lên án và buộc tội ai. Những người đã chọn lựa đứng ngoài mọi biến động của đất nước lại càng không có vị thế để chê trách ai. Cũng không thể đổ lỗi hết cho hoàn cảnh và các thế lực quốc tế. Chúng ta không có chọn lựa tốt bởi vì chúng ta kém cỏi. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Hòa giải với nhau để cùng làm lại đất nước chỉ là một lẽ tự nhiên và một thái độ lương thiện.
Nếu phải trình bày một cách thật giản dị thì lập trường hòa giải và hòa hợp dân tộc là mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần và quá khứ chính trị, cần cố gắng phấn đấu, trước hết với chính mình, vượt lên những hiềm khích do lịch sử để lại để cùng bắt tay nhau xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và phồn vinh. Chúng ta muốn hòa giải mọi người, không loại trừ bất cứ ai, nhưng có thực hiện được hòa giải hay không là một chuyện khác bởi vì hòa giải chỉ có thể có trong tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nghĩa là trên nền tảng dân chủ. Riêng đối với những người lãnh đạo đảng cộng sản cánh cửa hòa giải luôn luôn mở rộng chờ đón họ, nhưng chúng ta lên án chính sách độc tài bạo ngược của họ và chúng ta quyết tâm đánh bại ý đồ của họ, buộc họ phải chấp nhận hòa giải dân tộc và dân chủ.
Lập trường hòa giải dân tộc không hề làm yếu đi cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ, trái lại còn cho nó sức mạnh của sự nhân nghĩa và sự cao cả. Những ai cho rằng lập trường hòa giải dân tộc có lợi cho cộng sản sẽ có một nhận định khác nếu tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra trong trường hợp mọi người Việt Nam đồng ý lấy hòa giải dân tộc làm mục tiêu số một. Lúc đó hệ luận tất nhiên là chính quyền phải nằm trong tay những người có tư cách để thực hiện hòa giải dân tộc, hay ít nhất không được nằm trong tay những người đã gây ta đổ vỡ và đã là tác giả của những chính sách lý lịch, phân biệt đối xử. Đảng cộng sản lúc đó sẽ lập tức lọt vào thế việt vị. Chính vì vậy mà đảng cộng sản từ chối hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hãy tìm đọc Tạp Chí Cộng Sản để biết đảng cộng sản nghĩ gì về lập trường hòa giải và hòa hợp dân tộc. Những người lãnh đạo cộng sản có thể không có kiến thức cao và không có thiện chí, nhưng họ không ngây thơ chút nào. Họ sợ và chống lập trường hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hơn nữa, chính quyền này sống nhờ chia rẽ và hận thù. Nếu mọi đảng viên cộng sản đều vững tin rằng chính quyền này có sụp đổ an ninh và danh dự của họ vẫn hoàn toàn được bảo đảm thì chắc chắn ban lãnh đạo cộng sản sẽ bị cô lập nhanh chóng.
Nhưng tại sao một số đông người Việt Nam lại dị ứng với ý niệm hòa giải ?
Lý do chính là vì hòa giải là một ý niệm hoàn toàn thiếu vắng trong tâm lý chính trị Việt Nam. Trong gần tám thế kỷ nay, kể từ nhà Trần trở đi, nhỏ cỏ tận gốc, tru di tam tộc, tiêu diệt toàn bộ đã là những biện pháp luôn luôn được người cầm quyền sử dụng để thay cho hòa giải. Đó thực ra cũng là một cách để giải quyết bài toán hòa giải : tiêu diệt hết đối phương để khỏi phải hòa giải. Dần dần cách ứng xử hung bạo đó đã ăn rễ vào tâm lý tập thể làm cho ý niệm hòa giải trở thành xa lạ đối với người Việt Nam. Chính vì thế mà nhiều người nói Việt Nam không cảm nhận được nhu cầu hòa giải, trong khi thực ra chúng ta là một trong những dân tộc cần hòa giải nhất.
Không quen với hòa giải, chúng ta không hiểu hòa giải và thường lẫn lộn hòa giải với những ý niệm thực ra rất khác với hòa giải, như thỏa hiệp và hợp tác. Không thiếu những người lên án chúng tôi là chủ trương ”bắt tay” với cộng sản vì chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc. ”Bắt tay” ở đây được hiểu theo nghĩa thỏa hiệp và hợp tác.
Thực ra có thể hòa giải mà không cần thỏa hiệp và cũng có thể có thỏa hiệp mà không cần hòa giải. Khi hai bên lâm chiến đồng ý ngừng bắn trong vài giờ để thu dọn chiến trường và di tản thương binh, họ chỉ thỏa hiệp mà không hòa giải. Ngược lại một cặp vợ chồng có xung khắc muốn hòa giải với nhau thì có thể không cần một thỏa hiệp nào. Thỏa hiệp là một giao kèo giữa các phe phái, trên một tương quan lực lượng nào đó vào một thời điểm nào đó. Câu hỏi ”có chấp nhận thỏa hiệp với cộng sản không” là một câu hỏi vô nghĩa. Khi chúng ta đã chấp nhận đấu tranh không dùng bạo lực thì chúng ta cũng đã mặc nhiên chấp nhận rằng thắng lợi của dân chủ sẽ qua nhiều thỏa hiệp giai đoạn. Tất cả vấn đề là thỏa hiệp trên cái gì và vào lúc nào. Điều cần thiết ở đây là biết rõ mình muốn gì. Chúng ta muốn dân chủ đa nguyên và chúng ta muốn dân chủ đa nguyên thật sớm, vậy những thỏa hiệp nào có tác dụng đẩy nhanh hơn tiến trình dân chủ hóa chúng ta sẽ chấp nhận, những thỏa hiệp nào có tác dụng làm chậm lại tiến trình dân chủ hóa và kéo dài chế độ độc tài chúng ta khước từ.
Còn hợp tác ? Đó cũng là một khái niệm khác với cả hòa giải lẫn thỏa hiệp. Hợp tác không bắt buộc phải có nghĩa là đồng minh, và cũng không phải chỉ xảy ra trong khuôn khổ của một thỏa hiệp. Ở đây cũng không thể có câu hỏi giản đơn ”có hợp tác với đảng cộng sản hay không ?”. Vấn đề là nhận diện cái gì cần thiết và có lợi cho đất nước và cái gì chỉ có lợi cho đối phương. Cứ giả thử chúng ta tự đặt trong thế thù địch với chính quyền cộng sản thì vẫn có những việc mà chúng ta phải hợp tác với chính quyền cộng sản. Lấy thí dụ nếu Trung Quốc lại lấn chiếm quần đảo Trường Sa (một việc mà họ đã từng làm năm 1988), chúng ta vẫn phải làm tất cả những gì có thể làm để giúp chính quyền cộng sản giữ lấy Trường Sa, chúng ta sẽ không thể cư xử như đảng cộng sản hồi tháng 1-1974 khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Một thí dụ khác, chắc chắn sẽ xảy ra, là trường hợp đảng cộng sản chấp nhận sinh hoạt đa đảng và bầu cử tự do. Trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên chúng ta sẽ để một mình đảng cộng sản tổ chức cuộc bầu cử, hay sẽ phải đòi được tham dự trong một chính phủ chuyển tiếp tổ chức bầu cử, hay ít nhất trong ủy ban tổ chức bầu cử ? Như thế trong trường hợp này, mặc dù chống đối đảng cộng sản tới đâu, chúng ta không những không từ chối sự hợp tác mà còn đòi được hợp tác.
Phản bác vì dị ứng và cảm tính khiến nhiều người sử dụng tất cả mọi lý cớ để chống đối Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc, kể cả những lý do rất hời hợt.
Một trong những lý do được lặp lại nhiều nhất, là cụm từ ”Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc” cộng sản đã dùng rồi. Cộng sản đã dùng rất nhiều cụm từ như ”độc lập dân tộc”, ”chủ quyền dân tộc”, ”đoàn kết dân tộc”, kể cả ”tự do”, ”dân chủ”. Nếu chúng ta phải từ chối mọi cụm từ mà cộng sản đã dùng thì chúng ta sẽ không còn ngôn ngữ. Vả lại những ai theo dõi sát hội nghị Paris (1968-1973) đều biết rằng cụm từ ”Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc” không do đảng cộng sản chế ra mà là một cụm từ mà họ đã phải miễn cưỡng chấp nhận. Họ cũng chỉ dùng trong một thời gian rất ngắn, từ tháng 1-1973 đến tháng 4-1975, và ngay trong thời gian ngắn ngủi này cũng thường chỉ nói ”hòa hợp dân tộc”, hay ”hòa hợp hòa giải” chứ ít khi dùng cụm từ ”hòa giải và hòa hợp dân tộc”.
Một phản bác có nội dung hơn là ”Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc” đã được cộng sản sử dụng như một chiêu để đánh lừa dân chúng. Điều này quả nhiên có thực, nhưng ta cũng cần nhìn rõ hơn chút nữa. Đây là một tinh thần được hai bên chấp nhận trong hiệp định Paris, nếu cả hai đều đề cao tinh thần này và mở ra một cuộc thảo luận toàn quốc về hòa giải dân tộc để tìm hiểu chúng ta đã có những đổ vỡ nào, và phải hàn gắn thế nào, trong tinh thần nào v.v… thì chắc chắn cuộc thảo luận sẽ rất bất lợi cho cộng sản vì họ chính là tác giả của hầu hết mọi đổ vỡ. Nhưng điều rất bất hạnh cho miền Nam là ông Thiệu và bộ tham mưu của ông quá kém về nhận thức chính trị nên đã bài xích lập trường này ngay sau khi ký kết hiệp định Paris, tự đặt mình vào thế bị động lúng túng và để phe cộng sản một mình khai thác theo ý họ một lập trường đáng lẽ rất bất lợi cho họ. Việc bài xích lập trường hòa giải và hòa hợp dân tộc sau này phần lớn là tàn dư của chọn lựa tai hại của một ông tổng thống đã đưa chế độ mà ông lãnh đạo đến thảm bại. Tôi không nhớ tên nhà tư tưởng nào đã nói rằng bài học lịch sử rõ nét nhất là người ta thường không biết rút ra những bài học lịch sử. Vả lại phải thẳng thắn mà nói chế độ Sài Gòn đã thất bại vì không biết tranh thủ dư luận quốc tế, nhất là dư luận quần chúng Mỹ, để rồi bị cô lập và bị bỏ rơi chứ không phải vì đã bị lường gạt bởi chiêu bài hòa giải và hòa hợp của cộng sản.
Hơn thế nữa, nếu cộng sản quả thực đã lợi dụng được lập trường ”hòa giải và hòa hợp dân tộc” (trên thực tế họ đã chỉ lợi dụng được chút ít) thì phải nhìn nhận rằng lập trường này đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân Việt Nam, đó lại càng là lý do để những người dân chủ nắm lấy để tranh thủ lòng dân trong cuộc vận động dân chủ hiện nay khi đảng cộng sản đang bối rối và mất tín nhiệm. Chính đáng hơn nữa, nếu đây là một lập trường đúng đã bị kẻ gian lợi dụng và chúng ta là nạn nhân thì lại càng là lý do khiến chúng ta đặt lại để đòi công lý. Kẻ oan ức sao lại sợ mở lại phiên tòa ?
Còn một câu hỏi chiến lược rất quan trọng mà những người dân chủ phải đặt ra. Chắc chắn sẽ có một ngày không xa đảng cộng sản sẽ phải từ bỏ thái độ ngoan cố và chấp nhận sự hiện diện của đối lập trong một cuộc cạnh tranh hòa bình. Đảng cộng sản và các lực lượng dân chủ sẽ tranh giành nhau sự hỗ trợ của nhân dân Việt Nam và dư luận quốc tế. Hãy thử tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra nếu đảng cộng sản lại đưa ra lập trường hòa giải và hòa hợp dân tộc trong khi các lực lượng dân chủ chống lại lập trường này ? Lúc đó dù chúng ta có biện bạch, tố giác sự giả dối của cộng sản thế nào đi nữa, trước mắt thế giới (và một phần dân chúng) sự thực vẫn là phe cộng sản chủ trương hòa giải trong khi những người đối lập với họ không chịu hòa giải. Thế đứng của chúng ta sẽ mạnh hay sẽ yếu ?
Sau hơn mười năm tranh cãi, vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc đã được khai thông rất nhiều và, nói chung, mọi người đã chấp nhận trong nội dung, chỉ còn một thiểu số không đáng kể cố tình đồng hóa nó với một chiêu bài cộng sản, và chính thiểu số này cũng tự biết là mình vô lý. Đó là một tiến bộ rất khả quan. Thế nhưng vẫn còn những lấn cấn trong từ ngữ, lấn cấn thực sự cũng có mà lấn cấn do lòng tự ái không chịu chấp nhận mình đã lầm cũng có. (Một thân hữu có lần đã nói đùa : ”Cái tội của các anh là đã có lý sớm hơn người khác. Ngày trước người ta ghét các anh vì cho rằng các anh ngây thơ ấu trĩ, ngày nay họ ghét các anh vì đã dám có lý trước họ”). Nhiều cụm từ thay thế được đề nghị : ”Hòa Đồng Dân Tộc”, ”Hóa Giải”, ”Giải Hòa”… Tất cả chỉ là những gán ghép gượng gạo, vốn đã tối nghĩa ngay trong tiếng Việt và hoàn toàn vô nghĩa trong ngôn ngữ chính trị quốc tế. Đối với thế giới chỉ có National Reconciliation (hay Réconciliation Nationale) và dịch ra tiếng Việt là hòa giải dân tộc. Tại sao lại mất thì giờ đến thế ?
Cuộc bàn cãi sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta nhìn vào nội dung của hòa giải. Hòa giải, vì là một tình cảm quảng đại nên không loại bỏ bất cứ ai, trái lại nó còn nhắm thuyết phục và tranh thủ trước hết những người đang chống hoặc đang sợ hòa giải. Nhưng hòa giải cũng có những đòi hỏi rõ rệt. Cửa chùa mở cho mọi người nhưng muốn qui y thì phải lễ Phật. Hòa giải không thể thực hiện được trên công thức ”tôi quyết định, anh tuân phục ; tôi mãi mãi cầm quyền, anh suốt đời bị trị”. Hòa giải bao hàm sự bình đẳng và kính trọng lẫn nhau giữa những người khác quan điểm. Như vậy nền tảng của hòa giải là dân chủ, và là dân chủ đa nguyên. Vận động cho hòa giải dân tộc cũng là vận động cho dân chủ đa nguyên, bởi vì những người hưởng ứng lập trường hòa giải dân tộc sẽ nhanh chóng nhận ra rằng dân chủ đa nguyên là điều kiện để thực hiện hòa giải.
Hòa giải cũng đòi hỏi những hành động rất cụ thể : bãi bỏ mọi biện pháp phân biệt đối xử, cấm tuyệt những hành vi và ngôn ngữ xúc phạm, phục hồi danh dự và bồi thường thiệt hại – dù chỉ là bồi thường một cách tượng trưng – cho các nạn nhân. Xóa bỏ hận thù là điều không đơn giản, hòa giải không có nghĩa là chấp nhận toàn bộ những sự đã rồi. Hòa giải không phải là xí xóa. Nhà nước có thể sẽ xóa bỏ, và chắc chắn sẽ phải xóa bỏ, mọi xúc phạm và thiệt hại đối với nhà nước nhưng không thể, và cũng không có quyền, xóa bỏ những xúc phạm và thiệt hại đã gây ra cho một công dân nếu công dân này đòi được cứu xét. Công lý vẫn phải là công lý, nghĩa là vẫn phải sòng phẳng, dù là sòng phẳng trong tinh thần khoan dung. Hòa giải không có nghĩa là dành quyền bất khả xâm phạm cho một ai.
Đúng, người cầm quyền là người có bổn phận và có phương tiện để thực hiện hòa giải hơn cả nhưng chính quyền này không làm và chúng ta cũng không hy vọng họ làm, trừ khi bị đặt trước một sức ép rất mạnh. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta đành thụ động. Chúng ta vẫn có thể đưa hòa giải và hòa hợp dân tộc ra như một mẫu số chung để đoàn kết các lực lượng dân chủ, và chúng ta vẫn có thể đưa ra như một dự án chính trị. Có những việc rất quan trọng và có ý nghĩa nhưng tương đối dễ làm : trùng tu lại những nghĩa trang và mồ mả đã bị xúc phạm ; dựng những đài tưởng niệm cho những người đã bỏ mình trong cả hai hàng ngũ ; trùng tu lại Tháp Chàm và dùng tên các anh hùng Chăm cho một số đường phố, dựng một đài tưởng niệm cho những người đã bị giết về tội phản quốc trong cả hai bên vì chính họ là thành phần có nhiều người yêu nước hơn cả ; tổ chức một ngày lễ giải oan cho những người Công giáo bị bách hại dưới chính sách cấm đạo của triều Nguyễn ; dựng một tượng Mẹ Việt Nam thật lớn trên đảo Côn Sơn hướng về biển cả thương nhớ những đứa con đã bỏ nước ra đi, nhất là những đứa con đã bỏ mình trên biển cả ; dựng những đài kỷ niệm cho các nạn nhân của Cải Cách Ruộng Đất, của Học Tập Cải Tạo, của Chiến Dịch Phượng Hoàng, của những đợt dội bom ; chọn một ngày thực ý nghĩa, chẳng hạn như ngày lễ xá tội vong nhân, làm ngày Hòa Giải Dân Tộc và Quốc Khánh, v.v…
Nhưng phần còn lại của cố gắng hòa giải rất khó. Trước hết là khó đối với một chính quyền dân chủ trong tương lai có quá nhiều oan ức cần phải giải tỏa nhưng lại chỉ có những phương tiện hạn hẹp của một nước rất nghèo. Cũng khó vì phải giải tỏa những bất mãn do quá khứ để lại mà không tạo ra những bất mãn mới, phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân mà không tạo ra những nạn nhân mới.
Và khó khăn lớn nhất vẫn là lòng người. Có những người sẽ rất khó chấp nhận hòa giải bởi vì có những đổ vỡ không thể hàn gắn. Không ai trả lại được một người cha hay một đứa con đã mất. Và cũng không thể bồi thường thiệt hại cho một thiếu niên năm 1975 bị đuổi khỏi trường, bị đẩy đi vùng kinh tế mới, ngày nay đã là một người đầu hai thứ tóc, thất học, bệnh tật và nghèo khổ, bởi vì cả một cuộc đời đã gãy đổ rồi. Hòa giải như thế là một lộ trình bắt buộc nhưng vất vả và khó khăn, mỗi người lên đường với một gánh nặng khác nhau. Có những người không thể đi mau, họ là những nạn nhân đau khổ nhất, vì thế cũng là những người cần được cảm thông và săn sóc nhiều nhất. Võ sư Trần Huy Phong, một trí thức lớn ở trong nước đã vào tù ra khám nhiều lần dưới chế độ này, gần đây có dịp xuất ngoại và trao đổi với tôi. Có lúc anh dừng lại rồi nói một cách trầm ngâm : ”Việt Nam ngày nay bề mặt có vẻ như yên lặng, nhưng nếu có thay đổi chế độ mà không có chuẩn bị chắc chắn sẽ có đổ máu lớn”. Khi viết những dòng này, tôi nhớ rất rõ nét mặt lo âu của anh. Ở đây, anh Phong chỉ bày tỏ một lo ngại trong tương lai, nhưng cả hai chúng tôi đều đã đồng ý với nhau từ lâu là nếu không có hòa giải dân tộc chúng ta sẽ không chấm dứt được chế độ độc tài này.

Ngày nay, khi phần lớn những đam mê và hiểu lầm đã được giải tỏa, chính là lúc mà chúng ta có thể nhìn lại vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc một cách bình tĩnh.
Khi một tập thể, dù là gia đình hay một dân tộc, đã có xung đột và đổ vỡ thì chỉ có ba trường hợp. Một là một phe tiêu diệt hẳn hay khống chế hẳn được đối phương ; hai là hai bên hòa giải với nhau để tập thể tiềp tục tồn tại và tiến tới ; ba là tập thể bị phân hóa, tê liệt và tiến đến tan rã. Trong suốt tám thế kỷ nay và cho tới bây giờ dân tộc Việt Nam đã chỉ được biết có giải pháp tiêu diệt và khống chế. Nhưng ở thời đại của văn minh và nhân quyền này, giải pháp thô bạo này không thể áp dụng được nữa, nó đang phá sản và đe dọa đưa đất nước tới phá sản. Chỉ còn lại hai giải pháp : hòa giải hay tan vỡ mà thôi.
Hòa giải và hòa hợp dân tộc là tình cảm tự nhiên của một dân tộc muốn tiếp tục chia sẻ một tương lai chung, nghĩa là một thể hiện của lòng yêu nước. Đó là lập trường phải có để tiến tới một tập hợp dân tộc mới trên đồng thuận chấm dứt chế độ độc tài và xây dựng dân chủ đa nguyên. Đó cũng là một chiến lược bắt buộc để cô lập và đánh bại nhóm ít người ngoan cố đang cầm quyền và đang lì lợm chống lại sự chuyển hóa của dân tộc để hội nhập vào dòng sống của loài người tiến bộ.
Nhưng, vượt lên trên mọi tính toán chính trị, đó là con đường duy nhất để sau này Việt Nam có thể động viên mọi khối óc và mọi bàn tay cho cố gắng vươn lên khỏi sự nghèo khổ và thua kém, điều kiện để đất nước có lý do, và có thể, tồn tại.
Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận 125, tháng 4/1999)