Truyền thông quốc tế nói về 'Lực lượng 47' (BBC)

Nhà văn Đoàn Bảo Châu viết trên trang Facebook của ông hôm 26/12: "Tôi tự hỏi lực lượng này có khác gì với đội ngũ dư luận viên (DLV) lương tháng 3 triệu mà sứ mệnh cao cả nhất của họ là chửi bới cục cằn, ngôn ngữ hạ cấp, lý luận cùn, thiếu não và có thể nói là ngu một cách "kiên định" và "bền vững" trong thời gian qua không? 


Đội ngũ an ninh mạng 'hùng hậu' của Việt Nam mang tên Lực lượng 47 đã được truyền thông nước ngoài đưa tin và bình luận trong vài ngày qua. 

Lực lượng 47, gồm 10.000 người, sẽ 'là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng', 'vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao', truyền thông trong nước dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Tổng cục Chính trị hôm 25/12. 

Hãng tin Anh Reuters ngày 26/12 có bài bình luận về lực lượng an ninh mạng với nhiệm vụ "chống lại quan điểm 'sai trái'" trên internet này trong bối cảnh "cuộc đàn áp những người chỉ trích nhà nước độc đảng ngày càng lan rộng".

"Nhà nước Cộng sản Việt Nam tăng cường nỗ lực kiểm soát Internet, kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn các mạng xã hội và xóa bỏ nội dung có vẻ mang tính công kích, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy những nỗ lực này khiến sự chỉ trích lắng xuống trong bối cảnh các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội là công ty toàn cầu", bài báo của Reuters viết.

Số nhân lực 10.000 người của Lực lượng 47 được so sánh với con số 6.000 nhân viên của Bắc Hàn. Tuy nhiên, ý kiến của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa gợi ý rằng lực lượng này tập trung chủ yếu vào người sử dụng internet trong nước, trong khi Bắc Hàn tập trung vào trên phạm vi quốc tế vì internet không được phổ biến cho người dân nước này, vẫn theo Reuters.

Việt Nam, một trong 10 quốc gia hàng đầu về số người sử dụng Facebook, vừa qua đã soạn thảo một dự luật về an ninh mạng, yêu cầu đặt các máy chủ của Facebook và Google tại Việt Nam. Dự luật này được bàn luận sôi nổi tại Quốc hội và vẫn đang chờ được thông qua.

Công ty an ninh mạng Hoa Kỳ FireEye cho Reuters biết Việt Nam đã "xây dựng được các chức năng gián điệp trên mạng đáng kể trong một khu vực có hệ thống phòng thủ tương đối yếu".

Phát ngôn viên của FireEye, người yêu cầu giấu tên, nói với Reuters rằng: "Việt Nam chắc chắn không đơn độc. FireEye đã quan sát sự gia tăng các khả năng tấn công ... Sự gia tăng này có ý nghĩa đối với nhiều bên, bao gồm các chính phủ, nhà báo, nhà hoạt động và thậm chí cả các công ty đa quốc gia".

Ông nói thêm: "Hoạt động gián điệp qua mạng đang ngày càng hấp dẫn các quốc gia, một phần bởi nó có thể cung cấp quyền truy cập một số lượng thông tin đáng kể với đầu tư khiêm tốn, khả năng phủ nhận hợp lý và rủi ro thấp". 

Reuters cũng nhắc lại việc Việt Nam tháng trước bỏ tù một blogger bất đồng chính kiến với thời hạn mười năm và vài tháng trước đó tuyên án bảy năm tù một blogger khác vì tội 'tuyên truyền chống phá nhà nước'.

Hãng tin Bloomberg hôm 27/12 nhân thông tin về Lực lượng 47, cho biết thêm trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở cửa cho Thung lũng Silicon, trong đó có Tập đoàn Alphabet Inc. Không giống như Trung Quốc chặn Facebook, Google và Twitter, chỉ mở đường cho các dịch vụ mạng xã hội nội địa như WeChat, QQ, Baidu và Weibo.

Bloomberg cũng trích dẫn thông tin từ một website của chính phủ cho hay Facebook, vốn có quy chế cho chính phủ các nước thông tin về các hoạt động bất hợp pháp, đã gỡ bỏ các tài khoản giả mạo và các nội dung phát ngôn vi phạm chính sách. Chủ tịch điều hành Alphabet Inc, ông Eric Schmidt, cũng hứa trong cuộc gặp hồi tháng Năm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội sẽ cùng Việt Nam chống lại các nội dung "xấu" trên YouTube.

Mô hình "đội quân 50 xu" của Trung Quốc

Từ năm 2010, Trung Quốc đã có một đội ngũ các "bình luận viên" được nhà nước trả lương để tung các bài viết và bình luận theo đường lối chính quyền lên mạng. 

Những người này, mà con số ước tính ở thời điểm 2010 là 300.000, được mệnh danh là "đội quân 50 xu" vì cứ mỗi comment mà họ tung lên mạng, họ được trả công 50 xu. Thế nhưng dần dần ngay cả những người này cũng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả công việc của họ.

Không chỉ nhắm vào người sử dụng mạng trong nước, chính phủ Trung Quốc được cho là còn có đội ngũ gián điệp mạng chuyên tấn công vào các quan chức và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam. 

Hồi tháng 9/2017, FireEye nói với Reuters rằng các cuộc tấn công xảy ra trong những tuần cuối tháng tám cho thấy Trung Quốc bắt đầu nhắm vào lĩnh vực thương mại đầy tiềm năng ở Việt Nam và cố gắng thu thập nguồn thông tin rộng lớn ở đó.

Theo Bộ Công an Việt Nam, chỉ trong nửa đầu 2017, cả nước có hơn 4600 trang thông tin có tên miền quốc gia bị tin tặc tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Cuối tháng 7/2017, hãng Vietnam Airlines bị tấn công tin tặc với màn hình ở các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị mất quyền điều khiển giao diện và hiển thị nội dung đả kích Việt nam và Phillipines.

Mạng xã hội nói gì về 'lực lượng 47'?

Thông tin về đội quân 10.000 người của lực lượng 47 được bình luận rộng rãi trên các trang mạng xã hội Việt Nam. 

Nhà văn Đoàn Bảo Châu viết trên trang Facebook của ông hôm 26/12: "Tôi tự hỏi lực lượng này có khác gì với đội ngũ dư luận viên (DLV) lương tháng 3 triệu mà sứ mệnh cao cả nhất của họ là chửi bới cục cằn, ngôn ngữ hạ cấp, lý luận cùn, thiếu não và có thể nói là ngu một cách "kiên định" và "bền vững" trong thời gian qua không? 

Nếu là một lực lượng mới thì đây là một tin rất buồn cho đất nước vốn đã xơ xác bởi nạn tham nhũng kinh hoàng, bởi môi trường ô nhiễm, giáo dục càng cải cách càng lạc hậu...

Tôi nghĩ với tư tưởng lãnh đạo sáng suốt, con đường đi đúng đắn thì chừng 800 tờ báo đã là quá đủ cho công tác tuyên truyền rồi, tại sao lại khoác thêm một gánh nặng cho ngân sách vốn đã rất hạn hẹp?"

Nhà báo Trương Huy San thì bình luận ngắn gọn trên Facebook: "Lâu nay, cứ đọc những tin nhắn tục tĩu, những cmts khiên cưỡng, ngờ nghệch mà không biết ở đâu ra."