Nghề luật, lý kẻ mạnh và sống xứng đáng (Nguyễn Gia Kiểng)


Cứu cánh của nghề luật sư là bảo vệ công lý, nghĩa là góp phần để luật pháp ngày càng thể hiện lẽ phải một cách đúng hơn và được thi hành một cách trung thực hơn, nhưng cho đến một ngày gần đây tập thể luật sư đã làm gì? Đã có bao nhiêu luật sư lên tiếng về sự mơ hồ và tùy tiện của các điều 79, 88, 258 của bộ luật hình sự? Đã có bao nhiêu luật sư lên tiếng phản bác những phiên tòa bịp bợm được dàn dựng lên để bách hại những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền?


Những người sống bằng nghề luật được đề cập đến trong bài này trước hết là các luật sư can thiệp trong các vụ án chính trị. Tôi nghĩ tới các thẩm phán dù họ chỉ là một số nhỏ và thực ra không phải là những luật gia mà chỉ làm công việc đọc những bản án đã được công an quyết định trước bởi vì hành vi của họ quá nghiêm trọng.

Đất nước ta đang trải qua một giai đoạn đáng buồn và đáng phẫn nộ. Rất nhiều người yêu nước và vô tội đã bị bắt trong năm nay. Một số đã bị xử những án tù cực kỳ dã man. Những người khác đang chờ đợi những bản án có lẽ còn độc ác hơn.

Từ hai vụ án…

Xin bắt đầu bằng hai vụ án chính trị đang gây chú ý.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, là một phụ nữ 38 tuổi sinh sống tại Nha Trang, mẹ của hai con nhỏ 11 và 5 tuổi, bị buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" chiếu theo điều 88 bộ hình sự, nhưng bản cáo trạng lại kể cả những tội danh như đi biểu tình, từng đi thăm những người bị bắt, tham dự những buổi họp v.v. những việc làm không phạm pháp cũng không liên quan đến điều 88 nhưng có lẽ đã là nguyên nhân quan trọng khiến Như Quỳnh bị chế độ cộng sản coi là một phần tử nguy hiểm phải triệt hạ. Bản cáo trạng nói tới hơn 400 bài viết trên Facebook và Blog "có nội dung xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức bộ máy công quyền" nhưng hoàn toàn không chứng minh Như Quỳnh đã xuyên tạc những gì và thế nào.

Trên một điểm, việc Như Quỳnh tố giác 31 vụ công an đã đánh chết người trong lúc thẩm vấn, cáo trạng không hề nêu ra một trường hợp bịa đặt nào. Trái lại báo chí nhà nước còn gián tiếp xác nhận Như Quỳnh đã nói đúng sự thực khi biện luận rằng "một phần không nhỏ các vụ này đã được xác nhận là không do trách nhiệm của công an". Như vậy vụ Như Quỳnh cùng lắm là một cuộc tranh luận trong đó, theo chính những gì mà nhà nước cộng sản nói, phần thắng nghiêng hẳn về phía Như Quỳnh. Dầu vậy Như Quỳnh đã bị xử 10 năm tù. Đây chỉ là lý của kẻ mạnh. Và cũng là lý của kẻ ác bởi vì nếu chế độ này còn kéo dài thêm mười năm nữa thì khi ra khỏi nhà tù Như Quỳnh, nếu vẫn cón sống, sẽ là một người đàn bà 48 tuổi với sức khỏe và trí tuệ bị tàn phá. Một cuộc đời bị hủy hoại. Hai đứa con 5 tuổi và 11 tuổi sẽ ra sao? Chúng bị mất mẹ vào quãng đời mà chúng cần nhất.

Giữa hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư Võ An Đôn, một trong những luật sư bào chữa, vào thăm Như Quỳnh và thuật lại rằng khi gặp ông Như Quỳnh đã kể lại rằng luật sư Hà Huy Sơn cũng đã vào thăm và khuyên Như Quỳnh nên nhận tội để được khoan hồng. Ông Hà Huy Sơn không cải chính điều này. Ông Võ An Đôn cũng tố giác những áp lực bỉ ổi để ép cung như không cho Như Quỳnh được dùng băng vệ sinh phụ nữ. Một vài ngày trước phiên tòa phúc thẩm ông Võ An Đôn bị Đoàn Luật Sư Phú Yên xóa tên khỏi danh sách luật sư và rút thẻ hành nghề.

Vụ Phan Kim Khánh dù không quan trọng bằng nhưng còn mờ ám hơn và cũng liên quan tới luật sư Hà Huy Sơn. Khánh là con của một gia đình nông dân nghèo đã phải cố gắng lắm mới có thể cho Khánh học đại học Thái Nguyên. Khánh đang học năm cuối ngành bang giao quốc tế. Khánh không tham gia một tổ chức nào ngoài Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh và sắp ứng cử bí thư đoàn. Nhưng bất ngờ tháng 3-2017 vừa qua Khánh bị bắt và bị buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" chiếu theo điều 88 bộ hình sự cũng như Như Quỳnh. Tội của Khánh là đã lập những trang FaceBook và Blog chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Hoàn toàn không có một lời kêu gọi chống chính quyền hay biểu tình nào cả.

Vụ án Phan Kim Khánh mờ ám ngay từ đầu. Luật sư Hà Huy Sơn không công bố bản cáo trạng dù luật pháp không cấm việc này. Chỉ có báo chí nhà nước loan tin Khánh đã viết và đăng những bài xuyên tạc bôi nhọ nhà nước, điều mà người ta không thấy trên những trang FaceBook và Blog của Khánh, và có liên hệ với "những phần tử phản động ở nước ngoài" như Điếu Cày và đảng Việt Tân. Người ta cũng không biết vụ xét xử đã diễn ra như thế nào vì ông Hà Huy Sơn cũng không tường thuật lại, dù luật pháp cũng không cấm. Cũng chỉ có báo chí nhà nước nước thuật lại rằng trước tòa Khánh đã nhận tội và xin khoan hồng. Không ai biết điều này có đúng không vì chỉ có luật sư Hà Huy Sơn và cha của Khánh được vào phòng xử nhưng cả hai người này đều không cải chính. Khánh bị xử 6 năm tù và 4 năm quản chế. Như thế nếu phải thi hành hết bản án này thì Khánh sẽ bị cướp đi sáu năm đẹp nhất và quan trọng nhất của đời, sẽ lỡ học, trí tuệ và sức khỏe cũng suy giảm nặng, nếu không suy sụp hẳn. Sự tàn nhẫn của bản án này còn đáng phẫn nộ ở chỗ nó cực kỳ tùy tiện và dấm dúi. Người ta có thể đoán lý do khiến Khánh bị xử án nặng như vậy: Khánh là một thanh niên gương mẫu theo tiêu chuẩn của chế độ và do đó giống như một tế bào ung thư trong phần cốt lõi của tuổi trẻ mà Đảng Cộng Sản đang cố giữ: Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Bản án có mục đích răn đe và làm gương. Tuy vậy gia đình Phan Kim Khánh sau lần thăm nuôi vừa qua cho biết Khánh có vẻ lạc quan, nói rằng được công an đối xử thân thiện và không trả lời câu hỏi có kháng án hay không. Như vậy phải hiểu rằng công an đang dụ dỗ Khánh hãy ngoan ngoãn rồi sẽ được đối xử tử tế và trả tự do sớm. Chính quyền vừa dọa dẫm vừa dụ dỗ và có nhiều triển vọng thành công.

Hai vụ án này vừa xảy ra và đang được chú ý nhưng chúng không khác mọi vụ án chính trị gần đây. Cách ứng xử của chính quyền cộng sản, nhưng quan trọng hơn là của các luật gia, có nhiều điều cần được thảo luận thẳng thắn trong tinh thần tương kính, đặc biệt là vào thời điểm này.

Chính quyền cộng sản đã gia tăng sự trắng trợn và độc ác với những người không cùng chính kiến. Họ vẫn là những môn đồ trung kiên của Lênin, con người đã để lại câu nói gớm ghiếc là "chính quyền vô sản không bị trói buộc bởi bất cứ luật pháp nào". Nhưng việc họ gia tăng mức độ thô bạo, cũng như việc họ đã là chính quyền duy nhất trên thế giới long trọng kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Tháng 10 Nga, không biểu lộ sự tự tin như họ muốn dư luận hiểu. Họ không có bất cứ lý do nào để tự tin cả. Họ đang khốn đốn về mọi mặt và phân hóa trong nội bộ. Thái độ lì lợm và thách đố của họ chỉ tố giác một tâm lý tuyệt vọng của kẻ tự thấy không còn gì để mất vì không còn lối thoát nào và chọn lựa duy nhất là cố gắng kéo dài thêm được ngày nào hay ngày đó. Tuy vậy ngay cả trong sự tuyệt vọng này họ cũng đã lúng túng. Họ đã phải điều đình với các nạn nhân như người ta có thể thấy rõ ràng trong vụ Phan Kim Khánh. Họ còn tuyệt vọng hơn họ tưởng. Ông bà ta có câu "thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ khốn cùng liều thân". Nhưng hai cái "sợ" đó khác nhau. Chúng ta phải thận trọng nhưng không có lý do để bỏ chạy.

… đến nhận thức của các luật sư

Điều cần được nhìn rõ hơn, để nghĩ lại, là cách suy nghĩ và ứng xử của các luật sư.

Cả hai luật sư Võ An Đôn và Nguyễn Khả Thành, mà thiện chí và sự chân chính không thể bị ngờ vực, đều nói rằng bản án mười năm tù với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là quá nặng. Như vậy nếu tòa chỉ xử Như Quỳnh một hay hai năm tù là được? Dứt khoát là không. Như Quỳnh hoàn toàn vô tội. Chính quyền cộng sản phải trả tự do tức khắc và còn phải bồi thường thiệt hại cho Như Quỳnh. Không ai phải chứng minh là mình vô tội cả, chính người buộc tội phải chứng minh sự sai phạm. Nhưng chính quyền cộng sản đã không chứng minh được gì cả mà chỉ nói một cách hàm hồ là Như Quỳnh có tội. Như thế thái độ đúng của các luật sư là phải khẳng định Như Quỳnh hoàn toàn vô tội và phải được bồi thường chứ không phải là mong Như Quỳnh được xử án nhẹ. Dĩ nhiên dưới một bạo quyền thì sự mong muốn khiêm tốn này có thể hiểu được nhưng nói ra là một chuyện khác. Lẽ phải bao giờ cũng cần được khẳng định, trước hết bởi những người có chức năng bảo vệ nó.

Những phát biểu của luật sư Hà Huy Sơn đáng quan tâm hơn nhiều. Ông can thiệp trong cả hai vụ án này và trong cùng thời điểm, nhân vụ ca sĩ Mai Khôi trưng biểu ngữ chống Donald Trump, ông cũng đã lên tiếng. Dù không chất vấn thiện chí ông cũng phải nói là luật sư Hà Huy Sơn đã có những ngộ nhận rất lớn.

Về việc khuyên Như Quỳnh nhận tội và xin khoan hồng –và có mọi triển vọng là ông cũng đã khuyên Phan Kim Khánh như thế- luật sư Hà Huy Sơn nói rằng ông đã làm như vậy vì lo cho các thân chủ nhưng quyết định là của họ. Ngay cả nếu xuất phát từ lòng tốt thì đây cũng vẫn là một điều mà một luật sư không được quyền làm. Bổn phận của luật sư là chứng minh rằng một người bị buộc tội oan là vô tội chứ không phải là khuyên người bị oan nên nhận tội. Có thể trên thực tế trước một bạo lực quá đồ sộ thái độ thông cảm được là van xin để thoát hiểm, nhưng ngay cả trong trường hợp này khuyên nạn nhân van xin cũng chỉ có thể là công việc của gia đình và bè bạn chứ không thể là của luật sư. Luật sư Hà Huy Sơn đã hiểu lầm vai trò của mình. Các luật sư có lòng tốt và sự dũng cảm bảo vệ các nạn nhân của bạo quyền rất đáng quý trọng nhưng họ sẽ còn đáng quý trọng hơn và phục vụ lẽ phải hiệu quả hơn nếu hiểu việc mình làm. Họ có lẽ phải và luật pháp quốc tế với mình, họ không cần quá khiêm tốn. Những người mà họ bảo vệ tranh đấu cho thắng lợi của các giá trị cao cả chứ không tranh đấu để rồi nhận tội và xin khoan hồng, để được ở tù 5 năm thay vì 10 năm.

Luật sư Hà Huy Sơn cũng nói, nhân vụ Mai Khôi, rằng "Lợi ích của dân tộc cao hơn mọi quyền biểu đạt cá nhân. Quan trọng hơn là nội dung biểu đạt lại đi ngược với lợi ích đất nước". Đây cũng là một ngộ nhận lớn. Quyền phát biểu là một quyền cụ thể có định nghĩa rõ ràng mà người ta có thể hành xử chỉ trừ khi xâm hại tới một hay nhiều quyền cụ thể của một hay nhiều người khác, trong khi "lợi ích dân tộc" là một khái niệm tuy có thật nhưng có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau và do đó không thể so sánh với quyền. Một thí dụ cụ thể là một quan điểm về lợi ích dân tộc của chính luật sư Hà Huy Sơn trong một phát biểu trên Facebook. Ông Sơn cho rằng việc xóa bỏ khối thặng dư thương mại hơn 30 tỷ USD của Việt Nam đối với Hoa Kỳ sẽ có lợi cho Việt Nam vì như thế Việt Nam sẽ không còn khả năng nhập siêu đối với Trung Quốc, nhưng một người theo dõi hoạt động kinh tế có thể nghĩ khác. Người này lý luận rằng Việt Nam sở dĩ xuất siêu sang Mỹ là nhờ gia công hàng hóa Trung Quốc, thậm chí bán hàng Trung Quốc mang nhãn made in Vietnam. Chính nhờ vậy mà Việt Nam có được một chút lời và Trung Quốc cũng cần Việt Nam hơn, nếu không Việt Nam sẽ mất tiền và Trung Quốc cũng sẽ không còn lý do để nương tay đối với Việt Nam. Thí dụ này cho thấy lợi ích dân tộc là một khái niệm có thể tranh cãi. 

Như vậy ai có "quyền" quyết định thế nào là lợi ích dân tộc và đặt nó lên trên tự do cá nhân? Nếu bảo rằng đó là chính quyền thì chẳng còn gì để nói. Vả lại đối với một luật gia thì không thể có bất cứ gì cao hơn quyền cả. Bổn phận của một chính quyền là làm thế nào để quyền lợi quốc gia không mâu thuẫn với các quyền con người chứ không thể gới hạn các quyền nhân danh một nhận định chủ quan về lợi ích dân độc.

Cũng phải nói đến một hiểu lầm khác của luật sư Hà Huy Sơn. Trong một phát biểu khác cũng trên FaceBook ông viết: "Chính trị bao giờ cũng nằm trên và quyết định pháp luật. Ở xã hội văn minh thì pháp luật tiệm cận chính trị. Ở Việt Nam khoảng cách đó còn xa". Sai lầm hoàn toàn và nguy hiểm. Không có có gì cao hơn luật pháp cả vì một lý do hiển nhiên là luật pháp là sự thể hiện của cái đúng, của lẽ phải trong sinh hoạt xã hội và không thể có bất cứ gì cao hơn lẽ phải cả. Đây là một đề tài triết lý chính trị đã có đồng thuận. Cách đây 24 thế kỷ Plato đã từng nói không có gì cao hơn lẽ phải, thượng đế mà không đúng cũng không cần nghe theo. Và vì luật là sự thể hiện của lẽ phải trong đời sống xã hội nên luật phải đúng. Cũng chính Plato đã nói một câu mà chưa ai có thể phản bác: "luật không đúng không phải là luật". Không có gì có thể cao hơn luật pháp cả. Chính trị là công tác quản lý các việc chung trong xã hội và phải ở dưới pháp luật như tất cả mọi hoạt động khác. Không những thế nó còn phải dừng lại ở biên giới của không gian cá nhân. Có lẽ vì sinh ra và trưởng thành trong sự lộng hành của chế độ độc tài cộng sản trong đó luật được soạn thảo và thi hành một cách tùy tiện mà một số anh em lầm tưởng rằng chính trị cao hơn luật pháp nhưng đây là một ngộ nhận lớn. Cuộc đấu tranh cho dân chủ chính là để đánh tan ngộ nhận này. Để luật thể hiện đúng lẽ phải và được tôn trọng.
 
Trong nhận thức của một số luật sư có nhiều điều cần được xét lại. Mong rằng những dòng trên đây không được coi là những phê phán đối với các luật sư Võ An Đôn, Nguyễn Khả Thành và nhất là Hà Huy Sơn. Tôi tin họ đều có thiện chí và đều có ước vọng dân chủ cho đất nước. Mong các bạn coi đây là những đóng góp trong tình anh em để chúng ta cùng nhìn rõ hơn và cùng đóng góp hiệu quả hơn cho đất nước và cuộc vận động dân chủ. Và những gì tôi nói cũng có thể sai hay cần được bổ túc.

Hai điều cơ bản

Kể từ năm 1976 Công Ước Quốc Tế Về Nhân Quyền (The International Bill of Human Rights) -gồm Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập, Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị  và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa- đã  có giá trị của một bộ luật quốc tế mà mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều phải tôn trọng. Trong luật quốc tế này các quyền tự do cá nhân đã được định nghĩa rất rõ ràng. Chúng có giá trị cao nhất và không thể chuyển nhượng. Các anh em dân chủ đang mắc nạn -Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phan Kim Khánh, Nguyễn Văn Hóa, Trần Thị Nga, các anh em thuộc Hội Anh Em Dân Chủ và nhiều anh em khác- đều đã chỉ sử dụng một phần và một cách khiêm tốn các quyền này. Họ hoàn toàn vô tội. Điều này cần được nói ra và nhấn mạnh trong các phiên tòa chính trị sắp tới.

Để chúng ta vững tin bảo vệ các anh em dân chủ mắc nạn đã hoặc sắp có thể bị xử những bản án rất nặng có lẽ cũng nên nhắc lại ba đặc tính nền tảng của khái niệm Quyền.

Một là, Quyền thuộc về luật và vì thế nó ở trên tất cả. Nó phải thẳng thắn, nó không thể chấp nhận thỏa hiệp trên những điểm cơ bản, nếu không nó không còn là quyền.

Hai là, Quyền luôn luôn đối nghịch với thực tại vì người ta chỉ viện dẫn quyền trước một thực tại không vừa ý. Như vậy nhân danh thực tại để nhân nhượng và hy sinh quyền là một thái độ đầu hàng hèn nhát; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với con mắt của con người chứ không chấp nhận để nhìn con người từ thực tại, sự phản kháng là cốt lõi của quyền.

Ba là, Quyền không thể chấp nhận sự vô lý, nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ là nền tảng chính đáng của nó.

Những gì đúng với khái niệm quyền lại càng đúng với quyền con người bởi vì đó là những quyền bắt buộc nhất. Trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền, nhất là trong cương vị của một luật sư bảo vệ những anh em dân chủ, lập trường đúng nhất là không nhân nhượng, đòi hỏi thực hiện tức khắc và trọn vẹn các quyền tự do cơ bản. Chúng ta có lý và có quyền. Chính quyền cộng sản vô lý và phạm pháp. Chính họ phải khiêm tốn.

Đừng nên bi quan nghĩ rằng viện dẫn luật pháp quốc tế chẳng có tác dụng gì với chính quyền lì lợm này bởi vì luật quốc tế về nhân quyền chưa có chế tài. Lẽ phải tự nó có sức mạnh, nhất là khi được nói ra ngay trước mặt những kẻ vi phạm. Các luật sư Việt Nam có khả năng làm điều đó và tạo ra một biến cố lịch sử làm lung lay chế độ độc tài. Sự dũng cảm trước một bạo quyền dĩ nhiên có rủi ro. Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Võ An Đôn đã là những nạn nhân. Tuy vậy không có thiệt hại nào có thể so sánh được với hạnh phúc và niềm tự hào là sống một cách xứng đáng bổn phận lớn nhất của một đời người.

Các luật sư dụng cụ và các thẩm phán tay sai

Nói về nghề luật tại Việt Nam hiện nay cũng sẽ thiếu sót nếu bỏ qua hai loại người: các luật sư dụng cụ của chế độ và các thẩm phán xét xử những vụ án chính trị.

Phải nghĩ thế nào về những luật sư được cài cắm để quản lý và kiểm soát các đoàn luật sư? Trường hợp cụ thể là những người đã nhân danh Đoàn Luật Sư Phú Yên xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi danh sách đoàn luật sư và tước bỏ quyền hành nghề của ông Đôn. Những người này biết Võ An Đôn không có lỗi gì nhưng vẫn khai trừ ông theo chỉ thị của công an. Trước Võ An Đôn nhiều luật sư khác cũng đã mất quyền hành nghề vì cùng lý do. Đây là một vi phạm luật pháp bởi vì trên mặt chính thức liên đoàn luật sư và các đoàn luật sư địa phương là những tổ chức độc lập. Sự vi phạm luật pháp nào cũng nghiêm trọng, nhưng càng nghiêm trọng hơn khi những người vi phạm là những luật sư, nghĩa là những người có chức năng bảo vệ công lý, và hơn nữa khi nạn nhân lại là một đồng nghiệp.

Các thẩm phán xử những vụ án chính trị không quan trọng lắm. Họ không phải là luật gia mà chỉ là những công cụ của công an. Họ thuộc bộ máy đàn áp chứ không thuộc bộ máy tư pháp và sự hiện diện của họ trong ngành tư pháp sẽ chấm dứt cùng với chế độ. Chúng ta không mong đợi gì ở họ nhưng cũng cần nhắc họ về sự nghiêm trọng của việc họ làm khi họ tuyên những bản án tù nặng nề cho những người không chỉ vô tội mà còn là những người, nói chung, dũng cảm, yêu nước và yêu lẽ phải. Họ không thể tự bào chữa là đã chỉ thi hành nhiêm vụ như những giám thị các trại giam. Những người này thực hiện một trách nhiệm chính thức được giao, trong khi họ, thẩm phán, có nhiệm vụ chính thức là xét xử theo luật pháp và lương tâm.

Ngày đó sắp đến

Cho đến nay đã có bao nhiêu nạn nhân của chế độ này, những dân oan, những người đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền và môi trường, những người bị tù đày, những người bị công an giả làm côn đồ hành hung và bị cô lập trong sinh hoạt kinh tế xã hội? Rất nhiều. Nhưng phải nhìn nhận là họ đã rất cô đơn. Sau khi Võ An Đôn bị tước quyền hành nghề luật sư đã chỉ có vài đồng nghiệp lên tiếng bênh vực, nhưng cũng có những người mỉa mai. Xã hội Việt Nam  đã không chứng tỏ sự liên đới đáng lẽ phải có. Hình như chúng ta đã trở thành một dân tộc thực tiễn. Từ chỗ bị đàn áp người Việt Nam, kể cả trí thức, hình như đã định cư trong thân phận bị đàn áp. Đất nước Việt Nam trở thành một vùng đất buồn trong đó không phải cái đúng và cái hay mà cái gian và cái dở ngự trị. Chúng ta tự hào có bốn nghìn năm văn hiến nhưng là một trong những dân tộc cuối cùng trên trái đất vẫn còn bị từ chối những quyền căn bản nhất của con người. Cách đây một tháng chế độ cộng sản Việt Nam đã là chế độ duy nhất mà những người lãnh đạo long trong kỷ niệm cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga và xếp hàng kính cẩn đặt hoa trước tượng đài Lenin. Tất cả chúng ta, dù thuộc thành phần nào và ở trong hay ngoài nước, cũng đều có trách nhiệm và đều phải xấu hổ vì những con người tầm thường như vậy về cả khả năng, trí tuệ, lẫn nhân cách vẫn còn duy trì được một ách thống trị nghiệt ngã trên đất nước ta mà không gặp một sức kháng cự đáng kể nào.

Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm nhưng nếu có những thành phần phải chịu trách nhiệm hơn cả thì tập thể luật sư là một. Cứu cánh của nghề luật sư là bảo vệ công lý, nghĩa là góp phần để luật pháp ngày càng thể hiện lẽ phải một cách đúng hơn và được thi hành một cách trung thực hơn, nhưng cho đến một ngày gần đây tập thể luật sư đã làm gì? Đã có bao nhiêu luật sư lên tiếng về sự mơ hồ và tùy tiện của các điều 79, 88, 258 của bộ luật hình sự? Đã có bao nhiêu luật sư lên tiếng trước những phiên tòa bịp bợm được dàn dựng lên để bách hại những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền? Cụ thể hơn đã có bao nhiêu luật sư dám nhận bào chữa cho họ, dù đó là trách nhiệm và đạo lý nghề nghiệp của các luật sư? Câu trả lời là rất ít cho tới một ngày khá gần đây và lý do không phải chỉ thuần túy là sự nhát sợ. Những ngộ nhận về luật pháp mà tôi vừa nêu trên qua phát biểu của các luật sư Võ An Đôn, Nguyễn Khả Thành và Hà Huy Sơn cũng đã có vai trò quan trọng.

Nhiều người đặt câu hỏi đến bao giờ thì chế độ bạo ngược này mới cáo chung và đất nước mới có dân chủ? Một trong những cách trả lời là: "ánh sáng sẽ ló dạng cuối đường hầm khi các luật sư nhập cuộc". Kinh nghiệm của các dân tộc đã cho thấy rằng tập thể luật sư trong một chế độ độc tài chỉ có hai vai trò, hoặc là dụng cụ của chế độ hoặc là lực lượng chống đối nòng cốt, chứ không thể khác. Kinh nghiệm các cuộc đấu tranh cho dân chủ cũng chứng tỏ tập thể luật sư là một trong những thành phần nghề nghiệp nhập cuộc vận động dân chủ sớm nhất bởi vì họ chính là một trong những thành phần có lương tâm đau nhức nhất trong một chế độ chà đạp nhân quyền. Kinh nghiệm cũng cho thấy là khi đã có khoảng 10% số luật sư nhập cuộc thì cả tập thể luật sư sẽ bị lôi kéo theo. Việt Nam hiện có khoảng 10.000 luật sư, chúng ta cần khoảng một ngàn người thức tỉnh và quyết sống như những luật sư xứng đáng.

Có khó quá không? Tôi nghĩ là không. Tâm lý xã hội Việt Nam đang thay đổi. Cách đây mười năm rất khó tìm một luật sư nhận bào chữa cho một người bị buộc tội chống nhà nước. Ngày nay phải chọn lựa giữa những luật sư sẵn sàng bào chữa, thậm chí bào chữa miễn phí. Tập thể luật sư Việt Nam đã chuyển động. Và cũng đã có một luật sư, Võ An Đôn, dám thách thức chế độ với cái giá phải trả là bị cấm hành nghề.

Ngày đó sẽ đến và sắp đến.

Nguyễn Gia Kiểng (07/12/2017)