Yêu nước và trí thức thì phải làm gì cho đất nước? (Việt Dân)

Trí thức Việt Nam hãy nhập cuộc. Đây là một giai đoạn lịch sử có nhiều ý nghĩa nhất và nếu chúng ta có một khát khao, một mong mỏi dân chủ cho đất nước thì chúng ta phải ý thức được vai trò của mình. Chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước Việt Nam Dân Chủ Đa Nguyên như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung mà tất cả mọi công dân Việt Nam đều sẽ có chỗ đứng ngang nhau, mọi con tim, khối có đều sẽ có những cơ hội xứng đáng để thể hiện và cống hiến. 


Gần đây tôi được chia sẻ một câu chuyện về một doanh nhân Việt Nam, sau khi lo xong cho gia đình mình có được quốc tịch Mỹ thì đã hoan hỉ chia sẻ lên mạng xã hội. Vài người chất vấn về lòng yêu nước hay hành động chối bỏ căn cước của ông ấy là tại sao lại nhanh và đoạn tuyệt đến nhường vậy, nhiều người thì chia sẻ và đồng tình. Tiếng thở dài nhẹ nhõm của một người sau khi rời bỏ được đất nước Việt Nam cũng là nguyện ước của rất nhiều người dù không nhiều người nói ra. Người Việt đang giải thể lòng yêu nước trong chính lòng mình! Tại sao vậy? Đây là một câu hỏi đau nhức cho những người còn ý chí, còn tình cảm với dân tộc và mong mỏi một sự thay đổi về dân chủ cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Gia Kiểng, một trí thức yêu nước, đã diễn giải lòng yêu nước một cách giản dị rằng: “Như mọi tình cảm lòng yêu nước không thể định nghĩa một cách chính xác bằng ngôn ngữ thông thường nhưng mọi người đều có thể cảm nhận những thể hiện cụ thể của nó. Đó là yêu đồng bào mình như những người anh em bình đẳng, là muốn chia sẻ cuộc sống và những nỗi vui buồn với họ, là không im lặng thụ động trước những xúc phạm hoặc bất công mà họ là nạn nhân, là phấn đấu để xã hội ngày càng tự do hơn, công bình hơn, liên đới hơn, lương thiện và thân thiện hơn, để đất nước ngày một giầu mạnh hơn, đẹp hơn, sạch hơn và được thế giới kính trọng hơn.

Trong khi tôi đang viết những dòng này thì những người con ưu tú của Việt Nam như Phan Kim Khánh, những thành viên trong Hội Anh Em Dân Chủ như Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Trung Trực, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, luật sư Nguyễn Bắc Truyển hay luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài...và nhiều tù nhân lương tâm khác đang phải chịu cảnh tù đày chỉ vì lòng yêu nước của họ, vì sự khao khát thay đổi hiện trạng xã hội từ độc tài toàn trị về dân chủ. Họ đích thực là những người yêu nước. Tôi không thể trách những người Việt từ bỏ lòng yêu nước, tôi chỉ cảm thấy đáng buồn hơn là đáng giận. Yêu nước là một tình cảm tự nhiên được nhào nặn và nuôi dưỡng từ lúc nằm nôi. Và vì là một tình cảm tự nhiên nên nó cũng luôn cần được vun đắp và nuôi dưỡng từng ngày từ những người lãnh đạo đất nước, đáng giận là đảng cộng sản không hề có ưu tư đó. Trái lại, họ còn vô tình hay cố ý phá bỏ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Ai cũng có thể là nạn nhân của chế độ này.

Nhưng không nhẽ chúng ta lại chấp nhận là một dân tộc rã hàng hay sao? Trong một xã hội mà ai cũng cố gắng luồn lách để tìm kiến những giải pháp cá nhân, trong một xã hội ai cũng tìm cách khôn ngoan hơn người khác thì phải thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều dại và thất bại!

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…

Tin tức về bão Damrey về, những cảnh nhà xiêu vẹo, mấy chục người bị chết và mất tích, cảnh người dân co ro tránh lũ. Ánh mắt lo âu và sợ hãi hằn lên trên nét gầy guộc của người đàn ông hay vẻ thất thểu của người phụ nữ cũng làm cho chúng ta không khỏi xúc động. Như một nghĩa cử đẹp, một sự đùm bọc...nhiều người Việt vẫn cố gắng tương trợ cho đồng bào mình trong khả năng của họ. Tôi tin rằng những thất vọng, những suy nghĩ bộc phát thành lời của doanh nhân người Việt kia không phải là suy nghĩ sâu thẳm trong tâm hồn ông ấy. Dù sao chúng ta vẫn là một dân tộc của hơn 90 triệu người, có nhiều tiềm năng, nói cùng một ngôn ngữ. Chúng ta không nên tìm cách từ bỏ kí ức hay căn cước của dân tộc nhất là khi hầu hết những ý niệm, những mối quan hệ thân thuộc đều được nhào nặn trên dải đất hình chữ S này. Thay vào đó, chúng ta có thể bình tĩnh ngồi lại với nhau để tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này và tìm cách thoát ra khỏi nó.

Lòng Yêu Nước?

Trong suốt chiều dài 2000 năm lịch sử của dân tộc, không may đất nước chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi một thứ văn hóa vô tổ quốc là Nho Giáo. Nho Giáo là một hệ giá trị, một bộ qui tắc ứng xử đào tạo ra những con người thần phục vua chúa, những con người với mộng ước ra làm quan để giúp vua cai trị đất nước. Trong hệ giá trị ấy, đất nước là của vua, dân chỉ là những người ở tạm trên đó, nhờ ơn vua nên phải có trách nhiệm đóng thuế, phải đi quân dịch...vô điều kiện. Người dân không được nhìn nhận một giá trị hay vai trò nào với đất nước mà chỉ biết đến có bổn phận và nghĩa vụ mà thôi. Những quyến luyến với mảnh đất quê hương hay những ràng buộc, tình cảm với người thân chưa thể gọi là lòng yêu nước được. Dẫu sao nó cũng là một trong những ý niệm để nhào nặn lên lòng yêu nước.

Đã thế, trong hơn 80 năm cai trị cho đến hiện tại, Đảng Cộng Sản vì sự thô vụng hay vì một thứ chủ nghĩa xoá bỏ ý niệm quốc gia của họ, đã tạo ra vô số sự kiện đau lòng dẫn đến việc giải thể lòng yêu nước trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được động viên dưới lá cờ “Vạn Tuế Sô Nga, Sô Nga Vạn Tuế”. Họ không yêu nước, họ đã chỉ nhân danh lòng yêu nước cho một lý tưởng quốc tế hoá Cộng Sản mà thôi. Trong từng giai đoạn, những ý niệm như lòng yêu nước, quốc gia, đất nước hay Tổ Quốc đều được Đảng cộng sản lợi dụng để duy trì sự toàn trị của mình, nhằm bóc lột toàn diện nhân dân Việt Nam và đất nước...

Tôi còn nhớ trong một bài viết của cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của tác giả Nguyễn Gia Kiểng, kể rằng trong một lần trò chuyện với mình, một trí thức yêu nước vì không chịu đựng nổi những khẩu hiệu, những tuyên truyền hay tiếng ra rả từ cái loa phường phát trên đầu mỗi ngày mà phải bực dọc mà thốt lên rằng: “Hai từ yêu nước đã trở thành kệch cỡm”.

Tôi không sinh ra trong giai đoạn sau Tháng 8-1945 để chứng kiến những vết thương của đất nước với những phong trào Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn- Giai Phẩm được nhìn nhận như tội ác nhân loại. Tôi cũng không sinh ra trong cuộc nội chiến hơn 20 năm giữa hai miền Bắc- Nam do Đảng Cộng Sản phát động mà ông Hồ Chí Minh đã xác quyết rằng “dầu phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn hay đánh đến người Việt Nam cuối cùng cũng nhất định không chùn bước”. Tôi cũng không sinh ra vào những năm tháng nhọc nhằn sau năm 1975 để chứng kiến sự tủi nhục, tù đày của những người Việt Nam trong trại cải tạo. Những thuyền nhân lênh đênh trên biển và phó mặc số phận nổi trôi trước khi đến được những trại tị nạn...Có nhiều câu chuyện đau lòng mà chỉ đọc thôi, lòng cũng thắt lại. Với nhiều người Việt Nam, với những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người con...thì những nỗi đau mà họ đã phải chứng kiến là những cảnh tượng, những đổ vỡ quá lớn, quá sức tưởng tượng của bản thân. Chỉ bởi vì họ là người Việt Nam? Có lẽ đó chính là lý do khiến họ chỉ muốn quên hết đi những kí ức đau thương gắn liền những kí ức về Việt Nam. Tôi là một thanh niên trẻ “sinh sau đẻ muộn” nhưng hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những gì mà thế hệ trước đã trải qua trong nhọc nhằn và đau khổ…

Lịch sử là vậy, còn hiện tại thì như thế nào? Ngày hôm nay, tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đều có những lý do để chán ghét hay không còn muốn nghĩ đến đất nước nữa. Việt Nam trong mắt họ, mà cảm nhận gần nhất là hình ảnh “Nhà Nước” được lãnh đạo toàn diện bởi Đảng cộng sản, đó chỉ là những thứ như ô nhiễm, thất nghiệp, cưỡng chế đất đai, những nhiêu khê, tệ tham nhũng của cơ quan công quyền hay sự mất quyền tự do và bạo lực của bộ máy công an trị...Ai cũng đều có thể là nạn nhân của Đảng cộng sản. Có người chọn thái độ thỏa hiệp để kiếm chác hay làm ăn yên ổn với chế độ này. Cũng có những người chọn thái độ tranh đấu, đứng lên đòi quyền lợi để rồi bị trấn áp và bị bắt nhốt. Còn số đông hầu hết đều lầm lũi, không có những kế hoạch dài hạn cho tương lai hay suy nghĩ về đất nước như một tương lai của đời mình. Giấc mơ bị thu bé lại, mỗi người chọn cho mình một giải pháp cá nhân để rồi dần dà chúng ta thiếu đi hẳn một phản xạ dân tộc trước sự cai trị đầy vô lý của Đảng cộng sản.

Nhưng chúng ta vẫn phải lên tiếng cho một tương lai Việt Nam?

Có 1000 lý do để chán ghét, để rũ bỏ đất nước Việt Nam trong lòng người cho đến khi biến nó thành một hành động cụ thể. Nhưng vẫn có một lý do để cố gắng vì nó. Đó là hầu hết những vấn đề của đất nước ngày hôm nay đã không được đặt ra nếu như không có Đảng Cộng Sản. Chúng ta chắc chắn sẽ xây dựng được một tương lai tươi đẹp và đầy hãnh diện cho người Việt Nam nếu chúng ta dẹp bỏ được sự cai trị vô lý của Đảng Cộng Sản.

Gần đây tôi có nghe lại bài Tình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy, lời bài hát giản dị , gần gũi và đi vào lòng người. Bài hát như gợi lại hành trình của dân tộc Việt Nam qua mấy ngàn năm lịch sử và nói lên một nguyện ước sống chung của người Việt:

Tấm áo nâu ! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
 Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi Tấm áo nâu!
 Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau,
Áo ơi. Tôi yêu biết bao người Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai
Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là (ừ là) đóa hoa...”.

Nếu không có biến cố tháng 8-1945 thì Việt Nam không bị rơi vào quỹ đạo Cộng Sản, đất nước chúng ta chắc chắn sẽ phát triển và không gặp phải nhiều đổ vỡ như hiện tại. Chúng ta không thể thay đổi lịch sử nhưng chúng ta có thể rút ra những bài học từ nó để thay đổi tương lai.

Đảng cộng sản đang là vật cản cuối trong nỗ lực đưa dân tộc Việt Nam ta lần đầu tiên đến với dân chủ và khước từ hoàn toàn thứ văn hoá nô lệ trói buộc dân tộc ta mấy ngàn năm. Trí thức Việt Nam cần phải nhập cuộc và đoạn tuyệt với thứ văn hoá nhân sĩ để hiên ngang dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi tới trong cuộc hành trình về dân chủ.

Nếu có một bài học nào đó về những kiến nghị, cải cách hay cầu xin một sự thay đổi đền từ bên trong Đảng cộng sản thì chúng ta cần phải đoạn tuyệt hẳn. Có thể tin tưởng vào một Đảng mà phải mất mấy chục năm sai lầm họ mới thừa nhận kinh tế tư nhân không? Có thể tin vào một Đảng kêu gọi hòa hợp dân tộc mà không có bất cứ cố gắng hòa giải nào sau tất cả những đau thương họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam hay không? Họ có thể nào sẽ tự sửa lỗi, tự thay đổi mà không có sức ép nào không? Hay một chính sách vô lý và vi phạm quyền công dân như sổ hộ khẩu mà họ vẫn chỉ thay đối một cách rón rén sau mấy chục năm trời chăng?...Có nhiều bài học lịch sử nhưng chúng ta phải đồng ý với nhau một cách dứt khoát rằng, một đảng tham nhũng không bao giờ có thể tự thay đổi để hết tham nhũng, một đảng toàn trị không bao giờ có thể tự thay đổi để hết độc tài. Đảng cộng sản có cả hai yếu tố đó, vì vậy chỉ có cách là phải thay đổi hoàn toàn thể chế chính trị hiện nay. Phải làm sao? Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi có nêu rõ một phương thức tranh đấu thành công về Dân chủ. Mọi nghiên cứu và kinh nghiêm đều cho thấy một quần chúng dù bất mãn tới đâu cũng chỉ nổi dậy đấu tranh nếu có đủ ba điều kiện:

- Một là: mọi người cảm thấy gắn bó trong một số phận chung và chỉ có thể có lối thoát chung chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm giải pháp cá nhân; mặt khác mọi người đồng ý rằng thảm kịch chung đến từ một tập thể được nhận diện rõ rệt. Nói cách khác phải có ý thức về hai tập thể rõ rệt, một "tập thể ta" nạn nhân của một "tập thể địch". Trong trường hợp Việt Nam điều kiện này có nghĩa là quần chúng Việt Nam ý thức rằng Đảng Cộng Sản là nguyên nhân của tình trạng tệ hại hiện nay và chỉ có thể có giải pháp chung cho cả đất nước chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm một giải pháp cá nhân.

- Hai là: có một tổ chức để động viên và lãnh đạo quần chúng; vai trò cốt lõi của tổ chức là để giữ nguyên khí thế đấu tranh, tránh những sai lầm gây chán nản. Quần chúng không kiên nhẫn. Cố gắng động viên quần chúng sẽ thất bại nếu có những tổ chức khác nhau đưa ra những lời kêu gọi khác nhau, hay nếu có chia rẽ trong tổ chức lãnh đạo.

- Ba là: tổ chức lãnh đạo phải đủ mạnh để quần chúng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi. Quần chúng không lãng mạn.

Trí thức Việt Nam hãy nhập cuộc. Đây là một giai đoạn lịch sử có nhiều ý nghĩa nhất và nếu chúng ta có một khát khao, một mong mỏi dân chủ cho đất nước thì chúng ta phải ý thức được vai trò của mình. Chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước Việt Nam Dân Chủ Đa Nguyên như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung mà tất cả mọi công dân Việt Nam đều sẽ có chỗ đứng ngang nhau, mọi con tim, khối óc đều sẽ có những cơ hội xứng đáng để thể hiện và cống hiến. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm được vì Dân Chủ Đa Nguyên là một tương lai phải đến cho dân tộc Việt Nam xinh đẹp. Tinh thần bao dung sẽ là một mẫu mực cho sự thành công của tình anh em tìm lại!

Việt Dân (6/11/2017)