Việt Nam vẫn không có tự do internet: Báo cáo của Freedom House (Hòa Ái)
Chúng tôi ghi nhân ở Việt Nam và trong khu vực có sự gia tăng
thao túng truyền thông mạng. Việt Nam cũng như một số các quốc gia kiểm
soát gắt gao ý kiến của người dân và đó là điều rất đáng quan ngại. Việt
Nam bị xếp vào danh sách quốc gia không có tự do internet cùng với Thái
Lan và Myanmar, mà có thể được cho là chịu nhiều trở ngại trong việc
không cho phép và bắt bớ cư dân mạng, nếu như so sách với đất nước
Campuchia láng giềng.
Các cử tọa trong buổi công bố Bản phúc trình "Tự do Internet năm 2017" của Freedom House, tại Washington DC, ngày 14/11/17.
Bản phúc trình thường niên về “Tự do Internet năm 2017” của Freedom
House đánh dấu 17 năm liên tục suy giảm chung về tự do internet toàn
cầu. Trong đó, Việt Nam được xếp vào danh sách các quốc gia không có tự
do internet.
Chính phủ thao túng truyền thông mạng
Lên tiếng tại buổi công bố Bản phúc trình thường niên về “Tự do
Internet năm 2017” tại Thủ đô Washington, bà Sanja Kelly, Giám đốc dự án
“Tự do Internet” của Freedom House cho biết có thêm nhiều chính phủ
thao túng truyền thông mạng xã hội cũng như đàn áp các nhà bất đồng
chính kiến trực tuyến, như là một động thái đe dọa dân chủ nghiêm trọng,
tăng từ 23 lên 30 chính phủ trong vòng 1 năm qua.
Nga và Trung Quốc được nhắc đến trong Bản phúc trình là hai quốc gia
tiên phong sử dụng các nhà bình luận được trả lương và các chương trình
chính trị để tuyên truyền cho chính phủ, nhưng giờ đây cách thức này đã
lan rộng ra toàn cầu và sự lan rộng nhanh chóng như thế có thể gây ảnh
hưởng đến dân chủ cùng các hoạt động dân sự.
Bản phúc trình cho thấy số liệu trong năm qua có đến 87% dân số thế
giới sử dụng internet; trong đó bao gồm 23% được hưởng tự do internet,
28% internet không hoàn toàn tự do, 36% không có tự do internet và 13%
không thể truy cập internet. Bà Sanja Kelly nhấn mạnh các số liệu vừa
nêu được cho là hậu quả của việc chính phủ thao túng truyền thông mạng,
như tung tin giả mạo hay đưa tin sai lệch cũng như có nhiều nỗ lực để
lọc và chặn thông tin trực tuyến. Giám đốc dự án “Tự do Internet” của
Freedom House nói rằng:
“Chúng tôi nhận thấy các thể loại hình thức thao túng truyền thông
mạng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử ở 18 quốc gia chỉ
trong năm 2016. Điều này nhắc nhở chúng ta không chỉ tập trung vào việc
thao túng truyền thông mạng ở Hoa Kỳ và Châu Âu, mà đó là xu hướng toàn
cầu. Tôi có thể nêu ra vài trường hợp ví dụ như Philippines sử dụng quân
đội để đưa những thông tin ủng hộ các chính sách của chính phủ cũng như
chiến dịch diệt trừ ma túy một cách tàn bạo tại nước này. Chúng ta cũng
có thể thấy hình thức thao túng thông tin mạng xã hội như thế ở Thổ Nhĩ
Kỳ và Việt Nam.”
Việt Nam không cải thiện tự do internet
Việt Nam được xếp điểm số 76 trên thang điểm 100, lọt vào danh sách các quốc gia không có tự do internet.
Bản Phúc trình liệt kê tự do internet ở Việt Nam trong năm 2017 bị
kiểm soát chặt chẽ do sự gia tăng bắt bớ và đe dọa. Nhiều nhóm blogger
và dân sự bị cảnh sát trấn áp và dùng vũ lực tịch thu các thiết bị điện
tử. Hàng chục người bị bắt giữ và bỏ tù theo các điều luật mơ hồ như 88,
258 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Các vụ biểu tình phản đối thảm họa
môi trường biển do Nhà máy Formosa Hà Tĩnh thải độc tố ra biển, bùng nổ
từ tháng 4 năm 2016 kéo dài cho đến năm 2017, được nêu ra trong Bản phúc
trình như là bằng chứng rõ ràng việc đe dọa và bắt bớ các nhà hoạt động
xã hội tại Việt Nam.
Bản Phúc trình cũng đề cập đến Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc, kể từ khi điều hành quốc gia, hồi nửa năm 2016 đến nay
đã không có một biểu hiện nào cho thấy cố gắng cải thiện môi trường tự
do internet. Trong Bản Phúc trình còn cho biết sau khi một vài blogger
được trả tự do khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình
Dương- TPP, thì lại gia tăng bắt bớ kể từ 6 tháng cuối năm của năm 2016.
Theo số liệu ghi nhận của Tổ chức Phóng viên không Biên giới, tính đến
thời điểm tháng 4 năm 2017, ít nhất 19 nhà hoạt động xã hội, bị bắt giữ
vì bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội. Và báo cáo cho thấy nhà cầm quyền
Hà Nội lại có đợt đàn áp mới vào mùa hè năm 2017.
Giám đốc Báo cáo “Tự do Internet”, ông Adrian Shahbaz nói với RFA về
tình hình tự do internet năm 2017 của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á:
“Chúng tôi ghi nhân ở Việt Nam và trong khu vực có sự gia tăng
thao túng truyền thông mạng. Việt Nam cũng như một số các quốc gia kiểm
soát gắt gao ý kiến của người dân và đó là điều rất đáng quan ngại. Việt
Nam bị xếp vào danh sách quốc gia không có tự do internet cùng với Thái
Lan và Myanmar, mà có thể được cho là chịu nhiều trở ngại trong việc
không cho phép và bắt bớ cư dân mạng, nếu như so sách với đất nước
Campuchia láng giềng. Tôi nghĩ có rất nhiều những nhà hoạt động xã hội
tại các nước này đang làm những công việc để vượt qua tình trạng khó
khăn. Tôi hy cọng chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn về các công việc ủng hộ
dân chủ cũng như ủng hộ quyền tự do biểu đạt của các nhà hoạt động xã
hội. Chúng ta cần hỗ trợ họ bởi vì họ đang làm những việc thật sự cam go
trong môi trường nguy hiểm.”
Các chuyên gia nghiên cứu của Freedom House cho biết một dấu hiệu lạc
quan trong Bản phúc trình “Tự do Internet năm 2017” là sự tương tác
cùng chiều giữa các chính phủ với cư dân mạng mỗi khi chính phủ gia tăng
các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tự do internet thì những nhà hoạt
động xã hội sẽ tích cực tìm kiếm nhiều giải pháp vượt qua. Nhà hoạt động
xã hội Nguyễn Chí Tuyến, từ Hà Nội, sau khi theo dõi buổi công bố trực
tuyến Bản phúc trình thường niên “Tự do Internet năm 2017” lên tiếng với
Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi nghĩ rằng đó cũng là một lẽ rất tự nhiên và tôi hoàn toàn
đồng ý với Freedom House về việc các chính phủ đều muốn kiểm soát hay
kiểm duyệt những thông tin hay bằng các biện pháp về kỹ thuật, hoặc bằng
các bộ luật, thậm chí có thể ghép tội dễ dàng nhằm mục đích làm cho
người dân không được quá chỉ trích đối với chính quyền.
Những người công dân như chúng tôi chẳng hạn, tôi nghĩ rằng quyền
được tự do biểu đạt, quyền được tự do suy nghĩ và nói lên tiếng nói của
mình, quan điểm của mình về đất nước, chế độ chính sách, các câu chuyện
xã hội xảy ra…thì đó là nhu cầu căn bản và nhu cầu bức thiết. Và đã là
nhu cầu thì chúng tôi phải tìm cách để đạt được điều là chúng tôi muốn
cất tiếng nói của mình. Tôi cho rằng nhà cầm quyền tìm cách kiểm duyệt
thì người dân cũng sẽ tìm cách để ‘lách’, theo ngôn từ của Việt Nam.”
Đài RFA ghi nhận trong những ngày vừa qua, cư dân mạng tại Việt Nam
cũng như dư luận trong nước lo ngại Dự thảo Luật An ninh mạng, nếu được
thông qua có thể đẩy các tập đoàn công nghệ thông tin lớn như Google,
Facebook, Youtube…ra đi trong trường hợp họ không hợp tác theo yêu cầu
của pháp luật Việt Nam. Trong khi một số tổ chức nhân quyền thế giới
cảnh báo đây có thể là một biện pháp hạn chế tự do internet của dân
chúng tại Việt Nam, thì Bộ trưởng Bộ Công An-Thượng tướng Tô Lâm tuyên
bố buổi thảo luận của Quốc Hội về Dự thảo Luật an ninh mạng hồi cuối
tháng Mười rằng nếu Việt Nam chặn internet thì không “chơi” được với ai.
RFA