Luật...chống lại loài người (Huy Đức)
Nếu ai bỏ phiếu thông qua một đạo luật khiến cho người dân Việt Nam
không thể tiếp cận được với mạng xã hội, với Facebook, Google… thì lịch
sử sẽ không coi bọn họ là bảo thủ hay dốt nát mà là như những tên tội
phạm chống lại loài người, chống lại cơ hội tiếp cận với thế giới văn
minh của 90 triệu người dân Việt Nam.
Định kỳ, Google, Facebook… đều có các báo cáo về sự can thiệp (gỡ link,
gỡ bài) của các quốc gia. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi tên tuổi của
Bộ Thông tin VN dưới thời Trương Minh Tuấn sẽ được nhiều lần nhắc đến
trong những báo cáo như thế. Và, chỉ không lâu nữa, khi các vụ án tham
nhũng lớn được phanh phui, chúng ta sẽ giải thích được vì sao nhiều quan
chức lại coi minh bạch là kẻ thù của họ.
Năm 1997, khi quyết định mở cửa cho internet với nguyên tắc “quản lý
được tới đâu thì phát triển tới đó”, các nhà lãnh đạo VN và ngay cả nhóm
vận động cho internet cũng không hình dung được “những thông tin xấu,
chống phá chế độ” lại được tung lên với quy mô như thế. Nhưng, những lợi
ích mà internet đưa lại cho đất nước lớn đến nỗi, ngay chính Bộ chính
trị thời bị coi là bảo thủ đó (2001) vẫn phải mở ra bằng chủ trương,
trình độ quản lý phải theo internet chứ không phải để internet theo
trình độ quản lý.
Tôi cũng nhiều lần trở thành nạn nhân của internet. Những kẻ giấu mặt đã
thường xuyên bịa đặt các loại thông tin, vu khống và bôi nhọ tôi.
Nhưng, trong tôi, chưa bao giờ xuất hiện bất cứ ý muốn nào đòi “quản lý”
internet. Bọn xấu, cho dù giấu mặt hay trâng tráo xuất hiện chưa bao
giờ là số đông. Những gì mà internet mang lại là một không gian, nơi,
người Việt Nam được tiếp cận với rất nhiều giá trị đặc biệt là tự do;
những giá trị mà chính quyền chưa có khả năng mang về cho dân chúng.
Tôi có thể đoán biết sự sợ hãi của những người ủng hộ một đạo luật có
thể trao cho họ quyền kiểm duyệt cả internet và mạng xã hội. Nhưng, quý
vị đừng nên tư duy ngắn hạn như vậy. Đừng vì chỉ để bảo vệ những đồng
tiền nhớp nhúa, đừng vì để bảo vệ những cái ghế đang lung lay. Tôi biết,
có vị chỉ còn ít tháng nữa là phải về hưu. Đừng tước đoạt nốt những giá
trị tự do mà rồi chỉ ít lâu nữa thôi quý vị cũng sẽ là một thường dân
cần nó.
Báo chí cần công bố tên tuổi những người chấp bút đạo luật này. Báo chí
cũng cần công bố tên tuổi những người đã phát ngôn, sẽ biểu quyết ủng hộ
đạo luật này. Đừng nghĩ đơn giản những việc quý vị đang làm chỉ “gật”
theo quán tính như trước giờ. Quý vị đang có một cơ hội cho thấy, quyết
tâm của quý vị là bảo vệ hay chống lại thế giới văn minh; là xếp Việt
Nam ở thứ hạng nào trên bản đồ của thế giới.
(FB FB Huy Đức)