Lo trước những cơn bão năm 2018 (Toàn Trịnh)
Bức
tranh bình yên hiện nay về tình hình kinh tế năm 2017 có thể chỉ là sự
bình yên trước cơn bão lớn chuẩn bị đổ bộ từ năm 2018, một cơn bão mà
theo đó sức mạnh của nó thật khó đoán định bởi sự tiếp sức của các cơn
bão nhỏ và liên tiếp nhau. Để giảm thiểu thiệt hại cần chuẩn bị ngay từ
bây giờ.
Cơn bão thất nghiệp
Việc Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ 1-1-2018 sẽ là
một đòn mạnh giáng vào các doanh nghiệp gia công, thâm dụng lao động
như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Số lượng công nhân nghỉ việc
tự nguyện tăng đột biến trong năm 2017 nhằm nhận BHXH một lần chỉ là một
cảnh báo. Hiện nay ai cũng biết phần lớn các doanh nghiệp đang đóng
BHXH cho người lao động (NLĐ) chỉ trên một phần thu nhập của họ và
thường là rất thấp. Khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực thì công ty phải
đóng BHXH cho NLĐ dựa trên những khoản có tính chất đều đặn và giống như
lương. Điều này sẽ dẫn đến việc ngân sách tiền lương cho NLĐ sẽ tăng.
Với các doanh nghiệp gia công, mức lợi nhuận/đơn vị hàng hóa là rất
thấp, họ có thể chấp nhận rủi ro mất đơn hàng để đàm phán giá gia công
tăng lên cho các đơn hàng sau nhưng rõ ràng việc tăng nhanh ngân sách
tiền lương là không thể diễn ra ngay. Với việc tổng chi ngân sách lương
không đổi mà doanh nghiệp phải chi đóng BHXH nhiều hơn, thì phần thực
chi cho NLĐ đương nhiên sẽ giảm. Họ sẽ giảm bằng cách: (1) Giảm lương
thực nhận của NLĐ; (2) Tìm cách sa thải các lao động lâu năm, có lương
và phụ cấp cao để thay bằng các lao động trẻ hơn, chi phí lương thấp hơn
(dù vấn đề này vẫn đang xảy ra nhưng sẽ được thúc đẩy quyết liệt hơn
vào năm sau); (3) Giảm bớt lao động, thay thế bằng các máy móc bán tự
động và tự động; (4) Các doanh nghiệp (xác xuất cao nhất là doanh nghiệp
FDI) chuyển dịch hoạt động đầu tư sang các nước có chi phí nhân công rẻ
hơn như Bangladesh, Sri Lanka, Philippines hoặc những nước có hiệu suất
lao động/chi phí rẻ hơn như Thái Lan, Malaysia...
Và đương nhiên, các doanh nghiệp sẽ không mở rộng sản xuất hoặc đầu tư
mới đối với các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động. Do đó, tỷ lệ thất
nghiệp gia tăng là điều không tránh khỏi.
Cơn bão cạnh tranh
Hãy nhìn doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... đang thâu tóm, mở rộng, mở mới hệ thống bán lẻ, gia tăng cổ phần chi phối ở các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam nhằm dọn đường cho việc đưa sản phẩm của họ vào hệ thống bán lẻ và kiểm soát các doanh nghiệp lớn mà tương lai sản phẩm của họ sẽ cạnh tranh trực tiếp. Tỉ phú các nước đang dẫn dắt doanh nghiệp nước họ đi xâm chiếm thị phần nước ngoài. Vẫn chưa thấy tỉ phú Việt Nam nào đứng ra dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam chống lại hay đi xâm chiếm ngược lại. Hệ thống doanh nghiệp suy yếu thì lấy ai gánh vác trách nhiệm phát triển nền kinh tế Việt Nam?
Cơn bão tài chính - tiền tệ
Về dài hạn, động thái này của các ngân hàng phương Tây sẽ ảnh hưởng đến việc xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tài chính quốc tế như Fitch, Moody’s, S&P’s... đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Một môi trường kinh doanh với sự xuất hiện của nhiều ngân hàng lớn, uy tín của phương Tây sẽ được đánh giá cao về tính minh bạch hơn so với ít. Điều này, đến lượt nó, có thể tác động đến chi phí vay trên thị trường quốc tế cũng như uy tín các nghiệp vụ thanh toán quốc tế của ngân hàng Việt Nam.
Việc Kho bạc Nhà nước đang gửi khoảng 160.000 tỉ đồng ở các ngân hàng thương mại (NHTM) vì chưa giải ngân vốn đầu tư công tưởng rằng sẽ tiếp sức nguồn vốn giá rẻ để hệ thống ngân hàng đẩy vào nền kinh tế. Tuy nhiên, với nguồn tiền gửi ngắn hạn này thì các ngân hàng không biết chắc sẽ bị rút ra lúc nào nên việc hoạch định kế hoạch dựa trên nó để tăng trưởng tín dụng cũng hết sức hạn chế. Do đó, lợi ích lớn nhất mà nguồn tiền này mang lại chỉ là giảm chi phí vốn của các ngân hàng, gia tăng lợi nhuận và một phần chảy qua đường cho vay liên ngân hàng. Các NHTM đang huy động từ dân cư với mức lãi suất 4,8-5,5% (kỳ hạn 1-3 tháng) nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cùng kỳ hạn chỉ chừng 2-3% trong thời gian dài. Việc này thúc đẩy các NHTM bước vào cuộc chơi mạo hiểm là vay liên ngân hàng về cho vay lại kiếm chênh lệch. Nếu thị trường liên ngân hàng đảo chiều thì có thể cuộc đua huy động vốn sẽ được khơi mào từ nhóm này.
Dự trữ ngoại hối hiện cao kỷ lục là một điều hết sức đáng mừng. Đây sẽ là một công cụ mạnh để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tỷ giá ở mức mong muốn. Kiều hối là nguồn quan trọng của dự trữ ngoại hối. Kiều hối đến từ hai nguồn: (1) do những người rời đất nước những năm 70, 80 của thế kỷ trước gửi về cho người thân (phần lớn là từ Mỹ) và (2) từ nguồn xuất khẩu lao động. Cả hai nguồn này đều đang suy giảm mạnh.
Như vậy nếu thị trường chứng khoán không phát triển minh bạch, nền kinh tế không chuyển biến tích cực để giữ dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) ở lại lâu hơn, thì sự đảo chiều của dòng vốn FII, sự khựng lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), sự suy giảm kiều hối và việc trả nợ quốc tế sẽ tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá. Khi các yếu tố này có cơ hội hợp sức thì 45 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại hối sẽ không còn là chiếc phao cứu sinh vững chắc cho tỷ giá.
Cơn bão tài khóa
Để giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát, Chính phủ chỉ có một con đường nhằm giảm thâm hụt ngân sách đó là giảm chi và tăng thu. Chi thì bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
Nhà nước đã giảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong khi chưa giảm được chi thường xuyên cho bộ máy thì nhân dân là người gánh đủ. Mà tăng thu (như phương án Bộ Tài chính đưa ra đối với thuế giá trị gia tăng: chỉ được chọn tăng nhiều hay tăng ít chứ không được chọn tăng hay không tăng), thì cũng nhân dân gánh. Thật khó thấy điểm tích cực nào trong chính sách tài khóa hiện tại và tương lai!
Với một triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa thì có lẽ mỗi người dân phải tích cực hơn nữa để tự cứu lấy bản thân, bằng cách làm tốt nhất có thể công việc của mình, dù ở bất cứ vị trí nào, công nhân hay chủ doanh nghiệp.
TBKTSG