Giải thưởng Nhân quyền 2017 (RFA)
Người còn lại là Mục sư Y Yích, tỉnh Gia Lai. Ông bị bắt vào năm 2007
và bị kết án 6 năm tù giam vì cùng người Thượng biểu tình đòi đất và tự
do tôn giáo. Sau khi mãn án tù, ông tiếp tục tham gia tích cực vào các
hoạt động vì nhân quyền, đất đai và tôn giáo cho những người dân tộc
thiểu số. Ông bị bắt lần hai vào năm 2013 và bị kết án 12 năm tù giam.
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam tại California đã chọn trao giải Nhân
Quyền Việt Nam 2017 cho 4 cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực
cho phong trào nhân quyền của Việt Nam. Đó là Ông Nguyễn Hữu Vinh (biệt
danh Anh Ba Sàm), Hội Anh Em Dân Chủ, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
(biệt danh Mẹ Nấm), và Mục Sư Y Yích.
Buổi lễ trao giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức tại hội
trường thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ vào ngày Chủ Nhật, 10
Tháng 12, 2017, đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 69, và cũng đánh
dấu 20 năm hoạt động của Mạng Lưới Nhân Quyền.
Thông cáo báo chí từ Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho biết 4 cá nhân
và tổ chức được trao giải năm nay được bình chọn từ danh sách 14 đơn đề
cử từ Việt Nam và hải ngoại.
Ông Nguyễn Kim Bình, Trưởng Ban Phối Hợp Mạng lưới Nhân quyền Việt
Nam nói với RFA rằng năm nay việc chọn người trao giải diễn ra trong bối
cảnh chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp với các nhà hoạt động nhân
quyền, trong đó đối tượng bị đàn áp mạnh nhất là Hội Anh Em Dân Chủ:
Cho dù không có sự đàn áp đó thì lâu nay chúng tôi cũng luôn ghi
nhận sự đóng góp của Hội Anh Em Dân Chủ trong nhiều năm vừa qua, không
những trong việc vận động cho dân chủ ở Việt Nam, mà còn bảo vệ cho các
quyền lợi căn bản của người dân Việt Nam.
Hai trong 3 cá nhân còn lại là nhà báo và blogger nổi tiếng là anh
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì có lẽ quý
thính giả trong và ngoài nước đều biết đến sự ảnh hưởng của họ. Đây là
hai người tiên phong thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ và giúp
người dân quyền tự do thông tin, tự do được biết những gì họ cần biết và
vai trò của họ trong việc phát triển ngành truyền thông độc lập của
Việt Nam.
Một điều đặc biệt khác ông Bình chia sẻ với chúng tôi đó là giải
thưởng năm nay được trao cho Mục sư Y Yích, một người thiểu số ở Tây
Nguyên. Mục sư đang phải chịu án tù hơn 10 năm chỉ vì muốn bảo vệ cho
các tín đồ của hội thánh. Năm nay là năm đầu tiên Mạng lưới trao giải
cho một nhà tranh đấu người dân tộc thiểu số.
Bà Lê Thị Minh Hà, vợ của ông Nguyễn Hữu Vinh, bày tỏ niềm hạnh phúc khi biết chồng bà được chọn trao giải Nhân quyền 2017:
Dù rằng về hình thức có thể có chút gì đó “màu xanh, đỏ hay vàng”
nhưng đối với mình quan trọng nhất là cùng một mục tiêu là muốn cho đất
nước thay đổi. Do vậy, mọi cử chỉ, hành động hướng tới việc đó ví dụ như
công nhận, là điều rất hạnh phúc đối với bản thân mình và gia đình và
là một niềm động viên khá lớn.
Ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt vào tháng 5/2014 và bị kết án 5 năm tù
giam vào tháng 3/2016 với cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự “lợi
dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích quốc gia”. Trước khi bị
bắt, ông Vinh lập trang blog Anh Ba Sàm vào năm 2007, tự gọi là cơ quan
ngôn luận của “Thông Tấn Xã Vỉa Hè”. Mục đích của trang Anh Ba Sàm được
nêu rõ là khai dân trí, đồng thời tận dụng tối đa các tiện ích của
Internet để mang tri thức đến cho mọi người. Ngoài ra ông còn lập các
trang Dân quyền và Việt sử ký nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người
dân Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ cũng
bày tỏ sự vui mừng, hãnh diện khi Hội được trao giải. Ông nói rằng giải
thưởng này hoàn toàn xứng đáng, là vì:
Hội đã tham gia vào hầu hết tất cả các hoạt động dân sự để bảo vệ
quyền lợi của những người dân bị chế độ đàn áp, như bảo vệ môi trường,
chống Formosa, kết hợp cùng bà con giáo dân tham gia những cuộc biểu
tình đòi Formosa phải đi khỏi Việt Nam để bảo vệ môi trường. Cũng như
tham gia những cuộc biểu tình chống Tập Cận Bình, biểu thị tinh thần độc
lập, thúc giục nhà nước cộng sản Việt Nam phải tự lực tự cường. Ngoài
ra, hội còn tưởng niệm các chiến sĩ của cả hai bên Việt Nam Cộng Hòa và
Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hi sinh để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.
Hội Anh Em Dân Chủ là một trong những tổ chức bị chính phủ Hà Nội đàn
áp mạnh tay nhất trong thời gian gần đây. Từ cuối tháng 7 vừa qua đến
nay, 5 thành viên của Hội đã bị bắt và nhiều cá nhân khác bị công an
triệu tập liên quan đến hoạt động của hội trong đó có Nhà văn Nguyễn
Xuân Nghĩa.
Hội được thành lập vào tháng 4 năm 2013 bởi luật sư Nguyễn Văn Đài và
hơn 40 tù nhân lương tâm. Tính đến hiện nay, hội có tổng cộng 12 thành
viên bị bắt giữ hay truy tố theo điều 79 hoặc 88 Bộ luật hình sự. Ngoài
ra, nhiều thành viên khác của hội đang phải lẩn trốn trước sự tăng cường
đàn áp của chính phủ Việt Nam.
Anh Hoàng Cường, thành viên của hội NO-U, một tổ chức xã hội dân sự ở
Hà Nội và Sài Gòn nói với RFA rằng anh ủng hộ sự quan tâm của đồng bào
hải ngoại đến những nhà tranh đấu trong nước, thể hiện qua việc trao
giải Nhân quyền:
Cũng phải có sự khích lệ để mỗi con người đều phấn đấu vì một xã
hội tốt đẹp hơn. Mình chỉ mong trao giải cho chính xác và có tính khích
lệ lớn.
Ngoài ra, mình nghĩ ở hải ngoại quan tâm sao cho hiệu quả, khôn
khéo để nhà cầm quyền không dựa vào đó để trả thù cá nhân hoặc cho các
tổ chức dư luận viên bôi nhọ.
Một trong số 4 nhân vật được vinh danh là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh. Cô là người có nhiều bài viết trên mạng xã hội nhằm lên án tình
trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và tham gia biểu tình chống ô nhiễm
môi trường. Cô bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái và đến tháng 6 vừa qua bị
tuyên 10 năm tù giam theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Cô được Đệ nhất Phu
nhân Hoa Kỳ Melania Trump trao giải “người phụ nữ quả cảm”.
Người còn lại là Mục sư Y Yích, tỉnh Gia Lai. Ông bị bắt vào năm 2007
và bị kết án 6 năm tù giam vì cùng người Thượng biểu tình đòi đất và tự
do tôn giáo. Sau khi mãn án tù, ông tiếp tục tham gia tích cực vào các
hoạt động vì nhân quyền, đất đai và tôn giáo cho những người dân tộc
thiểu số. Ông bị bắt lần hai vào năm 2013 và bị kết án 12 năm tù giam.
Ông Nguyễn Kim Bình cho biết qua giải thưởng Nhân quyền năm nay, Mạng
lưới Nhân quyền Việt Nam muốn gửi thông điệp tới tất cả các nhà hoạt
động nhân quyền rằng họ không bao giờ bị lãng quên và những đóng góp của
họ luôn được dõi theo và trân trọng.
Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân quyền Việt Nam đến nay đã được trao cho 39 cá nhân và 3 tổ chức nhân quyền tại Việt Nam.