Bão tố và bão lòng (Việt Nghĩa)
Chúng ta cần
nhìn nhận nhau như Anh Em một nhà và cùng nhau chia sẻ những giá trị chung của
nhân loại như dân chủ, hòa bình, liên đới, bao dung, lương thiện…khi chúng ta đạt
được đồng thuận với nhau về một chế độ mới, một tương lai khác thì trong lòng mỗi
người sẽ không còn những cơn bão tố của sự chia rẽ, đố kị, oán thù, lừa lọc…
Mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu hàng chục cơn
bão và chúng ta chỉ có thể gói gọn trong hai từ là "tang thương" mỗi
khi cơn bão quét qua. Tuy nhiên, theo thời gian, tâm hồn con người trở nên chai
đá, chúng ta không còn ngạc nhiên, không còn đau đớn khi thấy đồng bào mình bị nguy
hiểm, bị cướp đi mạng sống.
Điều đó cũng
chẳng có gì khó hiểu, mỗi ngày chúng ta đang phải đón hàng loạt cơn bão khác cũng
nghiêm trọng không kém: thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông, ung thư, ô nhiễm...có
khác chăng chỉ là những cơn bão ngầm, là những cái chết từ từ, lặng lẽ và đớn đau.
Người Việt
chúng ta thật kém may mắn khi sinh ra trong một xã hội lạc hậu và chậm tiến với
biết bao thế hệ ngập ngụa trong sự ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ, lừa lọc và thậm
chí tàn sát lẫn nhau. Mỗi người Việt như một con thuyền bơ vơ, lạc lõng giữa một
rừng giông bão, nhiều số phận bị chìm nghỉm bởi những lý do lãng xẹt (bê tông rớt
trúng đầu, mổ nhầm, tai nạn giao thông...). Những con thuyền còn lại thì bơi tứ
phía, như một đàn ong vỡ tổ, vô phương hướng, vô tổ chức vì mất niềm tin.
Thảm kịch
này kéo dài đến mức bào mòn niềm tin của đa số, họ tự ti đến mức không dám nhận
mình là người Việt. Có lẽ nhiều người lo âu rằng, một ngày nào đó đất nước Việt
Nam sẽ biến mất. Lịch sử thế giới từng chứng kiến điều đó, và kịch bản này có
thể xảy ra với một dân tộc không muốn hoặc không xứng đáng tồn tại. Dân tộc đó
không nhất thiết phải bị tiêu diệt bởi một thế lực ngoại xâm mà nó tự huỷ diệt.
Điều kỳ lạ
là thế giới đã đổi thay, những luật lệ, cách thức cư xử giữa người với người đã
được qui ước, được đại đa số nhân loại ủng hộ, nhưng tại sao lại có một nơi mà
những tiếng nói bảo thủ, cố chấp cất lên một cách trịch thượng, hùng hồn và trơ
lì như đá trước bão, lại còn được một đám đông (vô học có, vô cảm có) ủng hộ bằng
sự tiếp tay hay sự nín lặng?
Lẽ ra chúng ta phải để cơn bão dân chủ cuốn đất
nước vào vòng xoáy của sự công bằng, bình đẳng, văn minh…đằng này, đáng buồn và
đáng giận là chúng ta lại bị cuốn theo lối sống tham lam, trọng vật chất, bất
công? Làm sao đất nước có sự thịnh vượng khi thiếu vắng những con người có nhân
cách cao thượng?
Là người Việt
Nam, chúng ta có thể gặp bất hạnh bất cứ lúc nào, rồi chúng ta chỉ biết than
khóc, đau đớn, nhưng có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi "tại sao dân tộc Việt
Nam bất hạnh như thế?", hay lại tiếp tục trốn tránh bằng những câu như "nước
nào cũng vậy" một cách hèn nhát và đáng xấu hổ? Chúng ta hãy trả lời
nghiêm túc câu hỏi "một ngày tôi dành ra bao nhiêu phút để suy nghĩ về việc
chung (việc nước)?", và chúng ta cũng nên tự hỏi mình "một ngày tôi (tiếp
tay) tàn phá đất nước này thế nào?".
Một sự vô cảm
sẽ nuôi dưỡng hàng ngàn tội ác, một sự tiếp tay sẽ giúp sinh sôi hàng trăm
ngàn, hàng triệu, thậm chí hàng tỷ cái xấu. Một nhân cách bị nhuộm đen sẽ bít
kín ánh sáng tương lai của con cái. Hơn ai hết, chính bản thân kẻ thủ ác sẽ bị
trừng trị thích đáng nhất.
Vậy đây là
lúc hợp lý nhất để chúng ta xé lòng ăn năn, chúng ta không thể chần chừ được nữa.
Việt Nam lúc này đang như một trái bom nổ chậm cần tháo ngòi ngay lập tức. Nếu
ai chưa thức tỉnh thì cần thức tỉnh, nếu ai chưa kiên trì thì cần kiên trì, nếu
ai còn chần chừ thì phải quyết đoán bám ngay vào những tư tưởng tiến bộ, khai
sáng bản thân. Chúng ta chỉ cần “hi sinh” những lợi ích tầm thường, nhỏ bé và tạm
bợ là có thể xây đắp được một tương lai chung, một tương lai có đủ chỗ cho tất
cả mọi người.
Những con
người có viễn kiến, yêu nước và bao dung cần kiên trì hòa mình vào đám đông để
thuyết phục, hãy xem nhau là anh em trước khi là chí hữu. Đừng bi quan vì những
bất đồng, đừng tức giận trước những lời mỉa mai, xỉa xói vì điều đó càng làm
cho sự bảo thủ phản kháng điên cuồng.
Tạo hóa sinh
ra những con người có viễn kiến không phải để lên án đám đông hay đả kích lẫn nhau,
mà để kết hợp họ lại, tạo nên những thành trì vững chắc như là đầu tàu để dẫn dắt
đám đông vượt qua giông bão.
Nhìn những
hình ảnh tiêu điều, xơ xác, hoang tàn sau mỗi cơn bão, người viết liên tưởng đến
nỗi lòng người Việt lúc này, nỗi đau quá lớn và đến quá thường xuyên làm lòng
chúng ta chai sạn, nhưng chắc chắn tận đáy lòng không ai là không u buồn, kể cả
những kẻ đang kỷ niệm những ngày lễ phi nghĩa trong lúc dân tộc đang quằn quại,
rên xiết. Dù sao họ cũng là người Việt, chỉ có điều chính vì sự mê muội và mù
quáng nên họ đã tự tròng vào đầu cái vòng kim cô Mác-Lê không lối thoát.
Chúng ta cần bao dung với họ, chúng ta chỉ được
quyền thay thế họ, chứ không được trả thù họ. Chắc chắn họ sẽ phải trả giá cho
những tai họa đã gây ra cho dân tộc này, nhưng phải dưới áng sáng của nền công
lý, văn minh, công bằng và hãy xem họ là đồng bào trước khi kết tội họ.
Cái ngày mà
họ mọc rễ trên những chiếc ghế quyền lực sẽ kết thúc trong tương lai rất gần, vấn
đề lúc này là những người Việt Nam đối lập, yêu nước và có viễn kiến đã chuẩn bị
những gì? Hay lại tiếp tục là sự chia rẽ, giành giật và tàn sát lẫn nhau như
trong suốt chiều dài lịch sử? Nếu điều đó diễn ra thì nó đúng là một cơn cuồng
phong, và Việt Nam chắc chắn sẽ tan vỡ hoặc có một kết cục bi thảm (nội chiến,
độc tài,..).
Lo lắng
thay, sự chuẩn bị của giới tinh hoa Việt Nam nói riêng và của người dân Việt
Nam nói chung, vẫn trì trệ, chúng ta vẫn chưa đồng ý hoàn toàn với nhau về tư
tưởng "hoà giải và hòa hợp dân tộc", không lẽ chúng ta muốn tiếp tục
trả thù nhau? hay phải tử hình hết những người theo Cộng sản? Nếu vậy thì chúng
ta lại tiếp tục hành động như họ khi áp dụng những bộ luật lạc hậu, hung bạo
trong một thế giới văn minh, vị tha?
Trong tương
lai, khi cộng sản không còn nữa, chúng ta sẽ xây dựng đất nước như thế nào? Có
thể chúng ta lại tiếp tục bất đồng về một “dự án” cho đất nước thời hậu Cộng sản?
Phải thừa nhận là chúng ta rất thích sao chép, sao chép một cách máy móc và thiếu
suy nghĩ. Chúng ta chỉ nhìn vào Hoa Kỳ và khăng khăng rằng chế độ tổng thống là
hay nhất, nhưng chúng ta lại rất ít thắc mắc tại sao chế độ Tổng thống thất bại
ở tất cả các quốc gia khác? Trong khi các nước theo mô hình Đại nghị đã đạt được
những thành công vượt trội tại Anh, Đức, Nhật, Úc, Canada...?
Những mâu
thuẫn và bất đồng này không khác gì những cơn bão dữ, chực chờ cuốn phăng Việt
Nam vào một tương lai tối tăm, bất định. Hơn lúc nào hết, như khi một cơn bão đi
qua thì người ta sẽ phải thu dọn, phải gầy dựng lại nhà cửa, phải làm việc cật
lực để ổn định cuộc sống…dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu cơn bão dữ
(nội chiến, cộng sản…). Đã đến lúc người Việt Nam cần phải cố gắng và cật lực
thuyết phục nhau, bao dung (nhân đạo) với nhau, để tạo nên một đồng thuận chung
như những đứa con trong cùng một gia đình Việt Nam.
Chúng ta cần
nhìn nhận nhau như Anh Em một nhà và cùng nhau chia sẻ những giá trị chung của
nhân loại như dân chủ, hòa bình, liên đới, bao dung, lương thiện…khi chúng ta đạt
được đồng thuận với nhau về một chế độ mới, một tương lai khác thì trong lòng mỗi
người sẽ không còn những cơn bão tố của sự chia rẽ, đố kị, oán thù, lừa lọc…
Chỉ khi đó thì
tâm hồn chúng ta mới hết chai sạn để nhường chỗ cho tình huynh đệ, tình đồng
bào và một tình yêu quê hương trọn vẹn và đúng nghĩa. Đồng thuận và đoàn kết sẽ
tạo nên một tảng đá thống nhất, vững vàng, đủ sức đương đầu với mọi bão tố.
Việt Nghĩa
(7/11/2017)