Sức mạnh của thành kiến: coi bộ phim 10 tập của PBS về chiến tranh Việt Nam (Lê Mạnh Hùng)
Những tập sau mới chính thức đi vào cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam vì tuy rằng các tác giả bỏ qua không nói đến, nhưng cuộc chiến của Việt Nam, cuộc nội chiến thực sự giữa hai phe Quốc-Cộng vốn bắt đầu từ trước khi chiến tranh thứ hai kết thúc và Pháp trở lại Việt Nam. Sự can thiệp của nước ngoài – Pháp hoặc Mỹ - chỉ làm việc quốc tế hóa cuộc chiến mà thôi.
Điện ảnh và truyền hình không phải là môi trường thích đáng trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp. Và chiến tranh Việt Nam lại là một trong những vấn đề phức tạp nhất từ trước tới nay. Thành ra tôi không đặt nhiều hy vọng là bộ phim của hệ thống truyền hình công cộng PBS của Mỹ sẽ mang lại một cái gì mới để giúp người ta hiểu thêm về cuộc chiến. Nhưng với bộ phim này được ca tụng như là bộ phim khách quan nhất và đã có những cố gắng để tham khảo cả về phía người Việt thành ra tôi cũng hy vọng rằng bộ phim này ít nhất cũng không như những bộ phim khác của Mỹ về chiến tranh Việt Nam như Platoon hoặc Born on the Fourth of July chỉ có tập trung vào phía Mỹ với Việt Nam chỉ là môt bối cảnh phụ thuộc.
Nhưng tôi đã thất vọng.
Tâm lý học dậy cho ta biết rằng thành kiến là những yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến suy tư và hành động của con người. Có những thành kiến trở thành vô thức và nằm ngay trong khung suy tư của người ta. Và đó là điều đầu tiên ta nhận thấy trong hầu như tất cả những gì người Mỹ viết hoặc làm phim về chiến tranh Việt Nam.
Cái thành kiến vô thức thể hiện qua việc bộ phim tập trung vào các vấn đề của người Mỹ về những gì cuộc chiến đã tạo ra cho nước Mỹ. Thành ra nó không phải là một bộ phim về cuộc chiến Việt Nam mà phải nói nó là một bộ phim về cuộc chiến của người Mỹ tại Việt Nam. Toàn thể 10 tập của bộ phim về chiến tranh Việt Nam này có đến 90% là về Mỹ, Việt Nam như là một đất nước và nhất là chính thể Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Việt Nam chỉ là bối cảnh phụ thuộc. Có thể rằng các nhà làm phim làm như vậy là vì họ nhắm chính vào khối khán thính giả người Mỹ trên đất Mỹ, nhưng làm như vậy không thể nào nói là khách quan được.
Quan trọng hơn nữa là những thành kiến cố ý của các nhà làm phim. Có ba quyển sách đã ảnh hưởng mạnh đến cái nhìn của nguời Mỹ về chiến tranh Việt Nam và những luận đề mà họ đưa ra đã trở thành tiêu chuẩn ngay cả trong các chuơng trình lịch sử về Chiến tranh Việt Nam dậy cho các học sinh trung học. Hai cuốn đầu “The Best and the Brightest” (1972) của David Halberstam và “Vietnam: A History” (1983) của Stanley Karnow đều đã bán hơn một triệu quyển còn cuốn thứ ba “A Bright Shining Lie” (1988) của Neil Sheehan thì đã đuợc cả giải Pulitzer và giải National Book Award. Các chủ đề của các cuốn này đều đã được bộ phim này đưa vào nội dung: chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa có tính cách thuộc địa nhằm trói buộc một dân tộc chỉ muốn giải phóng khỏi ách thống trị của ngoại bang. Thành ra việc tham gia vào cuộc chiến này của Hoa Kỳ đã không những tạo ra một bi kịch cho Việt Nam mà còn tạo ra một bi kịch cho chính nước Mỹ. Và để biện minh cho quan điểm đó của mình, cuốn phim phải mô tả chính quyền và quân đội miền Nam như là hủ hóa, tham nhũng và hòan toàn tùy thuộc vào nước ngoài, trong lúc ngợi khen những người bên kia.
Ngay từ những phút ban đầu ta có thể thấy chủ ý của các tác giả. Trong một loạt những “flashback” hầu như tất cả những hình ảnh bi thảm của cuộc chiến được chớp lại trong qua một cách kích thích sự chú ý của khán giả. Những mẩu phim này được quay lại theo thứ tự ngược với thời gian tỷ như ta thấy cảnh nổi tiếng cô gái trần truồng chạy bom napalm nhưng chạy giật lùi chứ không phải chạy về phía trước. Ngay cả đoạn phim này cũng là một sự gian lận vì trên thực tế cô gái này chạy về phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa như là nơi an toàn chứ không phải là trốn chạy quân đội Việt Nam như những người phản chiến vẫn thường giải thích.
Sau đó là đến một đoạn kể lại lịch sử Việt Nam. Nhưng đó lại là một tường thuật lịch sử rất một chiều. Đầu tiên là nhà văn Bảo Ninh nói đến truyền thống kháng chiến bảo vệ dân tộc của Việt Nam sau đó là một lược kể lịch sử Việt Nam từ 1858 cho đến 1961 nhưng trong đó hầu như chỉ hoàn toàn tập trung vào Hồ Chí Minh và những nguời Cộng Sản chen vào đó là những mẩu phim “flash forward” về những hình ảnh cuộc chiến sau 1960 khi mà Hoa Kỳ tích cực tham gia vào cuộc chiến. Thông điệp mà các tác giả bộ phim đưa ra thực rõ ràng: lịch sử Việt Nam không quan trọng, đây là cuộc chiến tranh của Mỹ.
Những tập sau mới chính thức đi vào cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam vì tuy rằng các tác giả bỏ qua không nói đến, nhưng cuộc chiến của Việt Nam, cuộc nội chiến thực sự giữa hai phe Quốc-Cộng vốn bắt đầu từ trước khi chiến tranh thứ hai kết thúc và Pháp trở lại Việt Nam. Sự can thiệp của nước ngoài – Pháp hoặc Mỹ - chỉ làm việc quốc tế hóa cuộc chiến mà thôi.
Bắt đầu với tập hai khi tổng thống John F. Kennedy quyết định gởi lính biệt kích Mỹ sang Việt Nam. Hầu hết các quyết định về cuộc chiến được tả lại là từ Washington trong đó những nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa không có quyền tham dự cộng với những hình ảnh về cuộc chiến trong đó có những câu mà người Việt mình khi nghe cảm thấy tủi hổ tỷ như câu của một thiếu tá Mỹ được dẫn lời nói:
“Tụi bay có thể bắn mấy thằng nhỏ da nâu bên ngoài hàng rào kẽm gai. Bay không được bắng đám ở trong. Chúng là của tao” (You can shoot the little brown men outside the wire. You may not shoot the little brown men inside the wire. They are mine.)
Khái niệm rằng cuộc chiến này là của Mỹ lại càng được làm tăng thêm khi trong toàn bộ mười tập của bộ phim hầu như tất cả cảnh quay các trận đánh chỉ có lính Mỹ đánh với quân Cộng Sản, một sự ngầm hiểu là Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không có chiến đấu vì hèn nhát và bất lực.
Với chiến dịch Tết Mậu Thân vốn là một thất bại lớn về quân sự của phía Cộng Sản nhưng lại là một chiến thắng lớn về tâm lý đối với Mỹ, bộ phim tập trung vào những xáo trộn xã hội tại Mỹ, phong trào phản chiến gia tăng trong giới thanh niên và các trường đại học cùng với các cố gắng của chính phủ Mỹ để rút chạy ra khỏi Việt Nam.
Tập chót của bộ phim bỏ ra ít hơn là 15 phút để nói đến con số khổng lồ những người Việt bỏ nước ra đi cũng như là cuộc sống của những người dân miền Nam sau 1975. Tuy rằng đề tài của tập này là “hòa hợp hòa giải”. Nhưng hòa hợp hòa giải này là cho người Mỹ. Nguời Việt không có phần. Rất nhiều thời giờ được dành cho đài kỷ niệm chiến tranh Việt Nam tại Washington DC và những câu chuyện của các cựu chiến binh Mỹ trở về Việt Nam hai mươi năm sau cuộc chiến để coi lại các chiến truờng cũ và bắt tay với kẻ cựu thù. Ta có cảm tuởng rằng người miền Bắc mới là bạn của Mỹ còn người miền Nam là kẻ thù.
Nhưng có lẽ ta cũng không nên quá chê trách các nhà làm ra bộ phim này. Khán giả mà Burns và Novick nhắm vào là đại đa số những người Mỹ, nhất là những người Mỹ da trắng. Người Việt chúng ta không phải là mục tiêu của các tác giả dù rằng là người Mỹ gốc Việt.
So sánh với những bộ phim khác của Mỹ về chiến tranh Việt Nam thì bộ phim này có những tiến bộ. Burns và Novick quả là đã có đi phỏng vấn một số người Việt cả ở miền Bắc và miền Nam nhưng đó chỉ là một thiểu số đặc biệt là tiếng nói của những người miền Nam. Và bộ phim đã thu thập đuợc một số khổng lồ những hình ảnh và tài liệu của cuộc chiến giúp ta có thể tiêu khiển nếu chỉ coi phim này như là một bộ phim chiến tranh thuần túy.
Riêng tôi khi coi tập phim này là một sự đau đớn, một kinh nghiệm không muốn phải lập lại.
Lê Mạnh Hùng