Gỗ rừng chảy về nhà quan (PLO)
Gỗ rừng, nhất là gỗ quý ngày càng hiếm hoi. Sau lệnh đóng cửa rừng tự
nhiên của Thủ tướng, những cánh rừng lớn, bé khắp từ Nam ra Bắc vẫn tiếp
tục bị tàn phá. Và oái oăm thay, những gì quý nhất của rừng lại được
phát hiện... ở nhà quan chức!
Ở Tây Nguyên, khắp nơi đều có nhà gỗ, đồ
gỗ. Nhà gỗ của ông Trần Ngọc Quang ở huyện nghèo Ea Súp (Đắk Lắk) khá
nổi bật trong huyện. Ông Quang là nguyên chủ tịch UBND huyện Ea Súp, Đắk
Lắk, vừa nghỉ hưu từ năm 2016.
“Phủ ông Quang”
Ea Súp là một huyện của tỉnh Đắk Lắk,
cách TP Buôn Ma Thuột 85 km theo tỉnh lộ 1 đi về phía Tây Bắc. Huyện
thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, dân cư thưa thớt. Do địa bàn của huyện
chủ yếu là rừng nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì
vậy, sự xuất hiện của khu nhà toàn gỗ quý, lại cách Hạt kiểm lâm Ea Súp
vài căn nhà khiến người dân không khỏi chú ý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc
Quang cho biết để làm căn nhà này, nhóm thợ gỗ miền Trung đã về thị trấn
Ea Súp làm ròng rã ba năm mới xong. Trong nhà, ông Quang bài trí bộ bàn
ghế rất to. Ông cho biết trị giá bộ bàn ghế là 1 tỉ đồng. Khi chúng tôi
hỏi vì sao bàn ghế quá lớn mà chỉ có 1 tỉ đồng, ông Quang nói rằng nhờ
gỗ ông đã mua từ trước.
Cần nhớ rằng Ea Súp là nơi có Vườn quốc
gia Yok Đôn, và những cánh rừng khác, đang bị phá nát trong nhiều năm
nay. Là người nhiều năm liền đứng đầu địa phương, chỉ đạo việc bảo vệ
rừng, chống lại lâm tặc mà ông Quang lại sử dụng toàn gỗ rừng loại lớn
để làm nhà với số lượng lớn. Có thể tự hào không khi nhà ông Quang được
dân gọi là “phủ ông Quang”?
Vô tư mua “nhà cũ”
Ngày 20-10-2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh
Quảng Bình đã có Văn bản 1041 xác minh vụ “chủ tịch huyện mua nhà gỗ cho
con trai”. Văn bản này gửi báo cáo Chi cục Kiểm lâm vùng II do ông Phạm
Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, ký. Theo
văn bản: Ông Nguyễn Văn Dân sinh năm 1964, nghề nghiệp lái xe, có hộ
khẩu thường trú tại xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa. Năm 2002, ông Dân cùng
gia đình đến xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa đăng ký tạm trú. Năm 2005, ông
Dân làm một ngôi nhà gỗ ở bản Kreng, theo ông trình bày là loại nhà gỗ
ba gian, 17 cột, cột lớn cao khoảng 5 m, đường kính khoảng 35 cm, cột
nhỏ cao khoảng 4 m, đường kính khoảng 20 cm, loại gỗ chua, gội, ván bao
quanh nhà là gỗ nhóm 7, 8. Số gỗ làm nhà ông Dân thuê, mượn, đổi lương
thực, mua lại của đồng bào dân tộc và người dân địa phương, không có
giấy tờ liên quan.
Năm
2016, ông Dân bán ngôi nhà gỗ cho ông Đinh Ngọc Sĩ, là viên chức tại
Trung tâm Giáo dục nghề huyện Minh Hóa, thường trú tại thôn 4 Thanh
Long, xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa với giá 700 triệu đồng. Ông Sĩ là con
trai của ông Đinh Hữu Niên, hiện là chủ tịch UBND huyện Minh Hóa. Ông Sĩ
và gia đình đang sống trong ngôi nhà gỗ ba gian được xây dựng trên mảnh
đất bên cạnh nhà ông Đinh Hữu Niên. Kiểm lâm cho biết ngôi nhà ông Sĩ
đang ở là loại nhà gỗ ba gian, trên lợp ngói, ba phía xây bao bằng gạch,
phía trước bằng ván gỗ. Nhà rộng 12 m, sâu 8 m, có 17 cột, cột lớn cao 5
m, đường kính 36 cm, cột nhỏ cao 3,8 m, đường kính 22 cm. Phần gỗ làm
cột, băng, kèo, đòn tay… chủ yếu là gỗ chua nhóm 3; theo ông Sĩ trình
bày thì ông mua lại ngôi nhà gỗ của ông Dân ở xã Dân Hóa, nhà gỗ cũ đã
qua sử dụng nên không có giấy tờ. Phần gỗ làm cửa, ván trần, nội thất
hoàn thiện ngôi nhà là gỗ pơ mu nhóm 1, giổi nhóm 3, de nhóm 4 ông Sĩ
mua lại của Công ty TNHH Tiến Mạnh Cường với khối lượng 12 m3, gỗ có nguồn gốc xử lý tịch thu sung công quỹ nhà nước được Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình bán theo hóa đơn.
Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình kết luận như
vậy ngôi nhà của ông Sĩ gồm phần gỗ cửa, ván, trần và nội thất ngôi nhà
có nguồn gốc hợp pháp. Phần nhà gỗ gồm cột, băng, kèo, đòn tay… là gỗ cũ
đã qua sử dụng, không có hồ sơ nguồn gốc theo quy định. Từ đó kiểm lâm
Quảng Bình đưa ra nhận định: Huyện Minh Hóa là một huyện miền núi nghèo,
do vậy được hưởng chính sách hỗ trợ làm nhà ở đối với đồng bào dân tộc,
hộ nghèo, đa số người dân sống trên địa bàn các xã miền núi, đều có nhu
cầu làm nhà ở và gỗ làm nhà cũ trước đây thường có nguồn gốc hợp pháp
từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và một số có nguồn gốc không rõ ràng,
không hợp pháp, đây thực sự là vấn đề tồn tại khó khăn giải quyết, xử lý
tại địa bàn huyện Minh Hóa.
Qua vụ việc này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh
Quảng Bình đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Minh Hóa, trạm trưởng kiểm lâm La
Trọng và kiểm lâm địa bàn xã Dân Hóa kiểm điểm nghiêm túc khi để xảy ra
việc mua bán, vận chuyển nhà gỗ không có hồ sơ nguồn gốc ra khỏi địa bàn
quản lý thời gian qua.
Bỏ ra vài tỉ đồng để làm căn nhà có 80 m3
gỗ ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, ông Khổng Trung - Chi cục
trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị chỉ để làm nơi thờ cúng chứ không để
ở. Căn nhà này gồm cửa chính rộng ở giữa và hai cửa phụ hai bên, phía
trên mái lợp ngói vảy cá. Tường rào mặt tiền chạy dọc bên tuyến đường
tỉnh lộ 583 cũng được xây bề thế. Bên trong khu đất diện tích hơn 2.000 m2
là hai căn nhà liền kề được xây dựng theo kiểu nhà rường ba gian hai
chái rất đẹp, gồm hệ thống cột gỗ, mái lợp ngói, tường xây gạch, cùng hệ
thống sân vườn, cây kiểng. Hiên của căn nhà chính nổi bật với mái “vỏ
cua”, những cột gỗ lớn dựng đứng, hệ thống kèo gỗ vươn ngang và cạnh đó
là 18 lá cửa gỗ được chạm trổ rất đẹp. Căn nhà rường ba gian hai chái
này có bề rộng chừng 7 m và bề ngang chừng 15 m, đặc biệt bên trong có
nhiều cột gỗ gõ tròn. Phía mái có một số đòn tay và rất nhiều kèo,
xuyên, trếnh… được chạm trổ rất đẹp.
Ông Trung khẳng định với báo chí là số gỗ hơn 80 m3 ông mua làm nhà có nguồn gốc rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ, hóa đơn... Trong đó, khoảng 40 m3 là gỗ nhóm 1, nhóm 2 như gõ, lim… chủ yếu mua lại từ các doanh nghiệp mua từ Lào về để làm cột, kèo, vì, cửa và 40 m3
gỗ nhóm 3, nhóm 8 là gỗ thông thường để làm rui lách, đòn tay, mái.
Cuối tháng 9-2017, khi hình ảnh nhà gỗ của ông Trung tràn lan trên mạng
xã hội, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị có yêu cầu ông Trung giải trình và
sau đó được xác định nguồn gốc gỗ là hợp pháp.
Đắk Lắk, Quảng Bình hay Quảng Trị, cán
bộ cất nhà đều từ “gỗ mua”. Nhưng cũng cần nhớ rằng đây là những địa
phương mà lâm tặc tàn phá rừng thuộc hàng mạnh nhất nước.