Thủ tướng VN gặp Đại sứ Đức ở Cần Thơ (BBC)

"Dự án hợp tác Đức - Việt ở đây đã được chính phủ Đức duyệt và thực hiện từ lâu, nên họ sẽ làm tiếp. Chỉ có những gì sau ngày 22/9 [ngày Đức tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược] sẽ bị ảnh hưởng," nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính này nói thêm với BBC.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, ông Christian Berger bên lề một hội nghị về biến đổi khí hậu ở Cần Thơ, theo truyền thông nhà nước.

Tại cuộc tiếp xúc này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định Việt Nam "luôn coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu ở châu Âu" của Việt Nam, trong khi Đại sứ Christian Berger bày tỏ mong muốn Chính phủ hai nước "tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn" cho nhân dân hai nước, vẫn theo truyền thông Việt Nam.

Tin này được đăng tải rộng rãi ở Việt Nam sau khi Đức tuyên bố tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội vì Đức cho là an ninh Việt Nam "bắt cóc" người ở Berlin.

Hôm 27/9/2017, báo mạng VnExpress của Việt Nam đưa tin về cuộc tiếp xúc này, cho hay:

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao Đại sứ tham dự Hội nghị, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Đức đối với tiến trình phát triển bền vững của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

"Qua Đại sứ, Thủ tướng trân trọng gửi lời chúc mừng Thủ tướng Angela Merkel và Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo do bà lãnh đạo giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội Đức nhiệm kỳ 2017-2021."
Vẫn theo tờ báo mạng này, Thủ tướng Phúc cũng gửi lời cảm ơn tới bà Angela Merkel đã mời Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G20 hồi tháng 7/2017 và cho rằng kết quả tốt đẹp của Hội nghị G20 đã "giúp tạo sự kết nối giữa G20 và APEC" đặc biệt trong phối hợp thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu.

Thủ tướng Việt Nam 'bày tỏ mong muốn' Chính phủ Đức tiếp tục hỗ trợ Đồng bằng Sông Cửu Long lập quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của địa phương, ông được dẫn lời nói:

"Chính phủ Việt Nam cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ Đức và cho biết, các chương trình hỗ trợ này đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực đào tạo nghề, năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu."

Đánh giá cao nước Đức

Cũng hôm thứ Tư, báo Thế giới & Việt Nam, trực thuộc Bộ Ngoại giao nước này, đưa tin về diễn biến, dẫn ý kiến của Thủ tướng Phúc trong cuộc gặp với Đại sứ Berger, cho rằng:

"[Việt Nam] đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược thời gian qua, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu ở châu Âu và mong muốn hai bên cần thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc nhằm tăng cường quan hệ tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.

"Đại sứ Christian Berger trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp, bày tỏ vui mừng được tham dự Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và cho biết sẽ tích cực làm việc với các cơ quan liên quan của Việt Nam để đẩy mạnh tiến trình hợp tác về vấn đề này. Đại sứ cũng mong muốn Chính phủ hai nước tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.
"Đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị, Đại sứ Christian Berger hy vọng, Hội nghị lần này sẽ đưa ra những quan điểm hợp tác phát triển thiết thực giữa Việt Nam với các quốc gia, đối tác phát triển trong đó có CHLB Đức, qua đó góp phần biến các thách thức của biến đổi khí hậu trở thành cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai," báo Thế giới & Việt Nam tường trình.

Vẫn tờ báo trực thuộc Bộ Ngoại giao của Việt Nam hôm thứ Tư cho biết tin, cùng ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các đại sứ của nhiều nước khác tại Hội nghị trên trong một mục tin đưa chung, tờ báo cho hay:

"Bên lề Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, sáng 27/9, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Thụy Điển, Đại sứ Australia và Công sứ Nhật Bản."
Hôm 27/9, trong một diễn biến khác, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam có thông báo về "Thông tin về xin thị thực tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Đức tại Việt Nam" và cho hay:

"Hiện nay các cơ quan đại diện ngoại giao của CHLB Đức tại Việt Nam đang nhận được rất nhiều các câu hỏi liên quan đến thông tin đang được lan truyền trên các trang mạng xã hội Việt Nam đề cập đến việc Đức ngừng cấp thị thực cho các đoàn doanh nghiệp, các đoàn chính phủ và sinh viên Việt Nam.
"Các cơ quan đại diện ngoại giao của CHLB Đức tại Việt Nam khẳng định các thông tin này hoàn toàn không đúng với sự thật.

"Việc tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước không ảnh hưởng đến việc cấp thị thực tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Đức tại Việt Nam. Hiện tại do nhu cầu đăng ký lịch hẹn cao nên thời gian chờ đợi đối với các mục đích nộp hồ sơ có thể kéo dài hàng tuần. Vì vậy đề nghị Quý vị lên kế hoạch sớm cho chuyến đi của mình và đặt lịch hẹn kịp thời thông qua Đại sứ quán Đức hoặc Tổng lãnh sự quán Đức tại Tp. Hồ Chí Minh."
Thông tin này bác bỏ một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng đã có việc Đức ngừng cấp thị thực cho các đoàn doanh nghiệp, chính phủ và sinh viên Việt Nam, sau khi Đức tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Đặc biệt, khác thường?

Trước đó, hôm thứ Ba, truyền thông Việt Nam cho hay Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có một cuộc tiếp xúc nhà ngoại giao Đức để bàn về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, nhưng không rõ hai bên có nói về rạn nứt ngoại giao hiện nay hay không.

Sáng 26/9, ông Vương Đình Huệ tiếp bà Lucia Bergfeld, Bí thư thứ Nhất, Tham tán phát triển của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam bên lề một hội nghị ở Cần Thơ.

Cùng có mặt tại buổi gặp có ông Jasper Abramowski-Giám đốc Tổ chức Hợp tác phát triển (GIZ) tại Việt Nam và ông Dirk Pauschert-Giám đốc chương trình của GIZ.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, Phó Thủ tướng Việt Nam gửi lời chúc mừng Đức "vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Thủ tướng", và cảm ơn "đóng góp, hỗ trợ" của Đức dành cho Việt Nam từ thập niên 1990 đến nay.

Ông Vương Đình Huệ đề cập vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long, trong khuôn khổ hội nghị về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững cho vùng này.

Hôm 22/9, Đức tuyên bố "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam vì cáo buộc Việt Nam đã tiến hành vụ "bắt cóc" và đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Kể từ hôm đó, truyền thông Việt Nam hoàn toàn im lặng không tường thuật diễn biến này.
Bộ Ngoại giao Đức cũng công bố họ trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam để trả đũa Hà Nội vì vụ "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh.

Một nguồn tin đưa ra lời bình luận với BBC cho rằng một Phó Thủ tướng của Việt Nam, lại là Ủy viên Bộ Chính trị, gặp Bí thư của một Tòa Đại sứ là điều đặc biệt, khác thường.

Nguồn này cũng đưa ra nhận xét cho rằng "đây chỉ là cuộc gặp bên lề một Hội nghị về sông Mekong được tổ chức ở Cần Thơ với sự tham dự của 18 tổ chức quốc tế", mà không riêng gì đại diện của Đức.

"Dự án hợp tác Đức - Việt ở đây đã được chính phủ Đức duyệt và thực hiện từ lâu, nên họ sẽ làm tiếp. Chỉ có những gì sau ngày 22/9 [ngày Đức tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược] sẽ bị ảnh hưởng," nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính này nói thêm với BBC.