Người Thượng ở Campuchia 'cầu cứu, không muốn về VN' (BBC)

 "Bây giờ tôi rất sợ. Tôi không tin họ sẽ tha thứ. Tôi chỉ cầu xin các tổ chức quốc tế gây áp lực lên chính quyền Campuchia để họ không bắt chúng tôi về. Chúng tôi không tin chính quyền Việt Nam sẽ đối xử tốt với chúng tôi."


29 người Thượng đang cầu cứu kêu gọi giúp đỡ họ trước việc chính phủ Campuchia dự tính trục xuất họ về Việt Nam. 

Trong số hơn 200 người Thượng đã trốn sang Campuchia trong nhiều năm qua, 29 người này, gồm bảy trẻ nhỏ là nhóm người Thượng tỵ nạn cuối cùng còn sót lại ở Campuchia.

Ông Y Rin Kpa, một người Thượng, đại diện của nhóm 29 người cuối cùng ở Campuchia cho biết BBC biết ông sang Campuchia từ tháng 6/2015. 

Ông đã đi tù gần 10 năm ở Việt Nam, sau khi tham gia vào cuộc biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo năm 2001 tại Daklak. 

Ông cáo buộc: "Với người Thượng theo đạo Tin Lành, họ rất phân biệt đối xử, về tôn giáo, đất đai, việc làm. 

"Con cái chúng tôi học hết 12 cũng không thể xin học trường nghề, học hết đại học cũng không kiếm được việc làm vì họ xét lý lịch là có đạo Tin Lành. Nên năm 2001, chúng tôi mới đi biểu tình đòi tự do tôn giáo, tự do dân chủ.

"Tôi dẫn đầu làng tôi, cùng với anh em đi biểu tình nên tôi mới bị đi tù 10 năm. Họ đến nhà bắt tôi đi mà không có lệnh bắt, đánh đập tôi. Sau khi ra tù, công an vẫn đến nhà chụp hình, mời tôi lên đồn, mà tôi chỉ đi làm cà phê, không làm gì cả. 

"Họ nói nếu họ phát hiện tôi hoạt động, hoặc trốn đi, họ sẽ bắt giam tôi 10-20 năm, nên tôi sợ bị bắt lại nên tôi vượt biên qua Campuchia.

"Bây giờ tôi rất sợ. Tôi không tin họ sẽ tha thứ. Tôi chỉ cầu xin các tổ chức quốc tế gây áp lực lên chính quyền Campuchia để họ không bắt chúng tôi về. Chúng tôi không tin chính quyền Việt Nam sẽ đối xử tốt với chúng tôi."

Ông Y Rin cũng cho biết trong nhóm 29 người thì có 4 người trong đó cũng đã từng đi biểu tình năm 2001 giống ông. Họ đều lo sợ viễn cảnh trở về Việt Nam.

Về những nhóm người Thượng đã trở về Việt Nam, bà Grace Bùi, nhà hoạt động vì người tỵ nạn miền núi cho BBC biết hôm 12/9:

"Tôi không thể liên lạc được với tất cả. Nhưng có biết, mới đầu về thì chính phủ Việt Nam cho họ về nhà, nhưng sau đó bắt họ lên đồn công an tra hỏi rất nhiều lần. Một số bị canh chừng 24/24.

"Có những người thì không biết họ đi đâu. Có người thì đi tù. Có một vài người thì không bị gì hết, chắc quá khứ họ chắc không có gì."
Cũng trong ngày 12/9, Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) ra thông cáo kêu gọi chính quyền Campuchia không nên trục xuất nhóm người Thượng gốc Việt về Việt Nam.

Thông cáo của HRW dẫn lời Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người Tỵ nạn (UNHCR) nói, những người tỵ nạn với những mối lo sợ có cơ sở về việc bị trừng phạt nếu quay trở lại Việt Nam.

"Bộ Nội Vụ Campuchia đã sai lầm khi từ chối đơn tỵ nạn của 29 người Thượng và đã không hợp tác với UNHCR để giúp họ tái định cư. Chính phủ Campuchia cũng không tiến hành quá trình xem xét đơn tỵ nạn với LHQ, khi LHQ đáng lẽ phải xem xét quyết định từ chối đơn xin tỵ nạn của chính phủ Campuchia." 

Campuchia cũng từ chối đề nghị của LHQ đưa họ sang một đất nước thứ ba, thông cáo này cho hay.
Theo tờ Phnom Penh Post, UNHCR vẫn hi vọng họ có thể đưa 29 người này sang một đất nước thứ ba.

"Chúng tôi đã gửi thư đến Ngoại trưởng [Campuchia] ghi rằng dù luật Campuchia yêu cầu họ rời Campuchia nhưng không yêu cầu phải đưa họ về đất nước ban đầu của họ, và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ họ di chuyển sang một đất nước khác mà họ muốn đi và sẵn sàng đón nhận họ," tờ Phnom Penh dẫn lời Alistair Boulton, phát ngôn viên của UNHCR. 

Tuy nhiên, Tan Sovichae, Giám đốc Cục Tỵ nạn Campuchia nói quyết định phụ thuộc vào Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng, không phải Liên Hiệp Quốc.
Ông Sovichae nói ông không thể trả lời cho Bộ trưởng Kheng, nhưng ông tin ông Kheng sẽ không thay đổi quan điểm về vấn đề này.

Nhiều người Thượng trốn chạy sang Campuchia là những người đã tham gia vào cuộc biểu tình năm 2001 và 2004 yêu cầu tự do tôn giáo.

Thông cáo HRW cáo buộc Việt Nam vốn đã có "lịch sử lâu dài trong việc bức hại người Thượng. Rất nhiều những người là nhóm người thiểu số dân tộc, ủng hộ Pháp và Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, và rất nhiều người theo đạo Công Giáo. 

"Kể từ khi chính phủ Cộng Sản lên nắm quyền, những nhóm người này luôn bị bức hại, ép buộc phải từ bỏ tôn giáo, đóng cửa nhà thờ và luôn bị cảnh sát, binh lính và quan chức Việt Nam theo dõi giám sát."

Trước đó, báo Nhân Dân tường thuật rằng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) tại Thái Lan phối hợp chính quyền Campuchia và Công an Việt Nam hoàn tất thủ tục trao trả, tiếp nhận những người vượt biên trái phép tự nguyện hồi hương.

"Họ là những nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục vượt biên sang Campuchia trái phép bằng nhiều con đường khác nhau, để được qua một nước thứ ba, nuôi ảo vọng về một cuộc sống giàu có, sung túc, không phải lao động," theo báo Nhân Dân.