Bảo tàng Hà Nội vẫn 'tạm trưng bày' sau bảy năm khánh thành (Đoàn Loan)

Bảo tàng Hà Nội được đầu tư khái toán với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn một dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010, trị giá 1.600 tỷ đồng. Giai đoạn hai gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nay được điều chỉnh nên kéo dài đến 2019.

 

Được đầu tư 1.600 tỷ đồng, bảo tàng Hà Nội hoàn thiện tòa nhà năm 2010 nhưng đến nay chưa xong khâu trưng bày.

Ngày 12/9, bảo tàng Hà Nội chỉ có vài chục khách tham quan. Một nhóm khách nước ngoài xem hiện vật trong khoảng 30 phút rồi nhanh chóng rời đi; có thời điểm lượng khách ít hơn số bảo vệ trông coi hiện vật. 

Sau khi đi một vòng bảo tàng cùng người bạn nước ngoài, chị Hoài Thu (TP HCM), cho biết hơi thất vọng vì thông tin mà chị thu nhận được ít ỏi và nhàm chán. "Tôi mất buổi sáng đến đây, song thấy bảo tàng có ít hiện vật để giúp khách tìm hiểu về lịch sử Thủ đô", chị Thu nói. 

Nhiều người dân sống xung quanh bảo tàng cho hay, khách đến bảo tàng đông thường vào cuối tuần, dịp lễ tết, còn ngày trong tuần chỉ có khách nước ngoài hoặc học sinh, sinh viên ở Hà Nội đến tham quan. "Nguyên nhân có thể do vị trí bảo tàng xa trung tâm, hiện vật của bảo tàng còn hạn chế, chưa đáp ứng mong muốn của nhiều người", chị Hằng ở khu đô thị Nam Trung Yên nói.

Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho hay mỗi năm bảo tàng này có khoảng 100.000 khách tham quan, trong đó 10% là khách nước ngoài. 

Theo ông, bảo tàng còn vắng khách do mới hoàn tất giai đoạn một và tạm trưng bày khoảng 3.000 hiện vật. Giai đoạn hai bao gồm phần nội dung trưng bày, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019.

Hiện do chưa hoàn thiện trưng bày nên bảo tàng vẫn mở cửa miễn phí phục vụ khách. Và vì không bán vé nên cơ sở này thiếu kinh phí để tổ chức các sự kiện, chương trình nghệ thuật... để thu hút du khách.

"Chúng tôi chưa hài lòng với lượng khách đến bảo tàng như hiện nay, hy vọng sau khi trưng bày cố định được hoàn tất thì lượng khách sẽ đông hơn", ông Đà nói.  

Lý giải nguyên nhân chậm trưng bày hiện vật trong nhiều năm, ông Đà cho hay, năm 2009, thành phố đã phê duyệt kịch bản thuyết minh và giải pháp trưng bày cho bảo tàng, trị giá khái toán trên 800 tỷ đồng. Sau khi khánh thành công trình vào năm 2000, đơn vị quản lý bảo tàng thực hiện đồng thời khâu trưng bày và xây dựng thiết kế chi tiết, nội dung trưng bày cố định. 

Đến năm 2016, lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo điều chỉnh lại thiết kế phương án trưng bày hiện vật của bảo tàng so với trước đây. Do đó, hiện đơn vị tư vấn đang tiến hành thiết kế chi tiết để trình thành phố phê duyệt, dự kiến bắt đầu thi công từ giữa năm 2018, hoàn tất cuối năm 2019. 

"Việc tìm kiếm hiện vật cho bảo tàng mất rất nhiều thời gian. Ví dụ tìm cây cho chủ đề thiên nhiên, chúng tôi phải lên rừng quốc gia Ba Vì tìm hiểu nhiều ngày. Hay muốn có tư liệu là một số phiến gỗ xà cừ bị chặt trên đường Kim Mã, chúng tôi phải có công văn gửi đơn vị quản lý... ", ông Đà chia sẻ. 

Về định hướng trưng bày, ông Đà cho biết, theo thống kê thì 95% khách đến bảo tàng để giải trí, còn lại là nghiên cứu hàn lâm. Do đó, mỗi chủ đề ở bảo tàng Hà Nội sẽ có nhiều không gian trải nghiệm cho du khách, để đây trở thành nơi giải trí, khám phá cho mọi người. 

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia cho rằng, số lượng khoảng 100.000 khách đến bảo tàng Hà Nội mỗi năm là tín hiệu tốt trong khi nội dung trưng bày "chưa có gì"; nếu được đầu tư hoàn thiện thì bảo tàng sẽ thu hút được đông đảo khách tham quan hơn.

"Bảo tàng hiện như cái nhà rỗng, thành phố cần đầu tư thêm mấy trăm tỷ để hoàn thiện nội dung trưng bày. Thời gian qua Hà Nội đã quá chậm trong việc này, vì không chỉ phần tư liệu hiện vật mà còn phải quan tâm đến các phương án trưng bày, màn hình, hệ thống thông tin, chiếu sáng...", TS Đặng Văn Bài nói. 

Ông Nguyễn Quốc Thông - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN cho rằng, "Hà Nội xây dựng một bảo tàng nhiều nghìn tỷ mà không tính đến cái ruột của nó là điều vô lý, cần sớm khắc phục".

Bảo tàng Hà Nội được đầu tư khái toán với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn một dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010, trị giá 1.600 tỷ đồng. Giai đoạn hai gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nay được điều chỉnh nên kéo dài đến 2019. 

Theo đề cương đã được lãnh đạo thành phố chấp thuận, bảy chủ đề sẽ được tập trung trưng bày ở bảo tàng là: Hành trình đến Thăng Long, Thăng Long thời Đại Việt, Hà Nội thế kỷ 19 - nửa đầu thế kỷ 20, Hà Nội kháng chiến, Hà Nội xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội trên đường đổi mới. 

VNE