Ai đứng sau ‘kẻ huỷ diệt thiên nhiên’ Sun Group? (Lê Anh Hùng)

Tương tự, bằng cách thâu tóm cổ phiếu hoặc những phương thức khó kiểm soát như đã trình bày ở trên, trong tương lai không xa, các nhà đầu tư “made in China” sẽ là chủ nhân thực sự của các dự án do Sun Group đầu tư ở Sơn Trà, cho phép Bắc Kinh kiểm soát hoàn toàn bán đảo đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng này.

 Các toà nhà dưới “Vòng xoay Mặt Trời” (Hạ Long) trông giống như trên Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc). Ảnh: Lê Anh Hùng


Vài năm trở lại đây, Sun Group đã trở thành một hiện tượng đình đám trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và bất động sản cao cấp. Các dự án của tập đoàn này đều rất hoành tráng, với quy mô từ hàng nghìn tỷ VNĐ trở lên, trong đó có những dự án được trao giải thưởng quốc tế và lập nên những kỷ lục thế giới. Sun Group đã trở thành một thương hiệu được tầng lớp thượng lưu, giới nhà giàu mới nổi ở Việt Nam ưa chuộng. 

Tuy nhiên, bên cạnh danh tiếng nổi bật đó lại là những tai tiếng thậm chí còn nổi bật hơn, đặc biệt là những thảm hoạ môi trường tại hầu hết những nơi mà Sun Group đặt chân đến, biến tập đoạn này thành kẻ thù trong mắt quảng đại quần chúng. Một diễn đàn mạng xã hội đã nhận xét về các dự án của Sun Group trong thời gian qua như sau: “Sun Group đi tới đâu sơn thần thổ địa ở đó hiện ra quỳ lạy rối rít”, bởi họ “phá hết lấy đâu ra chỗ cho thần ở, huống chi con người.”

Chưa hết, ông chủ Sun Group, tỷ phú Lê Viết Lam, mới đây còn bị Uỷ ban Cứu trợ Thuyền nhân (BPSOS) đưa vào danh sách đề nghị chế tài theo Luật Magnitsky toàn cầu của Hoa Kỳ, vì bị cáo buộc là “động lực chính đằng sau vụ cướp đất của Giáo Xứ Cồn Dầu để rồi chia lô và bán cho các nhà đầu tư với giá 200 - 300 lần cao hơn mức bồi thường cho khổ chủ”.

Thế nhưng, bất chấp tất cả, Sun Group vẫn ngày càng lớn mạnh. Danh sách dự án khủng do tập đoàn này đầu tư vẫn không ngừng dài ra và trải rộng trên cả nước (chỉ riêng tại Quảng Ninh là 13 dự án đang và sẽ triển khai, còn tại Đà Nẵng là 8 dự án đã thực hiện cùng nhiều dự án sắp sửa triển khai khác). Và nó luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt của lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Trong nền kinh tế “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, không khó để nhận ra đằng sau những dự án siêu khủng của Sun Group là một (số) thế lực chính trị siêu khủng.

Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó thì có lẽ cũng chưa có gì đáng bàn lắm, bởi Sun Group không phải là tập đoàn tư bản thân hữu duy nhất ở Việt Nam. Điều đáng quan ngại ở đây là, Sun Group luôn dễ dàng nhận được giấy phép thực hiện dự án tại những địa điểm không chỉ nhạy cảm về môi trường, mà cả về an ninh quốc phòng: Bà Nà - Núi Chúa (quần thể du lịch Bà Nà Hills ở Đà Nẵng); bán đảo Sơn Trà (1 dự án đã đi vào hoạt động: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort; 4 dự án đang triển khai: Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Ghềnh Đa - Mũi Nghê; Khu dịch vụ du lịch ven biển và biệt thự sinh thái cao cấp Hồ Xanh; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Nam Suối Đá; Khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc – Cty CP Địa Cầu, một công ty con của Sun Group); Vân Đồn (dự án sân bay quốc tế Vân Đồn), v.v.

Trong bài “Người dân Đà Nẵng mất Bà Nà” trên RFA ngày 11/3/2015, các tác giả đã nhận định Bà Nà - Núi Chúa là điểm trọng yếu về chiến lược quân sự, có vị thế chiến lược quan trọng không kém Hải Vân Quan. Cuối bài viết, các tác giả đã đặt câu hỏi: “Nếu một ngày nào đó, Sun Group bắt tay làm ăn với một doanh nhân Trung Quốc và doanh nhân này mua trên 50% cổ phần của Sun Group, nghiễm nhiên trở thành ông chủ mới của Sun Group thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nhà cầm quyền Đà Nẵng có nghĩ đến chuyện này hay chưa? Vì hiện tại, người Trung Quốc đã có mặt khắp bờ biển Đà Nẵng, họ đã xây nhà, xây biệt thự và xây sòng bạc ở đây nhiều vô kể. Liệu nhân dân còn nói được gì khi Sun Group vào tay Trung Quốc?!” 

Một khi câu hỏi này được đặt ra thì vấn đề đã trở nên hệ trọng, bởi nó liên quan đến an nguy của đất nước. Việc Sun Group bắt tay với Trung Quốc là một khả năng hoàn toàn thực tế, bởi chỉ cách đây vài tháng, dư luận đã phải lên tiếng phản đối gay gắt trước thông tin Viện Thiết kế và Quy hoạch Hàng Châu (Trung Quốc) được mời tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên Sông Hồng. Dự án này do Sun Group, Vingroup và Geleximco góp tiền thực hiện. Ngoài ra, một số công trình của Sun Group còn thể hiện đậm nét “bản sắc Tàu”, điển hình như các ngôi chùa ở Fansipan (một diễn đàn mạng đã gọi ngôi chùa trên đỉnh Fansipan là “ngôi chùa Tàu quái thai”), hay dự án Công viên Đại Dương ở Hạ Long. 

Trung Quốc có rất nhiều cách thức hợp pháp để trở thành chủ nhân các dự án của Sun Group: mua cổ phần của Sun Group hoặc các dự án của nó; mua cổ phiếu Sun Group và các dự án của nó khi chúng được niêm yết trên thị trường chứng khoán; tài trợ cho các dự án của Sun Group rồi chuyển vốn vay thành cổ phần; lập ra các công ty ma ở nước ngoài (như họ đã từng làm ở Mỹ, ở Canada, hay ở Singapore, v.v.) rồi hợp tác với Sun Group để thực hiện dự án, v.v. 

Viễn cảnh u ám đó không còn quá xa với chúng ta. Từ đầu năm 2017, cổ phiếu của Công ty CP Cáp treo Bà Nà, chủ đầu tư của quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ trên diện tích 817ha tại Đà Nẵng, đã được giao dịch trên thị trường. Nếu không được kiểm soát và ngăn chặn, việc các ông chủ Tàu ngồi chễm chệ trên “nóc nhà Đà Nẵng” xem ra chỉ còn là vấn đề thời gian. 

Tương tự, bằng cách thâu tóm cổ phiếu hoặc những phương thức khó kiểm soát như đã trình bày ở trên, trong tương lai không xa, các nhà đầu tư “made in China” sẽ là chủ nhân thực sự của các dự án do Sun Group đầu tư ở Sơn Trà, cho phép Bắc Kinh kiểm soát hoàn toàn bán đảo đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng này.

Rõ ràng, bất kể thế lực chính trị nào đang chống lưng cho Sun Group, công luận cũng có lý do chính đáng để yêu cầu nhà chức trách Việt Nam rà soát và đặt các dự án của ông chủ bí hiểm Lê Viết Lam vào vòng kiểm soát đặc biệt. Với một nền chính trị vốn luôn bị bàn tay lông lá của Bắc Kinh thao túng và lũng đoạn như Việt Nam, yêu cầu trên lại càng chính đáng và cấp thiết.[i]

Ghi chú:

[i] Một số dự án của Sun Group còn nằm ở những khu vực mang ý nghĩa đặc biệt về phong thuỷ, tâm linh. Dãy Fansipan nằm trên đại địa mạch chạy từ đỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Himalaya, qua cao nguyên Tây Tạng và Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Myanmar… qua cao nguyên Vân Nam, rồi đến đỉnh Fansipan, qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, qua đỉnh Ba Vì… rồi trải xuống đồng bằng Bắc Bộ để đi xuống vịnh Hạ Long và cuối cùng kết thúc ở vịnh Mindanao sâu nhất thế giới. Việc Sun Group cho xây dựng một quần thể chùa Tàu trên dãy núi được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” này không khỏi khiến dư luận lo ngại. Tương tự như thế là dự án Công viên Văn hóa Kim Quy tại vùng linh địa Cổ Loa.
 
Theo VNTB