Giải quyết khủng hoảng căn cước để ra khỏi bế tắc chính trị (Nguyễn Gia Kiểng)

Ba là trên lộ trình xây dựng tổ chức, trở ngại lớn nhất là người ta không đến với nhau và với tổ chức với căn cước thực của mình, dù đó điều kiện bắt buộc cho một hợp tác lâu dài.
 
 
Nếu không tự dối mình thì phải nhìn nhận đối lập dân chủ Việt Nam đang rất bối rối. Các tổ chức đối lập hải ngoại không nhiều và không phải tất cả đều là những tổ chức dân chủ đúng nghĩa. Trong nước, phong trào dân chủ không tiếp nhận được nhiều người mới trong khi giữa những khuôn mặt quen biết, vốn đã không bao nhiêu, thì sự gắn bó có phần giảm đi thay vì tăng lên.
Qua những trao đổi gần đây, một người đấu tranh rất tích cực bày tỏ với tôi sự thất vọng đối với hầu hết các khuôn mặt dân chủ và với tình trạng của phong trào dân chủ nói chung. Một thân hữu có uy tín khác nhận định : "Nói bi quan là còn nhẹ đấy, số người tự coi là dân chủ đã thưa thớt mà lại còn chê bai nhau, bôi nhọ nhau, có khi chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, chưa nói là còn có những thành phần thực sự không đáng tin cậy. Mạnh ai nấy làm, chẳng ra hàng ngũ, lớp lang gì cả".
*
Sự rã rượi này thoạt nhìn có vẻ nghịch lý. Mức độ đàn áp của chính quyền cộng sản đã giảm rõ rệt. Chính chế độ cộng sản cũng đang chao đảo. Phân hóa nội bộ đã đạt tới cao điểm, và đà phân hóa này khó có thể đảo ngược bởi vì đảng cộng sản không còn một nhân vật nào đủ uy tín để hòa giải và hàn gắn các phe phái. Kinh tế cũng đang khủng hoảng nặng, đời sống của đại bộ phận dân chúng suy sụp, bất mãn lên cao như chưa từng thấy trong hơn hai mươi năm qua. Mọi người, kể cả đa số đảng viên cộng sản, chờ đợi một thay đổi. Bối cảnh này đáng lẽ phải rất thuận lợi cho đối lập dân chủ.
Nhưng nếu nhìn kỹ hơn một chút thì không có gì phải ngạc nhiên. Quả nhiên chính sách đàn áp đã là một lý do khiến một kết hợp dân chủ không hình thành được, nhưng nó không phải là lý do duy nhất. Tại hải ngoại không hề có đàn áp, nhưng sau 33 năm vẫn chưa có được một tổ chức chính trị có tầm vóc. Một cách lương thiện, có thể nói rằng chính sách đàn áp đối lập của đảng cộng sản vừa là một nguyên nhân vừa cung cấp một biện minh cho sự yếu kém nội tại của đối lập dân chủ Việt Nam. Tại hải ngoại người ta nói rằng muốn đấu tranh thì phải ở trong nước, quốc nội là chủ lực, hải ngoại chỉ có vai trò yểm trợ. Còn ở trong nước người ta biện luận rằng vì chính quyền cộng sản đàn áp thẳng tay nên không làm gì được. Sự giảm sút của mức độ đàn áp đã có tác dụng buộc những người dân chủ Việt Nam phải đối diện với chính mình.
Ngày nay nếu muốn và biết hành động một cách khôn ngoan chúng ta có thể xây dựng được một lực lượng dân chủ hiện diện ở cả trong lẫn ngoài nước, và đủ mạnh để áp đặt tiến trình dân chủ hóa. Lực lượng này cũng sẽ có sức thu hút với chính các đảng viên cộng sản mà đa số, theo tôi, cũng muốn đất nước được quản trị một cách dân chủ và lương thiện. Trở ngại chính cho sự hình thành của lực lượng dân chủ này phải được tìm kiếm trong chính con người Việt Nam, kể cả những người dân chủ.
Và nhiều người đã tìm kiếm. Đã có nhiều bài nghị luận đặc sắc của các tác giả có uy tín nói đến khủng hoảng lòng tin, khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng nhân cách. Những suy tư đó nhiều khi đưa đến những kết luận thực tiễn, như trước hết phải tập trung cố gắng nâng cao dân trí đã, hay chỉ có thể hy vọng là đảng cộng sản tự vỡ hay tự tách.
Nhưng nếu như thế thì tương lai dân chủ Việt Nam rất mờ mịt, bởi vì nâng cao dân trí là một cố gắng dài hạn. Nếu trong suốt một thế hệ - cứ tạm lấy cột mốc 1975 - chúng ta vẫn chưa đi đến đâu, thậm chí có người coi người Việt Nam đã xuống cấp chứ không cải thiện, thì đến bao giờ mới nâng được dân trí lên tới mức độ cần thiết để cuộc vận động dân chủ có thể thực sự bắt đầu ?
Còn chờ đợi đảng cộng sản tự vỡ hay tự tách cũng rất khó, bởi vì nó đi ngược với một nhận định đã được lập lại nhiều lần trong nhiều khảo cứu tâm lý, xã hội cũng như chính trị, và qua các kinh nghiệm lịch sử : đó là không thể chờ đợi những người đang thụ hưởng một thực tại xã hội tự nguyện hành động để thay đổi thực tại đó. Trong chiều sâu, con người luôn luôn hành xử một cách thuần lý, do đó không muốn và cũng không thể thay đổi một thực tại đang có lợi cho mình, ngay cả nếu trong thâm tâm mình thấy thực tại này là tệ hại. Dĩ nhiên vẫn có những người đủ lương thiện và dũng cảm để chống lại một chế độ đang có lợi cho mình, nhưng họ là một thiểu số rất nhỏ và không thể áp đặt được sự thay đổi.
Một cách nhìn khác về tình trạng bần thần hiện nay của đối lập dân chủ Việt Nam là coi nó như là hậu quả tất nhiên của một giai đoạn xét lại bắt buộc. Niềm tin của tôi là phong trào dân chủ, và đất nước, sẽ vươn lên sau cuộc xét lại này.
*
Tôi cũng đã tìm nguyên nhân yếu kém của phong trào dân chủ trong chính con người Việt Nam và nhận định rằng chúng ta thiếu văn hóa tổ chức. Giải thích "văn hóa tổ chức" là một giải thích lạc quan. Nó không cho rằng dân trí Việt Nam thấp, nó chỉ xác định một yếu tố thiếu trong văn hóa của chúng ta và cần được học hỏi: văn hóa tổ chức. Nó cũng dễ hiểu vì sinh hoạt tổ chức là một môn học không được giảng dạy trong các trường học Việt Nam, do đó người ta có thể có học vị và kiến thức cao mà không biết đến ngay cả sự hiện hữu của nó. Dầu vậy nó rất cần thiết và cũng không khó ; một người bình thường có thể học những điểm chính trong một thời gian vừa phải.
Một trong những khái niệm cơ bản của môn tâm lý xã hội, cốt lõi của văn hóa tổ chức, là khái niệm căn cước. Những điều thường được gọi là khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng nhân cách, v.v. thực ra chỉ là những thể hiện cá biệt của một khủng hoảng nền tảng hơn : khủng hoảng căn cước (identity crisis). Người ta không biết mình là ai, có thể và phải sống như thế nào, có thể và phải làm gì. Cần ghi nhận là đã có nhiều người, ở những góc nhìn khác nhau cảm nhận được cuộc khủng hoảng căn cước này. Một thí dụ : có một tờ báo điện tử có phẩm chất cao lấy cuộc khủng hoảng này làm tên gọi cho mình : Talawas. Ta là cái gì ? Một chất vấn về căn cước.
*
Nhưng khái niệm căn cước là gì ?
Đó là toàn bộ những yếu tố định nghĩa mỗi người và cho phép mỗi người ý thức về sự hiện hữu của mình. Mỗi người đều mang một căn cước và được nhìn như một căn cước. Mỗi chúng ta đều có một căn cước cá nhân và nhiều căn cước tập thể. Những căn cước tập thể này mô tả chúng ta là thành viên của tổ chức nào hay thuộc thành phần nào. Thí dụ một người Việt Nam, theo đạo Phật, công nhân hãng Nam Thành.
Hai điểm quan trọng cần được đặc biệt nhấn mạnh. Một là phần lớn những hành động của ta đều nhắm cải thiện một yếu tố nào đó trong căn cước cá nhân, căn cước của ta là chính ta. Hai là căn cước cá nhân chủ yếu gồm những căn cước tập thể, cho nên khi những căn cước tập thể này quá ít, hoặc không rõ ràng thì chính căn cước cá nhân cũng nghèo nàn, mờ nhạt hay rối loạn.
Trước hết cần một định nghĩa cho căn cước tập thể.
Đó là một phần của mỗi người và gồm hai thành tố, một là ý thức rằng mình là thành viên của một tập thể nào đó, hai là giá trị, ý nghĩa và sự gắn bó mà ta dành cho tư cách thành viên này.
Cả hai yếu tố này đều quan trọng. Ý thức rằng mình là người Việt chưa đủ khiến ta thực sự là người Việt. Thái độ và hành động của ta như là một người Việt Nam còn tùy thuộc tình cảm mà ta dành cho sự kiện mình là người Việt.
Trong một hồ sơ nộp cho một cơ quan nhà nước, anh Nguyễn Văn Ba khai anh cao 1m70, tóc đen, mắt nâu, lông mày rậm, sinh năm 1968 tại Sài Gòn, có vợ và hai con, tốt nghiệp trường Đại Học Sư Phạm năm 1991, dạy học tại trường trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu cho đến năm 2000, rồi làm kế toán trong công ty giầy dép Nam Thành cho tới nay.
Ngoài những dữ kiện rất cá nhân như chiều cao và màu tóc, ta có thể nhận xét là anh Ba thuộc nhiều tập thể : tập thể những người trung niên, tập thể những người tốt nghiệp đại học, tập thể những người xuất phát từ những gia đình thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, tập thể giáo chức, tập thể công nhân hãng Nam Thành. Đồng thời cũng có những tập thể mà anh Ba không khai ra nhưng người ta có thể đoán được : anh ta thuộc loại người tương dối năng động vì đã dám đổi nghề để có thu nhập cao hơn. Rất có thể anh ta thuộc thành phần bất mãn đối với chế độ cộng sản vì đã phải bỏ nghề dạy học, một nghề tương đối được kính trọng, để đi làm công nhân ; hơn nữa trong thời gian đi học anh không tham gia Đoàn Thanh Niên Cộng Sản bởi vì nếu có anh đã khai, điều này chỉ có lợi khi giao dịch với một cơ quan nhà nước.
Thí dụ này cho thấy căn cước của một người chủ yếu là những tập thể mà người đó đã là thành viên, nghĩa là những căn cước tập thể. Mỗi căn cước tập thể, tùy mức độ chính xác, nói lên một khía cạnh của đương sự.
Chúng ta biết rất ít về anh Ba. Lý lịch của anh, cũng giống như trường hợp của đa số người Việt, chỉ gồm những tập thể mà anh là thành viên một cách ngẫu nhiên. Anh không chọn được ngày sinh, nơi sinh và cha mẹ. Anh học đại học sư phạm có lẽ là vì đằng nào cũng phải học một trường nào đó. Những tập thể trung niên, người miền Nam, có trình độ đại học... không phải là những tập thể do anh chọn và cũng không thể từ chối anh. Vả lại, đây chỉ là những tập thể thụ động, những sự xếp loại, không thành tổ chức và không có sinh hoạt. Quan hệ của anh đối với công ty Nam Thành, cũng như với trường Nguyễn Đình Chiểu có thể chỉ là những quan hệ trao đổi lạnh nhạt, anh bán thời gian của công sức để được trả lương nuôi gia đình. Rất có thể anh chẳng có ràng buộc tình cảm nào với hai tập thể này ; chúng không phải là những căn cước tập thể đúng nghĩa đối với anh bởi vì, một lần nữa, cần nhắc lại là một căn cước tập thể đòi hỏi cả ý thức rằng mình thuộc một tập thể lẫn sự ràng buộc tình cảm với tập thể đó. Hai tập thể công ty Nam Thành và trường Nguyễn Đình Chiểu cũng không làm phong phú hơn bao nhiêu căn cước cá nhân của anh Ba. Căn cước cá nhân của anh Ba thật nghèo nàn. Anh gần như một người không căn cước, một con số trong một dãy số.
Anh ta chưa hề tự nguyện dấn thân trong một tập thể có tổ chức nào cả cho nên người ta khó có thể biết anh ta là người như thế nào, có khả năng đến đâu và muốn gì. Chính qua các tổ chức mà mình tham gia và gắn bó mà một người tự tiết lộ về những nguyện vọng, ý chí và khả năng. Tại sao ? Khi một người thực sự muốn đổi hiện trạng - xã hội mà mình đang sống hoặc chỗ đứng của mình trong xã hội - thì phản ứng tự nhiên là tìm những người cùng mục tiêu để kết hợp, tạo sức mạnh để thực hiện mục tiêu chung, và bù lại chấp nhận một số hệ lụy và hy sinh như là cái giá phải trả để đạt nguyện ước. Tổ chức như vậy là dụng cụ của sự thay đổi, một nhịp cầu nối liền một hiện tại phải từ bỏ với một tương lai phải đạt tới. Mặt khác, xét cho cùng thì mọi hành động có chủ ý của chúng ta đều nằm trong một dự kiến tương lai, nghĩa là một thay đổi so với hiện tại, nào đó. Khi dự kiến tương lai này thiếu vắng thì mọi hành động của chúng ta đều mất định hướng và trở thành vô nghĩa. Sự kiện một người không tham gia một tổ chức nào nói lên một điều nghiêm trọng : đây là một người không có dự án tương lai, cuộc sống và những hành động không có ý nghĩa.
Các tổ chức, mà ta gọi chung là xã hội dân sự, không thể thiếu trong cuộc sống của những con người văn minh. Nhưng không phải chỉ có thế. Tổ chức ngoài chức năng dụng cụ của sự thay đổi còn tác động trên các thành viên và thay đổi chính họ. Tổ chức là một môi trường hội nhập gắn bó các thành viên với nhau khiến họ có cùng một số kiến thức và cùng một cách nhìn trên nhiều vấn đề. Tổ chức cũng là một môi trường thi đua, một môi trường trong đó các ý kiến được sản xuất, phê phán và sàng lọc. Ý kiến của các cá nhân riêng lẻ vì vậy thường chỉ là những ý kiến chưa qua thử thách và do đó không có gì bảo đảm là đúng.
Trở lại trường hợp của anh Nguyễn Văn Ba, rất có thể anh không hài lòng với hiện tại nhưng không có chỉ dấu nào là anh sẵn sàng hành động để thay đổi nó. Anh có thể tự nghĩ là mình có phẩm cách và văn hóa hơn hẳn anh chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Phường, anh cũng có thể nghĩ viên phó giám đốc công ty Nam Thành là một tên thượng đội hạ đạp, anh cũng có thể nghĩ là mình có một số ý kiến về đất nước. Tuy vậy, tất cả chỉ là những suy nghĩ riêng tư chưa qua thử thách, rất có thể là sai.
Tóm lại, chúng ta không biết gì chính xác về anh Ba. Đây là một con người hầu như không có căn cước. Con người này có thể phản ứng một cách không ngờ trong một hoàn cảnh nào đó. Nguyên nhân khiến căn cước của anh Ba mờ nhạt là sự thiếu vắng những căn cước tập thể. Sự thiếu vắng này có thể là vì xã hội dân sự bị bóp nghẹt và các tổ chức bị cấm đoán dưới chế độ cộng sản nhưng vẫn là một thảm kịch đối với anh Ba. Ai cũng muốn được quí trọng. Cái nhìn của người khác về ta quan trọng lắm, cho nên dù có những người tự nhủ rằng "chí ta ta biết, lòng ta ta hay", sự tìm kiếm một căn cước tốt nằm trong bản năng của con người. Vì vậy mới có sự khoe khoang, mới có những người cố học để lấy cho bằng được những bằng cấp cao, v.v. Nhưng quả thực là ít người Việt Nam ý thức được rằng giá trị thực sự của một con người được biểu lộ qua những căn cước tập thể đúng nghĩa, nghĩa là những tổ chức mà mình tự nguyện tham gia.
Trong căn cước của anh Ba có một tập thể khá rõ rệt trong đó, dù không chọn lựa tham gia, anh có đóng góp và cũng chịu nhiều hệ lụy : dân tộc Việt Nam. Nhưng tư cách thành viên trong tập thể này có thể là thảm kịch lớn nhất đối với anh. Đây là một tập thể trong đó không những anh ta không được nói và làm những gì mình muốn mà còn bắt buộc phải dối trá, phải khen những gì mình muốn chê, phải ca tụng những người mình muốn chửi. Tóm lại, phải giấu mặt và mang căn cước giả. Tình trạng này không phải là một đặc sản của chế độ cộng sản. Trong suốt dòng lịch sử, người Việt Nam đã chỉ là những người nô lệ, phải cúi đầu trước vua quan ; sự kềm kẹp có lẽ còn hà khắc và dữ dội hơn nhiều so với ngày nay. Nhưng điều khác là thế giới đã thay đổi. Ngày xưa người ta nghĩ thân phận nô lệ là một định mệnh, ở đâu cũng thế, không có giải pháp nào khác. Ngày nay người ta biết có những cuộc sống xứng đáng hơn. Người ta biết thân phận bị chà đạp của mình là một ngoại lệ chứ không phải là một thông lệ, người ta biết mình là nạn nhân, và người ta rất đau đớn.
Chân dung của anh Ba cũng là chân dung tiêu biểu của đại đa số người Việt Nam hiện nay. Trừ một thiểu số hãnh tiến rất nhỏ nhưng chiếm đoạt và khống chế tất cả, xã hội Việt Nam ngày nay là xã hội của một khối người không được sống thực, cô đơn và bất lực, nhẫn nhục ngoài mặt nhưng nổi loạn trong lòng. Trong cuộc sống bị dồn ép trong sự giả dối đó, mỗi người, để tồn tại, cố gắng bằng mọi phương tiện để khôn hơn người khác, cuối cùng người tốt cũng trở thành kẻ gian. Sự băng hoại đạo đức, khủng hoảng nhân cách chỉ là những biểu lộ của một cuộc khủng hoảng khác : khủng hoảng căn cước.
*
Tại sao các tổ chức dân chủ không mạnh lên được ?
Trước hết, phải nhắc lại một lần nữa, là phần lớn những người dân chủ không ý thức được sự cần thiết của đấu tranh có tổ chức đến mức độ phải tham gia một tổ chức bằng mọi cách cho nên vẫn tạm hài lòng với lối đấu tranh nhân sĩ hoặc trong khuôn khổ những nhóm bạn bè vài người. Cũng có những người có ý định kết hợp với một số người khác để tiến tới một tổ chức, nhưng rồi thất vọng và bỏ ý định đó vì khám phá ra rằng những người mà mình muốn kết hợp không như mình nghĩ lúc ban đầu, nghĩa là đã hiểu lầm căn cước. Và cũng có những người đã tham gia những tổ chức nhưng rồi thất vọng và ra đi. Lý do thường được nêu ra là họ thấy tổ chức chẳng ra gì, hoặc có những người chẳng ra gì, nghĩa là họ đã lầm về căn cước của tổ chức. Điều này có thể đúng nhưng không đúng trong mọi trường hợp. Một lý do khác là họ đã đến với tổ chức với một căn cước không trung thực, hoặc chủ quan, hoặc giả tạo, đẹp hơn sự thực, và muốn được đánh giá cao, được có những vai trò quan trọng. Sau một thời gian sinh hoạt, căn cước thực sự của họ được phơi bày, hình ảnh mà họ muốn có không phải là hình ảnh mà tổ chức nhìn thấy nơi họ.
Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn cả là một ngộ nhận về bản chất của đấu tranh chính trị, theo đó người ta có thể đấu tranh chính trị mà không cần tổ chức, hoặc một tổ chức chính trị có thể chế tạo ra một cách nhanh chóng khi cần, trong một vài tháng hoặc một vài năm, chung quanh một hay một vài nhân vật có uy tín. Nếu không có ngộ nhận này thì đã không có hiện tượng nhiều "nhà dân chủ" tuyên bố một cách rất tự nhiên là không thuộc một tổ chức nào. Nhưng đấu tranh chính trị bao giờ cũng chỉ là đấu tranh giữa các tổ chức. Không thể có đấu tranh giữa những cá nhân và một chính quyền, hay một đảng cầm quyền. Một khối cá nhân dù đông đảo và nhất trí đến đâu cũng không thể đánh bại được một chính quyền dù rất yếu, rất chao đảo và bị thù ghét. Đây là một qui luật không có ngoại lệ trong lịch sử của mọi dân tộc.
Nhưng một tổ chức chính trị là gì ? Đó là một đội ngũ gắn bó, có phân công và có kỷ luật, được nhìn nhận như là đại diện cho một số giá trị và chọn lựa chính trị. Nó là một căn cước chính trị cho các thành viên và cảm tình viên. Nó chỉ có thể là thành quả của một cố gắng bền bỉ trong nhiều năm.
Căn cước tập thể là cốt lõi của mọi cuộc đấu tranh chính trị ; nó có sức động viên mạnh hơn hẳn những mâu thuẫn quyền lợi. Giai đoạn Pháp thuộc đã là giai đoạn mà nước ta được thăng tiến về mọi mặt, cả đời sống vật chất lẫn phẩm giá con người Việt được cải thiện như chưa từng thấy trước đó. Dầu vậy đã có rất nhiều người Việt Nam sẵn sàng hy sinh tính mạng để chống lại người Pháp và những người này được đại bộ phận quần chúng Việt Nam ủng hộ. Tại sao nếu không phải là vì căn cước Việt Nam ? Một cách tương tự, người Mỹ đã giúp Việt Nam rất nhiều và không hề cướp đoạt một tài nguyên nào của Việt Nam, hơn nữa họ lại can thiệp vào Việt Nam vì một lý do chính đáng là bảo vệ tự do và dân chủ, nhưng vẫn có đông đảo người Việt, kể cả nhiều trí thức lớn, ủng hộ đảng cộng sản "chống Mỹ cứu nước".
*
Vận động quần chúng nổi dậy hình như là mục tiêu của hầu hết các tổ chức đối lập. Niềm tin căn bản được nhắc lại nhiều lần là ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh. Qui luật này không sai, vấn đề là giữa áp bức và vùng dậy đấu tranh có một thời gian, mà thời gian lại là tất cả trong đấu tranh chính trị. Tại sao phải có thời gian đó và thời gian đó cần có để hoàn thành cái gì ?
Trong một bài viết trước đây ("Chọn lựa giữa vận động quần chúng và chính trị xa lông ?", Thông Luận số 213, tháng 4-2007), tôi đã phân tích điểm này. Muốn có nổi dậy đấu tranh phải có ít nhất ba điều kiện:
Một là khối người bị áp bức ý thức rõ ràng rằng họ là một tập thể gắn bó với nhau trong một số phận chung và chỉ có một giải pháp cho toàn bộ tập thể chứ không thể có giải pháp cá nhân cho mỗi người. Nói cách khác, khối nạn nhân phải có căn cước tập thể đúng nghĩa theo định nghĩa ở phần trên.
Hai là tập thể nạn nhân phải nhận diện được rõ ràng một tập thể địch như là nguyên nhân của những thua thiệt mà họ phải chịu đựng. Nói cách khác, căn cước của tập thể địch đối tượng của cuộc đấu tranh cũng phải được phát hiện.
Ba là phải có một tổ chức đủ mạnh để động viên và chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi thay đổi.
Đây không phải là một sáng tạo lý thuyết mới mà chỉ là một kết luận rút ra từ kinh nghiệm lịch sử của mọi dân tộc và đã được sự đồng tình của mọi nhà nghiên cứu chính trị và xã hội có thẩm quyền .
Sau Thế chiến II, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã động viên được quần chúng khi họ nhân danh giai cấp bần cố nông bị bóc lột (điều kiện 1) chống lại giai cấp địa chủ bóc lột (điều kiện 2) và vì họ đã có sẵn một đảng được thành lập từ hơn hai thập niên trước (Đảng Cộng Sản Việt Nam được chính thức thành lập tại Quảng Châu năm 1930, nhưng thực ra họ đã bắt đầu hoạt động đầu thập niên 1920). Tại mọi nước khác, các cuộc cách mạng cũng đều đã xảy ra trong những điều kiện tương tự. Cũng cần lưu ý là một chính quyền khó có thể được lấy làm tập thể địch, hay đối tượng đấu tranh, bởi vì nó gồm đủ mọi loại người và do đó không có căn cước rõ rệt. Trong một chính quyền có những cường hào nhưng cũng có những người đáng mến và đáng thương, có Bùi Tiến Dũng cá độ bóng đá hai triệu USD, nhưng cũng có những nhân viên sở giáo dục chạy gạo từng ngày. Các đảng cộng sản tấn công các chính quyền bằng cách cáo buộc các chính quyền đó là dụng cụ của giai cấp bóc lột. Marx mỉa mai các chính quyền như là "ban chấp hành của giai cấp tư sản".
Chưa gây được ý thức căn cước rõ rệt của tập thể ta và tập thể địch, chưa có đội ngũ mạnh mà đã kêu gọi quần chúng nổi dậy, cùng lắm có thể gây được tiếng vang giới hạn nhất thời nhưng chỉ có tác dụng đánh lạc sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm chỉnh, trong đó cố gắng quan trọng nhất là xây dựng tổ chức đấu tranh.
*
Vậy phải làm gì để đưa cuộc vận động dân chủ ra khỏi bế tắc và vươn lên?
Không có giải pháp mầu nhiệm nào cả. Ai nói cứ làm như thế này thế nọ thì chắc sẽ thắng lợi có nhiều triển vọng là một người tâm thần không bình thường. Không thể có giải pháp đơn giản. Cuộc cách mạng dân chủ là một cuộc cách mạng rất lớn và khó khăn, bởi vì nó không chỉ là một cuộc cách mạng chính trị mà còn là một cuộc cách mạng văn hóa. Nó cũng không đi theo con đường duy nhất được biết tới từ xưa đến nay trong lịch sử nước ta: bạo lực. Nó càng khó vì nếu dân tộc ta có truyền thống chống ngoại xâm thì lại hầu như không có kinh nghiệm đấu tranh thay đổi chính quyền tồi dở.
Dầu vậy, sự hiểu biết tự nó cũng đã là một nửa của lộ trình. Ít nhất nó giúp ta không phí phạm thời giờ và nghị lực cho những động vọng vô ích, và không rơi vào sự tuyệt vọng. Nếu chúng ta hiểu rằng khủng hoảng căn cước là trở ngại chính của cuộc vận động dân chủ thì tình thế không đến nỗi bi quan như là nếu xã hội ta đang thực sự khủng hoảng về đạo đức và nhân cách.
Khủng hoảng căn cước chủ yếu là do con người không dám đảm nhận căn cước thực của mình. Người ta không dám đảm nhận, để xây dựng, căn cước của mình - để là chính mình, nói điều mình nghĩ, làm việc mình thấy nên làm - do cảm giác cô đơn và bất lực. Như vậy thì có giải pháp. Đó là đem lại niềm tin rằng những người muốn dân chủ cho đất nước có đội ngũ. Niềm tin này sẽ đem lại cho họ sự dũng cảm cần thiết để đảm nhận căn cước của mình, từ đó tiến đến xây dựng một căn cước tập thể của những người dân chủ. Dám đảm nhận căn cước thực của mình tự nó đã là một vũ khí quyết định. Niềm tin này chỉ có thể đến với sự xuất hiện của một lực lượng dân chủ mạnh, hoặc được nhìn nhận như có tiềm năng trở thành mạnh và đưa cuộc vận động dân chủ đến thắng lợi.
*
Làm thế nào đê xây dựng lực lượng này là một vấn đề còn cần được thảo luận, nhưng ngay trong lúc này nếu chúng ta có thể đồng ý với nhau trên một vài xác quyết thì chúng ta cũng đã khai thông được khá nhiều.
Một là tất cả mọi hoạt động dân chủ phải được đánh giá qua tiêu chuẩn chúng đóng góp gì cho việc xây dựng một lực lượng dân chủ ?
Hai là không có việc một tổ chức được thành lập, do cố gắng mà lớn dần lên và đi đến thắng lợi. Tổ chức chính trị có tầm vóc nào cũng đều là thành quả của một tiến trình sáp nhập và thống nhất liên tục của nhiều tổ chức. Thành công của một tổ chức nhỏ phải được hiểu như là được góp phần xây dựng một tổ chức lớn. Tất cả mọi tổ chức dân chủ hiện nay đều là những tổ chức nhỏ.
Ba là trên lộ trình xây dựng tổ chức, trở ngại lớn nhất là người ta không đến với nhau và với tổ chức với căn cước thực của mình, dù đó điều kiện bắt buộc cho một hợp tác lâu dài.
Giải quyết được cuộc khủng hoảng căn cước này thì cuộc vận động dân chủ có mọi triển vọng ra khỏi bế tắc. Muốn như thế thì mỗi người trong số những người đấu tranh cho dân chủ, còn khá thưa thớt hiện nay, cần một cố gắng nội tâm để hoà giải với chính mình, để là chính mình, sống với căn cước thực của mình và đóng góp xây dựng một căn cước thực cho tập thể của mình. Cố gắng nội tâm này sẽ bớt khó khăn nếu mỗi chúng ta tự trang bị cho mình một chút triết lý: điều cao cả nhất trong một đời người là góp phần vào một dự án đổi đời, là làm tác nhân thay vì nạn nhân của đời minh và của lịch sử.

Nguyễn Gia Kiểng
(Thông luận 226, 2008)