Đồng chí không đúng chỗ (Nguyễn Thông)
Đáng nhẽ trao đổi với nhau trên nghị trường, khi gần 500 vị được dân bầu
phải gọi nhau là đại biểu (tức là đang ở tư cách đại diện cho nhân
dân), ít ra cũng gọi trân trọng là ông-bà, thì các vị ấy cứ quen gọi
nhau đồng chí. Đây là diễn đàn bàn việc dân việc nước của gần 100 triệu
dân chứ có phải hội họp, sinh hoạt đảng-đoàn đâu mà xưng hô, gọi nhau
như thế.
Trong những ngày họp quốc hội vừa qua, trên hội trường cũng như khi
thảo luận tổ, có một từ được nhắc đến khá nhiều lần, là "đồng chí".
Danh từ này thể hiện đặc điểm giao tiếp của các nước theo chủ nghĩa cộng
sản, dùng để gọi những người cùng chí hướng, lý tưởng, cùng đứng trong
đoàn thể (đảng CS), lúc đầu hàm nghĩa cao đẹp. Có một giai đoạn dài ở
các nước XHCN ai được gọi là đồng chí rất hãnh diện; phấn đấu từ người
thường trở thành đồng chí là mục đích của rất nhiều người. Không thành
đồng chí thì suốt đời chỉ làm dân thường. Nói chung, phải là thành viên
của tổ chức chính trị (đảng) mới đủ tư cách đồng chí. Trong sinh hoạt
đảng, dù người đứng đầu hay đảng viên quèn đều là đồng chí của nhau,
không có từ xưng hô nào khác thay thế cho cách gọi ấy.
Nay thì nước Nga, nơi khai sinh từ “cao đẹp thiêng liêng” ấy cũng không
ai dùng nó nữa. Tôi chưa bao giờ nghe được ông Putin kể từ khi làm thủ
tướng rồi tổng thống gọi ai đó là “tơ va rít”. Một loạt nước XHCN cũng
đã chôn vùi hẳn từ này. Giờ chỉ trơ khấc lại mấy anh Trung Quốc, Cuba,
Triều Tiên, Việt Nam cố bấu víu vào chiếc phao CNXH cũ nát còn duy trì
danh từ ấy trong từ điển giao tiếp hằng ngày nhưng ý nghĩa của nó cũng
méo mó đi nhiều. Thậm chí có giai thoại rằng khi nào họ dùng từ ấy, tức
là gọi nhau bằng đồng chí, là ắt có chuyện, lên bờ xuống ruộng, nát đám
cỏ gà, không chết cũng bị thương. Nhiều đồng chí miệng xoen xoét gọi
đồng chí nhưng tay thủ giấu cái gì có mà trời biết.
Thôi thì trong đảng gọi nhau là đồng chí cũng phải lẽ, nhưng quốc hội
không phải tổ chức chính trị-xã hội, không phải đảng phái, đoàn thể nào
đó. Quốc hội là cơ quan đại biểu - quyền lực cao nhất, đại diện cho tất
cả nhân dân, cùng và không cùng lý tưởng. Các đại biểu quốc hội được bầu
chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và cử tri cả nước. Thông qua
đại biểu và thông qua quốc hội, nhân dân sử dụng quyền lực của mình để
định đoạt các vấn đề của đất nước... Như thế, đại biểu quốc hội có thể
là đồng chí, cũng có thể không (dạng người này ít thôi). Tuy nhiên, dù
là ai thì trên nghị trường, tư cách đại biểu vẫn là quan trọng nhất,
không gì thay thế được.
Chính vì vậy, một số vị đã dùng từ đồng chí không đúng lúc, đúng chỗ.
Đáng nhẽ trao đổi với nhau trên nghị trường, khi gần 500 vị được dân bầu
phải gọi nhau là đại biểu (tức là đang ở tư cách đại diện cho nhân
dân), ít ra cũng gọi trân trọng là ông-bà, thì các vị ấy cứ quen gọi
nhau đồng chí. Đây là diễn đàn bàn việc dân việc nước của gần 100 triệu
dân chứ có phải hội họp, sinh hoạt đảng-đoàn đâu mà xưng hô, gọi nhau
như thế. Vô hình trung, cách gọi ấy đã thu hẹp vấn đề vận mệnh toàn dân
vào phạm vi đoàn thể, khiến mất đi tính dân chủ, đại chúng. Không chỉ
những đại biểu thường mà ngay cả những đại biểu đang giữ chức vụ cao của
đảng, nhà nước, quốc hội cũng cứ quen miệng "đồng chí".
Tôi không phản đối các vị dùng từ ấy. Nếu các vị sinh hoạt chi bộ hoặc
họp đại hội đảng, các vị cứ gọi thoải mái, đồng chí Trọng, đồng chí
Ngân, đồng chí Xuân Anh…, nhưng đừng có lấn sân sang chỗ khác, lạm dụng
phát ngôn. Cái nào nên ra cái ấy, nhất là trên nghị trường bàn chuyện
quốc kế dân sinh, chuyện của mọi người.
Phải rành mạch vậy, đừng nhập nhèm, lẫn lộn; đó là chưa nói đến khía
cạnh không phải đại biểu quốc hội nào cũng "đồng chí" dù tất cả cùng
chăm lo việc dân việc nước. Tư cách đó lớn hơn, cao cả, đẹp đẽ hơn đồng
chí (cùng ý chí) nhiều lắm.
(FB Nguyễn Thông)