Môt số bang, thành phố Mỹ sẽ thi hành Hiệp định Paris, bất chấp TT Trump (VOA)
"Trên thực tế, nền kinh tế California phát triển vượt trội so với
nhiều tiểu bang khác ở Hoa Kỳ trong khi California áp dụng những chính
sách đầy tham vọng về khí hậu".
Thống đốc California Jerry Brown phát biểu tại hội nghị "Climate is Big Business" ở San Francisco. Ảnh chụp ngày 24/5/2017.
Nhiều tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp Mỹ tuyên bố sẽ giữ cam kết
của Hoa Kỳ đối với Hiệp định Khí hậu Paris, bất chấp Tổng thống Donald
Trump đã rút ra khỏi hiệp định này. Họ cho biết là vẫn muốn thực hiện
cam kết mà chính phủ Tổng thống Obama đã đưa ra, là giảm lượng khí thải
gây hiệu ứng nhà kính từ 26% tới 28% dưới mức năm 2005, và thực hiện chỉ
tiêu này trước năm 2025.
Hình ảnh về thành phố Los Angeles với hàng vạn chiếc xe nối đuôi
nhau, làm tắc nghẽn các xa lộ, gây ra nạn khói mù, đã hối thúc chính
quyền bang California áp dụng các luật môi trường gắt gao nhất tại Hoa
Kỳ.
Giáo sư Horowitz thuộc Đại học California ở Los Angeles nói lĩnh vực công nghệ sạch đang bùng nổ tại California.
Giáo sư Horowitz nói tiểu bang này muốn chứng minh rằng một chính sách môi trường gắt gao có thể thúc đẩy kinh tế. Ông nói:
"Trên thực tế, nền kinh tế California phát triển vượt trội so với
nhiều tiểu bang khác ở Hoa Kỳ trong khi California áp dụng những chính
sách đầy tham vọng về khí hậu".
California nằm trong số các tiểu bang, thành phố, trường đại học và
doanh nghiệp Mỹ cam kết tiếp tục ủng hộ hiệp định khí hậu Paris sau khi
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ không thực thi hiệp định này.
Cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg:
"Chính phủ Mỹ có thể rút ra khỏi Hiệp định Paris, nhưng người Mỹ
chúng tôi vẫn duy trì cam kết đối với thỏa thuận đó, và chúng tôi sẽ đạt
chỉ tiêu của mình."
Chỉ vài ngày sau thông báo của Tổng thống Trump, Thống đốc bang
California Jerry Brown và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký một thỏa
thuận hợp tác để giảm lượng khi thải. (Nguồn:CGTN)
Thống đốc Brown nói:
"Việc Thống đốc bang California có thể gặp Chủ tịch nước Trung Quốc
để bàn về những vấn đề rất cụ thể, về thách thức hàng đầu của thời đại
chúng ta, là biến đổi khí hậu, và cam kết thực hiện những bước cần thiết
để đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi năng lượng, là điều rất có ý nghĩa".
Giáo sư Cara Horowitz thuộc Trường Đại học California ở Los Angeles:
"Chính quyền cấp tiểu bang có trong tay nhiều quyền lực lớn trong
phạm vi tài phán của mình để sử dụng các công cụ và quyết định về các
nguồn phát khí thải nhà kính, và nếu họ sẵn sàng sử dụng quyền lực ấy
một cách có quyết tâm để thực hiện mục tiêu đầy cao vọng của mình, thì
trên thực tế, họ không cần tới chính phủ liên bang để thực hiện mục tiêu
đó. "
Tuy nhiên các luật môi trường gắt gao hơn áp dụng cho tiểu bang và địa phương, có cái giá của nó về mặt kinh tế.
Giáo sư Shon Hiatt thuộc trường đại học Nam California:
"California đứng thứ hai sau Hawaii, về giá điện cao nhất nước, và tất nhiên, giá xăng cao thứ nhì, sau Hawaii."
Giáo sư Hiatt nói rằng một rào cản khác là nhu cầu phát triển một đội ngũ lao động để phục vụ lĩnh vực năng lượng sạch:
"Chúng ta cần đào tạo lại đội ngũ lao động, và thứ nhì, có nhiều khả năng họ sẽ phải di chuyển đi nơi khác."
Giáo sư Hiatt nói thách thức đối với những tiểu bang hay công ty ủng
hộ Hiệp định Paris là thuyết phục nhiều bang khác, và cử tri của các
bang ấy về những lợi ích kinh tế cho các thế hệ tương lai, và đồng ý đầu
tư tiền bạc vào việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngay bây
giờ.