Gần 400 tấn tôm hùm chết ở Phú Yên, dân cần biết tại sao?

Vùng nuôi tôm hùm vịnh Xuân Đài tập trung ở xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, với 946 hộ nuôi/13.300 lồng. Từ ngày 15/5 tại đây có hiện tượng một số loài cá, cua, ghẹ sống ở tầng đáy chết bất thường và nổi lên mặt nước. 




Từ chiều tối 24/5, tôm hùm nuôi chết hàng loạt, nhất là ở các lồng đặt sát đáy. Theo thông báo của UBND tỉnh Phú Yên, đến sáng ngày 1/6 đã có 502 hộ nuôi tôm bị thiệt hại, 769.175 con tôm hùm bị chết với trọng lượng khoảng 350 – 400 tấn, trị giá trên 700 tỷ đồng. Trong số các hộ nuôi bị thiệt hại, khoảng 70 – 80% bị mất trắng, các hộ còn lại cũng bị thiệt hại trên 50%.

Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, trường ĐH Nông Lâm Thủ Đức phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên và Trung tâm Giống và Kỹ thuật Thủy sản Phú Yên lấy mẫu môi trường và mẫu tôm hùm để phân tích. 


Theo đó, nước trong vùng có mùi hôi tanh, độ trong thấp, hàm lượng oxy hòa tan rất thấp, nhiệt độ nước cao, hàm lượng chất hữu cơ và sulfua trong mẫu trầm tích cao... Trong 12 mẫu tôm hùm chết được phân tích có 4 mẫu dương tính với Rickettsia like bacteria (vi khuẩn gây bệnh sữa trên tôm hùm), 7 mẫu dương tính với Vibrio alginolyticus (vi khuẩn gây bệnh đỏ thân). 


Có một số người cho rằng, nguyên nhân khiến tôm hùm chết là do mật độ nuôi quá dày, thức ăn dư thừa và chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm khu vực nuôi. Khi thời tiết thay đổi đột ngột, có mưa dông đã làm nước có hiện tượng phân tầng, kết hợp nắng nóng, nhiệt độ cao làm quá trình phân hủy hữu cơ ở tầng đáy diễn ra mạnh, tảo phát triển quá mức đã gây hiện tượng thiếu ôxy cục bộ vào ban đêm, làm cho các loài thủy sản chết ngạt. 


Lại có dư luận cho rằng nhà máy chế biến thủy sản của Cty TNHH Nguyễn Hưng ở xã Xuân Phương đã xả nước thải ra môi trường, làm tôm chết. Do đó, từ ngày 27/5 đến ngày 29/5 hàng trăm người dân đã kéo đến, gây ồn ào ở cổng nhà máy này. Theo lãnh đạo Cty Nguyễn Hưng, từ đầu tháng 3 công ty nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, không xả thải ra vịnh Xuân Đài mà dùng xe bồn chở nước thải đến nhà máy bột cá Phú Bình ở xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) để xử lý.

Nhiều đơn vị vào cuộc, nhưng chưa rõ nguyên nhân

Tại cuộc họp báo được tố chức sáng ngày 2/6, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, ngày 29/5 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Cty Nguyễn Hưng đã được thành lập. Ngày 31/5 và ngày 1/6, UBND tỉnh Phú Yên có các công văn đề nghị Bộ TN&MT hỗ trợ xác định nguyên nhân vụ tôm hùm chết hàng loạt và đề nghị Chính phủ giúp đỡ khắc phục hậu quả. Ngày 2/6, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã vào tới Phú Yên, để cùng địa phương xác định nguyên nhân tôm hùm chết. 


Hậu quả của việc nuôi tôm hùm với mật độ quá dày ở vịnh Xuân Đài đã được cảnh báo từ lâu, sao nay vẫn còn tình trạng này? Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên và UBND thị xã Sông Cầu đều trả lời rằng việc này khó, đã tuyên truyền cho người dân nhưng họ chưa nghe theo. 


Các phóng viên cũng đặt câu hỏi về mối liên quan giữa việc xả nước thải của Cty Nguyễn Hưng với việc tôm chết. Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Cty Nguyễn Hưng thừa nhận có sai sót khi chưa báo cáo cơ quan chức năng việc chuyển nước thải từ nhà máy ở xã Xuân Phương đến xã Xuân Cảnh để xử lý.
Nhưng các cơ quan quản lý có làm tròn trách nhiệm không, khi để tình trạng này diễn ra trong hai tháng mới biết? Có thật trong thời điểm tôm hùm chết Cty Nguyễn Hưng không xả thải ra vịnh Xuân Đài, vì nhà máy của họ có tới hai ống xả thải? Trả lời câu hỏi thứ hai, bà Lê Đào Anh Xuân, Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh Phú Yên nói ống xả thứ hai là ống xả dự phòng, để thoát nước mưa.


Với câu hỏi thứ nhất, bà Anh Xuân nói UBND thị xã Sông Cầu đã xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của Cty Nguyễn Hưng, giám sát việc thực hiện cam kết là trách nhiệm của UBND thị xã Sông Cầu. Tuy ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu dự họp báo và trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên, nhưng ông khất câu trả lời về việc xả thải của Cty Nguyễn Hưng.


TPO