Nguy cơ “vỡ trận” tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên? (Quốc Anh)
Ông Quang cho biết, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đang đối diện với thách thức lớn về nguồn vốn và có nguy cơ chậm “về đích” năm 2020. Vì vậy, để kịp thời chi trả tiền thi công cho nhà thầu, TPHCM đã gấp rút xử lý và kiến nghị lên Bộ Kế hoạch – Đầu tư xin tiếp tục cấp vốn. Tuy nhiên, các kiến nghị của TPHCM vẫn chưa được các Bộ đồng ý.
Với tiến độ thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên trong năm 2017, TPHCM cần hơn 5.400 tỷ đồng thanh toán cho nhà thầu nhưng chỉ được bố trí 2.100 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản nợ thì số tiền còn lại rất ít ỏi. Nếu Trung ương không bố trí vốn ODA kịp thời, có nguy cơ nhà thầu giãn tiến độ hoặc ngưng thi công dự án.
Ngày 24/5, ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng Ban quản lý Đường
sắt đô thị TPHCM – cho biết, với tiến độ thi công năm 2017, tuyến metro
Bến Thành – Suối Tiên cần 5.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn ODA Trung ương
bố trí về chỉ 2.100 tỷ đồng vào ngày 28/4.
Theo ông Quang, với 2.100 tỷ đồng thì sau khi trả nợ, chỉ còn hơn 100
tỷ để chi trả cho nhà thầu thi công đến cuối năm. Bởi vì, tuyến Bến
Thành – Suối Tiên phải trả 600 tỷ đồng tiền tạm ứng ngân sách để chi trả
cho nhà thầu trong năm 2016 vì hết vốn ODA. Tiếp đó, chủ đầu tư phải
trả 1.339 tỷ đồng nợ nhà thầu thi công trong thời gian qua.
Ông Quang cho biết, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đang đối diện
với thách thức lớn về nguồn vốn và có nguy cơ chậm “về đích” năm 2020.
Vì vậy, để kịp thời chi trả tiền thi công cho nhà thầu, TPHCM đã gấp rút
xử lý và kiến nghị lên Bộ Kế hoạch – Đầu tư xin tiếp tục cấp vốn. Tuy
nhiên, các kiến nghị của TPHCM vẫn chưa được các Bộ đồng ý.
“Mục tiêu của TP theo đuổi hiện nay không phải là từng đợt phân bổ
vốn mà là xin cơ chế thanh toán theo tiến độ thi công dự án. Phía Nhật
Bản đặt vấn đề rất nghiêm túc và gay gắt, vốn họ đã chuẩn bị đủ nhưng
nội bộ chúng ta chưa xử lý việc phân bổ vốn cho dự án”, ông Quang nói.
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM nhận định: “TPHCM cũng
không có khả năng tạm ứng vốn ngân sách mãi. Tiền mới nhận chỉ đủ trả nợ
mà thôi. Vì vậy, nếu không được giải quyết về vốn thì có khả năng vỡ
tiến độ dự án”.
Theo ông Quang, hiện nay nhà thầu rất gay gắt và đã gửi đơn yêu cầu
thanh toán tiền thi công, nếu không sẽ giãn tiến độ thi công hoặc tạm
ngưng thi công. “Nếu điều này xảy ra thì có 3 nguy cơ lớn mà ngành đường
sắt đô thị thành phố phải đối mặt”, ông Quang lo ngại.
Thứ nhất, nếu nhà thầu giãn tiến độ thi công thì khả năng các chuyên
gia ra đi, bởi chi phí thuê chuyên gia rất đắt và họ không thể chờ đợi.
Một khi họ đã đi thì mời trở lại ngay cũng rất khó. Thứ hai, căn cứ hợp
đồng đã ký thì trường hợp thanh toán chậm thì phải trả lãi và bồi thường
thiệt hại liên quan.
“Song, thiệt hại lớn tới đâu thì TP chưa thể tính hết. Đến lúc này
thì hai bên không tập trung làm dự án mà chỉ giải quyết mâu thuẫn, tranh
chấp. Như thế thì chắc chắn ảnh hưởng đến tiến độ”, ông Quang nói.
Nguy cơ thứ ba, theo ông Quang, sự chậm trễ dự án do vấn đề bố trí
vốn sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh thu hút đầu tư. Theo ông, Cơ quan Hợp tác
Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình dự án metro
Bến Thành – Suối Tiên với lãnh đạo TPHCM cũng như Chính phủ Việt Nam.
Ông Quang cho biết, khi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro
khác, phía JICA nói thẳng là trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc
thanh toán tiền cho các nhà thầu. “Từ thực tế của tuyến metro này, JICA
rất quan ngại trong việc bố trí vốn cho các dự án khác”, ông Quang nói.
Quốc Anh (Dân Trí)