Donald Trump đang ngồi trên đống lửa ! (Lữ Giang)

Hôm 16/5/2017 Trump lên Twitter viết : "Là Tổng thống, tôi có quyền tuyệt đối trong việc chia sẻ với Nga...". Nhưng một viên chức tình báo cao cấp của Châu Âu liền nói với phóng viên AP rằng việc chia sẻ tin tuyệt mật cho Nga là nguy hiểm và vi phạm những cam kết về chia sẻ tin tức giữa các đồng minh, ông Trump không có quyền làm như thế. Hình như Tổng thống Trump chưa ý thức được nhiệm vụ của mình.

 Donald Trump và Đại sứ Nga Kislyak
 
Ngày 16/5/2017, báo The New York Times đã đưa ra một tin bùng nổ lớn : Hai cộng sự viên của ông James Comey, cựu Giám đốc FBI, cho biết vào tháng 2/2017, sau khi tướng Flynn, cố vấn an ninh của Trump phải từ chức vì có quan hệ với Nga ngoài vòng luật pháp. 
Ông Trump đã gọi ông James Comey đến và yêu cầu đừng điều tra Tướng Flynn nữa. Trump nói : "Ông ta là người tốt. Tôi hy vọng ông có thể bỏ chuyện đó" (He is a good gay. I hope you can let this go). Sau cuộc gặp gỡ, ông Comey có ghi lại chuyện này trong một bản ghi nhớ (memo) để bỏ vào hồ sơ và kể chuyện đó cho các viên chức cao cấp của FBI biết.
Như thông lệ, Văn phòng Tòa Bạch Ốc chối bỏ chuyện này, nhưng ông Comey xác nhận chuyện đó có thật. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy Trump có liện hệ trong vụ Tướng Flynn đi thương lượng với Đại sứ Nga Kislyak ngoài vòng pháp luật.
Hiện nay Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đang tiến hành điều tra về việc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ năm 2016. Cuộc điều tra này nhắm vào hai vấn đề đề chính :
(1) Sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
(2) Những ai trong nhóm vận động tranh cử của Trump đã quan hệ với Nga ngoài vòng pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban là Thượng nghị sĩ Richard Burr thuộc Đảng Cộng Hòa và Phó Chủ tịch là Thượng nghị sĩ Mark Warner thuộc Đảng Dân Chủ. Để tránh chia rẽ đảng phái như đang diễn ra tại Ủy ban Tình báo Hạ viện, cả hai Chủ tịch Burr và Phó chủ tịch Warner đều nói rõ họ hợp tác chặt chẽ với nhau và không muốn chính trị xen vào cuộc điều tra.
Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (Office of Director of National Intelligence), CIA và FBI là ba cơ quan đã theo dõi biến cố này kể từ khi cuộc vận động tranh cử mới bắt đầu nên có rất nhiều tài liệu. Lúc đó, ông James R. Clapper Jr. là Giám đốc National Intelligence, ông John Brennan là Giám đốc CIA và ông James B. Comey là Giám đốc FBI.
Sư can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ
Ông Kevin Mandia, Giám đốc FireEye Cyber Security (tổ chức an ninh mạng), cho biết Nga đã tạo ra hơn 500 phần mềm độc hại (malware) hoặc những phần mềm bí mật để xâm nhập vào các hệ thống máy điện toán và ăn trộm dữ liệu, cũng như cách họ rò rỉ dữ liệu. Trước đây tin tặc Nga thường tạm ngưng hoạt động ngay lập tức sau khi bị phát hiện, nhưng bây giờ tình hình lại khác. Những nhóm này vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi biết bị phát giác và bị theo dõi.
Thương nghị sĩ Mark Warner tuyên bố có đủ bằng chứng điện Kremlin của Tổng thống Putin đã trả tiền thuê cho hơn 1.000 người chuyên tung tin giả thất thiệt cho ứng cử viên Hillary Clinton, đặc biệt tại các tiểu bang tranh chấp khít khao cử tri giữa hai Đảng.
Bản báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tính báo quốc gia công bố ngày 6/1/2017, dày 14 trang, cho thấy Tổng thống Putin đã ra lệnh nỗ lực làm mất niềm tin vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ và giúp ông Trump thắng cử, gồm những nét chính như sau :
1. Mở chiến dịch gây ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ 2016.
2. Làm giảm niềm tin của công chúng vào tiến trình dân chủ Mỹ, gièm pha bà Hillary Clinton, gây hại cho khả năng trúng cử của bà.
3. Tổng thống Putin và chính phủ Nga ưa chuộng ông Donald Trump hơn. Ông Putin muốn giúp Donald Trump bằng cách gây mất uy tín của bà Clinton.
4. Khi Moscow thấy bà Clinton có thể thắng cử, chiến dịch của Nga bắt đầu tập trung vào việc gây mất uy tín của bà, nhất là tại các tiểu bang tranh chấp khít khao.
Từ tháng 7/2015, tình báo Nga đã đột nhập được vào mạng của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ và chiếm quyền tiếp cận cho đến ít nhất là tháng 6/2016. Tình báo Quân đội Nga (GRU) đã chuyển các tài liệu lấy được từ đảng Dân chủ và các viên chức của đảng này cho WikiLeaks.
Báo cáo này có trình cho ông Trump biết do ba nhân vật sau đây ký tên : Giám đốc Tình báo quốc gia, Giám đốc CIA và Giám Đốc FBI.
Mặc dầu có những bằng chứng rõ ràng không thể chối cãi đươc, ông Trump luôn ca ngợi ông Putin và bác bỏ các cáo buộc nói rằng Nga đứng đằng sau các vụ tấn công tin tặc, hay đã giúp ông giành chiến thắng.
Ngày 5/1/2017, khi ba giám đốc nói trên ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện về sự xâm nhập và can thiệp của Nga, ông Trump viết một cách vu vơ trên Twitter rằng "vụ xâm nhập có thể là do Nga, nhưng cũng có thể do Trung Quốc. Cũng có thể do một số nhiều người. Cũng có thể do ai đó nặng 400 pound ngồi trên giường của họ thực hiện !" (It could be Russia, but it could also be China. It could also be lots of other people. It also could be somebody sitting on their bed that weighs 400 pounds). Đó là một lối cãi chày cãi cối hạ cấp.
Những quan hệ giữa nhóm Trump và Nga
1. Thi hành Luật Giám sát tình báo ngoại quốc 1978
Luật Giám sát tình báo ngoại quốc 1978 (Foreign Intelligence Surveillance Act of 1978) cho phép các cơ quan tình báo Hoa Kỳ được đặt máy để thu thập các tin tức giữa các "Quyền lực ngoại quốc" (Foreign Powers) và các "Tay chân bộ hạ của các quyền lực ngoại quốc" (Agents of Foreign Powers), kể cả khi những người đó là người Mỹ.
Người có quyền ra lệnh giám sát trước hết là Tổng thống Mỹ hay Bộ trưởng Tư pháp. Nếu sau một năm thì phải xin án lệnh của Tòa Giám sát tình báo ngoại quốc.
Tổng thống Obama vốn là một người khôn ngoan và thận trọng, đã không ra lệnh mà để cho cơ quan FBI xin án lệnh của tòa để hành động. Donald Trump chẳng biết chút gì về luật pháp nên tố cáo Tổng thống Obama nghe lén. Đám cuồng Trump lại nhai lại và tự sướng !
2. Đại sứ Nga là trung tâm của các cuộc điều tra
Sergey Kislyak, Đại sứ Nga tại Mỹ, 66 tuổi, đã tại nhiệm trong 8 năm qua, nói thạo tiếng Anh và Pháp, là một người ăn nói nhỏ nhẹ, vui vẻ, thông minh, nhưng thực chất là một gián điệp cao cấp của Nga, chuyên tuyển dụng nhân sự cho tình báo Nga. Trong tòa đại sứ Nga có hơn 50% nhân viên là gián điệp Nga. Hiện ông Kislyak là trung tâm điểm những cuộc điều tra của các cơ quan tình báo Mỹ và Ủy ban Tình báo thượng viện về mối liên lạc giữa đội ngũ của Trump và Nga
Ông Kislyak được thấy đã tham dự một cuộc họp về chính sách đối ngoại của Trump được tổ chức hồi tháng 4/2016, ngồi ở hàng ghế đầu, sau đó ông còn gặp nhiều nhân vật khác. Trong lần Kislyak tới gặp Flynn và Kushner vào tháng 12/2016 tại Trump Tower, ông đã được đưa đi lối bí mật.
Hiện nay, có khoảng 20 nhân vật bị coi là đối tượng liên lạc với Nga ngoài vòng luật pháp. Khởi đầu là Tướng Michael Flynn, nguyên là Giám đốc Tình báo quốc phòng (DIA) của Mỹ, Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump. Tiếp đến là Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Trump. Carter Page và J.D. Gordon đều là cựu cố vấn của Trump, đã gặp đại sứ Nga Kislyak trong cuộc họp bên lề Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7/2016. Victor Podobnyy là người đã tìm cách tuyển mộ Page. Erik Prince lãnh đạo tập đoàn Frontie Services Group có quan hệ mật thiết với Giám đốc Chiến lược Steve Bannon của Trump và là anh của đương kim Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos, v.v.
3. Khởi sự từ Tướng Flynn
Ngày 29/12/2016 Tổng thống Obama tuyên bố tăng thêm một số biện pháp cấm vận Nga vì Nga đã nhúng tay vào việc lũng đoạn cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2016, trong đó có quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga. Tờ Washington Post đã tung ra tài liệu tình báo cho biết ngay trong ngày 29, Michael Flynn đã điện thoại cho đại sứ của Nga tại Mỹ là Sergey Kislyak thảo luận về vấn đề cấm vận nhằm vào Nga và hứa : "Chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo để giúp hồi sinh mối quan hệ Nga-Mỹ dựa trên các chính sách mà chính quyền của Trump sẽ theo đuổi".
Ngày 30/12/2016, Tổng thống Putin thông báo sẽ không trả đũa vụ trục xuất một loạt nhà ngoại giao Nga do tổng thống Obama ban hành. Để đáp lại, lúc 11g41 sáng ngày 30/12/2016, Donald Trump viết trên Twitter ca ngợi Putin : "Great move on delay (by V. Putin) - I always knew he was very smart !" (Thật tuyệt về sự trì hoãn của (V. Putin) - Tôi luôn luôn biết ông ấy rất thông minh).
Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh giác Trump về các cam kết của Tướng Flynn có thể sẽ bị Nga bắt chẹt. Lúc đầu Tướng Flynn chối bỏ, nhưng khi được biết bằng chứng được ghi băng, Flynn đòi truy tố những người đã tiết lộ bí mật !
Vì Hiến pháp Mỹ quy định chỉ có Tổng thống Mỹ mới có quyền thương thuyết và ký hiệp ước với các quốc gia khác và hiệp ước ký kết phải được Quốc hội phê chuẩn. Do đó Quốc hội Mỹ phải làm một đạo luật đặt tên là Logan Act, được Tổng thống Adam ký và ban hành ngày 30/1/1799, cấm các tư nhân không được quyền tự ý đại diện nước Mỹ đi thương lượng với các nước khác và đưa ra các cam kết. Vi phạm luật này có thể bị phạt đến ba năm tù.
Lúc đó ông Trump chưa nhận chức Tổng thống nên luật Logan Act được áp dụng cho Trump hay bất cứ ai thuộc nhóm ông đi thương lượng với Nga về các vấn đề của chính phủ Mỹ. Nghe vậy, ngày 13/2/2017 bộ tham mưu của Trump đã ép buộc Flynn từ chức với lời thú tội của Flynn : "Tôi đã vô tình báo cáo cho Phó Tổng thống đắc cử và người khác những thông tin không toàn diện về cuộc gọi giữa tôi và đại sứ Nga" ! Kênh truyền hình CNN dẫn nguồn từ một số viên chức FBI cho biết FBI sẽ không theo đuổi việc truy tố Flynn nếu không có tình tiết mới nghiêm trọng xuất hiện. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đây.
Bị điểm trúng huyệt, Trump nhảy choi choi
1. Ai là chánh phạm ?
Bản tin của Reuters cho biết trong ngày 29/12/2016, ngày mà ông Obama tuyên bố tăng cường cấm vận Nga vì bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Tướng Flynn đã tiến hành 5 cuộc điện đàm với Đại sứ Nga. Tại sao phải có đến 5 lần điện đàm với Đại sứ Nga ? Phải chăng cuộc thương lượng khá gay cấn, nên sau mỗi lần nói chuyện, Tướng Flynn phải quay lại thảo luận với Trump và Pence, cho đến khi hai bên đi đến một sự thỏa thuận chung như đã nói trên ?
Trong bài "Who Told Flynn to Call Russia ?" (Ai bảo Flynn gọi Nga ?), cựu Đại sứ Daniel Benjamin, hiện là Biên tập viên của tập san Politico, đã viết : "Câu chuyện thực sự không phải là Flynn. Nhưng cũng không phải sự rò rỉ [thông tin] chính phủ. Không, "câu chuyện thực sự" chính là Trump – và sự bí mật liên tục về những móc nối của Trump với người Nga".
Nói một cách khác, người quyết định về đường lối quan hệ với Nga là Trump và Pence, Flynn chỉ là người trung gian. Như vậy Trump và Pence mới là chánh phạm, còn Flynn chỉ là tòng phạm.
2. Loại trừ hậu họa ?
Bị lộ tẩy, Trump tìm cách xóa bằng chứng. Mới nhận chức, Trump đã thay ngay những giám đốc tình báo đã ký vào báo cáo tố Nga can thiệp bầu cử của Mỹ.
Với Văn phòng Tình báo quốc gia, ngày 20/1/2017 Trump đã cử ông Mike Dempsey quyền Giám đốc thay Tướng James Clapper và đến ngày 16/3/2017 đưa ông Dan Coats vào làm Giám đốc chính thức. Với cơ quan CIA, ngày 23/1/2017, Trump cử ngay ông Mike Pompeo vào thay ông John Brennan. Riêng với Giám đốc FBI, Trump giữ ông James Comey lại vì tưởng rằng ông này là "phe ta". James Comey là đảng viên đảng Cộng hòa và chính Comey đã đưa ra thông cáo điều tra bà Clinton chỉ 11 ngày trước ngày bầu cử khiến bà Clinton té ngửa bò càng. Trong ngày nhận chức, khi thấy James Comey ngồi ở dưới cùng, Trump đã đi xuống bắt tay.
Tuy nhiên, qua những lần ra điều trần trước Ủy ban Tình báo thượng viện vừa qua, James Comey đã khai nhiều điều bất lợi cho Trump và nhóm của Trump khiến Trump đứng ngồi không yên. Cuối cùng Trump quyết định loại James Comey !
Thảm họa vẫn còn bám sát
Hôm 9/5/2017, ông Sean Spicer, phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc bất ngờ thông báo ông James Comey đã bị Tổng thống Trump cất chức Giám đốc FBI. Lý do cất chức được ông Trump cho biết ông ta "không thể lãnh đạo Văn phòng có hiệu quả". Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein giải thích thêm rằng Comey đã xử lý cuộc điều tra về bà Clinton năm ngoái không chuyên nghiệp, vượt quá giới hạn công việc của ông ta. Thì ra Trump chơi trò "lập lờ đánh lận con đen" !
Tuy nhiên, trong thư gởi cho James Comey, Trump lại nói "Tôi rất biết ơn ông đã thông báo cho tôi, trong ba lần riêng biệt, tôi chưa bị điều tra". Khi bị phóng viên của NBC News phỏng vấn, Trump cho biết có nói chuyện với Comey trong một buổi ăn tối và hai lần qua điện thoại, một lần ông chủ động gọi, một lần Comey gọi. Có lần, ông hỏi thẳng, "Nếu có thể, ông cho tôi biết tôi có bị điều tra hay không ?". Ông Comey đáp : "Ông không bị điều tra". Nghe thế Trump tự sướng !
Sự lo lắng tìm hiểu như thế này cũng chẳng khác gì "Thưa ông tôi ở bụi này" ! Nếu quả thật Trump không có liên hệ gì với Nga, tại sao lại phải lo lắng như thế ?
Trump vốn thuộc vào loại "nhỏ không học lớn làm tổng thống Mỹ" nên chẳng biết gì về kỹ thuật điều tra tư pháp. Ông không biết khi điều tra một người lãnh đạo quốc gia, người điều tra không bao giờ hỏi ngay nhân vật đó, vì nếu để lộ chiều hướng điều tra, đối tượng có đủ quyền lực có thể tìm cách thủ tiêu bằng chứng. Như khi điều tra bà Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye chẳng hạn, người điều tra phải đi tìm nhân chứng và vật chứng trước, sau khi có đủ rồi mới hỏi tới bà ta.
Trong vụ cam kết với Đại sứ Nga Sergey Kislyak vi phạm Logan Act, nhân chứng trực tiếp là Tướng Flynn, nên phải thẩm vấn ông này trước. Flynn đã nhìn nhận, nhưng chưa chịu khai ai đã ra lệnh cho ông ta làm chuyện đó. Nay Flynn nói với Ủy ban Tình báo thượng viện rằng nếu được miễn tố, ông ta sẽ khai tất cả. Đây cũng là một cách "Thưa ông tôi ở bụi này" nên Ủy ban đã từ chối. Nếu Flynn không chịu khai, khi các cuốn băng ghi âm được đưa ra, Flynn sẽ bị truy tố thêm về tội "cản trở công lý" nữa.
Ủy ban Tình báo thượng viện không phải là một cơ quan tư pháp có quyền lập vi bằng tội phạm để truy tố nên Ủy ban đang yêu cầu Tổng thống Trump cử một Công tố viên đặc biệt (Special Prosecutor) để phụ trách điều tra và truy tố, nhưng ông Trump từ chối. Khi đã có đủ nhân chứng và vật chứng, Quốc hội sẽ biểu quyết một nghị quyết yêu cầu chính phủ cử một Công tố viên đặc biệt để điều tra và truy tố. Người có nhiệm vụ cử Công tố viên Đặc biệt là Bộ trưởng Tư pháp.
Hôm 17/5/2017, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã cử ông Robert Mueller, cựu Giám đốc FBI, làm Cố vấn đặc biệt (Special Counsel) để điều tra lại vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 và sự quan hệ giữa Nga và chiến dịch của Trump. Đây là một vấn đề đang được tranh luận.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhân chứng và vật chứng trong nội vụ đã có rồi, nhưng Ủy ban Tình báo thượng viện đang hỏi lòng vòng để câu giờ và chờ một biến cố thuận lợi. Vụ cất chức Giám đốc James Comey cho thấy Trump đang tự bước vào vũng lầy.
Hôm 10/5/2017, khi gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov và Đại sứ Kislyak tại Tòa Bạch Ốc, Trump đã khoe khoang tin tuyệt mật về chống ISIS tại Iraq và Syria. Một cố vấn của Trump phải báo cho CIA và NSA biết. Khi tin này được tờ Washington Post tiết lộ, các chính trị gia Mỹ lên án Trump nặng nề.
Hôm 16/5/2017 Trump lên Twitter viết : "Là Tổng thống, tôi có quyền tuyệt đối trong việc chia sẻ với Nga...". Nhưng một viên chức tình báo cao cấp của Châu Âu liền nói với phóng viên AP rằng việc chia sẻ tin tuyệt mật cho Nga là nguy hiểm và vi phạm những cam kết về chia sẻ tin tức giữa các đồng minh, ông Trump không có quyền làm như thế. Hình như Tổng thống Trump chưa ý thức được nhiệm vụ của mình.
Giáo sư Allan Lichtman ở Washington D.C đã từng tiên đoán : "Tôi khá chắc chắn Trump sẽ tạo cơ hội để người ta buộc tội ông, hoặc là bằng việc làm gì đó tổn hại đến an ninh quốc gia, hoặc là bằng việc lạm dụng chức quyền để tư lợi cá nhân".
Ngày 18/5/2017
Lữ Giang