Doanh nghiệp Việt Nam gánh thuế, phí, lãi suất quá cao (Tô Đức)

Chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. 
 


Đã có hàng loạt báo cáo liên quan tới chi phí kinh doanh về Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như các bộ, ngành trước cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng DN diễn ra ngày 17/5.

Trong đó, nghiên cứu “Khảo sát về Môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới xem xét nhiều các vấn đề về chi phí kinh doanh nhất. Theo Báo cáo năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia.

Đặc biệt, chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore.

Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. ASEAN 4 bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines.

“Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chi phí về logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp. Báo cáo của VCCI so sánh: “Chi phí vận chuyển một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội và ngược lại (khoảng 100 km) gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Cũng liên quan đến vấn đề này, VCCI cho hay, việc thu phí cảng biển (như ở cảng Hải Phòng) càng làm cho chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành hàng hóa xuất khẩu.

Báo cáo của VCCI cũng nhắc tới chi phí không chính thức, hay còn gọi là "chi phí ngoài luồng, lót tay". Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này.

Nhìn chung, tình hình không có mấy cải thiện qua các năm. Có từ 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014- 2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước.

Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó.

Các DN thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện

Chi phí về lao động tăng cao, theo VCCI, cũng gây quan ngại đặc biệt. VCCI trích dẫn nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố tháng 2-2017 tại Hà Nội cho thấy gần 60% doanh nghiệp lo ngại chi phí nhân công tăng cao tại Việt Nam.

So với nhiều nước và ngay trong khối ASEAN, Việt Nam đang có mức đóng bảo hiểm cao nhất (32,5% mức lương tháng, trong đó doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Trong khi đó, Malaysia chỉ đóng bảo hiểm xã hội 13%, Phillippines 10%, Indonesia 8%.

Thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%.

Đáng nói là với chi phí như vậy đòi hỏi người lao động phải tạo ra một giá trị nhất định, tức là năng suất lao động phải đạt ở mức đủ cao, thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại được. Tuy nhiên, theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn của Singapore tới gần 16 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

Tô Đức
Theo Kinh tế & Tiêu dùng