Chuyên gia: Không cần có Luật hỗ trợ DNNVV (Minh Tâm)

Ở thời điểm hiện tại, theo tiến sĩ Anh, hệ sinh thái doanh nghiệp Việt Nam rất không lành mạnh.

Thứ nhất là các doanh nghiệp Nhà nước được hưởng lợi nhờ độc quyền; thứ hai là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trải thảm đỏ ưu đãi, là công dân hạng cao; thứ ba là doanh nghiệp tư nhân với nhiều tầng: doanh nghiệp thân hữu có tài sản hàng tỉ đô la, đi xây cáp treo khắp nơi; doanh nghiệp nhỏ…


Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, không cần có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Vấn đề với DNNVV, không phải là được hỗ trợ gì mà là có được môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.

Quan điểm này được tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đưa ra tại tọa đàm “Đánh giá kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm, nhận định các chính sách nổi bật của Chính phủ” diễn ra chiều nay, 15-5 tại TPHCM.

Tiến sĩ Anh cho rằng, ngay việc sử dụng từ “hỗ trợ” cũng đã sai bởi nó làm cho người ta ỷ lại.

Quan trọng hơn, trong nội hàm của luật này, có rất nhiều điểm bất cập. Thứ nhất, đó là DNNVV sẽ được giảm thuế, tức được hưởng một mức thuế thấp hơn doanh nghiệp lớn. Nếu áp dụng cơ chế này thì doanh nghiệp sẽ không chịu lớn vì “tại sao phải lớn” và rất có thể sẽ chia nhỏ thành nhiều đơn vị nhỏ để được hưởng hỗ trợ.

Thứ hai là DNNVV sẽ được hưởng cơ chế cấp bù lãi suất. Vấn đề đặt ra là “Nhà nước lấy tiền đâu để hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh thâm hụt ngân sách”.

“Theo tôi, dự luật này rất thiếu tính khả thi và không bám sát thực tế”, tiến sĩ Anh nhận xét.

Không chỉ vậy, theo chuyên gia của Đại học Fulbright, nếu nhìn vào cả hệ thống pháp luật hiện tại thì Việt Nam đã có vô vàn những khuôn khổ pháp lý mà đối tượng điều chỉnh là DNNVV. Vậy nhưng, thực tế là vẫn chưa được áp dụng hết. Khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố hồi đầu năm cho thấy tỷ lệ DNNVV tận dụng được các chính sách hiện có chỉ khoảng 15%. Không có gì chắc chắn là luật mới ra đời thì doanh nghiệp tận dụng được. Do vậy, không cần có thêm Luật Hỗ trợ DNNVV vì không được gì mà lại tạo ra sự phức tạp không đáng có.

Theo tiến sĩ Anh, Nhà nước nếu thực sự muốn hỗ trợ DNNVV thì việc quan trọng nhất là tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và cắt giảm các chi phí kinh doanh… Đây sẽ là cách để tạo ra sự sàng lọc một cách tự nhiên.

Ở thời điểm hiện tại, theo tiến sĩ Anh, hệ sinh thái doanh nghiệp Việt Nam rất không lành mạnh.

Thứ nhất là các doanh nghiệp Nhà nước được hưởng lợi nhờ độc quyền; thứ hai là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trải thảm đỏ ưu đãi, là công dân hạng cao; thứ ba là doanh nghiệp tư nhân với nhiều tầng: doanh nghiệp thân hữu có tài sản hàng tỉ đô la, đi xây cáp treo khắp nơi; doanh nghiệp nhỏ…

“Nếu tạo ra hệ sinh thái phân tầng có phân biệt đối xử như thế này thì DNNVV sẽ không bao giờ phát triển được”, chuyên gia này kết luận.

Mục tiêu tăng trưởng bất khả thi

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6,7% mà Chính phủ đề ra cho năm 2017 là chỉ tiêu bất khả thi, không có cách nào đạt được. Vì muốn đạt được mục tiêu này thì tăng trưởng các quí còn lại phải trên 7% nhưng điều này là không thể bởi để tăng trưởng phải duy trì được năng suất cao nhưng năng suất Việt Nam lại đang đi xuống.
Cũng có thể tăng trưởng bằng cách phải bơm thêm dầu; bơm thêm tiền nhưng hai cách này đều không đảm bảo, có thể tạo ra bất ổn kinh tế. Do vậy, ở mức độ lý tưởng, con số chỉ là 6,3% đến 6,5%.

Lý giải về tăng trưởng GDP quí 1-2017 chỉ ở mức 5,1%, thấp hơn mức 5,5% của cùng kỳ năm ngoái và còn rất xa so với mục tiêu 6,7% của cả năm, tiến sĩ Anh khẳng định là do ngành công nghiệp - xây dựng sụt giảm và thâm hụt thương mại. Cả hai nguyên nhân này, đều dẫn về một cái tên, đó là Samsung.

Thứ nhất, nhìn từ góc độ ngành thì tăng trưởng của ngành công nghiệp – xây dựng trong quí 1-2017 đạt 4,2% (cùng kỳ là 6,7%). Trong đó, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,9%, thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây; ngành khai khoáng - 10% do giá dầu thô.

Đáng chú ý nhất là ngành điện thoại và linh kiện - 10,7% (cùng kỳ tăng trưởng + 14,2%) với lý do duy nhất là yếu tố Samsung (sự cố pin phát nổ dẫn đến thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7).

Thứ hai, nhìn từ góc độ sử dụng GDP thì nguyên nhân khiến GDP tăng trưởng chậm lại chính là nhập siêu bởi hai yếu tố là tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản tăng trong quí 1 năm nay đều tăng. Nhập siêu, cũng có lý do từ Samsung khi Việt Nam muốn xuất khẩu được các sản phẩm của Samsung thì đã phải nhập khẩu rất nhiều từ các quốc gia khác, trong đó phần nhiều là từ Hàn Quốc.
Thực tế này cho thấy, phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI và nhập siêu là hai điểm yếu cốt tử của nền kinh tế Việt Nam. Đây là kết quả của những quyết sách có từ rất lâu.

Tuy nhiên, con số tăng trưởng GDP quí 2 có thể sẽ tốt lên bởi Samsung đã sản xuất Galaxy Note 8 và họ có kế hoạch trong quí 2, 3.

“Dẫu vậy, điều đó chỉ che đậy những điểm yếu cốt tử của nền kinh tế Việt Nam. Nếu vấn đề không được giải quyết rốt ráo thì sẽ lại gặp những vấn đề tương tự trong tương lai”, tiến sĩ Anh nói.

TBKTSG