Giải pháp nào cho cái vỉa hè ? (Việt Hoàng - Thông Luận)

 Nếu là đảng cầm quyền thì giải pháp của chúng tôi sẽ là dành một nửa vỉa hè cho người đi bộ và một nửa cho việc kinh doanh của người dân. Tạm thời sẽ cho phép các chủ nhà được dùng bậc thềm lấn chiếm không quá 1m…
Việc ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh dẫn quân đi "đòi lại vỉa hè" vẫn đang tiếp diễn và dư luận Việt Nam thì chia thành hai phía, một phía ủng hộ và một phía thì phản đối. Bên nào cũng có lý của mình và ai cũng… đúng. Thật ra, đúng hay sai là do quan niệm và cách nhìn nhận vấn đề của từng người. 
Chúng tôi là những người "làm chính trị" nên cách nhìn nhận có thể không như mọi người vì trước một vấn đề khó khăn nào đó chúng tôi luôn trao đổi để trả lời cho các câu hỏi như, tại sao việc đó lại xảy ra ? Có cách nào khác không ? Cách làm thế đã tốt nhất chưa ? Hậu quả của nó là thế nào ? Đâu là giải pháp tối ưu ?...
Trở lại câu chuyện cái vỉa hè, cần hiểu rằng đây là một vấn đề thuộc về lịch sử. Cái vỉa hè đã tồn tại và trở thành nơi buôn bán kiếm sống của nhiều người từ rất lâu rồi, ít nhất thì cũng cỡ 41 năm sau ngày 30/04/1975. Những người kiếm sống trên vỉa hè sẽ còn tồn tại và tiếp diễn rất nhiều năm nữa, kể cả khi Việt Nam có dân chủ và trở nên khá giả. Tất cả những gì thuộc về lịch sử thì phải giải quyết một cách cẩn trọng và phải thấu tình đạt lý chứ không thể cứng nhắc như tuyên bố của ông Đoàn Ngọc Hải rằng "một tấc cũng phải đập".
Mọi người cũng tranh cãi nhiều về tính pháp lý của chuyện đập phá này. Về lý thì việc đòi lại vỉa hè là không có gì sai, tuy nhiên những phần "lấn chiếm" của người dân không phải tự nhiên mà có. Chính việc quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ và thiếu tính toán đã khiến cho nhiều con phố sau khi nâng sửa đường thì nhà người dân bị thấp hơn mặt đường. Hệ thống thoát nước đô thị quá tồi tệ khiến các con phố biến thành sông ngay lập tức sau mỗi cơn mưa lớn. Người dân lo lắng bị ngập nước nên đã xây nhà cao hơn mặt đường từ vài chục phân đến cả mét. Do chính quyền dung túng nên đã lờ đi việc người dân xây bậc thềm trên phần đất thuộc vỉa hè. Nếu ngay từ đầu các cơ quan có thẩm quyền kiên quyết không cấp phép và công nhận việc lấn chiếm đó thì đã không có cảnh đập phá như bây giờ. Việc những căn nhà mặt phố không có bậc thềm vào nhà đã gây xáo trộn và ảnh hưởng vô cùng lớn đến việc sinh hoạt và kinh doanh của những hộ dân bị đập mất lối vào nhà.
Rõ ràng việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải đã được chính quyền chống lưng, mục đích là tập trung sự chú ý của dư luận trước những vấn đề nổi cộm của đất nước như thảm họa Formosa, chuyện biển đảo… Hành động hung hăng, bất chấp đạo lý và dư luận của ông Hải không khác gì các "hồng vệ binh" thời "cách mạng văn hóa" bên Trung Quốc hay chuyện đấu tố địa chủ thời cải cách ruộng đất năm 1953-1956 tại miền Bắc. Chính quyền cũng nhắm vào một số thành phần khá giả và có chọn lọc để ‘tấn công’. Mục đích là tiếp tục gây chia rẽ người dân và thể hiện sức mạnh của chính quyền ‘chuyên chính’. Một mũi tên trúng nhiều đích.
Trong một chế độ dân chủ thì, bất cứ một chính sách dân sinh nào cũng phải nghĩ đến cuộc sống của người dân đầu tiên. Về ‘tình’ thì các bậc thềm đó không chiếm quá nhiều diện tích vỉa hè. Hơn nữa những câu phát ngôn của ông Đoàn Ngọc Hải như "thượng tôn pháp luật" hay "vì quyền lợi của 13 triệu dân thành phố"…e chừng quá miễn cưỡng. Nếu chính quyền cộng sản biết nghĩ đến và lo cho người dân thì đất nước này đã không tụt hậu và bết bát đến như vậy. Còn bao nhiêu chuyện cấp bách phải làm trước mắt như vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, giao thông đô thị hay chống tham nhũng…
Chính quyền có hành động một cách kiên quyết như việc dành lại vỉa hè không ? Công bằng ở đâu khi tập đoàn Than-Khoáng sản (TKV) thua lỗ, nợ nần hơn 100 ngàn tỉ đồng (gần 5 tỉ USD) thì chỉ bị khiển trách và rút kinh nghiệm trong khi đó người dân chỉ vì mưu sinh kiếm ăn qua ngày lại bị truy đuổi đến cùng như những tội phạm ?
Sỡ dĩ một bộ phận người dân Việt Nam phải kiếm sống và mưu sinh trên vỉa hè vì họ quá nghèo. Không chỉ những người bán hàng rong trên vỉa hè còn nghèo mà ngay cả những khách hàng của họ cũng nghèo. Có cung thì sẽ có cầu. May ra sau này khi đất nước có dân chủ, đời sống và thu nhập của người dân được nâng cao thì khi đó những trao đổi buôn bán trên vỉa hè mới giảm đi được. Hiện tại, theo báo chí thì quy mô của toàn bộ phận kinh doanh cá thể, trong đó có hoạt động kinh doanh trên các vỉa hè đóng góp đến 11-13% GDP, đây là một con số khổng lồ.
Để giải quyết vấn đề vỉa hè cần đến một giải pháp linh hoạt và nhân đạo, chính quyền của dân thì phải giải quyết thấu tình đạt lý. Cần phải có giải pháp để ổn định cuộc sống của người dân trước khi bắt họ vào nề nếp và kỉ cương. Cũng giống như việc muốn hạn chế xe máy và các phương tiện cá nhân để giảm tắc đường thì trước đó cần phải hoàn thiện và phát triển hệ thống giao thông công cộng cái đã.
Hơn nữa việc dẹp kinh doanh buôn bán trên vỉa hè là không khả thi, "chiến dịch tái lập trật tự vỉa hè" không thể kéo dài mãi được và muốn làm được thế thì phải duy trì một lực lượng công an hùng hậu, tuần tra ngày đêm nếu không thì đâu sẽ vào đấy, như việc bắt cóc bỏ đĩa.
Nếu là đảng cầm quyền thì giải pháp của chúng tôi sẽ là dành một nửa vỉa hè cho người đi bộ và một nửa cho việc kinh doanh của người dân. Tạm thời sẽ cho phép các chủ nhà được dùng bậc thềm lấn chiếm không quá 1m…
Nhiệm vụ quan trọng nhất của chính quyền là an dân, đây là thời bình chứ không phải thời chiến nên cần ưu tiên các biện pháp ‘ôn hòa’ như giáo dục, thuyết phục và hướng dẫn người dân để tạo ra một sự đồng thuận mà đôi bên có thể chấp nhận. Biện pháp cưỡng chế chỉ sử dụng sau cùng khi mọi biện pháp khác đã thất bại và chỉ áp dụng với những người cố tình vi phạm.
Phát triển kinh tế để người dân tăng thu nhập, có đời sống khá giả hơn để giảm đi các bức xúc và mâu thuẫn không đáng có trong xã hội phải là ưu tư thường trực của một chính phủ dân chủ trong tương lai. Việc phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng miền cộng thêm nạn ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thời gian qua đã khiến cho người dân cả nước dồn về hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Sài Gòn. Dòng người nhập cư tăng đột biến gây nên sự quá tải cho cơ sở hạ tầng của thành phố. Thảm họa Formosa ở miền Trung và tình trạng khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long là hai nguyên nhân góp phần tăng dân số cho hai thành phố lớn. Gốc rễ của vấn đề là ở đấy chứ không phải cứ hô hào khẩu hiệu và đập phá là giải quyết được mọi chuyện.
Việt Hoàng
(05/04/2017)