‘Dân Đồng Tâm không chống phá chính quyền’ (BBC)

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kêu gọi đối thoại với người dân để tìm lối thoát cho căng thẳng ở Đồng Tâm.


Trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Sĩ Dũng, đăng lại bài mà ông mô tả là 'viết cho VTC News'.

Bài báo mở đầu bằng lời cảm ơn tới nhà báo Bảo Hà về bài viết "Đối thoại ở thôn Hoành" đăng trên VnExpres.

Bảo Hà được cho là nhà báo duy nhất cho tới lúc này tiếp cận và viết ra trải nghiệm cá nhân khi tới Đồng Tâm nơi có đối đầu giữa dân và chính quyền.

"Thú thực, cả đời tôi chưa bao giờ đọc được một bài báo nào hay như vậy! Chị Bảo Hà đã đến được tận nơi và mô tả những người nông dân chất phác, lam lũ ở thôn Hoành, xã Đông tâm, Huyện Mỹ Đức và tình thế tuyệt vọng của họ chân thực đến nao lòng.

"Thì ra, sự cục cằn, thô bạo của những người nông dân này chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Đằng sau lớp vỏ đó là những tâm hồn rất dễ bị tổn thương, là những nỗi niềm chất chứa không có cách gì giải bày cho hết.

Ông Dũng khẳng định rằng ông nhất quyết không bao giờ tin những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức là 'thế lực thù địch, là những kẻ chống phá chính quyền'.

"Người dân thôn xã Đông Tâm cũng hiểu rất rõ toàn bộ sự nghiêm trọng của những việc mà họ đang làm.

"Nhưng, có lẽ, vì danh dự và vì trách nhiệm đối với cụ Kình, họ đã không làm khác được. "Cái họ có thể làm và họ đã cố gắng làm là đối xử tử tế với những người bị bắt giữ làm con tin và không để xảy ra bạo lực đối với những người này," ông Dũng viết.

Bài báo có tựa 'Lối ra cho khủng hoảng Đồng Tâm; kết luận bằng lời kêu gọi đối thoại để đạt được điều ông Dũng gọi là "lối thoát" cho cả chính quyền và cả những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức.

"Rất may là tất cả chúng ta đều biết, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức khẳng định là ông sẵn sàng đối thoại với những người dân xã Đồng Tâm nếu cần thiết.

"Xin thưa với Chủ tịch, đây là trường hợp cần thiết nhất từ trước đến nay đấy ạ!' ông Nguyễn Sĩ Dũng viết. "Cứ nghĩ mà xem, với những kẻ ngoại bang xâm chiếm biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta còn đối thoại được, thì tại sao với những người dân của chính mình lại không?!"

Cũng trong ngày 19/04, nhà báo Huy Đức viết bài có tựa 'Nếu Đồng Tâm là quê của Tướng Chung, Tướng Hùng'.

Bài viết mở đầu bằng một số dữ kiện và văn bản liên quan tới những khu đất có tranh chấp giữa dân và chính quyền.

"Cả về pháp lý và thực tế, phần lớn khu đất 236,7 hecta này, chưa từng được làm thủ tục hợp lệ (theo Luật Đất Đai năm 1993) và chưa từng được BQP sử dụng đúng mục đích mà quyết định 113/TTg giao. Lẽ ra, năm 2014, khi vùng này bắt đầu đô thị hóa (sau 6 năm nhập vào Hà Nội), Chính phủ nên thu hồi để cân nhắc sử dụng phần tài nguyên quốc gia đó sao cho hiệu quả nhất.

"Nếu "Dự án A1" mà Viettel đang tiến hành thực sự vì "mục đích quốc phòng" thì, trước hết, Chính phủ cũng nên cân nhắc chọn một chỗ trống dọc đường HCM thay vì đẩy quân đội vào thế "tranh" với dân bờ xôi, ruộng mật," nhà báo Huy Đức viết.

Ông Huy Đức nói rằng "chỉ vì một quyết định hành chánh (cho đổi mục đích sử dụng) mà giá đất có thể tăng hơn 20 lần (từ 108 nghìn đồng lên 2,2 triệu đồng/m2) thì "nhóm lợi ích" và bọn tham nhũng không xâu xé "chênh lêch địa tô" mới lạ".

"Nhà nước có thể giữ quyền quy hoạch đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng khi chuyển đổi quy hoạch, khoản "chênh lệch địa tô" đó phải thuộc về nông dân chứ không phải là các nhóm lợi ích. Nhà nước sẽ chỉ hưởng lợi nhờ giá tính thuế chuyển quyền sử dụng đất tăng lên.

"Cả Tướng Chung lẫn Tướng Hùng và các vị trong Thường vụ Hà Nội nên bình tâm. Chỉ cần đặt tình huống, 14 hộ bị thu hồi đất ở Đồng Tâm không phải là gia đình ông Căng, ông Tứ, ông Toán, bà Nguyệt, ông Thùy... mà là nhà mình thì sao. Cụ Kình cũng từng là lãnh đạo địa phương như quý vị đấy thôi.

"Đừng nghĩ quý vị sẽ là ngoại lệ khi các khoản "chênh lệch địa tô" được các thế hệ đi sau mang ra chia chác," nhà báo Huy Đức kết luận.

BBC