ADB: Việt Nam tăng trưởng cao, rủi ro tụt hậu lớn (Tư Hoàng)
Dù
Việt Nam có mức tăng trưởng thuộc loại tốt nhất khu vực châu Á nhưng
khả năng tụt hậu là rất lớn, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tăng trưởng cao
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tới 6,5% năm 2017
và 6,7% năm 2018, theo báo báo do ADB công bố sáng ngày 10-4 tại Hà Nội.
“Với mức tăng trưởng dự báo 6,5% trong 2017, Việt Nam là một trong
những quốc gia ở châu Á tăng trưởng tốt. Triển vọng kinh tế là sáng
sủa”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nói tại lễ công
bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2017) của ngân hàng này.
Các động lực tăng trưởng chính, theo ADB, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài (FDI). ADB dự báo vốn FDI giải ngân sẽ vào khoảng 15 tỉ đô la
Mỹ, vốn cam kết tiếp tục tăng cao bất chấp TPP không thành hiện thực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất, chế tạo của khu
vực, và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã “vượt trội” so với nhiều
nước ASEAN với tăng trưởng lên tới 8,3% mỗi năm trong mấy năm gần đây.
Tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong các nước ASEAN tăng từ 7% năm
2009 lên 14% năm 2015. Đặc biệt, tỷ trọng các mặt hàng công nghệ cao
tăng vọt từ 2% lên 12% trong tổng số hàng xuất khẩu của ASEAN.
Một yếu tố nữa, theo ông Sidgwick, tầng lớp trung lưu đang tăng lên
nhanh chóng cũng giúp thúc đẩy kinh tế phát triển. Dự kiến, nhóm có mức
thu nhập trung bình hơn 8.500 đô la Mỹ/năm sẽ tăng gấp đôi từ năm 2014
đến 2030 lên đến 33 triệu người. Kết quả là doanh số bán buôn và bán lẻ
tăng trung bình tới gần 9% trong vòng năm năm qua.
Ông nói: “Đây là động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam”.
Được hỏi, liệu ADB có lạc quan quá không về triển vọng kinh kinh tế
Việt Nam, ông Sidgwick nói: “Chúng tôi có lạc quan quá không? Tôi không
nghĩ vậy”.
Ông cho biết, Việt Nam vẫn đang đối diện nhiều thách thức như nợ công,
bội chi, cải cách doanh nghiêp nhà nước, nông nghiệp tăng trưởng chậm.
“Để đạt được tăng trưởng như vậy, chúng tôi gợi ý nhiều chính sách kèm
theo. Ví dụ, cần giảm bội chi, cần chính sách tốt để phát triển thị
trường tài chính trong nước”, ông nói.
Nguy cơ tụt hậu
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Hà Nội, ông Aaron
Batten cho rằng tăng trưởng của Việt Nam vẫn “dưới mức cần thiết” để trở
thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
“Việt Nam vẫn đối mặt với nguy cơ tụt hậu khi tăng trưởng GDP vẫn dưới
mức 7%/năm”, ông Batten nói. Ông nhận xét thêm, nếu tăng trưởng thêm hai
điểm phần trăm, Việt Nam có thể đạt thu nhập trung bình cao vào năm
2026.
ADB nhận xét, tăng trưởng nông nghiệp vẫn chỉ quanh mức 2,4%/năm từ năm 2011 đến nay, là xu hướng rất xấu.
"Nếu tăng trưởng nông nghiệp đạt 5%/năm thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 7%/năm”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với
các quốc gia khác trong ASEAN, bằng 1/3 so với Indonesia, và ½ so với
Philippines hay Thái Lan.
Trong khi đó, ông Sidgwick giải thích: “Tăng trưởng khu vực nông nghiệp
không những giúp thúc đẩy tăng trưởng, mà còn mang lại lơi ích nhiều
hơn cho nông dân. Tốc độ hưởng lợi của họ không cao như lẽ ra họ phải
được hưởng”.
Ông Sidgwick nói thêm, từ giữa thập kỷ 1990 tới giữa những năm 2000
tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất tốt, thu nhập bình quân đầu
người tăng nhanh, Việt Nam đạt nhiều kết quả tốt trong thời gian dài.
Việt Nam đã phát triển tốt hơn trong giai đoạn đó.
“Các báo cáo của ADB đã nêu hàng loạt yếu tố cần phải làm gì. Bây giờ
thì ai cũng hiểu (những khó khăn cho tăng trưởng). Nhưng Chính phủ cũng
gặp khó khăn khi chưa biết phải làm như thế nào. Đó là khó khăn cho Việt
Nam”, ông nói.