Tái đi tái lại vẫn còn thiu (Phạm Trần - Thông Luận)
Ông
Du còn trách : "Doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả mà lại được
ưu ái nhiều. Còn doanh nghiệp tư nhân làm ăn tốt nhưng lại bị đóng thuế
nhiều và còn gặp nhiều cản trở để có thể trở nên tốt hơn".
Hội
nghị trung ương 5 tháng 5/2017 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bàn kế
hoạch xây dựng lại nền kinh tế, hay "Tái cơ cấu kinh tế đợt 2", sau 5
năm "Tái cơ cấu thứ nhất" vẫn chưa đi đến đâu.
Đó
là nội dung mà ai ở Việt Nam cũng đọc được từ bài phát biểu của Tổng bí
thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm và làm việc
với Ban Kinh tế trung ương ngày 11/02/2017.
Đợt
"Tái cơ cấu" đầu tiên bắt đầu từ năm 2012, một năm sau khi ông Trọng
được khóa Đảng XI bầu vào chức Tổng bí thư, đồng thời có quyết định tái
lập Ban Kinh tế trung ương để tham mưu cho Đảng "về đường lối, chủ
trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội".
Sau
khi kiểm điểm công tác, ông Trọng đã tự an ủi "có thể nói, chưa bao giờ
đất nước ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay", nhưng lập tức ông
trở lại với tình hình thực tế không sáng như ông tuyên truyền.
Ông
nói : "Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trên con đường phát triển vẫn
rất nặng nề và gay gắt. Tình hình đất nước, thế giới, khu vực còn diễn
biến phức tạp, khó lường. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương
xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động.
Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ; nợ xấu, nợ công tăng cao ;
việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu
tư thấp ; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương
mại còn nhiều hạn chế, yếu kém" (Báo Sài Gòn Giải Phóng, 12/02/2017).
Chi
tiết hơn, "đảng trưởng" Nguyễn Phú Trọng thừa nhận : "Chất lượng, hiệu
quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là vấn đề xã hội và quản lý xã hội
chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả ; còn tiềm ẩn những
nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Công tác quản lý, bảo vệ tài
nguyên, môi trường còn nhiều bất cập ; vi phạm về môi trường xảy ra
nghiêm trọng, gây tác hại lớn và bức xúc trong xã hội trong khi tác động
của biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra sớm và nặng nề hơn so với
dự báo…".
Hậu quả trước mắt
Đem
lời ông Trọng ứng vào thực tế thì thấy chất lượng hàng hóa của Việt Nam
sản xuất không thể cạnh tranh được với hàng hóa của các nước trong khu
vực, ngoại trừ Lào, Campuchia và Myanmar (tên cũ là Burma hay Miến
Điện).
Nhưng
về năng xuất lao động của công nhân Việt Nam, báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
ngày 08/05/2016 viết : "Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (International
Labour Organization-ILO), năng suất lao động của Việt Nam đã thua Lào,
chỉ còn cao hơn được Myanmar và Campuchia. Năng suất lao động của người
Việt đang tăng chậm lại và tụt hậu so với nhiều nước khác".
Nghiêm
trọng hơn, Diễn Đàn Doanh Nghiệp viết : "Tốc độ tăng năng suất chỉ bằng
một nửa tốc độ của Trung Quốc, trong khi thời kỳ dân số vàng của Việt
Nam sắp qua.
Mặc dù năng suất lao động của
toàn nền kinh tế năm 2015 tính theo giá hiện hành đạt 79,3 triệu VND,
tương đương 3.657 USD/lao động, tăng 6,42% so với năm 2014, đưa bình
quân giai đoạn 2005 – 2015 tăng 3,9%/năm, tuy nhiên, nghiên cứu của Viện
nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM-Central Institute for Economic Management)
về năng suất lao động chỉ ra từ năm 2005, tốc độ tăng năng suất lao
động của Việt Nam có xu hướng đi xuống đến mức thấp nhất là 2,57% vào
năm 2009. Kể cả trong giai đoạn 1992 – 2014, tốc độ tăng năng suất của
Việt Nam ở mức khá cao là 4,64%/năm, thì tốc độ này ở Trung Quốc là
9,07%/năm. Thu nhập bình quân người Việt năm 2015 ở mức 2.109 USD, chỉ
tương đương 1/6 thu nhập của người Malaysia và 1/16 Singapore".
Thời
kỳ được gọi là "dân số vàng" của Việt Nam bắt đầu từ năm 2007 khi Ngân
hàng Thế giới (World Bank) ghi nhận Việt Nam có số người lao động trẻ
trung đông gấp đôi so với người phụ thuộc. Tuy nhiên, theo báo Diễn Đàn
Doanh Nghiệp thì : "Dấu hiệu lão hóa dân số xuất hiện ở Việt Nam bắt
đầu từ năm 2011. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB),
trong 18 tới 20 năm nữa, dân số Việt Nam sẽ bị lão hóa". Điều này có
nghĩa là năng xuất lao động của "lớp người già" này sẽ giảm theo thời
gian tuổi và do đó sẽ làm chậm mức tăng trưởng kinh tế.
Ô
nhiễm môi trường cũng đang phá hoại nền kinh tế và làm suy yếu sức khỏe
con người Việt Nam. Trong số ra ngày 19/11/2016 báo Zing.vn cho biết :
"Mỗi năm, thiệt hại do ô nhiễm môi trường ở Việt Nam tương đương với 5%
GDP. Ở Trung Quốc, con số này là 10%. Nếu đà này cứ tiếp tục, chỉ số ô
nhiễm của Việt Nam có thể sẽ vượt Trung Quốc".
Báo này còn trích lời Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Đức Trường, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế và môi trường, Đại học Kinh tế quốc dân, dẫn chứng thì trong số 100 khu công nghiệp Việt Nam, có đến 80% đang vi phạm quy định về môi trường.
Vẫn
theo Zing.vn thì : "Trong đó, số doanh nghiệp có nguồn vốn trực tiếp từ
nước ngoài (Foreign Direct Invesment-FDI) chiếm tới 60% trên tổng các
doanh nghiệp xả thải vượt tiêu chuẩn. Tình hình xả thải ở hầu hết các
doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, nghiên cứu về hành vi môi
trường của các doanh nghiệp do Viện Quản lý kinh tế trung ương thực hiện
cho thấy có 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Nồng độ các chất BOD, COD, TSS vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 5 đến 12
lần".
Báo
này công khai tố cáo trong số các doanh nghiệp nước ngoài, đa số từ
Trung Quốc và Đài Loan, đã và đang thải chất độc ở Việt Nam có các công
ty như : "Công ty TNHH Huyndai-Vinasin (Khánh Hòa) ; công ty TNHH Miwon
Việt Nam ; công ty Tung Kuang ; công ty TNHH Mei SHeng Textiles Việt Nam
(Trung Quốc). Đặc biệt là vụ Vedan năm 2011 và Formosa năm 2016".
Giáo
sư Trường tố cáo : "Hiện có đến 80% doanh nghiệp FDI coi môi trường là
yếu tố để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đã mang
công nghệ bị cấm sử dụng ở nước họ sang
Việt Nam, nơi có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn, để tiếp tục vòng đời
công nghệ, tranh thủ chi phí đầu tư môi trường thấp, loại thuế, phí đánh
vào môi trường thấp hơn ở công ty mẹ".
Trách ai - Ai trách ?
Như
vậy khi ông Nguyễn Phú Trọng than phiền đủ chuyện để ta thán và đổ lỗi
cho cấp thừa hành thì ông và 18 ủy viên Bộ Chính trị làm gì mà không có
giải pháp làm giảm bớt hay chận đứng tình trạng sa sút này ?
Cũng
không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong suốt bài phát biểu tại Ban Kinh tế
trung ương ngày 11/02/2017, không ai nghe ông Trọng nhận lỗi hay nhân
danh Bộ Chính trị, cơ chế quyết định mọi việc của đảng và nhà nước, xin
lỗi đã gây tác hại kinh tế cho đất nước và sức khỏe người dân như thế
nào.
Điều
này có lẽ cũng giải thích lý do tại sao không hề thấy ông Trọng quan
tâm đến tình trạng ô nhiễm trong không khí ngay tại Thủ đô Hà Nội, nơi
ông sống và làm việc.
Theo
số thống kê của Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội ngày 5/10/2016 thì ô nhiễm trong
không khí ở thành phố này từ 241 đến 245, đứng số 1 trên thế giới. Thủ
đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nơi bị các hãng du lịch khuyên du khách nên
tránh đứng hàng thứ 5 với chỉ số 152.
Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy ông Trọng lập lại lời kêu gọi quen thuộc : "Tình
hình trên đòi hỏi chúng ta, cả hệ thống chính trị, trong đó có Ban Kinh
tế trung ương phải nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện
và đồng bộ hơn để tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn,
thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của
Đảng đã đề ra".
Mấy chữ "tiếp
tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn" không mới mà cũ lắm rồi.
Quan điểm này được lập lại cho thấy trong 5 năm qua, chủ trương "tái cơ
cấu kinh tế" đã không đem lại kết quả.
Vì vậy ông Trọng đã yêu cầu Ban Kinh tế trung ương hãy tìm câu trả lời xem :
1) "Thực
tế đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững
chưa ? Nhanh và bền vững ở mức nào ? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì
nguyên nhân do đâu" ?
2)
"Vì sao việc thực hiện Nghị quyết trung ương 3 khóa IX về tiếp tục sắp
xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra ; vì sao nhiều tập đoàn kinh tế,
tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng,
lãng phí lớn với những công trình hàng ngàn tỷ đồng "bị đắp chiếu" ?
Vì
vậy, chính ông cũng thắc mắc : "Vừa qua, một loạt những doanh nghiệp,
những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công
trình "đắp chiếu", nhưng hầu như không thấy Ban Kinh tế trung ương có ý
kiến gì. Đây là do không phát hiện được hay phát hiện được mà không có
dũng khí báo cáo, đề xuất xử lý" ?
Đồng
thời ông cũng yêu cầu : "Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực
hiện Nghị quyết trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính
sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chỉ
rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại
và nguyên nhân".
Như
vậy rõ ràng sau 30 năm gọi là "Đổi mới" và 5 năm "Tái cơ cấu", kinh tế
Việt Nam vẫn còn nhiều trì trệ vì nhà nước vẫn không coi "kinh tế tư
nhân" ngang hàng với "kinh tế nhà nước" mà chỉ muốn "phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Từ
bao nhiêu năm qua, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã khuyên
Đảng Cộng sản Việt Nam hãy mạnh dạn bỏ cái đuôi "xã hội chủ nghĩa" khi
làm "kinh tế thị trường" nhưng đảng không nghe. Đảng chỉ sợ mất quyền và
mất cả lợi nên cứ mãi bám lấy mớ bòng bong được gọi là "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" để lê lết không giống ai.
Đã vậy, đảng còn khăng khăng để cho "kinh
tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo", tức là khối doanh nghiệp nhà nước
trong các Tổng công ty hay Tập đoàn phải là đầu tầu của nền kinh tế.
Đua nhau thua lỗ
Ngặt
nỗi phần đông các tổng công ty này đều làm ăn thua lỗ vì tham nhũng,
lợi ích nhóm bao vây chia phần, đầu tư ngoài mục tiêu, dàn trải và lãng
phí ngân sách nên nợ nần chống chất.
Đài
Tiếng nói Việt Nam (Voice of Việt Nam, VOV) viết trong bản tin ngày
21/07/2016 : "Kết quả kiểm toán vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho
thấy, nhiều tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước hiệu quả hoạt động
giảm sút, thua lỗ".
Theo
đó : "Kết quả kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố
cho thấy, qua kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến
quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp
thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước thì hiệu quả hoạt động
của nhiều doanh nghiệp giảm sút, thua lỗ".
Chi
tiết hơn, VOV cho biết : "Chẳng hạn, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ
sở hữu năm 2014 của Tổng công ty Lâm nghiệp là 8,6% (giảm 3,48% so với
năm 2013) ; Vinaconex 8,5% (giảm 3,33%) ; PVN 15,56% (giảm 10,45%) ;
Hfic 22,64% (giảm 2,64%) ; IDICO 9,8% (giảm 1,42%)…
Có
đến 5/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ, như :
Vinalines lỗ 3.478,48 tỷ đồng ; tổng công ty 15 lỗ 471,1 tỷ đồng ;
Vinaincon lỗ 131,96 tỷ đồng ; tổng công ty Mía đường II lỗ 15,18 tỷ đồng
; Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỷ đồng.
Nhiều
tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu
quá hạn như các tổng công ty : Văn hóa Sài Gòn, Công nghiệp Sài Gòn, Mía
đường II, Vinataba, Đường sông miền Nam, Du lịch Sài Gòn, EVN miền
Trung, EVN Hà Nội, Vinalines…".
Ngoài
ra còn có : "Nhiều tập đoàn, tổng công ty cũng để tình trạng nợ khó đòi
lớn, như : Mobifone thì riêng Công ty mẹ có nợ khó đòi chiếm 30,4% nợ
phải thu ; Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố Hồ Chí Minh có nợ khó đòi
chiếm 81,19% ; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông lâm hải sản có nợ
khó đòi chiếm 62% ; Hapro cũng tới 25,7% nợ khó đòi ; tổng công ty Điện
lực miền Bắc nợ khó đòi 49,8 tỷ đồng, tổng công ty Điện lực miền Nam
16,7 tỷ đồng, tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh 34,3 tỷ đồng,
tổng công ty Truyền tải điện quốc gia 53,8 tỷ đồng...".
Nếu bấy nhiêu thua lỗ chưa đủ thì hãy đọc thêm trên báo Nhân Dân ngày 08/02/2017, theo đó : "12 dự án kém hiệu quả có nguy cơ đóng cửa, phá sản".
Nếu bấy nhiêu thua lỗ chưa đủ thì hãy đọc thêm trên báo Nhân Dân ngày 08/02/2017, theo đó : "12 dự án kém hiệu quả có nguy cơ đóng cửa, phá sản".
Trong đó bao gồm : "Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình
Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái
Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và
nhà máy đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, đạm DAP Lào Cai, DAP Hải Phòng,
Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án
liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai".
Tờ
báo chính thức của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
không ngần ngại vạch ra rằng : "Cả theo báo cáo sơ bộ trước đây và thực
tế, có thể thấy lý do thua lỗ hay không hiệu quả khá đa dạng : Ngoài đầu
tư dở dang vì thiếu vốn, lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng và tỷ
giá tăng, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao,
sản phẩm có sức cạnh tranh kém trong bối cảnh dư cung và giá bán giảm
sâu ; không ngoại trừ những lý do liên quan trực tiếp hay gián tiếp ít
nhiều là sự chi phối bởi lợi ích nhóm gắn với hạn chế về năng lực và
trách nhiệm, chất lượng xây dựng, thẩm định và cơ chế quản lý của các dự
án… Ngoài ra, có thể còn bộc lộ thêm những lý do đặc thù cụ thể khác
của từng dự án".
Làm
ăn như thế mà bấy lâu nay chả có ai bị đem ra chặt đầu mới lạ. Đã vậy,
ông Trọng còn thúc bách Ban Kinh tế trung ương hãy tập trung trí tuệ để
giúp Hội nghị trung ương 5 ban hành "một nghị quyết mới, đúng tầm, góp
phần làm cho doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành lực lượng nòng cốt
của nền kinh tế".
Tái đi tái lại
Nói
như thế nhưng chả hiểu ông Trọng có biết rằng khối doanh nghiệp nhà
nước đã là "nồng cốt" từ lâu rồi mà có ra cơ đồ gì đâu ? Bây giờ muốn
vực chúng dậy thì phải có 10,5 triệu tỷ đồng, (tương đương khoảng 480 tỷ
U.S.D) để "tái cơ cấu kinh tế" lần thứ hai cho giai đoạn 2016-2020.
Con
số 10,5 triệu tỷ đồng do Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng
trình bầy trước Quốc hội ngày 20/10/2016. Ông nói rằng kế hoạch này được
"tập
trung vào phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút
hợp lý FDI ; tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước". (Vnn, 20/10/2016).
Ông Nguyễn Chí Dũng nói 5 nội dung trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 gồm :
1. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.
2.
Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước : tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước,
tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và khu vực dịch
vụ sự nghiệp công.
3. Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán.
4. Hiện
đại hóa công tác quy hoạch,cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng
cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế
quốc tế.5. Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Đó là những "dự kiến tái" của nhà nước. Có làm được hay không lại là chuyện khác.
Nhưng lấy tiền đâu ra mà "tái" với "gía" ?
Theo báo chí bên Việt Nam thì nhà nước dự kiến :
(1)
Nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành và địa phương chiếm tỷ lệ
lớn. Dự kiến khoảng 3,57 triệu tỷ đồng (tương đương gần 180 tỷ USD).
(2) Một nguồn vốn khác là từ đầu tư nước ngoài (FDI). Trong thời kỳ này dự kiến thu hút được trên 1,4 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 68 tỷ USD).
(3) Chính phủ cũng tính đến huy động thêm nguồn vốn ODA (Official development assistance (ODA) và vốn vay ưu đãi. Cụ thể giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt khoảng 39,5 tỷ USD.
Những nguồn vốn khác cũng sẽ được huy động để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu.
(4)
Chẳng hạn, việc đẩy mạnh quyết liệt thoái vốn Nhà nước tại các doanh
nghiệp cũng có thể tạo ra nguồn thu từ 15 - 20 tỷ USD trong giai đoạn
2016 – 2020.
Kế
hoạch "tái cơ cấu" lần 2 mang nhiều "dự kiến" hơn kế hoạch thực tế nên
đang được tranh luận sâu rộng trong các giới chuyên môn với nhiều nghi
ngờ và dè dặt
Chuyên gia phê bình
Báo
VietnamNet (Vnn) đưa tin ngày 24/10/2016 : "Phát biểu gần đây tại hội
thảo chuyên đề về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Tiến
sĩ Trần Đình Thiên đánh giá kinh tế thời gian qua tiếp tục "mở" theo
chiều rộng thay vì mục tiêu chiều sâu, trong khi cả 3 trụ cột tái cơ cấu
đều chuyển biến chậm chạp, trì trệ".
Ba
trụ cột chính của Việt Nam gồm : "Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền
vững về môi trường ; Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội ; Tăng cường
năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước".
VietnamNet
viết tiếp : "Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương
(CIEM) – Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, cách tiếp cận theo bề
rộng dựa vào gia tăng khối lượng, số lượng đầu vào, khai thác tài
nguyên, lao động giá rẻ đã không thể tiếp tục do nguồn lực đã huy động
tới hạn. "Trong thời gian dài, Nhà nước đã đặt trọng tâm là luôn huy
động, chứ không phải phân bổ nguồn lực hiệu quả. Cách thức tăng trưởng
như thế chắc chắn tạo rủi ro bất ổn kinh tế và bỏ qua các cải cách thị
trường", ông Cung cảnh báo".
Ông
Cung nói : "Vấn đề bây giờ không phải là huy động nguồn lực, mà quan
trọng hơn là phân bổ lại để sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có. Từ đó
khơi thông dòng chảy các nguồn lực xã hội".
Chuyên
gia này cho rằng : "Việc huy động nguồn lực của Việt Nam hiện đang ở
mức cao, đặc biệt là có tới 400 tỷ USD đang nằm trong khu vực Nhà nước
nhưng lại không được sử dụng hiệu quả. Nếu mải mê huy động, nền kinh tế
sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên".
Ông Cung nói thẳng : "Khi nói đến tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều người thường băn khoăn lấy nguồn lực ở đâu.
"Từ
đó, người ta mới bắt đầu hô hào "huy động, huy động và huy động !"
nhưng tôi nghĩ cách đó không phải. Cùng với huy động, điều quan trọng
hơn là phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để
khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế. Còn nếu cứ đi huy động mãi thì
chúng ta sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên nữa !"
Báo
VietnamNet còn trích lời Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy
kinh tế Fulbright, nhấn mạnh đến yếu tố "công bằng" khi điều hành kinh
tế.
Ông
Du nói : "Công bằng hiểu đơn giản là người thổi sáo tốt nhất nên được
nhận cây sáo tốt nhất. Khi đó, hiệu quả sẽ tốt lên. Nhưng Việt Nam ngược
lại. Thời gian qua, người thổi sáo tệ nhất lại được nguồn lực tốt nhất,
cây sáo tốt nhất".
Ông
Du còn trách : "Doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả mà lại được
ưu ái nhiều. Còn doanh nghiệp tư nhân làm ăn tốt nhưng lại bị đóng thuế
nhiều và còn gặp nhiều cản trở để có thể trở nên tốt hơn".
Theo
quan điểm ngay thẳng của chuyên gia này thì : "Để kinh tế Việt Nam thay
da đổi thịt, thời gian tới chìa khóa là phải làm sao chặn được động cơ
khuyến khích ngược trong các lĩnh vực nền kinh tế ; tránh kiểu làm tốt
lại bị phạt, làm kém lại nhiều lợi ích.
"Nếu không câu chuyện tái cơ cấu hết năm này đến năm khác vẫn bàn mà nền kinh tế không đột phá được".
Như vậy thì có phải càng tái càng thiu không bà con ?
Phạm Trần