Nhất đới, nhất lộ (LS Nguyễn Văn Thân)
Trung Quốc
đã trở thành công xưởng thế giới cung cấp hàng tiêu thụ rẻ tiền cho thị
trường toàn cầu. Phát triển kinh tế dựa vào xuất cảng giúp Trung Quốc
đưa hơn 300 triệu dân thoát khỏi nạn đói nghèo cũng như tăng mức dự trữ
ngoại tệ đến mức kỷ lục. Mặt trái của vấn đề là sự tàn phá môi trường
khủng khiếp là cái giá mà người dân Trung Quốc phải trả qua nhiều thế
hệ. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới vào năm 2007, xuất
cảng của Trung Quốc bắt đầu tụt giảm dẫn đến việc hàng hóa sản xuất dư
thừa và nạn thất nghiệp. Trung Quốc phải đi tìm thị trường mới và hệ
thống vận tải chuyên chở hàng hóa là một phần không thể thiếu được.
Tham vọng chiến lược của Trung Quốc qua sáng kiến “Nhất đới, nhất lộ”
Hán Vũ Đế (156 TCN -87 TCN) là vị hoàng
đế thứ 7 của Nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, trị vì hơn nửa thế kỷ từ
140 TCN đến 87 TCN. Dưới thời cai trị của ông, nhà Hán đã phát triển lớn
mạnh về mặt quân sự và ngoại giao, tiến hành các cuộc xâm lược và chiến
tranh với Hung Nô. Óng cũng được lịch sử biết tới qua việc xử tội danh
tướng Lý Lăng và Tư Mã Thiên. Khi 5000 quân của Lý Lăng bị 80,000 quân
Hung Nô bao vây và hết lương thực, Lăng bất đắc dĩ phải buông thương đầu
hàng. Nhận được tin, Hán Vũ Đế hạ lệnh giết hết cả gia đình gồm có mẹ
và vợ của Lý Lăng. Quan thái sử Tư Mã Thiên ra sức can gián nên cũng bị
họa lây và bị xử thiến, một tội nhục nhã nhất vào thời đó.
Vào năm 138 TCN, Hán Vũ Đế sai Trương
Khiên dẫn đoàn sứ bộ đi về phía Tây Vực, Trung Á đến Đại Nguyệt Chi để
kiếm đồng minh liên kết chống Hung Nô. Không may Trương Khiên bị quân
Hung Nô bắt và giam giữ. Sau 10 năm tù đày, Trương Khiên trốn thoát và
tiếp tục cuộc hành trình về Tây Vực. Hội kiến với rất nhiều bộ tộc nhưng
không có ai chịu hợp tác. Trương Khiên trở về nước vào năm 126 TCN. Tuy
nhiệm vụ không thành nhưng Trương Khiên mang về một kho tàng kiến thức
về Tây Vực nên được Hán Vũ Đế coi trọng và phong cho chức Thái Trung Đại
Phu.
Với những thông tin thu được, Trương
Khiên đã viết cuốn sách “Triều Dã Kim Tài” ghi lại những vùng đất mà ông
đã đặt chân tới gồm có vị trí địa lý, phong tục, tập quán, sản vật và
tiềm năng giao thương. Quyển sách này đã tác động mạnh đến giới thương
gia. Từ Trường An (nay là Tây An), thương gia Trung Hoa sử dụng lạc đà
vận chuyển vải lụa và gấm vóc đến tận Ba Tư và La Mã để bán và trao đổi.
Con Đường Tơ Lụa từ đó mới ra đời.
Con đường này lên xuống gập ghềnh theo
lịch sử thăng trầm của các triều đại. Khi nhà Hán suy tàn vào thế kỷ thứ
3, Con Đường Tơ Lụa cũng bị đình lại. Khi nhà Đường hưng thịnh, Con
Đường này lại phát triển. Khi nhà Đường bị lật đổ vào thế kỷ thứ 10, nó
lại bị suy thoái rồi trở lại thịnh vượng dưới vó ngựa hùng mạnh của Mông
Cổ. Dưới thời nhà Nguyên, một nhà thám hiển người Ý nổi tiếng là Marco
Polo (1254 – 1324) đã lưu lạc tới Trung Hoa và được phong làm quan đến
20 năm. Sau khi trở về nước bằng Con Đường Tơ Lụa, ông đã viết cuốn sách
Il Milione (Marco Polo Du Ký) kể lại toàn bộ quá trình lưu lạc đến
phương Đông và ghi lại những chuyến hàng đầy ấp sản vật trên Con Đường
Tơ Lụa. Nhưng đến thời nhà Minh thì vương triều bắt đóng thuế rất cao
nên thương gia phải tìm cách vận chuyển bằng đường biển. Quảng Châu được
xem là nơi khởi đầu của Con Đường Tơ Lụa trên biển. Còn Con Đường Tơ
Lụa trên đất liền dần dần đi vào tử lộ.
Vào tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình nhậm
chức Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc và sau đó là chủ tịch nước
trong tháng 3 năm 2013. Ông Tập đặt ra hai mục tiêu thế kỷ gồm có xây
dựng một xã hội khá giả vào năm 2021 nhân dịp Đảng CSTQ kỷ niệm 100 năm
ngày thành lập và xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa
hiện đại, giàu mạnh, dân chủ và văn minh vào năm 2049 nhân kỷ niệm 100
năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trong bài phát biểu
tại Đại Học Nazarbayeh, Kazakhstan vào ngày 7/9/2013, Tập Cận Bình lần
đầu tiên đưa ra sáng kiến mở lại Con Đường Tơ Lụa lịch sử để kết nối
kinh tế, hợp tác và mở rộng phát triển trong khu vực Trung Á và cùng
nhau xây dựng vành đai kinh tế theo Con Đường Tơ Lụa. Một tháng sau
trong chuyến viếng thăm Nam Dương vào tháng 10 năm 2013, ông Tập đề nghị
các nước hợp tác tiến hành xây dựng Con Đường Tơ Lụa trên biển khởi
điểm từ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến xuống các quốc gia Đông Nam Á, qua eo
biển Malacca tiến vào Ân Độ Dương rồi hướng tới Địa Trung Hải và dừng
chân tại Châu Phi. Hải lộ này kết nối 2 đại dương và 3 lục địa.
Vào đầu năm 2014, Trung Quốc tiến hành
thành lập nhóm chỉ đạo công tác xây dựng chiến lược ”Một vành đai, một
con đường” (One Belt, One Road hoặc OBOR) hay còn đường gọi là ”Nhất
đới, nhất lộ”. Một vành đai là ý tưởng xây dựng vành đai kinh tế theo
Con Đường Tơ Lụa lịch sử (Silk Road Economic Belt hoặc SREB) kết nối Á –
Âu và Một Con Đường là Con Đường Tơ Lụa trên Biển Thế kỷ 21 (Maritime
Silk Road hoặc MSR). Đứng đầu nhóm chỉ đạo là Trương Cao Lệ Phó Thủ
Tướng và Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị. Để nhanh chóng thi hành dự án
OBOR, Bắc Kinh không ngần ngại chi ra số tiền đầu tư khổng lồ chưa từng
có trong lịch sử gồm có 40 tỷ cho Quỹ Con Đường Tơ Lụa (Silk Road Fund)
và 50 tỷ thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (AIIB) vào
tháng 10 năm 2014, bất chấp sự phản đối của Mỹ.
Trong tháng 3 năm 2015, Ủy Ban Cải Cách
Phát Triển Quốc Gia cùng với Bộ Ngoại Giao và Bộ Thương Mại Trung Quốc
chính thức công bố văn bản OBOR. Dự án này bao gồm 65 quốc gia của 3 lục
địa Á , Âu và Phi với tổng dân số là 4.4 tỷ người (tức hơn phân nửa dân
số thế giới), có 30% GDP thế giới và nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trị
giá 5,000 tỷ Mỹ kim. OBOR sẽ tạo ra 6 hành lang kinh tế gồm có: Trung
Quốc – Mông Cổ – Nga; Cầu Nối Âu – Á trên đất liền mới; Trung Quốc –
Trung Á – Tây Á; Trung Quốc – Pakistan; Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ
– Miến Điện và Trung Quốc – Bán Đảo Đông Dương. OBOR nhắm tới kết nối 5
lãnh vực: điều phối chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại tự
do, hội nhập tài chánh và giao lưu nhân dân mà trong đó kết nối cơ sở hạ
tầng để xây dựng chuỗi giá trị giao thông, vận tải và loại bỏ ”nút thắt
cổ chai” là quan trọng nhất. Cơ sở hạ tầng gồm có đường sắt, đường cao
tốc, cảng hàng không, cảng biển, viễn thông, và đường ống dẫn dầu, năng
lượng và kho vận.
Một số người đã ví OBOR như kế hoạch
Marshall của Mỹ. Thật ra, OBOR có tầm mức to lớn hơn nhiều. Kế hoạch
Marshall là nhằm giúp đồng minh Hoa Kỳ tại Châu Âu phục hồi sau Đệ Nhị
Thế Chiến để chống lại mầm mống đe dọa của khối cộng sản từ Liên Xô.
Trong khi đó, OBOR có tham vọng kết nối hệ thống kinh tế của 65 quốc gia
xuyên qua 3 lục địa có hệ thống chính trị, xã hội và văn hóa khác nhau.
Nếu như Con Đường Tơ Lụa cổ đại đã được xây dựng từ dưới lên trên qua
từng bước chân của giới thương gia thì OBOR là một đại kế hoạch đầy tham
vọng được thiết kế từ trên xuống dưới bởi bộ phận đầu não từ Trung Nam
Hải. Đây là một chiến lược thương mại toàn cầu xuyên lục địa chưa từng
có trong lịch sử.
Nguyên nhân dẫn đến OBOR có ít nhất 3
điểm. Thứ nhất, sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành chính sách thực dụng
”mèo trắng, mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột”, Trung Quốc
đã trở thành công xưởng thế giới cung cấp hàng tiêu thụ rẻ tiền cho thị
trường toàn cầu. Phát triển kinh tế dựa vào xuất cảng giúp Trung Quốc
đưa hơn 300 triệu dân thoát khỏi nạn đói nghèo cũng như tăng mức dự trữ
ngoại tệ đến mức kỷ lục. Mặt trái của vấn đề là sự tàn phá môi trường
khủng khiếp là cái giá mà người dân Trung Quốc phải trả qua nhiều thế
hệ. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới vào năm 2007, xuất
cảng của Trung Quốc bắt đầu tụt giảm dẫn đến việc hàng hóa sản xuất dư
thừa và nạn thất nghiệp. Trung Quốc phải đi tìm thị trường mới và hệ
thống vận tải chuyên chở hàng hóa là một phần không thể thiếu được.
Thứ hai, phát triển kinh tế trong thời
gian qua không có tính đồng đều. Các tỉnh duyên hải miên Đông nhờ vào
giao thương mua bán với thế giới nên khá giả. Những khu vực phía Tây với
địa hình hiểm trở thì vẫn đói nghèo dẫn đến tình trạng bất ổn cũng là
động cơ cho các phong trào độc lập như ở Tân Cương và Tây Tạng. Khôi
phục Con Đường Tơ Lụa và xây dựng các hành lang kinh tế về phía Tây có
thể giúp nâng cao đời sống kinh tế cũng như phủ dụ các dân tộc thiểu số
chấp nhận sự cai trị của Đảng CSTQ. Mặt khác cũng giải quyết được phần
nào vấn nạn có hàng trăm triệu người di dân lao động từ các nơi hẻo lánh
tràn về các thành phố miền Đông để tìm việc làm và tạo ra nhiều vấn nạn
xã hội liên hệ.
Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất là để
đối phó với chiến lược xoay trục về Châu Á của Tổng Thống Obama và cụ
thể là TPP. Thật ra TPP không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Mỹ
nhưng rất nhiều ưu thế chiến lược. Với TPP, Mỹ sẽ viết ra điều luật và
ấn định hệ thống giao thương cho toàn thế giới. Quan trọng hơn là cô lập
Trung Quốc và không cho hoặc loại Trung Quốc ra khỏi một hệ thống
thương mại tự do có tiêu chuẩn cao trong khu vực Châu Á – Thái Bình
Dương. OBOR là một thế trận nhằm phá vỡ vòng vây TPP. Bằng cách liên kết
hệ thống vận tải với các nước trong khu vực trói buộc vận mệnh của các
nền kinh tế khác với Trung Quốc, OBOR sẽ hóa giải hoặc ít nhất là giảm
thiểu tác hại của TPP. OBOR không có Châu Mỹ và Châu Úc. Cùng với RCEP,
Trung Quốc có thể loại Mỹ ra khỏi cuộc chơi để nắm vai trò lãnh đạo khu
vực.
Nay thì TPP đã bị Tổng Thống Trump khai
tử. Nhưng OBOR vẫn phải đối diện với những thách thức khác. Thứ nhất,
Putin vẫn thường xem khu vực Trung Á và Đông Âu là sân sau của Nga nên
chắc chắn không khoanh tay ngồi yên để Tập dễ dàng xâm nhập. MRS cũng
đang vướng phải lòng tin chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á có tranh
chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc tại Biển Đông gồm có Việt Nam,
Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei. Thái độ hung hăng và hoạt động quân sự
hóa Biển Đông trái với lời hứa của tập cận Bình là lý do chính đáng để
mọi người ngờ vực về ý đồ của Trung Quốc. Ấn Độ cũng lo ngại về tham
vọng xâm nhập và khống chế Ấn Độ Dương của Bắc Kinh qua kế hoạch thuê
cảng nước sâu Gwadar 40 năm từ Pakistan. Tóm lại, dù không có sự hiện
diện mạnh mẽ của Mỹ nhưng có dấu hiệu OBOR đang bị tắc nghẽn. Nhưng cũng
không nên đánh giá thấp khả năng ngoại giao của Trung Quốc chẳng hạn
như AIIB là một chiến thắng ngoại giao ngoạn mục của Trung Quốc đối với
Hoa Kỳ. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đạt một số thành quả
trong nỗ lực siết chặt quan hệ với Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai và
Việt Nam. Nếu RCEP hoàn tất trong năm nay, các quốc gia ASEAN càng có
nhu cầu cấp bách cải thiện cơ sở hạ tầng để nâng sức cạnh tranh trong
một khu vực thương mại tự do rộng lớn. Cuộc đua vai trò lãnh đạo và vị
trí chiến lược tại Châu Á – Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ
vẫn còn gay go với nhiều yếu tố bất ngờ không thể lường trước được.
Theo Anhbasam