Chính trị học cho Việt Nam? (Hà Huy Toàn-Dân Luận)
Nguyễn Gia Kiểng là một
trong những nhà lý luận chính trị có ảnh hưởng nhất hiện nay. Tổ chức mà
ông lãnh đạo, Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên, được coi là tổ chức tiêu biểu
cho khuynh hướng hoà giải dân tộc.
Chính trị học theo đúng ý nghĩa đích thực cho khái niệm đó chỉ thật
sự nảy nở tại Việt nam vào thế kỷ XX với sự xuất hiện một số trí thức
xuất chúng: Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh, Trương Tử Anh, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Gia Kiểng, v. v.. Không chỉ rất muộn mà còn quá muộn so với các nước văn minh.
Phan Châu Trinh xuất hiện vào một giai đoạn đặc biệt: Thực dân Pháp
đã hoàn tất việc thiết lập chế độ thực dân tại Việt nam khiến mọi sự
phản kháng bạo động đối với chế độ đó đều phải thất bại đau đớn. Chính
thực tế đó đã thôi thúc Phan Châu Trinh tìm kiếm con đường khác cho công
cuộc giải phóng. Thay cho chủ trương đấu tranh bằng phương pháp bạo
động, Phan Châu Trinh chủ trương đấu tranh bằng phương pháp ôn hòa.
Phan Châu Trinh suy tư sâu sắc về nền tảng văn hóa cho chế độ chính
trị nhằm có thể thay đổi Việt nam trong tương lai. Khác tất cả các vị
tiền bối vốn vẫn bị chi phối nặng nề bởi Nho giáo, Phan Châu Trinh đã mở ra một con đường mới cho đời sống chính trị tại Việt nam.
Trước hết, Phan Châu Trinh đã lý giải được tại sao Việt nam suy sụp
đến nỗi phải trở thành thuộc địa cho Thực dân Pháp. Đó chính là Nho giáo. Phan Châu Trinh chống lại Nho giáo bằng thái độ dứt khoát.
Thứ hai, Phan Châu Trinh đã chỉ ra rằng muốn thay đổi chính trị, trước hết phải thay đổi văn hóa. Đó chính là tư tưởng vượt thời đại. Không chỉ vượt thời đại ở Việt nam mà còn vượt thời đại trên thế giới. Vào thời đại đó, thế giới ngoài Tây phương chỉ có Ấn độ
mới bắt đầu chủ trương thoát khỏi Thực dân Anh bằng phương pháp hòa
bình nhưng vẫn còn bế tắc cùng cực hoặc ít nhất cũng chưa thấy triển
vọng gì.
Với viễn kiến xuất chúng như thế, Phan Châu Trinh dấn thân chính trị nhằm thay đổi văn hóa. Phan Châu Trinh viết rất nhiều: Đầu Pháp Chính phủ Thư (1906), Hiện trạng vấn đề (1907), Hợp quần doanh sinh thuyết quốc âm tự (1907), Tây Hồ thi tập (tập hợp thơ được làm trong nhiều năm), Tuồng Trưng Nữ Vương (soạn chung với cả Huỳnh Thúc Kháng lẫn Phan Thúc Duyên vào năm 1910), Trung Kỳ dân biến tụng oan thủy mạt ký (1911), Santé thi tập (bao gồm hơn 200 bài thơ được soạn trong ngục thất tại Pháp, 1915), Thư thất điều (thư vạch 7 tội của vua Khải Định, 1922), Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (bao gồm hơn 7. 000 câu thơ lục bát được soạn từ 1912 đến 1913), Tỉnh quốc hồn ca I, II
(phần I được làm khi ở Việt nam (1907), phần II được làm khi sang Pháp
(1922). Đây là thơ hiệu triệu nhằm thức tỉnh đồng bào, tạo dân khí mạnh,
đề cao dân quyền), Bức thư trả lời cho người học trò tên Ðông (1925), Đông Dương chính trị luận (1925), Đạo đức và Luân lý Đông Tây (1925), Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa (1925), Ngoài ra, Phan Châu Trinh còn thực hiện các bài diễn thuyết và một số thơ (không nằm trong Tây Hồ thi tập) và câu đối bằng Hán tự được làm từ 1902 đến 1912, vân vân. Tất cả các tác phẩm đó đều chủ trương một tư tưởng cốt lõi: Bất bạo động, bạo động tắc tử. Bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu. Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Tức là: Không được bạo động, bạo động ắt sẽ chết! Không dựa dẫm vào người ngoài, dựa dẫm vào người ngoài là ngu! Trước hết phải khai sáng cho dân chúng để nâng cao dân trí. Dân trí được nâng cao sẽ nâng cao sức mạnh cho dân chúng. Cuối cùng mới tính toán sinh kế cho dân chúng.
Không còn nghi ngờ gì nữa: chính Phan Châu Trinh đã thiết đặt nền móng đầu tiên cho chính trị học tại Việt nam, mọi tư tưởng chính trị rời xa Phan Châu Trinh đều sẽ đi đến sai lầm.
Không ai có thể đánh giá chính xác hơn Daniel Héméry, một sử
gia uyên bác người Pháp: “Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh theo tôi
là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt nam
ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề (les problematimaques) đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận” [1]).
Phạm Quỳnh không làm đầu sai cho Thực dân Pháp như một số kẻ xấu
tuyên truyền mà chỉ cộng tác với Triều đình Phong kiến đang suy tàn để canh tân đất nước.
Phạm Quỳnh đi tiên phong trong việc dùng Việt ngữ để viết lý luận, thực hiện một chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước.
Về tư tưởng, Phạm Quỳnh thực hiện triệt để đường lối văn hóa được khởi xướng bởi Phan Châu Trinh: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Theo đường lối đó, Phạm Quỳnh cũng viết nhiều. Ở đây tôi chỉ liệt kê một số tác phẩm quan trọng nhất: Văn minh luận, Khảo luận về Chính trị nước Pháp, Lịch sử và Học thuyết của Rousseau, Lịch sử và Học thuyết của Montesquieu, Lịch sử và Học thuyết của Voltaire, Phật giáo Lược khảo, v. v... Nói cho thật chính xác: Phạm Quỳnh truyền bá tư tưởng khai sáng cho Việt nam.
Về chính trị, Phạm Quỳnh đấu tranh cho Việt nam độc lập bằng
phương pháp hòa bình. Chủ trương lập hiến để Việt nam dần dần độc lập
với Pháp.
Vì được kính trọng sâu rộng trong dân chúng, đặc biệt tầng lớp trí thức, nên Phạm Quỳnh bị thủ tiêu bởi lực lượng Việt minh ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 [2]).
Trương Tử Anh chủ trương chủ nghĩa dân tộc sinh tồn. Theo hệ tư tưởng này, nhân loại tồn tại với những bản năng cơ bản là vị kỷ, tình dục và xã hội. Để sinh tồn, các bản năng này phải mạnh hơn những cá thể khác. Để bản năng mạnh mẽ, cần có sức mạnh, cải biến và hợp quần.
Từ những tiền đề đó, Trương Tử Anh khẳng định: “Vấn đề sinh tồn là trung tâm điểm của lịch sử. Mục đích thiêng liêng cho mọi hành động của nhân loại từ xưa đến nay là mưu cầu sự sinh tồn cho mình”. Tuy nhiên, “Chủ nghĩa Quốc tế (chủ nghĩa cộng sản) không thể giải quyết được vấn đề sinh tồn”. Chính vì thế, “Muốn giải quyết vấn đề sinh tồn, chúng ta không thể chủ trương thực hành chủ nghĩa quốc tế được. Chủ trương như thế bao giờ cũng vẫn hoàn toàn ảo tưởng. Xét về phương diện tâm lý, chủ nghĩa quốc tế không thích hợp với những bản năng cội gốc của nhân loại, mà về mặt thực tế lại càng không có lý do tồn tại”.
Trương Tử Anh chủ trương: “Dân tộc ta phải tự giải quyết lấy vấn đề sinh tồn cho mình. Người nào không tin ở mình là người bỏ đi. Dân tộc nào không tin ở mình là cái điềm báo trước dân tộc đó sắp mất. Dân tộc ta muốn trở nên phú cường, phải nuôi lấy đức tự tin, tự cường cho thật hùng hậu. Phải tự mình suy xét cho ra cái cớ hưng vong của mình và tìm phương tự cứu”. Để làm được điều này, cần có tinh thần quốc gia.
Trương Tử Anh nhận định: “Tinh thần quốc gia là cái nguyên nhân độc nhất bảo tồn dân tộc ta vậy”. Theo ông, nhiệm vụ trước mắt mà những người yêu nước phải thực hiện là giải phóng dân tộc. Ông nêu rõ: “Hiện thời, vấn
đề cấp bách mà chúng ta phải giải quyết ngay là giải phóng cho dân tộc
ta về cả mặt hình thức lẫn tinh thần khỏi cái ách ngoại tộc đè nén. Muốn đến đích, chúng
ta không thể noi theo con đường nào khác là làm cho phát triển đến cực
độ cái tinh thần quốc gia sẵn có rễ sâu cội chắc ở trong thâm tâm mọi
người”. Nhưng Ông khẳng định: “Tuy nhiên, giải phóng dân tộc mới chỉ mở đầu cho một công cuộc lâu dài là mưu cầu sự sinh tồn trường cửu cho toàn thể giống nòi. Sự sinh tồn mới là cái tuyệt đích cho chúng ta theo đuổi mà Chủ nghĩa Xã hội, vì vấn đề sinh tồn mà phát sinh ra các vấn đề xã hội”. Chính vì vậy nên mới có quan điểm cho rằng chủ nghĩa này tập trung vào phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Đối với mâu thuẫn xã hội, Trương Tử Anh xác quyết đúng đắn rằng: “Nguyên nhân sâu xa dẫn đến xung đột giai cấp ở các nước kỹ nghệ phát đạt cũng chỉ vì đời sống xã hội không được điều hòa, sự sinh tồn của các giai cấp dưới bị uy hiếp. Ta giải quyết vấn đề sinh tồn chung, tức là giải quyết đến căn nguyên các vấn đề xã hội”.
Đồng thời, Trương Tử Anh cho rằng chủ nghĩa quốc tế của những người
cộng sản là chủ thuyết không tưởng, phi thực tế. Ông khẳng định: “Nhưng chúng ta phản đối tất cả các khuynh hướng siêu quốc giới, không mơ màng đến những việc không thể làm được. Chúng ta nhìn chung vào thực tế và chỉ lo toan cho lợi quyền sống còn của dân tộc ta thôi”.
Trong Tuyên ngôn Thành lập Đại Việt Quốc dân Đảng ngày 10 Tháng Chạp 1939, Trương Tử Anh viết: “Chúng ta phải nhận thức rằng trên lập trường quốc tế, giữa các quốc gia chỉ có quyền và lợi mà thôi. Mọi hành động của nước này đối với nước khác không ngoài mục đích ấy”.
Người ta dễ dàng nhận thấy Trương Tử Anh đã lập luận chủ yếu bằng Tiến hoá luận được xác lập võ đoán bởi Charles Darwin
(1809 – 1882) khiến triết lý chính trị được xác lập bấp bênh như vậy
bởi Trương Tử Anh sẽ khó hoặc thậm chí không thể tránh khỏi con đường
dẫn đến chế độ độc tài. Hậu thế cần phải học hỏi Trương Tử Anh không
phải để áp dụng Trương Tử Anh mà chỉ để né tránh Trương Tử Anh sau khi
đã rút ra được một sự thật hiển nhiên về bản chất nhân loại, đó là bản năng sinh tồn cùng với bản tính vị kỷ
được sinh ra từ cái bản năng kia! Người ta cần phải học hỏi Trương Tử
Anh theo nghĩa đó, cũng như cần phải học hỏi Karl Marx (1818 – 1883)
không phải để áp dụng K. Marx mà chỉ để né tránh K. Marx cho dù Trương
Tử Anh không chỉ thù địch với K. Marx mà còn vượt qua K. Marx khi quan
niệm đúng đắn về bản chất nhân loại cũng như động lực tuyệt đối cho lịch
sử nhân loại!
Có thể nói rằng: Trương Tử Anh với chủ nghĩa dân tộc sinh tồn dựa
trên sự thật hiển nhiên về bản chất nhân loại cùng với động lực tuyệt
đối cho lịch sử nhân loại, đã thiết đặt nền tảng chắc chắn cho chính trị học tại Việt nam
vốn đã được thiết đặt những nền tảng đầu tiên bởi Phan Châu Trinh.
Trương Tử Anh là người Việt nam đầu tiên đã giải thích chính xác động
lực tuyệt đối cho lịch sử nhân loại bất chấp thái độ bất công đối với
ông: một thái độ ngạo ngược luôn luôn muốn vùi dập ông hoặc không thừa
nhận công trạng to lớn cho ông. Tuy còn thiếu sót cần phải được lấp đầy
nhưng chủ nghĩa dân tộc sinh tồn cũng đủ làm cho Trương Tử Anh trở thành
một trong những triết gia lỗi lạc nhất trên thế giới để ông có thể được
sánh ngang với các triết gia vĩ đại nhất, như Niccolò Machiavelli (1469 – 1527) ở Ý, John Locke (1632 – 1704) ở Anh, Charles de Secondat Montesquieu (1689 – 1755) ở Pháp, James Madison (1751 – 1836), ở Mỹ, v. v..
Trong buổi giao thời đầy nguy hiểm với làn sóng cộng sản đang dâng
lên mạnh mẽ, một nhân vật xuất chúng như Trương Tử Anh ắt sẽ không thể
tránh khỏi bị vùi dập tàn nhẫn bởi chính làn sóng đó. Cũng như Phạm
Quỳnh, Trương Tử Anh đã bị thủ tiêu bởi lực lượng Việt minh. Triết lý
chính trị dựa trên sự thật hiển nhiên được xác lập chắc chắn bởi
Trương Tử Anh cũng theo đó mà không hề được nhắc đến nữa rồi bị lãng
quên tàn nhẫn theo não trạng vĩ cuồng suốt hơn 70 năm qua [3]).
Nguyễn Văn Bông đã viết một tác phẩm kinh điển về đời sống chính trị: Luật Hiến pháp và Chính trị học. Tác phẩm này đã chứng minh rằng: “1/ Dù Chính trị có được xem là bệnh dịch hạch hay là địa hạt của những xảo trá, xôi thịt, hoặc được quan niệm như cái gì chỉ liên quan đến chính đảng, đến đấu tranh về ý thức hệ, con người không thể thoát khỏi vòng kiềm tỏa của chính trị. 2/ Dù cố ý sống trong tháp ngà hay vô tình lánh xa xã hội, khung cảnh cũng như trật tự pháp lý và những vấn đề chính trị vẫn chi phối và quấy nhiễu chúng ta. 3/ Ưu thế và tầm quan trọng của chính trị không thể chối cãi. 4/ Trong chiều hướng ấy, quyển
sách này nhằm giúp sinh viên một tài liệu học hỏi và đồng thời những ai
mong mỏi mở rộng kiến thức về quy tắc căn bản của Quốc gia và điều kiện
thực tiễn của cuộc sinh hoạt chính trị. Chúng tôi chỉ muốn lưu ý hai điểm: a/ Khi đề cập đến Luật Hiến pháp hay Chính trị học, độc giả không nên quên rằng các vấn đề pháp lý hay chính trị không thể tách rời lịch sử tổng quát, rằng Hiến pháp không phải là sáng tác của óc tưởng tượng mà trước hết là sản phẩm của hoàn cảnh, của xã hội, của biến cố; b/ Nghiên cứu cuộc sinh hoạt chính trị hay các vấn đề hiến tính, “Lý thuyết Đại cương” (phần thứ nhất) có một tầm quan trọng đặc biệt. Chính
trong phần này sinh viên tìm thấy những yếu tố ích lợi để có những nhận
định khách quan và thực tiễn về các vấn đề trọng đại của Quốc gia, vấn đề mà sự hiểu biết rất cần thiết không những để học và thi mà còn để có dịp bày tỏ lập trường – với tư cách công dân tự do – trong cuộc tham gia vào sinh hoạt chính trị” (trích Lời Tựa cho ấn bản đầu tiên được xuất bản vào năm 1967).
Tuy mức độ khái quát chưa đạt được hình thức cao nhất cần phải có cho một công trình tổng quát nhất về Luật Hiến pháp cũng như Chính trị học (tác giả không xuất phát từ bản chất nhân loại để suy ra ba chính thể khác nhau: chuyên chế, quý tộc và dân chủ, mà chỉ phân tích hình thức đối với mối tương quan tất yếu giữa các yếu tố cấu thành cho một Hiến pháp hoặc thực tại chính trị) nhưng tác phẩm này có thể làm cho những độc giả thông thái nghĩ ngay về Aristotle, một tác gia vĩ đại nhất ở Tây phương vào thời đại cổ xưa đã xác quyết chính xác rằng: Nhân loại, từ bản chất, là một sinh vật chính trị. Căn cứ vào đó, tôi xin phép được coi Nguyễn Văn Bông như một Aristotle ở Đông phương vào thế kỷ XX.
Cũng như các thiên tài khác tại Việt nam vào thời buổi hỗn loạn,
thiên tài Nguyễn Văn Bông đã bị ám sát rồi chết tan xác bởi các tay
khủng bố cộng sản. Sự thật đó đã được phơi bày trần trụi trên báo chí
chính thống. Tội ác ghê tởm nhất đã được tuyên dương trắng trợn nhất
[4]).
Nguyễn Gia Kiểng hiện nay đang sống lưu vong tại hải ngoại khiến tôi
không thể nhận xét tổng thể về nhân vật này. Việc đó sẽ được dành cho
hậu thế. Nhưng tôi có thể trình bày sơ lược về tiểu sử ngắn gọn cho
Nguyễn Gia Kiểng đã được phổ biến rộng rãi trên truyền thông đại chúng.
Nguyễn Gia Kiểng sinh ngày 8 Tháng Một 1942 (8/11/1942) tại Thái
bình trong một gia đình đặc biệt có truyền thống chính trị: cha cùng các
chú bác đều làm đảng viên cho Việt nam Quốc dân Đảng. Sau Cách mạng
Tháng Tám 1945, Đảng Cộng sản Việt nam mở đợt khủng bố nhằm tiêu diệt
các đảng phái quốc gia, như Việt nam Quốc dân Đảng, Việt nam Cách mạng
Đảng, Đảng Đại Việt, hai người chú bị thủ tiêu, cha bỏ trốn. Bà mẹ bị
truy bức hằng ngày bởi Việt Minh cuối cùng phải dẫn các con bỏ trốn về
quê ngoại ở Hải dương, rồi bắt liên lạc được với chồng dắt các con lên
Hà nội.
Năm 1954, Nguyễn Gia Kiểng di cư vào miền Nam cùng với gia đình. Vì
thân phụ ông làm đảng viên cho Việt nam Quốc dân Đảng mà bị tình nghi có
âm mưu chống chính quyền Ngô Đình Diệm nên thân phụ ông lại bị truy
lùng ở miền Nam phải trốn lên Pleiku ẩn náu cho tới khi xảy ra đảo chính
quân sự lật đổ Ngô Đình Diệm.
Nguyễn Gia Kiểng học hết trung học vào năm 1961 rồi được nhận học bổng đi du học tại Pháp. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại École Centrale de Paris, ông học thêm cao học kinh tế, làm việc 5 năm tại Pháp rồi về nước vào năm 1973.
Khi sống tại Pháp từ năm 1961 đến năm 1973, Nguyễn Gia Kiểng làm Chủ
tịch cho Tổng Hội Sinh viên Việt nam tại Paris nhiệm kỳ 1965 – 1966 rồi
làm Chủ tịch cho Liên minh Sinh viên và Công nhân Việt nam tại Âu châu
vào năm 1968. Ông là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất đối với sinh
viên và công nhân Việt nam tại Pháp cho đến khi về nước.
Về nước vào năm 1973, ông làm chuyên viên ngân hàng đồng thời giảng
dạy môn kinh tế chính trị tại Đại học Minh Đức Sài gòn rồi làm phụ tá
cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế với hàm Thứ trưởng cho đến ngày 30 Tháng Tư
1975.
Sau ngày đó, ông bị đưa đi tập trung cải tạo trong hơn ba năm rồi
được sử dụng làm chuyên viên dưới chế độ cộng sản cho đến khi được phép
đi Pháp vào năm 1982 nhờ sự can thiệp từ Chính phủ Pháp. Trong thời gian
làm việc dưới chế độ cộng sản, ông làm quen với một số đảng viên cộng
sản cao cấp sau này trở thành những nhà phản kháng nổi tiếng, như Nguyễn
Hộ, La Văn Liếm, v. v..
Trở lại Pháp vào năm 1982, Nguyễn Gia Kiểng vừa hành nghề kỹ sư vừa
làm doanh nhân. Ông trở thành Chủ tịch – Tổng Giám đốc tại một công ty
tham vấn cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2005 để dành toàn bộ thời gian cho
hoạt động chính trị.
Ngay khi trở lại Pháp, Nguyễn Gia Kiểng cùng một số trí thức, phần
lớn đã từng làm viên chức cao cấp cho chế độ cộng hòa tại miền Nam Việt
nam, đã từng trải qua các trại cải tạo sau ngày 30 Tháng Tư 1975, thành
lập một nhóm chính trị sau này trở thành Tập hợp Dân chủ Đa nguyên,
chủ trương đấu tranh cho dân chủ bằng đường lối ôn hòa, bất bạo động,
trong tinh thần hòa giải dân tộc. Ông lãnh đạo tổ chức này từ ngày thành
lập.
Từ năm 1988, tổ chức này cho phát hành nguyệt san “Thông Luận”
gây tranh cãi sôi nổi. Nguyễn Gia Kiểng được biết tới như một nhà lý
luận chính cho tờ báo này. Vì lập trường ôn hòa nên Nguyễn Gia Kiểng
cùng tổ chức của ông bị đả kích dữ dội bởi các tổ chức chống cộng theo
kiểu cực đoan, kể cả bị đả thương trong một lần diễn thuyết tại Hà lan
vào năm 1990. Ngược lại, ông cùng Tập hợp Dân chủ Đa nguyên cũng được
ủng hộ mạnh mẽ bởi các nhà dân chủ ôn hòa và dần dần được chấp nhận bởi
dư luận rộng rãi, nhất là được ủng hộ bởi những người cộng sản cởi mở.
Phần lớn các tổ chức dân chủ tại Việt nam hiện nay đều có những lập
trường chính trị rất gần với những chủ trương ôn hòa được đề nghị bởi
Nguyễn Gia Kiểng cùng với tổ chức của ông.
Nguyễn Gia Kiểng viết rất đều trên nguyệt san “Thông Luận” và trang Web “Thông Luận”
của Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên từ hơn hai mươi năm qua chung quanh các
chủ đề về triết lý chính trị, kinh tế, vận động dân chủ, và đôi khi lịch
sử. Nguyễn Gia Kiểng đặc biệt chú trọng hô hào cho văn hóa tổ chức,
coi xã hội dân sự với những tổ chức độc lập, không phụ thuộc chính
quyền, như một điều kiện bắt buộc cho tiến trình dân chủ hóa. Ông làm
tác giả cho cuốn sách chính trị bằng Việt ngữ được đọc nhiều nhất trong
những thập niên gần đây: Tổ quốc Ăn năn (Nguyễn Ngọc Phách đã chuyển dịch sang Anh văn: Whence… Whither… Vietnam? ).
Tác giả bị tố cáo đạo văn. Tôi không biết sự thật thế nào nhưng tôi
thấy tác phẩm đó đã nói đúng về người Việt nam. Sự thật thế nào cũng bắt
buộc người Việt nam phải thay đổi về văn hoá chính trị. Dù luôn
luôn tự khẳng định mình là một người hành động, Nguyễn Gia Kiểng là một
trong những nhà lý luận chính trị có ảnh hưởng nhất hiện nay. Tổ chức mà
ông lãnh đaọ, Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên, được coi là tổ chức tiêu biểu
cho khuynh hướng hoà giải dân tộc.
Nguyễn Gia Kiểng nối tiếp tư tưởng nhân văn tại Việt nam vốn chỉ mới được khởi xướng vào đầu thế kỷ XX bởi Phan Châu Trinh. Ở Nguyễn Gia Kiểng: lý luận thống nhất với thực tiễn [5]).
Một dân tộc với số dân gần một trăm triệu người mà chỉ có một số ít
tài năng xuất chúng về chính trị học được kể ra trên đây đã giải thích
được tại sao Việt nam lại tụt hậu thê thảm như vậy. Sự thể này chỉ chứng tỏ rằng Dân tộc Việt nam vẫn chưa lớn khôn.
Đối với Việt nam, lại thêm một lần nữa, tôi phải đau đớn tâm can mà thốt lên lên rằng:
Dân bao nhiêu triệu chưa khôn lớn?
Nước mấy ngàn năm vẫn dại khờ!?
Nước mấy ngàn năm vẫn dại khờ!?
Vào đầu thế kỷ XX, Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 – 1939) cũng đã từng than vãn não nùng trong “Khối Tình Con” rằng:
Dân hai nhăm triệu ai người lớn?
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con!?
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con!?
Nhưng vì diễn đạt tư tưởng bằng những con số cụ thể: hai mươi lăm triệu cùng với bốn ngàn năm, nên Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu không thể lường được hai câu thơ đó có thể bị xuyên tạc trắng trợn nhằm che giấu một sự thật ê chề, sự thật đó cho thấy Dân tộc Việt nam vẫn chưa trưởng thành về nhận thức để có thể làm được Hiến pháp Chân chính cho mình mà vẫn phải sao chép Hiến pháp Giả ngụy được tạo ra bởi các nhà độc tài ở nước khác.
Những con số cụ thể dễ làm cho người ta hiểu lầm rằng hai câu thơ đó
chỉ đúng với Việt nam vào đầu thế kỷ XX mà có thể không ngờ rằng hai câu
thơ đó còn đúng với cả Việt nam vào đầu thế kỷ XXI nữa. Thật ra, Tản đà
Nguyễn Khắc Hiếu muốn nói bằng thơ rằng Dân tộc Việt
nam vẫn chưa trưởng thành về nhận thức dẫn đến chưa trưởng thành về
chính trị hoặc chưa biết tổ chức xã hội theo chính thể dân chủ. Nam Việt nam, với danh xưng là Việt nam Cộng hòa, tuy đã từng làm được Hiến pháp Chân chính vào năm 1967 nhưng lại bị tiêu diệt vào năm 1975 bởi ý thức hệ chuyên chế.
Vì chưa có dân chủ nên dù nước vẫn còn nhưng nhân dân vẫn có thể yếu
hèn nhược tiểu mà không thể làm chủ được đối với chính bản thân. Hai câu
thơ đó vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho đến tận ngày nay khi chưa có
dân chủ cho Việt nam nhưng hai con số cụ thể lại cho phép người ta có
thể diễn dịch sai lạc hai câu thơ đó theo một ý nghĩa khác hẳn nhằm vào
một mục đích thực tiễn có thể tốt đẹp mà cũng có thể xấu xa. Người ta có
thể diễn dịch rằng chế độ thực dân làm cho dân tộc Việt nam yếu
hèn nhược tiểu nhưng người ta cũng có thể diễn dịch rằng Dân tộc Việt
nam sẽ trưởng thành sau khi thoát khỏi chế độ thực dân. Diễn dịch như
vậy chẳng qua chỉ nhằm mỵ dân để nhân dân chấp nhận chế độ độc tài sau
ách thực dân mà thôi. Quả thật, đám văn nô trong nền chuyên chính vô sản
vốn u mê cùng cực đã ra sức xuyên tạc Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu nhằm biện
hộ trắng trợn cho nền chuyên chính đó. Vậy chỉ cần giải thoát hai câu
thơ đó khỏi những con số cụ thể sẽ làm cho hai câu thơ đó còn nguyên giá
trị thời sự cho đến khi có dân chủ cho Việt nam.
Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu còn xác quyết mạnh mẽ hơn vào năm 1927:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân khốn dễ làm quan
Cho nên quân khốn dễ làm quan
Tôi chỉ nhắc lại Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu cho chính xác hơn mà thôi [6]).
Vào cuối thế kỷ XX, Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) cũng đã nói thẳng thật trong “Lời Thề thứ Chín” rằng: “Nhân dân ta rất anh hùng nhưng thật ra hèn lắm”! Kịch gia lỗi lạc đã phải trả giá đắt cho câu nói đó bằng cả mạng sống của mình qua một cái chết thảm khốc nhất [7]).
Hồi nhỏ tôi thường được nghe một số câu vè cho thấy người Việt nam quy trách tổ tiên:
Chung quy chỉ tại Vua Hùng
Sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên
Người khôn chỉ muốn vượt biên
Còn lại kẻ dại vừa điên vừa khùng.
Sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên
Người khôn chỉ muốn vượt biên
Còn lại kẻ dại vừa điên vừa khùng.
Mãi đến tận bây giờ tôi vẫn không biết những câu vè ấy xuất hiện vào lúc nào. Nhưng căn cứ vào làn sóng thuyền nhân bỏ nước ra đi (vượt biên), tôi tin rằng những câu vè ấy chỉ mới xuất hiện vào cuối thế kỷ XX thôi!
Hồi còn học phổ thông, tôi được học một số câu ca dao cho thấy người Việt nam cảm thấy bế tắc:
Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra [8]).
Leo phải cành cụt leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra [8]).
Dù nghèo hèn phải “leo cành đa” hay giàu sang chỉ “leo cành đào”, một khi đã leo phải “cành cụt” cũng sẽ chỉ luẩn quẩn hết “leo vào” rồi lại chỉ “leo ra”
mà thôi, chẳng thấy lối thoát mà chỉ thấy bế tắc. Nhưng tôi tin rằng bi
kịch này sẽ được chấm dứt trong tương lai gần, rất gần!
Các tác gia vĩ đại, như Lưu Quang Vũ, Nam Cao, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu,
mặc dù các tác phẩm văn học được tạo tác tuyệt vời bởi chính họ không
nhằm xác quyết hay giải quyết những vấn đề chính trị cũng đã cho thấy
mập mờ rằng Việt nam chưa có chính trị học theo đúng ý nghĩa đích thực cho danh từ đó. Không phải Việt nam không có tài năng xuất chúng về chính trị học mà thật ra Việt nam cũng đã có tài năng đó nhưng rất ít, như Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh, Trương Tử Anh, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Gia Kiểng,
nhưng họ phải trả giá đắt, cực kỳ đắt, cho cống hiến của mình. Với tư
tưởng khai sáng ngày càng sáng láng, Phan Châu Trinh bị chối bỏ bởi đại
đa số người đồng bào, Phạm Quỳnh bị ám sát bởi Việt minh, Trương Tử Anh
cũng bị ám sát bởi Việt minh rồi chết mất xác, Nguyễn Văn Bông bị ám sát
bằng bom bởi Cộng sản rồi chết không toàn thây ngay giữa Thủ đô Sài
gòn, Nguyễn Gia Kiểng phải sống lưu vong sau khi đã bị mất hết mọi thứ
cho một người bình thường, kể cả tổ quốc. Đó chính là bi kịch tinh thần
vẫn được kéo dài lê thê sang tận thế kỷ XXI. Nhưng tôi tin rằng bi kịch
này sẽ được chấm dứt trong tương lai gần, rất gần!
Tình trạng bi đát tại Việt nam hiện nay khiến tôi phải lao tâm khổ tứ để xây dựng một hệ thống triết học về đời sống xã hội, bao gồm cả đời sống chính trị [9]). Tôi không được tán thưởng mà chỉ bị dè bỉu, rằng không cần phải lo liệu cho thiên hạ mà hãy tự lo liệu cho chính mình. Nhưng tôi hiểu tình trạng bi đát không làm cho cái não trạng hời hợt cảm thấy bị thôi thúc phải làm gì cho đời sống chung hoặc lợi ích chung.
Tôi xác tín rằng bi kịch tinh thần sẽ được chấm dứt cho Việt nam trong tương lai gần, rất gần, rất gần!
HÀ HUY TOÀN