Tết về lại nhớ...quê Choa (FB Phạm Văn Dũng)

 Cơ khổ! Nhà tôi bị bệnh bẩm sinh, từ nhỏ đến giờ chỉ nói được đúng một từ: “Dạ"!


Cách đây vài năm, Quê Choa là món ăn tinh thần không thể thiếu của giới cấp tiến. Lúc đó mình vô cùng hào hứng.  Nhớ những ngày đầu năm mới, mình viết ào ào một loạt truyện rất ngắn. Lúc đó mình hay đăng trên trang của các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Văn Công Hùng và Ngô Minh. Đến nỗi Văn Công Hùng phải thốt lên trong một bài viết: “Phạm Dũng bỏ bom tôi!” vì cứ mỗi buổi sáng mình lại gửi cho Hùng một truyện ngắn.

Sáng nay cùng nhà văn Ngô Xuân Hội đến chơi với Bọ Lập. Không như mọi hôm, hôm nay không thấy an ninh gác cửa. Mình và Hội được Lập tặng sách. Cầm mấy cuốn Lập đưa chỉ bằng một cánh tay, (cánh tay kia liệt). “Ông viết bằng một tay à?” – Mình hỏi. “Thì một tay chứ mấy!” – Lập đáp. Thấy nghẹn lại, lòng rưng rưng bao nỗi niềm.

Quê Choa ơi, Người xuất hiện và tồn tại không lâu nhưng Người là một điểm sáng, rất sáng của sự khai mở, tính minh triết và lòng dũng cảm. Trong tận đáy lòng tôi mãi mãi thầm biết ơn Người.

Xin post lại một truyện ngắn viết khi đó.

ÔNG DU! DẠ!

(Truyện cực ngắn)

Trước cửa nhà ông Du có hai con chó lẹo nhau. Ông Du cùng một ông hàng xóm và bọn trẻ con đứng xem. Rồi ông hàng xóm lẩm bẩm: “Hai con chó này tự do quá!”. Ông Du buột miệng: “Dạ!”.

Trong đám trẻ con có một đứa nghe nhầm, tưởng ông nói, chạy về mách mẹ. Rồi mẹ nó sang thầm thì với bà hàng xóm, rồi bà hàng xóm thầm thì với đại hàng xóm. Tin ông Du nói câu đó lan truyền nhanh như virút cúm.

Cuối cùng, qua rất nhiều quy trình theo đúng thủ tục của các cán bộ hành pháp có kinh nghiệm, ông Du phải hầu tòa.

Tòa hỏi và ông Du đáp.

– Ông Du! Có phải ông nói: “Hai con chó này tự do quá!” không?

– Dạ!

– Có phải ông nói câu đó là có ý ám chỉ ở nước ta hiện giờ con chó còn tự do hơn con người không?

– Dạ!

– Ông có công nhận ông đã vi phạm điều…

Ông thẩm phán cẩn thận giở cuốn Luật ra và nói cái điều mà ông định nói. Và ông Du lại đáp:

– Dạ!

Ông thẩm phán hỏi tiếp:

– Chúng tôi giam ông lại nhằm mục đích để ông tự nhìn lại bản thân mà sửa mình, để không có điều kiện tuyên truyền chống phá những thứ tốt đẹp, và hoàn thiện mà xã hội đang được thụ hưởng, ông có tâm phục khẩu phục không?

– Dạ!

– Hôm nay có rất nhiều nhà báo nước ngoài đến dự, ông có công nhận phiên tòa này tiến hành hoàn toàn theo đúng với trình tự và quy định của pháp luật hiện hành không?

– Dạ!

Ông thẩm phán hô lớn:

– Bãi tòa!

Vợ ông Du ngồi bên ngoài, nghe xử án qua loa phóng thanh, nghẹn ngào nói với người ngồi bên cạnh:

– Cơ khổ! Nhà tôi bị bệnh bẩm sinh, từ nhỏ đến giờ chỉ nói được đúng một từ: “Dạ"!