“Văn hóa tổ chức” của người Việt và bài học từ Hội Nhà Báo Độc Lập (Việt Hoàng)

“…Để khắc phục nhược điểm này không khó, chỉ cần chịu khó học hỏi và biết lắng nghe trên tinh thần bao dung và cầu tiến là sẽ ổn thỏa. Một tổ chức xã hội khác hoàn toàn với cơ cấu của một công ty vì nó được xây dựng trên nền tảng của sự đồng thuận và hiểu biết lẫn nhau. Tư tưởng, mục tiêu và sự chấp nhận khác biệt sẽ là chất keo kết dính các thành viên lại với nhau…”

 
“Văn hóa tổ chức” của người Việt và bài học từ Hội Nhà Báo Độc Lập (Việt Hoàng)

Có lẽ anh em chúng tôi (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) là những người nói nhiều nhất về Hòa Giải Dân Tộc, về Dân Chủ Đa Nguyên và về cả “Văn hóa tổ chức” của người Việt. Không ít người đã cho rằng người Việt không cần phải hòa giải, dân chủ nào mà chẳng đa nguyên và ‘văn hóa tổ chức’ của người Việt cũng bình thường như bao nước khác… Sự thực không hoàn toàn đơn giản như vậy. Người Việt vốn đơn giản và lười suy nghĩ. Vì thế mà người Việt không có các nhà tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị. Các nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa lớn cũng không có, ngay cả với cộng đồng người Việt tại hải ngoại, là những người đã sống hơn 40 năm dưới các thể chế chính trị tự do và dân chủ.

Chính vì không thích suy nghĩ, đơn giản mọi thứ nên người Việt không dành những quan tâm cần thiết cho các nhà tư tưởng mà chỉ biết dành sự ủng hộ và tôn vinh cho những người… dũng mãnh. Các vị võ tướng luôn được ca ngợi và thờ phụng thay vì các vị quan văn có tư tưởng tiến bộ. Khổng Minh là một quan văn, chưa bao giờ phải cầm đao, cầm kiếm mà chỉ cầm quạt lông chim phe phẩy suốt ngày nhưng ông ta đã gián tiếp chém đầu nhiều viên tướng dũng mãnh kể cả quân ta lẫn quân địch. ‘Tam Quốc diễn nghĩa’ là một bộ sử thi vĩ đại, đề cao giá trị của tư tưởng (ở đây là tư tưởng quân sự của Khổng Minh) thế nhưng không ít người lại rất sùng bái và tôn vinh Quan Vũ và Trương Phi, là những kẻ hữu dũng vô mưu. Nhất là một kẻ vô tổ chức và gây nhiều thiệt hại cho Lưu Bị là Trương Phi. Có lẽ người đời đánh giá cao tấm lòng vì đại nghĩa và ‘thẳng như ruột ngựa’ của Quan Vũ và Trương Phi chăng?

Trong công cuộc tranh đấu vì dân chủ cho Việt Nam hôm nay thì cái nhìn phiến diện đó vẫn còn rất rõ nét. Nhiều người dân vẫn đánh giá thấp sự cống hiến của tư tưởng, nhất là ‘tư tưởng chính trị’ mà chỉ biết ca ngợi và kêu gọi sự ‘hy sinh’, mà nhiều khi sự hy sinh đó chỉ là những hành động ‘anh hùng cá nhân’, không để lại dấu ấn hay hiệu quả gì cho đại cuộc chung. Người dân Việt Nam vẫn chưa hiểu và đánh giá đúng về ‘văn hóa tổ chức’. ‘Văn hóa tổ chức’ có thể hiểu đơn giản là ‘phương pháp làm việc chung với nhau’. Phải nói thẳng một điều rằng ‘văn hóa tổ chức’ của người Việt rất kém. Đừng nhìn vào tính kỷ luật của người Việt trong một công ty để đánh giá về ‘văn hóa tổ chức’, vì trong một công ty thì đồng lương nhận được là điều kiện để bắt buộc để mọi người có kỷ luật. Cũng đừng nhìn vào đảng cộng sản Việt Nam để đánh giá rằng người Việt cũng có tinh thần kỷ luật vì rằng đảng cộng sản chưa bao giờ là một tổ chức dân chủ. Mọi ý kiến khác với đường lối của đảng đều phải trả giá rất đắt. Không chỉ có đảng viên cộng sản bị bịt miệng bởi những luật lệ hà khắc của đảng cộng sản mà ngay cả người dân Việt Nam bình thường cũng chưa bao giờ có tự do ngôn luận, chưa bao giờ dám nói thật những gì mình suy nghĩ trước mặt mọi người, nếu điều đó bất lợi hay đi ngược lại chủ trương của đảng.

Xã hội dân sự Việt Nam đang được thai ngén và hình thành với gần hai mươi tổ chức. Ai cũng biết ‘xã hội dân sự’ là một hình thái sinh hoạt văn minh của loài người. Đó là những tổ chức độc lập, là sự kết hợp của những người có cùng mục tiêu, cùng mong muốn và cùng thúc đẩy cho sự tiến bộ của xã hội. Các tổ chức ‘xã hội dân sự’ vẫn chưa được thừa nhận ở Việt Nam nhưng nó vẫn đang manh nha hình thành vì đó là bước tiến bắt buộc của một xã hội văn minh. Tuy nhiên vì chưa được chuẩn bị và đang là tiên phong nên các tổ chức này đã gặp không ít khó khăn chủ quan và khách quan. Về khó khăn khách quan là sự chống phá từ phía chính quyền thì không nói ai cũng biết, khó khăn chủ quan là sự yếu kém của người Việt từ trong nhận thức về ‘văn hóa tổ chức’ cũng làm cho các tổ chức dân sự tiên phong này gặp không ít phiền phức. Những chuyện lùm xùm xảy ra quanh Hội Nhà Báo Độc Lập (HNBĐL) liên quan đến chủ tịch Hội là ông Phạm Chí Dũng và ông Ngô Nhật Đăng thời gian qua là một ví dụ. Chúng tôi không quen biết cả ông Dũng lẫn ông Đăng và không rõ sự tình nên không thể bình luận gì xung quanh sự kiện này. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng ông Phạm Chí Dũng là một người dân chủ thật sự, thông qua các bài viết thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước và tấm lòng mong mỏi dân chủ cho Việt Nam. Chúng tôi tin (dù không có cơ sở nào) rằng ông Phạm Chí Dũng không thể là an ninh vì đảng cộng sản đang hồi thoái trào nên không thể chiêu mộ được một người có tâm và có tài như ông Dũng. Ông Ngô Nhật Đăng cũng vậy, ông ta khó lòng là an ninh vì nếu ông ta là an ninh thì sẽ không ‘xuất đầu lộ diện’ sớm như vậy được.

Mọi thắc mắc có lẽ đã được Bùi Thanh Hiếu-Người Buôn Gió làm sáng tỏ một phần qua bài viết “Vài nét về Ngô Nhật Đăng” (tác giả đã gỡ bài viết này, xin xem phần phụ lục bên dưới). Suy cho cùng tất cả đều bắt nguồn từ một cái khuyết tật của người Việt: Văn hóa tổ chức. Chuyện yêu nước và muốn làm những điều tốt đẹp cho đất nước là một chuyện cao cả và đáng hoan nghênh nhưng cách thức để có thể cùng nhau làm được việc lớn đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, nó thuộc về một lĩnh vực khác: Lĩnh vực văn hóa. Chính vì không có ‘văn hóa tổ chức’ và thiếu hụt sự hiểu biết về các hoạt động có tổ chức nên mới sinh ra những chuyện không hay như vừa qua tại HNBĐL. Khi đã quyết định tham gia vào bất cứ một tổ chức nào, dù là một tổ chức xã hội dân sự hay một tổ chức chính trị, hay đơn giản nhất là lấy vợ lấy chồng thì mỗi người trong chúng ta đều phải ‘hy sinh’ ít nhiều cái tôi của mình để có thể hòa đồng với tổ chức. Không thể nào lấy vợ rồi mà vẫn đi ngủ qua đêm ở nhà bạn bè được. Hay nếu bạn tham gia vào “Hội những người thích uống bia” thì không thể suốt ngày chỉ uống rượi và chê bia là đầy bụng! Bất cứ một tổ chức nào cũng phải có những điều lệ bắt buộc của nó, nếu bạn muốn tham gia thì bạn phải chấp nhận những nguyên tắc đó, không thể nào khác. Thứ hai những người lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự phải là những người có hiểu biết sâu sắc về ‘văn hóa tổ chức’ và cách thức điều hành một tổ chức. Tốt và yêu nước vẫn chưa đủ. Phải có phương pháp lãnh đạo. Một trong những tố chất bắt buộc của người lãnh đạo là phải biết ‘dùng người’, tức là biết phân công công việc cho thích hợp với khả năng của các thành viên. Người Buôn Gió đã nói đúng khi cho rằng “Chuyện vừa qua, đúng không phải là chuyện mâu thuẫn cá nhân. Nó xuất phát từ một ông không biết gì về báo chí lại làm trị sự tờ báo. Còn một ông không biết gì về nhân sự thì lại làm quản lý nhân sự”. Quản trị một tờ báo hay làm biên tập chính của một tờ báo là một công việc không hề đơn giản, công việc đó đòi hỏi một người cẩn thận, chu đáo, nhẫn nại và có trách nhiệm cao. Tính cách của ông Ngô Nhật Đăng có lẽ không phù hợp với công việc đó. Và tất nhiên lỗi này, một phần thuộc về ông Phạm Chí Dũng và Ban lãnh đạo của HNBĐL vì đã phân công công việc không đúng người đúng chỗ.

Tất nhiên phải nói ngay rằng những chuyện xảy ra với HNBĐL là chuyện nhỏ, nó không làm ảnh hưởng đến ‘nồi cơm’ của ai cả. Hội mới thành lập được hai tháng và đang trên con đường hình thành nên những va vấp là điều đơn giản và dễ hiểu. Hy vọng là HNBĐL sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục tiến về phía trước. Bài học mà những người dân chủ Việt Nam cần rút ra sau sự việc này, đầu tiên đó là sự ý thức về những khó khăn khi quyết định thành lập hay tham gia vào một tổ chức. Đừng bao giờ lấy ước mơ làm hiện thực. Đừng nghĩ đơn giản là nếu việc mình làm là đúng, là tốt thì ắt sẽ thành công. Chưa chắc. Vì vậy trước khi thành lập một tổ chức nào đó thì việc cần nghĩ đến trước tiên đó là cách thức tổ chức và vận hành cho tổ chức, cách thức tiếp nhận và khai trừ các thành viên, cách thức giải quyết xung đột… Đó chính điều lệ của tổ chức. Những người muốn tham gia vào tổ chức phải đọc và hiểu rõ điều lệ của tổ chức, phải đồng tình với những nguyên tắc của tổ chức. Độc giả có thể tham khảo bộ ‘Qui Ước Sinh Hoạt’ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong mục “Tìm hiểu THDCDN”.

Con đường dân chủ hóa Việt Nam có thể còn dài và có thể sẽ có những người mất kiên nhẫn với lý tưởng dân chủ hay với tổ chức của mình, đó là lẽ thường tình. Sẽ còn nhiều tổ chức xuất hiện và ra đời, có thể là các tổ chức xã hội cũng có thể là các tổ chức chính trị. Dù muốn hay không thì những người Việt Nam đang ấp ủ và có mong muốn tham gia hay thành lập các tổ chức cần ý thức được sự khó khăn của nó. Để khắc phục nhược điểm này không khó, chỉ cần chịu khó học hỏi và biết lắng nghe trên tinh thần bao dung và cầu tiến là sẽ ổn thỏa. Một tổ chức xã hội khác hoàn toàn với cơ cấu của một công ty vì nó được xây dựng trên nền tảng của sự đồng thuận và hiểu biết lẫn nhau. Tư tưởng, mục tiêu và sự chấp nhận khác biệt sẽ là chất keo kết dính các thành viên lại với nhau.

Nói luôn dễ hơn làm. Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn mà các tổ chức dân sự trong nước đang gặp phải. Ngay cả trong điều kiện lý tưởng là có đầy đủ dân chủ và tự do tại hải ngoại mà suốt 40 năm qua người Việt vẫn chưa thể xây dựng được một ‘tổ chức chính trị’ cho thật đúng nghĩa. Có thể, có ai đó vẫn cho rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chưa làm được gì nhiều, chưa đáp ứng được nguyện vọng của mọi người, chưa phải là một tổ chức hùng mạnh…Điều đó không sai nhưng chúng tôi cũng không phải là đã thất bại. Với một dân tộc thiếu vắng niềm tin vào tương lai và thiếu niềm tin vào nhau thì tổ chức của chúng tôi với vài trăm con người tử tế đã đứng được cùng nhau hơn 30 năm qua mà chưa có điều tiếng gì xấu thì đó cũng là một kỷ lục và là điều đáng tự hào chứ sao? Nếu trong một xã hội bình thường và đã có dân chủ thì tổ chức của chúng tôi không là gì cả nhưng đối với Việt Nam thì có thể nói mà không sợ quá lời rằng: Chúng tôi là tất cả những gì mà đối lập dân chủ Việt Nam đang có được!

Việt Hoàng