Tuyên Giáo Việt Nam Đẩy Mạnh Hoạt Động Trên Internet (An Tôn -VOA)

"Ban chỉ đạo Trung ương 94 có một nhóm chuyên gia đã “tích cực viết hàng nghìn tin bài, xây dựng 12 báo cáo chuyên đề với nội dung định hướng chống âm mưu 'diễn biến hòa bình'... Diễn biến hòa bình là thuật ngữ chính quyền Việt Nam dùng để nói về âm mưu của những lực lượng “thù địch” tìm cách xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản..."




Bộ máy tuyên giáo Việt Nam nói họ “bước đầu tận dụng được lợi thế của Internet” để “đấu tranh chống âm mưu 'diễn biến hòa bình'”. Thông tin này được báo cáo tại một hội nghị ở Hà Nội hôm 26/12.

Báo chí Việt Nam đưa tin hội nghị đã “tổng kết công tác tuyên giáo năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017”. Hệ thống tuyên giáo là công cụ của Đảng Cộng sản có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đảng viên và người dân về các chính sách và hoạt động của đảng và chính quyền.

Một báo cáo cho biết Ban chỉ đạo Trung ương 94 có một nhóm chuyên gia đã “tích cực viết hàng nghìn tin bài, xây dựng 12 báo cáo chuyên đề với nội dung định hướng chống âm mưu ‘diễn biến hòa bình’; phương thức đấu tranh có tính đa dạng, … bước đầu tận dụng được lợi thế của mạng Internet và mạng xã hội”.

Ban chỉ đạo Trung ương 94 là tên ngắn gọn của Ban chỉ đạo chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Quân ủy Trung ương, thuộc quân đội Việt Nam.

Diễn biến hòa bình là thuật ngữ chính quyền Việt Nam dùng để nói về âm mưu của những lực lượng “thù địch” tìm cách xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm cho Việt Nam “đi theo chủ nghĩa tư bản” và “lệ thuộc vào đế quốc”.

Chính quyền Việt Nam cũng coi việc các nhà hoạt động vì dân chủ viết và đăng trên Internet các bài phản biện hay chỉ trích các chính sách, hoạt động của chính quyền là một phần của “diễn biến hòa bình”.

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nói với VOA từ Hà Nội về lý do chính quyền phải lập lực lượng tuyên giáo trên mạng:

"Không hẳn do họ thấy phía dân chủ mạnh thì họ sợ đâu. Mà nguyên tắc chung của ngành công an và tuyên giáo Việt Nam là không bao giờ để cho một tia lửa bùng lên thành ngọn lửa cả. Mọi hiện tượng ngoài kiểm soát là họ không thích, họ khó chịu, họ muốn kiểm soát. Họ vì kỷ luật quản lý. Không quản lý được thì họ không yên tâm”.

Chị Trang, cũng là một blogger viết về chính trị nổi tiếng ở Việt Nam và từng là nhà báo, cho rằng không phải đến gần đây chính quyền mới chống “diễn biến hòa bình” trên mạng, mà họ đã làm từ cách đây trên 10 năm.

Nhà hoạt động điểm lại là từ những năm 2005, 2006, giới tuyên giáo và “công an mạng” đã truy tìm các blogger về chính trị có nhiều ảnh hưởng như “Cô Gái Đồ Long” hay “Only You”.

Năm 2009, khi trang web Bauxite Việt Nam ra đời, chỉ trích chính sách của nhà nước về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên và nhiều vấn đề khác, chị Trang cho hay theo nguồn thông tin riêng của chị, công an đã trả tiền cho nhiều người trong đó có các nhà báo để viết bài “đấu lại” Bauxite Việt Nam.

Một động thái đáng chú ý nữa là hồi năm 2013, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Hà Nội nói đã xây dựng lực lượng “dư luận viên” và “phóng viên bấm nút” để kịp thời “phản ứng” với các bài viết phản biện trên mạng.

Hiện nay, chị Trang chỉ ra là có một nhóm với tên gọi là “tổ ngàn like” được cho là những người chuyên viết bài trên mạng xã hội ủng hộ chính quyền. Về cuộc đấu trên mạng giữa một bên là bộ máy tuyên giáo có tổ chức chặt chẽ, còn một bên là những tiếng nói của những người thúc đẩy cho dân chủ khá đông đảo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang đưa ra nhận xét:

“Những năm tháng gần đây họ ngày càng mạnh hơn, không chỉ trên blog mà cả trên mạng Facebook, và có lẽ cũng sẽ trên Twitter và nhiều điều khác. Họ đấu tranh chống các Facebooker trên từng cây số. Tôi thì không thấy bi quan lắm vì tôi nghĩ rằng là số lượng những người like những Facebooker ủng hộ chế độ đó nhiều cũng khoảng mấy nghìn, nhưng số lượng người like những Facebooker như Trang Lê hay Cô Gái Đồ Long hay luật sư Lê Công Định cũng nhiều không kém. Tôi nghĩ là ảnh hưởng của đôi bên có lẽ phe dân chủ vẫn hơn”.

Theo các con số thống kê khác nhau được báo chí Việt Nam đưa tin, tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt 52% dân số, tương đương với hơn 49 triệu người.

Việt Nam đứng thứ 22 trên thế giới về tỷ lệ dân số sử dụng mạng xã hội, với mức 31%, trong đó Facebook là mạng xã hội được sử dụng thông dụng nhất.

Hồi năm 2015, Facebook nói có khoảng 35 triệu người dùng mạng xã hội này tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc hơn 1/3 dân số có một tài khoản Facebook.

An Tôn -VOA