Những Vạn Lý Trường Thành mới (Nguyễn Gia Kiểng)

"...Có một nét đặc trưng nổi bật trong suốt dòng lịch sử Trung Quốc và vẫn còn rõ rệt ngày nay, đó là người Trung Hoa có khuynh hướng lấy lượng để thay thế cho phẩm, lấy sự to lớn thay thế cho sự sáng tạo, lấy số nhiều tạo ấn tượng cho sự độc đáo..."

Những Vạn Lý Trường Thành mới (Nguyễn Gia Kiểng)


LTS: Bài này được đang trên Thông Luận vào tháng 10 năm 2007, chúng tôi gởi lại bạn đọc để làm phần phụ lục cho bài “Trung Quốc: thêm một bằng chứng suy sụp”. Những gì tác giả đã dự kiến cách đây tám năm đang diễn ra ngày hôm nay.
Ba tuần lễ tham quan không cho phép tôi nói về Trung Quốc như một chuyên gia, dù trước đó tôi cũng đã nghiên cứu và suy nghĩ khá nhiều về đất nước này. Tôi chỉ ghi ở đây những cảm nghĩ của một người mới thăm Trung Quốc lần đầu.
Tuy vậy, có một câu nói mà tôi tin là đúng: những ấn tượng đầu tiên thường đúng. Kinh nghiệm cho thấy như vậy, và cũng dễ hiểu. Những cảm nghĩ đầu tiên là những cảm nghĩ của một người còn giữ nguyên vẹn khả năng so sánh, còn có thể quan sát trong toàn cảnh và một cách độc lập, không bị chìm đắm trong những chi tiết. Và nhất là chưa bị bối cảnh khống chế đến độ chấp nhận những giá trị và những điều "hiển nhiên phải như thế" trong cách suy nghĩ của những người trong cuộc. Chúng vừa có sự khách quan của một người ngoài cuộc, vừa có cái mãnh liệt của sự ngạc nhiên. Mọi thực tại đều có lý do hiện hữu của nó. Xã hội Trung Quốc đã sinh hoạt một cách có tổ chức từ ít nhất ba ngàn năm và là một xã hội khá ổn vững, ít nhất về nhân sinh quan và chế độ chính trị, vậy tất nhiên thực trạng Trung Quốc phải có lý của nó. Điều quan trọng là không được chấp nhận cái "lý" này nếu ta muốn phán đoán về nó một cách đúng đắn. Trên cách tiếp cận đó, tôi đã từ chối quan sát và suy nghĩ về Trung Quốc như một người Trung Hoa dù tôi có thể hiểu họ, cũng như tôi vẫn thường cố không suy nghĩ về Việt Nam như một người Việt Nam, dù tôi hiểu tại sao đồng bào tôi lại ứng xử như thế.

Cuộc thăm viếng Trung Quốc của tôi dĩ nhiên là để tìm hiểu đất nước bao la này. Nhưng còn một lý do khác không kém quan trọng, đó là tìm hiểu thêm về đất nước mình và chính mình. Trung Quốc hiện diện một cách áp đảo trong lịch sử, tâm lý và văn hóa Việt Nam. Chúng ta tiếp xúc lần đầu tiên với một nền văn minh thực sự nhờ người Trung Quốc. Họ trực tiếp đô hộ chúng ta trong hơn một ngàn năm và gián tiếp đô hộ chúng ta qua văn hóa trong gần hết phần còn lại của lịch sử. Tư tưởng, thi ca, nghệ thuật của chúng ta đầy những điển tích, nhân vật và địa danh Trung Quốc. Trong ngôn ngữ của chúng ta, hầu hết những khái niệm trừu tượng là mượn của tiếng Trung Hoa. Chính sách mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang theo đuổi cũng rập khuôn theo Trung Quốc và trái ngược với trào lưu chung của thế giới. Chính vì vậy mà chúng ta khó có thể hiểu rõ đất nước mình nếu không hiểu khá rõ Trung Quốc. Tôi đã đầu tư khá nhiều thời giờ để học hỏi về Trung Quốc và đến đây trong một cố gắng tìm những sự kiện phản bác những gì mình cho là đã biết hoặc hiểu về đất nước này.

Nhận xét đầu tiên của tôi là Trung Quốc rất biệt lập với thế giới bên ngoài. Không thể tìm thấy một cuốn sách, một tạp chí hay một tờ báo nước ngoài nào trong các nhà sách hay sạp báo. Trong suốt ba tuần lễ tôi chưa gặp được một người Trung Hoa biết nói một ngôn ngữ nào ngoài tiếng Trung Quốc, trừ một vài hướng dẫn viên du lịch và nhân viên phi trường. Đoàn của chúng tôi hơn mười người, nửa Pháp nửa Việt, đi theo một chương trình do chúng tôi tự sắp đặt. Chúng tôi đã biết trước là rất khó tìm được những người Trung Quốc biết ngoại ngữ và đã thuê trước những hướng dẫn viên thạo tiếng Việt, nhưng chúng tôi không thể ngờ người Trung Quốc kém ngoại ngữ đến mức độ đó. Ngay trong những khách sạn dành cho du khách mà chúng tôi đi qua không có bất cứ ai, kể cả các tiếp viên và ban quản lý, biết một chữ tiếng Anh nào (đừng nói những ngôn ngữ phương Tây khác). Tôi cũng không tìm ra những quán café-internet, mặc dù chúng tôi luôn luôn ở những khu trung tâm náo nhiệt nhất. Tôi vẫn biết Trung Quốc là một nước đóng kín nhưng không thể ngờ là họ ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài đến mức độ đó. Trừ tôi, tất cả những bạn trong đoàn đều đã thăm viếng Việt Nam gần đây. Họ đều đồng ý là về điểm này Việt Nam và Trung Quốc khác hẳn nhau. Mặt khác, tôi cũng lưu ý là chỉ có rất ít du khách đến từ nước ngoài. Cho tới nay du lịch Trung Quốc chủ yếu là du lịch nội địa. Vài ngày trước khi lên đường đi Trung Quốc, tôi có đọc trên một tạp chí Mỹ một chương trình dạy tiếng Anh cho 175 triệu người, nghĩa là 12% dân số Trung Quốc. Chương trình này hình như chưa khởi sự.

Mỗi ngôn ngữ đều chuyên chở một lịch sử và một cách suy nghĩ. Người Trung Quốc chỉ biết một ngôn ngữ của họ. Cách suy nghĩ của họ sẽ không thay đổi bao nhiêu trong một tương lai gần. Người Trung Quốc có thể làm việc một cách khác nhưng họ sẽ vẫn tiếp tục suy nghĩ như trước trong một thời gian dài. Nhận xét này khiến tôi tự hỏi logic nào đã khiến cho những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong cố gắng đổi mới lại chọn bắt chước Trung Quốc, một quốc gia chưa thể đổi mới thực sự?

Điều ngạc nhiên thứ hai của tôi là người Trung Quốc rất trẻ. Trong tất cả những thành phố mà chúng tôi đi qua chỉ thấy những thanh thiếu niên, từ 15 đến 30 tuổi, và trẻ em. Tất cả những người bạn cùng đi với tôi đều khẳng định người Trung Quốc trẻ hơn người Việt Nam nhiều. Rất khó mà gặp ở ngoài đường, trong khách sạn, những nhà hàng hay những cửa hiệu một người mà tôi có thể đoán là ngoài 50 tuổi. Vậy những người đứng tuổi và những người già ở đâu? Họ tập trung ở những công viên, tập thái cực quyền, từng toán từ 20 đến 30 người. Một cảnh ngộ nghĩnh thường gặp là có những người ngồi ghế công viên đánh đàn và hát một mình. Ai thích thì đứng lại nghe, người hát hoàn toàn không có vẻ bị làm phiền hay được khuyến khích. Nhưng nếu kể cả trong những người già trong các công viên, và ước lượng một cách rộng rãi, thì số lượng của họ cũng không đáng kể so với thanh thiếu niên. Sự trẻ trung của người Trung Quốc là một trong những hiện tượng làm tôi bối rối nhất trong cuộc thăm viếng này. Tôi được biết là từ gần nửa thế kỷ nay chính quyền Trung Quốc thi hành triệt để chính sách "mỗi gia đình một đứa con duy nhất". Một người bạn Trung Quốc của tôi gọi là chính sách 421, nghĩa là bốn ông bà, hai cha mẹ, một đứa con. Nếu đúng như thế thì dân số Trung Quốc đã phải giảm đi rất nhanh chóng và tuổi trung bình của người Trung Quốc phải cao chứ không thể trẻ, quá trẻ, như vậy được. Như vậy cả chính sách một con lẫn cái tuổi thọ trung bình 71, theo thống kê chính thức, đều rất xa sự thực.

Về chính sách một con, tôi có dịp trò chuyện với một anh hướng dẫn viên. Anh này cười nói với tôi là đã có hai con gái và còn muốn có thêm một con trai như hầu hết mọi người Trung Quốc. Anh ta là công chức như hầu hết mọi nhân viên các công ty du lịch, nếu bị phát giác là có quá một con sẽ bị đuổi việc và mất hết mọi quyền lợi. Vợ anh ta về nhà quê đẻ đứa con thứ hai, chính quyền địa phương không làm khó dễ, coi như không biết đến việc chị ấy đẻ con, một thời gian sau chị ấy bồng con về thành phố sống bình thường, không ai thắc mắc chuyện họ có hai đứa bé trong nhà. Thế còn đến lúc cháu bé phải đi học? Cũng không sao vì nhà trường chỉ đòi hỏi khai qua loa. Tại cơ quan, ông giám đốc dù biết anh ta có hai con cũng làm như không biết. Nói chung, về điểm này, cả xã hội sống trong sự giả dối.
  

Tôi có hỏi về cuộc sống của những người già. Anh ta nói tùy trường hợp. Ban ngày họ ra công viên sống với các bạn cùng tuổi và ăn trưa với nhau, nếu thuận với con cháu thì về sớm nấu cơm cho các cháu, nếu không thì tối mịt mới về, ăn uống cho xong rồi đi ngủ. Còn nếu yếu quá không đi ra công viên được nữa ? Hay nếu ban ngày mệt mỏi muốn nằm nghỉ ? Anh hướng dẫn của tôi trả lời bằng một nụ cười. Hình như chưa ai hỏi anh như vậy.

Tôi từng đọc nhiều bài và sách nhận định rằng "phát triển của Trung Quốc chỉ có bề mặt chứ không có chiều sâu". Ngay ngày đầu tiên tới đây tôi ý thức rằng câu nói này phải được hiểu theo cả nghĩa đen của nó. Các khách sạn dù là cao nhiều chục tầng đều không có các tầng hầm. Tuyệt đối không có bãi đậu xe dưới mặt đất. Không cần cố gắng lắm cũng có thể suy ra rằng hệ thống cống rãnh thoát nước được đơn giản hóa tới mức tối đa, nếu có.

Trên máy bay từ Tây An về Côn Minh, tôi đọc trên tờ China Daily, tờ nhật báo duy nhất bằng ngoại ngữ tại Trung Quốc, dĩ nhiên là báo nhà nước và cũng chỉ tìm thấy trên máy bay : 278 thành phố, 5.000 thị xã và 20.000 thị trấn hoàn toàn không có hệ thống xử lý nước thải. Một trong những hậu quả thấy được của sự kiện "phát triển bề mặt mà không có bề sâu" này là kẹt xe. Dù trong những thành phố giàu có nhất, nếu kể cả ngoại thành, số hộ có xe hơi mới chỉ ở mức 30% (riêng ở thành phố Quảng Châu, thành phố giàu có nhất Trung Quốc, hơn cả Thượng Hải và Thẩm Quyến,  tỷ lệ này là 50%), giao thông đã kẹt cứng hầu như suốt ngày. Lý do đầu tiên là vì các xe đều phải đậu trên mặt đất và choán lề đường. Lý do kế tiếp là vì các thành phố Trung Quốc chủ yếu chỉ có những đại lộ rất rộng ở khá xa nhau và rất thiếu những đường nhỏ cho phép đi tắt. Do đó có thể xe phải chạy một lộ trình dài gấp nhiều lần khoảng cách theo đường chim bay giữa điểm đi và điểm tới. Sự thiếu hệ thống thoát nước thải có lẽ không có trách nhiệm về tình trạng dơ bẩn và hôi thối của các cầu tiêu. Các anh hướng dẫn viên nói đùa rằng đây là hương vị quốc hồn quốc túy của Trung Quốc. Trừ những ngoại lệ rất hiếm hoi, các WC không có giấy vệ sinh.

Nói đến hệ thống thoát nước là đã đề cập đến vấn đề môi trường. Một lần nữa không gì bằng đến tận nơi và nhìn tận mắt. Cả thế giới biết rằng Trung Quốc đang có vấn đề môi trường nghiêm trọng. Một mặt miền Bắc Trung Quốc đang dần dần bị sa mạc hóa và rất thiếu nước, lượng nước để sử dụng cho mỗi người Trung Quốc chỉ bằng từ 10 đến 15% mức trung bình thế giới. Mặt khác, chính sách phát triển kinh tế bất chấp môi sinh, xây ồ ạt các nhà máy, không xử lý nước thải và phế liệu, sử dụng tối đa phân hóa học đã khiến toàn bộ sông ngòi và các mạch nước ngầm bị nhiễm độc.

Những thống kê tôi đã đọc cho biết 2/3 dân chúng Trung Quốc không có nước sạch để uống. Khi đến nơi tôi nhận ra rằng con số này rất sai. Sự thực là toàn dân Trung Quốc, có lẽ trừ một thiểu số không đáng kể ở miền Tây ngay thượng nguồn các dòng sông, đều không có nước uống được. Tất cả mọi người Trung Quốc đều quả quyết điều này. Họ phải uống nước đã được đun sôi. Các hướng dẫn viên khuyên chúng tôi đừng đánh răng bằng nước máy. Nhưng đun sôi chắc chắn không phải là giải pháp, bởi vì các hóa chất độc vẫn còn nguyên vẹn. Thật khó tưởng tượng một khối một tỷ rưỡi người không còn nước sạch.

Một điều khó tưởng tượng khác mà tôi nhận ra khi đến đây và không hiểu tại sao các tài liệu không nhấn mạnh là mặt trời không còn mọc trên Trung Quốc. Ngay cả trong những ngày nóng nực, người ta biết là mặt trời ở đâu đó trên đầu mình nhưng không thể nhìn thấy, bởi vì nó bị cả một khối hơi vàng đục che khuất. Tôi hỏi cả bốn anh hướng dẫn viên của tôi, họ đều trả lời đó là vì khí thải của các nhà máy. Đã bao giờ nhìn thấy mặt trởi chưa? Một anh đáp không nhớ. Các anh khác lắc đầu.

Tác giả Nguyễn Gia Kiểng tại nhà lưu niệm Lương Khải Siêu

Chính sách đổi mới kinh tế đã giúp người Trung Hoa đủ ăn và đủ mặc nhưng đã cướp mất của họ hai tài sản quí báu hơn nhiều: nước và không khí… Nhiều chuyên viên về Trung Quốc đã khẳng định rằng tất cả những thành tựu kinh tế của 30 năm hiện đại hóa nếu qui ra tiền thì cũng không đủ để sửa chữa những tàn phá gây ra cho môi trường trong cùng thời gian. Phải đến đây mới thấy rằng họ nói đúng.

Sự tàn phá môi trường không phải chỉ do chính sách mà còn do sự ngu xuẩn của những người lãnh đạo. Một thí dụ là hồ Điền Trì ở Côn Minh (Vân Nam) mà tôi đã thấy khi thăm thắng cảnh Tây Sơn Long Môn. Hồ này là cả một kỳ quan của thiên nhiên. Nó rộng 320 km2, trên cao độ 2.000 m. Ba mươi năm trước chính quyền đã cho xây dựng trên bờ hồ một số nhà máy hóa chất. Chỉ vài năm sau khi các nhà máy này bắt đầu hoạt động nước hồ bị nhiễm độc hoàn toàn. Người ta nhận ra và hốt hoảng gỡ bỏ các nhà máy, nhưng đã quá trễ, các chuyên gia ước lượng phải 50 năm nữa nước hồ mới trở lại tình trạng bình thường. Hiện nay vẫn còn một lớp váng xanh dầy bao phủ mặt hồ.

Sự hủy hoại môi trường, và chính đất nước Trung Quốc, có thể ngăn chặn và đảo ngược được không ? Tôi nghĩ là không thể được dưới chế độ này. Một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao là sự chính đáng duy nhất của chế độ vì thế nó phải được duy trì bằng mọi giá. Họ không thể đóng cửa những nhà máy gây ô nhiễm, cũng không thể bắt buộc các nhà máy phải có hệ thống xử lý chất thải vì như thế giá thành của hàng Trung Quốc sẽ tăng vọt và xuất khẩu sẽ sụp đổ. Và họ cũng không thể ngừng xây dựng các nhà máy, kể cả những nhà máy phát điện chạy bằng than đá, vì như thế đà tăng trưởng sẽ khựng lại ngay...

Thay đổi sẽ chỉ đến khi người Trung Quốc thấy rằng họ không thể sống được nữa với tình trạng ô nhiễm này. Trong lịch sử của họ người Trung Quốc đã chỉ nổi dậy khi họ bị dồn vào chỗ chết. Lần này có thể họ sẽ chỉ phản ứng khi đã quá trễ để Trung Quốc còn có thể có một tương lai đúng nghĩa.

Tôi đã từng nghe nói tới một khối từ 100 đến 200 triệu người Trung Hoa từ nông thôn ra các thành phố lớn sống lang thang bằng những công việc chân tay tạm bợ. Tôi mới chỉ có dịp tiếp xúc rất giới hạn với họ. Tại nhà ga Bắc Kinh. Trước nhà ga, trên quảng trường dài khoảng một kilômét và rộng trên 200 mét, chen chúc những con người. Họ đi lại, nằm và ngủ la liệt bên cạnh những gói hành lý. Người đông và chật đến độ phải chen lấn mới vào được nhà ga. Cả đoàn chúng tôi chỉ sợ lạc nhau, không ai nghĩ tới chụp ảnh. Tôi chưa bao giờ thấy một đám đông như thế. Buổi sáng chúng tôi tới nhà ga Tây An và cũng thấy một đám đông ghê gớm, dù không thể so sánh được với Bắc Kinh.

Chúng tôi đi đường sắt ba lần, Bắc Kinh-Tây An, Côn Minh-Quảng Châu và Quảng Châu-Hàng Châu. Tất cả đều là những tuyến đường rất dài, trên 12 giờ. Chặng đường Côn Minh-Quảng Châu kéo dài 18 giờ. Những chặng đường dài đó cho phép tôi nhận xét nông thôn Trung Quốc còn rất nghèo, đồng thời cũng cho thấy sự chênh lệch giàu nghèo giữa miền Đông và miền Tây, giữa miền Nam và miền Bắc. Ngay tại miền Nam, giàu có hơn hẳn so với miền Bắc, đồng quê Trung Quốc cũng còn tiều tụy hơn hẳn những làng tại Pháp đã bị bỏ rơi từ một nửa thế kỷ qua. Điều này chứng tỏ rằng trong chiều sâu Trung Quốc còn chậm hơn châu Âu ít nhất một thế kỷ.

Sự phồn vinh của Trung Quốc chỉ tập trung trong một vài thành phố lớn: Bắc Kinh, Tây An, Trùng Khánh, Côn Minh, Quảng Châu, Thẩm Quyến, Thượng Hải…Và như trên đã nói, nó chỉ có bề mặt chứ không có chiều sâu, xây dựng dưới lòng đất quá tốn kém, không đem lại lợi nhuận trước mắt, lại không phơi bày được sự hào nhoáng. Phải nói thêm là nó cũng chỉ có bề ngoài chứ không có bề trong. Tôi đã cố gắng để ước lượng bề dầy của nó. Ngay tại những khu rất sang, chỉ cần đi vào các đường hẻm - mà tiếng Trung Quốc gọi là hutong (hộ đồng) - là đã có thể nhìn thấy sự nghèo khổ. Ấn tượng khá mạnh vì, khác với Việt Nam, sự nghèo khổ đi đôi với dơ bẩn và hôi hám.

Những gì tôi viết trên đây có thể cho cảm giác một bức tranh đen tối về Trung Quốc. Không hẳn như vậy. Có những nơi tuyệt đẹp. Thạch Lâm (Vân Nam) xứng đáng là "thiên hạ đệ nhất kỳ quan". Quế Lâm đẹp hơn mọi thành phố trên thế giới, rất sang và cũng rất sạch, bên cạnh dòng sông Lý Giang thơ mộng (rất tiếc là đang cạn dần nước, cũng như sông Châu Giang mà nó đổ vào). Quế Lâm không đẹp đến độ gây sửng sốt như Thạch Lâm, nhưng rộng hơn và thơ mộng hơn. Quế Lâm giống như một Hoa Lư phóng đại ở tỷ lệ Trung Quốc/Việt Nam. Nguyên soái Trần Nghị, có lúc làm bộ trưởng ngoại giao, từng nói đã tới Quế Lâm rồi thì cũng không cần mơ tới chốn thần tiên nữa. Tôi chia sẻ cảm giác này.
Ai đến Quế Lâm mà không đi du thuyền trên dòng Lý Giang từ Quế Lâm tới Dương Sóc thì quả là một sai lầm, cảnh đẹp ở đây chỉ có thể nhìn và ngưỡng mộ chứ không thể tả. Trên bờ sông này có núi Phục Ba thờ Mã Viện, danh tướng Hán có tước hiệu Phục Ba Tướng Quân, người đã đánh bại cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng và áp đặt ách đô hộ trong gần một ngàn năm của Trung Quốc trên nước ta. Quế Lâm như vậy có một ý nghĩa biểu tượng của sự thống trị của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đó cũng là nơi mà năm 1948 Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chọn để gửi cả ngàn thiếu niên ở lứa tuổi từ 10 đến 15 để đào tạo thành những đảng viên cốt lõi; nhiều người sau này trở thành những cấp lãnh đạo cao cấp. Một sự tình cờ có ý nghĩa…

Chuyến đi này cũng đã cho phép tôi đến những địa danh và dấu tích của những nhân vật đã hiện diện một cách mạnh mẽ trong lịch sử và văn học nước ta, và đã phần nào nuôi dưỡng trí tưởng tượng của tôi trong tuổi thiếu thời. Cung cấm Bắc Kinh, Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Đường Cao Tông, Huyền Trang, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, v.v. Tôi cũng đã đi dạo thuyền trên Tây Hồ để nhớ đến Tây Thi và lăng Triệu Văn Vương (tức Triệu Hồ, cháu nội Vũ Vương Triệu Đà). Lăng này được coi là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của Trung Quốc. Nó còn nguyên vẹn và ngày nay một viện bảo tàng lớn được xây dựng ngay trên ngôi mộ, trưng bày hàng chục ngàn di vật được chôn theo vị vua thứ hai của nước Nam Việt, cùng với di cốt của 15 người, trong đó có hoàng hậu và bốn cung nữ, bị chôn theo để tháp tùng hầu hạ vua trong thế giới bên kia.
Hình trong bảo tàng Nam Việt Vương ở Quảng Châu

Từ trước vẫn có một cuộc tranh luận chung quanh câu hỏi : nhà Triệu có phải là một dòng vua Việt Nam không? Đại Việt Sử Ký Toàn Thư coi nhà Triệu là một dòng vua Việt Nam, Nguyễn Trãi cũng nghĩ như thế khi ông viết trong Bình Ngô Đại Cáo : "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần dựng ra nước ta…". Một số sử gia lại chỉ coi nhà Triệu như một ngoại bang thống trị. Cho tới nay tôi không có ý kiến trong cuộc tranh luận này, nhưng sau khi thăm viếng ngôi mộ này và những di vật của nó, tôi thiên về lập trường thứ hai. Tất cả mọi dấu hiệu cho thấy nhà Triệu thuần túy là một triều đình Trung Quốc. Vả lại, bản đồ nước Nam Việt được các nhà sử học vẽ lại và trưng bày trong viện bảo tàng cũng chỉ gồm có hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và một phần rất nhỏ của miền Bắc nước ta ven vịnh Hạ Long. Sử Việt Nam cũng không chép lại được một việc gì nhà Triệu đã làm trên nước ta, dù họ kéo dài một thế kỷ. Nhận định thực tế nhất có lẽ là Nam Việt chỉ là một vương quốc tự trị ở Quảng Tây, Quảng Đông có uy quyền trên một phần nhỏ của Bắc Việt mà thôi.

Có một nét đặc trưng nổi bật trong suốt dòng lịch sử Trung Quốc và vẫn còn rõ rệt ngày nay, đó là người Trung Hoa có khuynh hướng lấy lượng để thay thế cho phẩm, lấy sự to lớn thay thế cho sự sáng tạo, lấy số nhiều tạo ấn tượng cho sự độc đáo. Các nhà trong các cung điện không khác gì nhau, chúng chỉ gây ấn tượng vì số lượng. Ngày nay người Trung Quốc hình như vẫn giữ tâm lý đó. Họ phát triển về lượng hơn là về phẩm. Khác với Ấn Độ, kinh tế Trung Quốc tập trung vào những sản phẩm kỹ thuật thấp. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu nhiều chứ không phải nhờ xuất khẩu những mặt hàng đắt giá. Và họ dùng tiền thu được của xuất khẩu để mua những mặt hàng có giá trị khoa học kỹ thuật cao. Họ phải xuất khẩu một tỷ áo sơ mi để mua vào một máy bay Airbus 380. Cũng vẫn một công thức.

Tôi cũng đến Trung Quốc để nhận định về mô hình phát triển Trung Quốc vì đó là mô hình mà đảng cộng sản Việt Nam đang cố bắt chước.

Cho tới nay Trung Quốc luôn luôn hóa giải những dự đoán bi quan về họ. Đã có rất nhiều chuyên gia quả quyết Trung Quốc sẽ lâm vào bế tắc và phá sản. Họ là những chuyên gia thượng thặng, lý luận của họ rất vững chắc và không thể sai, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng hơn 10% mỗi năm và ngày càng tỏ ra giàu đẹp hơn. Có một bí mật nào đó cần được giải thích. Trong chuyến viếng thăm này, tôi có cảm tưởng đã nắm bắt được phần đầu của câu trả lời : Trung Quốc còn một dự trữ khổng lồ của một khối người nghèo khổ siêng năng và cần mẫn, sẵn sàng chấp nhận tất cả. Trung Quốc vẫn còn có thể tiếp tục như hiện nay - nghĩa là khai thác và xuất khẩu sự nghèo khổ- khá lâu, rất lâu. Với cái giá mà đại đa số người Trung Quốc sẽ phải trả. Họ sẽ phải sống rất cực nhọc và sẽ không sống thọ với nước và không khí rất ô nhiễm và ngày càng ô nhiễm hơn.

Một cái giá khác là Trung Quốc sẽ định cư trong sự thua kém trong một thế giới đã đi vào kỷ nguyên văn minh tri thức, trong đó ý kiến và sáng kiến quyết định chỗ đứng của các dân tộc. Nhưng ý kiến và sáng kiến chỉ phát triển trong những xã hội tự do, nơi con người liên tục từ chối hiện tại để đổi mới và vươn lên. Tôi không thảo luận những vấn đề chính trị và xã hội với những người bạn Trung Quốc của tôi. Qua ánh mắt họ tôi biết trước họ không có gì để nói. Tôi có thói quen quan sát một dân tộc qua cái nhìn và thái độ của họ. Cái nhìn của những người Trung Quốc là cái nhìn của những người sống bên lề cuộc đời, thái độ của họ là thái độ nhẫn nhục và chịu đựng. Họ không đòi hỏi và chờ đợi gì ở đất nước họ. Chắc chắn họ cũng không đặt vấn đề về cái trở thành của Trung Quốc. Không cần biết tới hay vì mặc cảm bất lực ? Các hướng đẫn viên của tôi đều quả quyết nếu được ra nước ngoài sinh sống thì người Trung Quốc nào cũng đi. Như vậy họ cũng biết một cái gì đó mà không nói ra, như tập quán của ông cha họ. Trong khu mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An tôi đã xem những bức tranh cổ được tái tạo để ghi lại cảnh xây lăng. Một người vì kiệt lực đánh rơi tảng đá đang vác trên vai và lập tức bị chém. Một thanh niên phục xuống lạy cha bị đem đi chôn sống vì đã đến tuổi 60 và bị coi như không còn sức lao động. Người Trung Quốc chấp nhận tất cả. Khi các vua chúa đày đọa họ, họ coi là số phận. Khi các vua chúa để họ sống, họ mang ơn. Các triều đại Nguyên và Thanh đã kéo dài rất lâu và đã chỉ bị sụp đổ, như mọi triều đại thuần túy Trung Quốc khác, vì quá suy đồi và đẩy dân vào chỗ chết chứ không phải vì là những chế độ thống trị ngoại bang. Cuộc cách mạng cộng sản đã là một ngoại lệ, nhờ Thế Chiến 2. Tinh thần dân tộc hoàn toàn không phải là một đặc tính của người Trung Quốc. Trung Quốc là thiên hạ, là thế giới, hơn là một nước. Việc nước là việc của thiên hạ. Hơn nữa đa số người Trung Quốc hiện còn có vẻ cảm ơn đảng cộng sản đã nới lỏng dây trói cho họ. Điều này tôi nhận thấy rất rõ trong những con người ở mọi nơi tôi đã đi qua. Nguyện vọng dân chủ của họ còn rất yếu, có lẽ vì dân chủ cũng chỉ được nhìn như là một vấn đề của thiên hạ. Như vậy chế độ độc tài đảng trị của Trung Quốc sẽ còn có thể kéo dài rất lâu. Những người đấu tranh cho dân chủ còn cô đơn những người dân chủ Việt Nam. Một tỷ rưỡi người Trung Quốc chỉ là một tỷ rưỡi người cô đơn và cam chịu. Điểm khác biệt căn bản giữa Trung Quốc và Việt Nam là tại Trung Quốc những biện pháp nới lỏng đến từ lãnh đạo, tại Việt Nam chúng đến từ áp lực quần chúng.

Trong cách nhìn của họ, đảng trước nước sau, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã có lý khi gắn bó chế độ của họ với Trung Quốc, Trung Quốc quả là một chỗ dựa rất vững chắc. Dân chủ và tự do chỉ có thể từ Việt Nam ảnh hưởng vào Trung Quốc chứ không thể từ Trung Quốc lan tới Việt Nam.

Trong những ngày cuối cùng chúng tôi thăm viếng Hàng Châu, Tô Châu và Thượng Hải. Hàng Châu và Tô Châu tuyệt đẹp. Tô Châu có chùa Hàn San, nổi tiếng qua bài thơ Phong Kiều Dạ Bạccủa Trương Kế. Người Trung Quốc có câu "chưa tới Bắc Kinh chưa thấy chức mình nhỏ, chưa tới Hàng Châu chưa thấy vợ mình xấu, chưa tới Thượng Hải chưa thấy nhà mình thấp". Bắc Kinh là nơi tập trung những quan chức cao cấp từ nhiều thế kỷ nay. Phụ nữ Hàng Châu và Tô Châu quả là rất đẹp.

Còn Thượng Hải? Đó đúng là thành phố của những nhà chọc trời. Có  hơn 1.600 cao ốc trên 40 tầng. Đi thuyền trên dòng sông Hoàng Phố về đêm là một bắt buộc đối với mọi người thăm Trung Quốc lần đầu. Tráng lệ. Thượng Hải đồ sộ hơn hẳn New York.

Thượng Hải, theo lời những người bạn Trung Quốc của tôi, là điều mà Trung Quốc muốn chứng tỏ với thế giới họ có thể làm. Đúng vậy. Người Trung Quốc đã chứng tỏ họ có thể làm những điều khó tưởng tượng. Họ đã xây Vạn Lý Trường Thành, lăng Tần Thủy Hoàng, lăng Võ Tắc Thiên, Minh Thành Tây An, Cấm Thành Bắc Kinh, Lâu Đài Mùa Hạ v.v. Tất cả đã làm kiệt quệ Trung Quốc, như những kim tự tháp đã làm kiệt quệ Ai Cập. Thượng Hải, Thẩm Quyến và những kiến trúc vĩ đại tại Bắc Kinh, Tây An, Côn Minh, Quảng Châu có thể chỉ là những Vạn Lý Trường Thành mới. Phải lo hơn là mừng cho người Trung Quốc.

Dĩ nhiên tôi cũng muốn đo lường nguy cơ lấn chiếm của Trung Quốc tại vùng biên giới với nước ta. Cảm nghĩ rất rõ rệt của tôi là nguy cơ này hoàn toàn không thể có nếu chúng ta có được một chính quyền khá. Người dân trong cả hai tỉnh giáp ranh với Việt Nam, Vân Nam và Quảng Tây, đều không gắn bó với Bắc Kinh, và với Trung Quốc nói chung. Trong thế kỷ 19 họ đã chiến đấu quyết liệt để ly khai với kết quả là hơn 70% dân chúng bị tàn sát. Ngày nay nguyện vọng chính của họ cũng vẫn chỉ là một mức độ tự trị lớn hơn, độc lập nếu có thể được. Vả lại hiện nay Vân Nam đã có rất nhiều khu tự trị sắc tộc, Quảng Tây đã là một tỉnh tự trị. Người dân trong cả hai tỉnh này đều có thiện cảm đối với Việt Nam, rất nhiều người nói được tiếng Việt. Nếu Việt Nam có được một chính quyền sáng suốt thì không có gì phải lo ngại Trung Quốc cả, nhưng đây là một chữ NẾU khá lớn.

Một cách tình cờ, tôi đã gặp một nhóm viên chức Việt Nam sang Bắc Kinh tham dự một hội nghị. Chúng tôi đã thảo luận về mô hình Trung Quốc và đồng ý là mô hình này chắc chắn dẫn tới thảm kịch. Tất cả vấn đề là lúc nào và như thế nào. Những anh chị em này đều khẳng định là Việt Nam đang làm một điều rất dại dột là cóp nhặt mô hình Trung Quốc. Nhưng họ lại nhận định là không thể có hướng đi khác dưới chế độ này, dù họ là những viên chức của chế độ.

Và khi qua câu chuyện họ biết tôi là tác giả cuốn Tổ Quốc Ăn Năn thì không khí thay đổi hẳn. Chúng tôi thực sự là anh em.