Di dân và biến đổi khí hậu, hai vấn nạn của thế giới và Việt Nam (Việt Hoàng)

 “…Đất nước đang đứng trước những thách thức và nguy cơ vô cùng lớn lao và nghiêm trọng. Lời giải cho bài toán dân chủ hóa đất nước cũng đã có. Vấn đề duy nhất còn lại là đến bao giờ trí thức Việt Nam mới nhận ra…”


Di dân và biến đổi khí hậu, hai vấn nạn của thế giới và Việt Nam (Việt Hoàng)

Ô nhiễm môi sinh
Đợt mưa lũ lớn cuối tháng 7 vừa qua tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Sơn La… đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Hàng chục người chết và hàng ngàn tỉ đồng trôi theo dòng nước lũ. Hình ảnh những ngôi nhà bị lấp trong đất cát hay những chiếc ôtô, xe buýt ngập sâu trong nước làm chúng ta không khỏi kinh hoàng và ý thức được sự tàn phá của thiên nhiên, trong đó có một phần gây ra bởi chính con người.
Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia lân cận như Myanmar, Ấn Độ, Philippinnes, Trung Quốc… cũng đang phải gánh chịu những mất mất và thiệt hại lớn vì mưa lũ.
Nguyên nhân chính gây ra sự bất thường của thời tiết là do tình trạng biến đổi khí hậu, sự nóng lên của khí quyển và sự ô nhiễm trầm trọng của môi trường.
Nguyên nhân khiến bầu khí quyển của trái đất ngày càng nóng lên là do lượng khí thải từ các nhà máy điện chạy bằng than đá. Hai nước đứng đầu bảng trong việc gây ô nhiễm không khí là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ý thức được tầm quan trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra bởi hiệu ứng nhà kính nên trong cuộc gặp gỡ mới đây (4/8) tại Phòng Bầu dục, Tổng thư ký LHQ Ban-Ki-Moon và Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã lên tiếng thúc giục và kêu gọi các nước trên thế giới hành động mạnh mẽ chống lại nạn biến đổi khí hậu. Đây là chủ đề chính của buổi hội đàm giữa hai nhân vật quan trọng này. Họ cùng cam kết nỗ lực để có được một hiệp định về biến đổi khí hậu tại Paris trong tháng 12 tới đây.
Chúng ta cũng không quên rằng, trước đó Giáo hoàng Francis trong thư luân lưu 2015 (dài 197 trang) đã đặc biệt báo động về sự nóng lên của khí quyển và sự ô nhiễm của môi trường.
Giáo hoàng Francis đã gần như dành toàn bộ thư luân lưu cho ưu tư về môi trường. Ví dụ Giáo Hoàng Francis nói: "Nhân loại cần ý thức được sự cần thiết phải thay đổi cách sống, cách sản xuất và tiêu thụ để ngăn chặn sự nóng lên của khí quyển, hay ít nhất giảm thiểu những nguyên nhân do con người gây ra khiến trái đất nóng lên".
Trong nhiều đoạn khác ông nhấn mạnh tới vai trò và trách nhiệm của các nước đã giàu mạnh.
Tại Việt Nam thì không ai là không biết nạn phá rừng và khai thác gỗ bất hợp pháp trên qui mô lớn suốt trong hàng chục năm qua là một trong những nguyên nhân gây ra các trận lũ lụt lịch sử, năm sau kinh hoàng hơn năm trước. Các kỷ lục về thiệt hại và mất mát luôn bị phá vỡ. Chính quyền Việt Nam đã phản ứng rất yếu ớt và hầu như bất lực trong việc ngăn chặn nạn phá rừng.
Trung Quốc cũng không khá gì hơn. Việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hoang dại và bất chấp môi trường đã khiến cho Trung Quốc đối mặt với một hiện tại và tương lai đầy bấp bênh. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất với Trung Quốc đó là nạn ô nhiễm môi sinh. Cùng với sự đỗ vỡ của kinh tế, nó sẽ khiến Trung Quốc suy sụp hoàn toàn.
Nạn di dân
Một vấn nạn lớn nữa mà thế giới đang phải chật vật đối phó đó là nạn di dân. Từ đầu năm 2015 cả Châu Âu lúng túng vì làn sóng người di dân từ Châu Phi và Trung Đông tràn sang Châu Âu qua biển Địa Trung Hải. Khoảng 60.000 người đã đến Châu Âu từ đầu năm đến nay và 1.800 người đã chết trên biển do đắm tàu và tai nạn. Ý là nơi tiếp nhận nhiều di dân nhất. Pháp chặn không cho người di dân từ Ý vào Pháp, đây là một điều không bình thường vì Pháp và Ý thuộc "không gian Schengen" trong đó qui định mọi người được quyền di chuyển tự do giữa các quốc gia. Ý đã phản đối dữ dội.
Châu Âu đã tốn gần 20 tỷ USD trong năm 2014 vì khối 100.000 người di dân. Năm nay con số này sẽ tăng cao hơn. Có ý kiến đưa ra là cần mạnh tay với những kẻ buôn người bất hợp pháp. Tuy nhiên trong các cuộc thảo luận mọi chuyên gia cũng như các cấp lãnh đạo đều đồng ý rằng phải "giải quyết tận gốc" vấn đề di dân, nghĩa là giúp các quốc gia Châu Phi và Trung Đông được hòa bình và ổn vững.
Tại Việt Nam “nạn di dân” vẫn diễn ra âm thầm và đều đặn. Xuất khẩu lao động là một trong những tên gọi khác của nạn di dân. Hiện tượng người Việt Nam tìm mọi cách ra nước ngoài làm việc thông qua các tổ chức môi giới vô trách nhiệm với một cái giá rất cao khiến hình ảnh người lao động Việt Nam ngày càng xấu đi. Từ các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đến các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Xingapore, hay thậm chí là cả Lào và Campuchia đều cảnh giác và lo ngại trước những người lao động nhập cư từ Việt Nam.
Vì phải trả một cái giá quá cao để có thể đến được các nước đó nên nhiều người Việt Nam sẵn sàng làm bất cứ việc gì miễn là có tiền để trả nợ, kể cả những công việc bất hợp pháp.
Sự thất bại toàn diện của chính quyền Việt Nam trên mọi lãnh vực, đặc biệt là kinh tế, suốt trong 70 năm “cầm quyền tuyệt đối và duy nhất” là nguyên nhân chính gây ra “nạn di dân” của người Việt Nam chúng ta.
Những di dân Việt Nam bất hợp pháp trên thế giới làm ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng người Việt Nam sinh sống lâu năm và hợp pháp tại các nước sở tại.
Quyền lợi và sinh mạng người Việt di dân đều do các công ty thuê mướn lao động và các tổ chức dịch vụ đưa người định đoạt. Nhà nước Việt Nam, qua đại sứ quán ở các nước hầu như không giúp được gì cho họ.
Vì miếng cơm manh áo nên dòng người Việt di dân vẫn tiếp tục chảy sang các nước. Tất cả đều trông chờ vào sự bao dung và che chở của các nước tiếp nhận.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, trong Dự án Chính trị 2015 đã mổ xẻ vấn đề này và xem môi trường và làn sóng người di dân như là hai lý do chính buộc các nước giàu không thể bỏ rơi những nước nghèo. Sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (chương 2, trang 37-38) viết như sau:
Một ý thức mới đã ra đời theo đó trái đất là quê hương chung của cả nhân loại. Mọi quốc gia đều cảm thấy nhu cầu được sống trong một thế giới không bị đe dọa. Càng giàu có và phát triển các dân tộc càng thấy cần phải đảm bảo những thành tựu của mình bằng cách đóng góp cho một thế giới an bình và ổn vững. Do đó dù muốn dù không, các nước giàu mạnh cũng không thể để mặc các quốc gia khác sống trong sự bần cùng. Đây không phải chỉ là một bắt buộc do lòng nhân đạo, mà còn do thế liên thuộc mật thiết.
Một thí dụ cụ thể là vấn đề môi sinh. Chernobyl không phải đã chỉ là một tai họa của riêng Ukraine. Các ống thoát khói tại Trung Quốc không phải chỉ ô nhiễm không gian của Trung Quốc, do đó không phải chỉ là vấn đề của Trung Quốc mà là vấn đề của cả thế giới. Sự phá hủy rừng Amazon không phải là vấn đề riêng của nước Brazil. Những ô nhiễm của vùng biển của một nước là vấn đề của nhiều nước. 
Một thí dụ khác là phong trào di dân từ các nước nghèo sang các nước giàu, đặt cho các nước giàu mạnh hàng loạt những vấn đề nan giải. Thế liên thuộc này bắt buộc các nước mở mang tạo điều kiện giúp các nước chậm tiến có cơ hội để phát triển. Sự tương trợ này, dù xuất phát trước hết từ nguyện vọng của các nước phát triển là khỏi phải sống trong một thế giới quá nhiều hiểm họa, cũng là cơ may mà các nước thua kém có thể lợi dụng để vươn lên”.
Theo chúng tôi nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự ô nhiễm không khí và nạn phá rừng bừa bãi tại Việt Nam cũng như vấn nạn di dân suốt thời gian qua là vì đất nước không có dân chủ, nền kinh tế dựa trên việc khai thác và bán rẻ tài nguyên.
Muốn chấm dứt tình trạng này chỉ có một con đường duy nhất là dân chủ hóa đất nước. Dân chủ để có thể đặt mọi vấn đề cấp bách và quan trọng của đất nước một cách công khai, minh bạch và rõ ràng để rồi từ đó lựa chọn những người có năng lực và đặt họ vào đúng chỗ để họ làm đúng với trách nhiệm của mình.
Chương 8 của Dự án Chính trị 2015: “Chuyển tiếp thành công về dân chủ” viết về các biện pháp cần thực thi để bảo vệ môi trường như sau:
Chính sách đánh bắt vô tổ chức hiện nay đã làm suy giảm trầm trọng nguồn hải sản của ta. Chúng ta cần có ngay những quy định giản dị, minh bạch và được áp dụng triệt để nhằm cứu vùng biển và cứu nguồn hải sản. Phong trào phá rừng bán gỗ bừa bãi - vẫn còn tiếp tục - đang có cơ nguy biến nước ta thành cằn cỗi; phong trào này phải được chặn đứng ngay tức khắc. Việc phục hồi lại cây rừng vừa cần nhiều vốn lại vừa cần sự bảo vệ và chăm sóc đều đặn cho nên có thể ngân sách nhà nước không cáng đáng nổi. Cần nghiên cứu giải pháp giao khoán từng vùng rừng, từng khu rừng cho các công ty tư nhân Việt Nam phục hồi và khai thác, với những quyền lợi và những cam kết rõ rệt.
Song song với cố gắng phát triển công nghiệp cũng phải có những quy định rõ ràng về cách xử lý các loại phế liệu.
Đình chỉ tức khắc và vĩnh viễn dự án khai thác bô-xit tại Tây Nguyên. 
Đình chỉ các dự án xây dựng các nhà máy điện nguyên tử chừng nào các kỹ thuật xử lý an toàn chất thải vẫn chưa được tìm ra và Việt Nam chưa đủ khả năng bảo đảm an ninh tuyệt đối trong việc điều hành các nhà máy”.
Đất nước đang đứng trước những thách thức và nguy cơ vô cùng lớn lao và nghiêm trọng. Lời giải cho bài toán dân chủ hóa đất nước cũng đã có. Vấn đề duy nhất còn lại là đến bao giờ trí thức Việt Nam mới nhận ra và có nhu cầu tập hợp lại với nhau trong một tổ chức chính trị để tạo thành sức mạnh và niềm tin cho người dân và cho sự thay đổi?

Việt Hoàng