Các nền dân chủ hiện đại chết thế nào? (Thiên Dương)

Cái chết của các nền dân chủ đến từ từ và khó nhận biết, không có một dấu hiệu rõ ràng, không chính biến, không thuốc súng, không có bóng dáng của một vị tướng. Đó là cái chết đáng sợ, âm thầm và lặng lẽ, từ việc các quyền tự do dân sự bị thu hẹp cho đến sự suy thoái của các định chế và pháp luật.
1/ Hệ miễn dịch của các nền dân chủ
Đầu tiên, một nền dân chủ có hai cơ chế để kháng cự một kẻ dân túy có xu hướng độc tài: những người gác đền (gatekeepers) và những thiết chế (institutions). Những người gác đền trong một nền dân chủ là các chính đảng ôn hòa và dòng chính (moderate and mainstream parties – establishments), các chính đảng này đóng vai trò như một cái sàng để loại bỏ những kẻ dân túy và có xu hướng độc tài. Các thiết chế bao gồm tòa án, nghị viện, và các ủy ban độc lập, những cơ quan này đóng vai trò như những người bảo vệ và xiển dương hiến pháp nhằm ngăn cản sự lạm quyền của kẻ dân túy.
Ngoài ra, một nền dân chủ lành mạnh sẽ có 2 yếu tố: sự khoan dung lẫn nhau (mutual tolerance) và sự nhẫn nại thiết chế (institutional forbearance). Sự khoan dung lẫn nhau nghĩa là không coi ai đó là kẻ thù – mà chỉ là người đối đầu và bất đồng – ngay cả khi bản thân không hề thích họ hay các luận điểm của họ. Sự nhẫn nại thiết chế nghĩa là sự hạn chế trong việc sử dụng các công cụ pháp lý và chế định nhắm tới việc loại bỏ đối lập ngay cả khi các công cụ đó là hợp pháp về mặt chữ (by letters – literally).
Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, các nền dân chủ trưởng thành thường có những hiến pháp tốt (luật thành văn) và những quy chuẩn tốt (luật bất thành văn). Luật thành văn (written law) quy định những điều mà nhà nước được làm (và không được làm vượt quá khuôn khổ luật pháp) và những gì công dân không được phép làm (và được làm những gì mà luật không đề cập). Luật bất thành văn (unwritten law, norms) định hình cách suy nghĩ và phản ứng của mọi người trong đời sống thường ngày, chia phối đến các quyết định về điều nên làm và không nên làm.
2/ Nền dân chủ tổng thống chế
Hiến pháp của Hoa Kỳ không phải là một hiến pháp hoàn hảo lúc ban đầu nhưng nó may mắn có những người cha lập quốc có tinh thần thượng tôn pháp luật (reverent spirit for the rule of law), quy chuẩn đạo đức cao, sự lịch thiệp (courtesy) và sự có qua có lại (reciprocity), những điều đó đã giúp nền dân chủ Hoa Kỳ tồn tại, vượt qua những làn sóng dân túy đương thời. Nhưng tại sao đến làn sóng này, Hoa Kỳ lại tỏ ra yếu đuối và bất lực trước một người như Trump, dù ông ta còn ít nguy hiểm hơn D. Roosevelt, Ford và Nixon?
Tổng thống chế là một chế độ được xây dựng dựa trên nguyên tắc phân quyền cứng rắn (hard separation of powers), muốn vận hành được nó, một quy chuẩn xã hội mạnh, các thiết chế công minh và các chính đảng lành mạnh là những điều không thể thiếu. Cách tuyển chọn ứng viên tổng thống của Hoa Kỳ đã từng rất khắt khe, những ứng viên phải vượt qua sự đề cử của các lãnh đạo đảng thì mới được phép tham gia vận động tranh cử tại từng bang, và phải thắng phiếu cử tri đoàn mới đắc cử thành tổng thống. Cách bầu tổng thống ngày nay được “dân chủ hóa” (democratization) với việc các đảng sẽ nới lỏng phương thức đề cử, họ sẽ cho người dân từng bang cùng tham gia bầu chọn ứng viên tổng thống (với đảng dân chủ, 20% phiếu đề cử dành cho các đảng viên nắm chức vụ nhà nước và 80% là cho người dân; đảng cộng hòa có tỷ lệ người trong đảng đề cử ứng viên thấp hơn), sau đó những ứng viên được đề cử trong đại hội đảng toàn quốc sẽ bắt đầu vận động tại từng bang và họ phải thắng phiếu cử tri mới đắc cử chức tổng thống.
Với cách đề cử trước đây, các lãnh đạo đảng sẽ ưu tiên những ứng viên mà họ biết và thường là những người từng giữ chức vụ nhà nước và đã có kinh nghiệm sinh hoạt trong đảng. Với lối bầu mới, các chính đảng Hoa Kỳ đã giao nhiệm vụ sàng lọc ứng viên cho quần chúng, những người không hiểu biết nhiều về chính trị và thường quyết định dựa trên cảm tính. Những cái sàng vô hình như báo đài, tài sản cá nhân, mối quan hệ thân hữu là con dao hai lưỡi, nếu nó được dùng để loại bỏ được những kẻ dân túy “vô sản” nhưng với những kẻ dân túy giàu có, có sức ảnh hưởng và có mối quan hệ thân hữu với các tập đoàn, cái sàng này giúp khuếch trương sức mạnh của hắn trong các chiến dịch tranh cử, kết quả là một chế độ tài phiệt tổng thống (presidential oligarchy regime) ra đời.
Trong hai khoảnh khắc đen tối nhất của chế độ tổng thống Hoa Kỳ – nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865) và đệ nhị thế chiến (1941-1945), tối cao pháp viện luôn đóng vai trò như một cơ quan kiểm soát và cân bằng quyền lực hiệu quả, tuyệt vời hơn nữa là các tổng thống Lincoln và D. Roosevelt đã kiềm chế để không thách thức và phớt lờ lệnh tòa. Trong trường hợp của Roosevelt, sự đồng thuận của lưỡng đảng đã góp phần khiến ông phải chùn bước trong việc cố gắng mở rộng quyền lực hành pháp của mình nhân danh chiến tranh. Chế độ dân chủ Hoa Kỳ đã sống sót chủ yếu nhờ các quy chuẩn – sự lịch thiệp, tính khoan dung và tinh thần thượng tôn pháp luật. Sự đối đầu của hai đảng không hề căng thẳng vì các nghị sĩ coi nhau là đồng nghiệp chứ không phải những kẻ tử thù.
Nhưng mọi chuyện thay đổi kể từ khi làn sóng đỏ dâng lên trên khắp thế giới. Dù chiến tranh lạnh đã kết thúc được hơn 30 năm, nhưng dư âm của nó vẫn còn. Hoa Kỳ, với nỗi sợ bị làn sóng đỏ nuốt chửng, đã trở thành vùng đất màu mỡ cho các diễn ngôn dân túy chống cộng cực đoan, xuất phát từ những cáo buộc vô căn cứ của các đảng viên cộng hòa nhắm vào các đảng viên dân chủ, xã hội Hoa Kỳ bắt đầu trở nên phân cực và căng thẳng đảng phái ngày càng nghiêm trọng, tập hợp đồng thuận chung ngày càng nhỏ trong khi hai đảng lo sợ mất phiếu nếu quay lưng lại những cử tri cực đoan.
Khi quy chuẩn suy yếu, niềm tin thiết chế bị xói mòn, chức năng sàng lọc bị lơ đễnh, hiến pháp chỉ là tờ giấy. Donald Trump – với sự hậu thuẫn của một đảng cộng hòa bị cực đoan hóa, những cử tri bất mãn, những tờ báo lá cải chuyên đưa tin giả – đã nổi lên và giành lấy quyền lực bằng tài nói dối trơ trẽn và trắng trợn, đã thách thức lệnh tòa và thẩm quyền của nghị viện, và chà đạp lên hiến pháp.
Một phép thử được Steven Levitsky và Daniel Ziblatt giới thiệu đã chứng minh Trump là một kẻ dân túy có xu hướng độc tài: 1/ Trump chối bỏ tính hợp pháp của cuộc bầu cử năm 2020, gọi đó là cuộc bầu cử bị đánh cắp. 2/ Trump miêu tả đối lập như những tội phạm phản quốc, cũng như hạ nhục và tấn công cá nhân các ứng viên trong nội bộ đảng cho đến đảng dân chủ nhằm làm mất tư cách tranh cử của họ. 3/ Trump cổ vũ cho các hành động bạo lực cực đoan của những nhóm da trắng thượng đẳng, thậm chí từng đề nghị chi trả án phí cho những ai dám tấn công đối lập. Trump cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với cách mà chính quyền Trung Quốc xử lý Thiên An Môn và cách đàn áp đối lập của chính quyền Putin. 4/ Trump viện dẫn những đạo luật mơ hồ như luật người nước ngoài và tội phản loạn (Alien and Sedition Act) để tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các bang miền Nam, đồng thời thách thức lệnh tòa và quy trình tố tụng hợp pháp để trục xuất những người đang sinh sống tại Hoa Kỳ bất chấp điều 1, tu chánh án 14 về quyền được công nhận quốc tịch của những người sinh ra tại Hoa Kỳ.
3/ Nền dân chủ đại nghị chế
Đại nghị chế cũng không hoàn toàn ngăn được hoàn toàn xu hướng độc tài, nó chỉ hơn tổng thống chế ở chỗ giúp các chính đảng có quyền lực hơn trong việc lựa chọn các ứng viên lãnh đạo đảng. Nhưng sẽ thế nào nếu phương thức bầu cử thiếu tính giải trình hoặc/và sự xuất hiện của các đảng cực đoan? Lúc này, sự lựa chọn của các đảng dòng chính đóng vai trò quyết định – hoặc họ bỏ qua những bất đồng và hợp tác để ngăn cản những đảng cực đoan hoặc họ cộng tác với các đảng cực đoan để đưa quốc gia về phía độc tài.
Sự hấp dẫn về mặt ý thức hệ là điều không thể chối cãi, những đảng cánh hữu luôn tìm thấy những điểm chung ở những đảng cực hữu về các chính sách nhập cư và ngân sách trong khi các đảng cánh tả luôn tìm thấy điểm chung với các đảng cực tả trong các chính sách về kinh tế xã hội. Điều này có thể khiến các trung hữu và trung tả nhầm lẫn ai là mới là đồng minh trong cuộc chiến bảo vệ hiến pháp. Một sai lầm chí tử nữa là các đảng trung dung nghĩ rằng có thể kiểm soát và thuần hóa các đảng cực đoan sau khi cộng tác. Đây là ảo tưởng không thể vãn hồi nếu nó được thực hiện, bởi vì ái lực của tâm lý cực đoan luôn hấp dẫn hơn những suy tư lý trí và sâu sắc, những đảng viên ôn hòa sẽ bị đồng hóa và bị nuốt chửng bởi các đảng cực đoan. Đối với các đảng cực đoan, không có chỗ cho thỏa hiệp, hoặc chúng bị khai tử hoặc các đảng dòng chính phải biến mất.
Vì đại nghị chế áp dụng nguyên tắc phân quyền mềm mại (soft separation of powers), nhánh hành pháp sẽ như hổ mọc thêm cánh nếu có đồng minh đa số tại nghị viện và sẽ hóa thành bạo long nếu có những người trung thành tại tối cao pháp viện. Đại nghị chế, vì thế cần những chính đảng có ý thức hệ phóng khoáng và một lối bầu đảm bảo sự đa dạng của các chính đảng (lối bầu tỷ lệ), tránh trường hợp nền chuyên chế của đa số (tyranny of majority). Nhưng trớ trêu thay, có những chế độ đại nghị đã biến chất vì lối bầu tỷ lệ, hãy nhìn sang Hungary.
Lối bầu của Hungary vẫn là lối bầu tỷ lệ, nhưng thay vì đảm bảo một sự đa dạng của các chính đảng trong nghị viện, đảng cầm quyền Fidesz của Orban đã sửa hiến pháp, thêm vào cách tính phiếu “phần thưởng cho kẻ chiến thắng” (reward for the winner). Cụ thể đảng về nhất trong một quận sẽ được hưởng hết phiếu của các đảng thua. Lối bầu này đảm bảo Fidesz luôn chiếm đa số, thậm chí là siêu đa số trong nghị viện để hỗ trợ cho Orban ban hành những đạo luật phản dân chủ và làm suy yếu các thiết chế.
Lối bầu tỷ lệ tuy giúp hạn chế quyền lực của nhánh hành pháp bằng cách làm nghị viện bị phân mảnh nhưng nó khiến chính phủ trở nên mong manh bởi sự hợp tan của các phe phái trong nghị viện. Như đã đề cập như trường hợp của Hungary, lối bầu này có thể được chỉnh sửa để vừa đảm bảo một đa số vững chắc cho chính phủ nhưng cũng vừa không có tính giải trình đối với cử tri. Các chế độ đại nghị hiện nay đã ưu tiên lối bầu đơn danh vì chúng có thể đảm bảo sự ổn định của chính phủ và trách nhiệm giải trình của nghị sĩ đối với cử tri.
4/ Các nhà độc tài sẽ làm gì khi nắm quyền?
Đối với các nhà độc tài, những nhân viên hành chính sự nghiệp phi chính trị chính là những cái gai vì họ là những người tiên phong trong việc kiểm tra và giám sát quyền lực nhà nước. Những kẻ độc tài sẽ tìm cách sa thải những nhân viên này và thay thế họ bằng những người trung thành. Hãy nhớ những gì Donald Trump từng nói: “drain the (deep state’s) swamp.” Đúng vậy, nhân viên hành chính sự nghiệp phi chính trị luôn kiểm tra và đặt câu hỏi về tính hợp hiến của những sắc lệnh chính phủ, và khi thấy chúng vi hiến, họ từ chối thi hành hoặc thậm chí mở cuộc điều tra nhắm vào các quan chức cấp cao. Đối với Trump, họ là đầm lầy cần phải tát cạn để ông ta thuận lợi thâu tóm quyền lực.
Nếu không thể sa thải những nhân viên hành chính sự nghiệp phi chính trị trong trường hợp họ được hiến pháp bảo vệ, nhà dân túy sẽ tìm cách gây ảnh hưởng lên những thủ trưởng tại các định chế độc lập. Những đoạn video quay lén, những bằng chứng về hành vi phạm tội, những món tiền “bồi dưỡng” sẽ được dùng để đe dọa và mua chuộc các quan tòa, nghị sĩ, thủ trưởng cơ quan thuế và công tố, các giám đốc truyền thông, với mục đích cuối cùng là khuyến khích họ sa thải những nhân viên hành chính độc lập ra khỏi nơi làm việc và gặt hái sự ủng hộ của các định chế này.
Nếu không thể gây ảnh hưởng lên các thủ trưởng độc lập, các nhà độc tài sẽ dùng công cụ luận tội (impeachment) để buộc họ phải ra đi và bị thay thế bằng những người trung thành với chính phủ. Cách nhanh nhất để đạt được mục đích này là thông qua những đạo luật mơ hồ tại nghị viện và sau đó nhanh chóng viện dẫn chúng và điều khoản luận tội để thay thế những thủ tưởng “cứng đầu.” Trump đã đòi luận tội một thẩm phán cấp quận vì dám ra lệnh ngăn thi hành sắc lệnh trục xuất. Về mặt hiến pháp, nghị viện Hoa Kỳ có quyền luận tội các thẩm phán nhưng nếu điều này được thi hành, nó sẽ hủy hoại tinh thần của sự nhẫn nại thiết chế và thậm chí cả hiến pháp dân chủ.
Đôi khi nỗ lực này sẽ thất bại nếu tối cao pháp viện vẫn còn tính độc lập, lúc này nhà độc tài sẽ tận dụng lợi thế đa số sẵn có tại nghị viện để bổ nhiệm thêm các quan tòa thân chính phủ hoặc/và gia tăng túc số cần có của các thành viên tối cao pháp viện cần đạt được để chặn một đạo luật hay một sắc lệnh của chính phủ. Hiến pháp Hoa Kỳ không quy định số lượng thành viên cụ thể tại tối cao pháp viện, vì thế về mặt hiến pháp, chính quyền Trump có quyền bổ nhiệm thêm thẩm phán mới. Tuy nhiên, hiện tại có 6 vị bảo thủ/3 vị tự do tại tối cao pháp viện, nên chính quyền Trump có thể sẽ quan tâm tới việc mua chuộc hơn.
Trong trường hợp cực đoan nhất, chính quyền sẽ giải tán cả nghị viện và tối cao pháp viện sau nhiều lần ăn miếng trả miếng. Chính phủ sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử hội đồng lập hiến và sẽ sửa lại toàn bộ luật chơi. Tuy nhiên, điều này rất khó diễn ra vì các chính quyền hiện tại là các chính quyền dân cử, quyền hành của nhánh hành pháp không còn tuyệt đối như thời quân chủ nên sẽ khó có việc nhánh hành pháp đơn phương sửa luật. Trừ khi quân đội là lực lượng tận trung với nhánh hành pháp.
5/ Làm thế nào để bảo vệ nền dân chủ?
Một ngộ nhận lớn là các cử tri là những người quyết định những kẻ dân túy có cầm quyền hay không. Xuyên suốt lịch sử đệ nhị thế chiến, từ Thụy Điển, Ý cho đến Đức, mức độ ủng hộ những kẻ dân túy chỉ khoảng 25%, chính sự lựa chọn sai lầm của các đảng chính trị đã dẫn đến bi kịch, nếu họ gạt sang những hiềm khích bất đồng để cộng tác với các đảng ôn hòa thay vì đề cử và ủng hộ những kẻ độc tài và các đảng cực đoan, bi kịch đã không xảy ra.
Hiến pháp nên được thiết kế để trao cho các định chế quyền kiểm tra và giám sát ngay cả trong thời điểm khủng hoảng. Trong suốt thời gian đệ nhị thế chiến, Roosevelt đã ra hơn 3000 sắc lệnh trong đó có những sắc lệnh nhằm mở rộng quyền lực hành pháp và hạn chế quyền tự do dân sự đều bị nghị viện và tối cao pháp viện phản đối, điều đó đã giúp nền dân chủ Hoa Kỳ sống sót trong khoảnh khắc đen tối nhất.
Phân cực chính trị là một liều thuốc độc, các chính đảng không được tận dụng những diễn ngôn hận thù nhằm mục đích kiếm phiếu. Đảng cộng hòa đã phạm sai lầm khi miêu tả những người dân chủ là những kẻ thân cộng và tận dụng sự quá khích của đám đông để kiếm phiếu trong khi chính những người cộng hòa ôn hòa nhận ra tình cảm quốc gia đang đổ vỡ vì những lời nói vô trách nhiệm. Phân cực chính trị khiến lòng khoan dung lẫn nhau trở nên mờ nhạt và sự nhẫn nại thiết chế bị xói mòn, trò chơi giữ bóng sẽ trở nên khốc liệt với mục tiêu cuối cùng là triệt hạ đối lập để nắm thế độc quyền trong trò chơi và điều này sẽ khởi đầu cho một trò chơi chuyên chế lên ngôi.
Nếu có thể, hãy giảm bớt quyền lực của nhánh hành pháp. Phân quyền không có nghĩa là tam quyền phân lập, nó chỉ có nghĩa là sự phân chia quyền lực nhằm mục đích kiểm soát và cân bằng. Nhánh hành pháp là nhánh có khả năng lạm quyền và nổi loạn nhất trong cả ba nhánh quyền lực nhà nước, vì thế những cân nhắc giảm bớt quyền lực của nó không thể bị phớt lờ. Xu hướng mới gần đây của các nền dân chủ trưởng thành là tách riêng văn phòng công tố thành một nhánh riêng và trở thành viện công tố, nắm giữ quyền công tố, trong khi nhánh hành pháp chỉ giữa quyền thi hành luật và điều tra, điều này sẽ giảm bớt các vụ án chính trị.
Dân chủ không có nghĩa là dân làm chủ. Các nền dân chủ hiện đại và thịnh vượng ngày nay hầu hết là các nền dân chủ tự do (liberal democracy) chứ không phải là dân chủ xã hội (social democracy). Những nền dân chủ tự do luôn đề cao các cuộc thảo luận cởi mở và trách nhiệm giải trình, nhưng cũng tỏ ra nghi ngờ với khả năng ra quyết định có lý trí của đám đông. Christopher Achen và Larry Bartels tỏ ra bi quan với nền dân chủ đại diện vì theo họ, đám đông chỉ lựa chọn người đại diện chỉ vì vẻ bề ngoài, sức hút từ phong thái hay chỉ đơn giản là vì ông/bà ta là người có căn tính chính trị giống họ. Các đảng phái và các thiết chế, một lần nữa, đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành nền dân chủ. Tuy nhiên, có thể tin rằng khi quy chuẩn và sự đồng thuận về dân chủ trở nên mạnh mẽ, các cử tri có thể thúc đẩy những phong trào phản đối chính phủ chuyên chế thông qua nhiều kênh như tác động nghị sĩ, biểu tình hay bất tuân dân sự. Trong khi đó, dân chủ xã hội chỉ chú ý về số lượng (người) hơn là chất lượng (chính đảng, thiết chế) của nền dân chủ và sẽ là vô nghĩa nếu các thiết chế yếu ớt không thể kiểm soát quyền lực của nhà nước.
————————————————–
A sapient democracy does not need sagacious people but judicious and accountable parties and institutions.
Thiên Dương
Nguồn: www.facebook.com