Quân sự-An Ninh : Nga và « tầm nhìn xa hơn » cho giai đoạn hậu chiến tranh Ukraina (Thanh Hà)
Phần Lan, dự án thí điểm của Nga với NATO ? Vào lúc giới quan sát say sưa phân tích về những « kết quả không nhiều » từ cuộc điện đàm hôm 19/05/2025 giữa tổng thống Nga và Mỹ để chấm dứt chiến tranh Ukraina, dường như về an ninh và quân sự, Vladimir Putin đã có những nước cờ kế tiếp. Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Matxcơva « gia tăng các hoạt động quân sự » sát biên giới với Phần Lan, một thành viên mới của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Theo nhật báo Mỹ The New York Times hôm 19/05/2025, cách biên giới Phần Lan vài chục cây số, từ nhiều tháng qua, quân đội Nga đã âm thầm xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng, các hoạt động quân sự tại dây cũng dồn dập hơn hẳn. Nhà phân tích quân sự Phần Lan, Emil Kastehelmi nêu rõ một số địa danh « gần sát » biên giới như Alakourtti, Petrozavodsk được chọn đặt thêm các căn cứ quân sự. Khác hẳn với sự ồn ào đã ghi nhận trước khi Matxcơva chính thức đưa quân xâm chiếm Ukraina, « lần này, điện Kremlin thong thả chuẩn bị với hiệu quả lợi hại không kém ». Nhận định này khiến các giới chức trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương e rằng Nga đang chuẩn bị « cho một sự hiện diện lâu dài » ở khu vực sát biên giới của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, mà Phần Lan là một thành viên mới và có đường biên giới chung với nước Nga hơn 1.300 km.
Janne Kuussela, giám đốc một viện nghiên cứu quốc phòng tại thủ đô Helsinki, được báo Mỹ trích dẫn đánh giá : Một khi chiến tranh Ukraina kết thúc, Nga có thể sẽ điều hàng ngàn quân đến đường biên giới chung với Phần Lan. Do trong quá khứ từng phải đối đầu với sức mạnh quân sự của Liên Xô, từng bị chiếm mất một phần lãnh thổ, một số mỏ nickel và cả cửa ngõ mở ra Bắc Băng Dương, các giới chức quân sự tại Helsinki biết rõ hơn ai hết là rất « khó lường trước » những nước cờ của Nga : Dưới thời nào đi chăng nữa thì « quốc gia láng giềng này không mạnh như chúng ta lầm tưởng, nhưng cũng không yếu kém như những lời phỏng đoán ». Do vậy, những bước chuẩn bị của Matxcơva nâng cấp các căn cứ quân sự trong khu vực đang « châm thêm củi lửa cho lo ngại là Phần Lan có thể trở thành một điểm nóng tại châu Âu », một khu vực « mang tính địa chiến lược rất cao ».
Trong một bài tham luận đăng trên tạp chí quân sự Areion24News, hai đồng tác giả Laura Margueritte và Thibaut Courcelle đã nhấn mạnh đến mối quan hệ phức tạp giữa Helsinki và Matxcơva : Nga là một đối tác thương mại quan trọng của Phần Lan, chiếm gần 7% tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia Bắc Âu này - chủ yếu là cung cấp dầu và khí đốt cho Phần Lan. Dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhưng Phần Lan vẫn duy trì một lực lượng hùng hậu lính dự bị và khác hẳn với các thành viên khác tại châu Âu, Helsinki tiếp tục đầu tư vào quốc phòng. Công luận Phần Lan cũng ý thức được rằng, ngoài yếu tố quân sự, Nga có nhiều « vũ khí » khác để làm suy yếu quốc gia Bắc Âu này. Đứng đầu trong số đó là lá bài « nhập cư » : Với đường biên giới chung 1.340 km, Helsinki rất khó kiểm soát được làn sóng người nhập cư từ Nga tràn vào. Đó là chưa kể đến những hình thức tấn công khác trong cái được gọi là « chiến tranh hỗn hợp » của Matxcơva để làm khuynh đảo các nước phương Tây mà Phần Lan là một mục tiêu gần sát cạnh với nước Nga hơn cả.
Chuyên gia Ed Arnold, thuộc viện nghiên cứu của Anh về an ninh và quốc phòng Royal United Services Institute giải thích vì sao Phần Lan sẽ là một điểm nóng quân sự : « Nếu xảy ra xung đột giữa NATO và Nga trong vùng Baltic, Phần Lan sẽ không khoanh tay đứng nhìn, và rất có thể là quốc gia Bắc Âu này sẽ can thiệp vào bán đảo Murmansk, nơi Nga đang cất giấu vũ khí nguyên tử và là cứ địa của Hạm Đội Phương Bắc. Phần Lan cũng có khả năng nhắm vào thành phố Saint-Petersburg ».
Những động thái quân sự gần đây của Nga ở khu vực Bắc Âu làm dấy lên câu hỏi, phải chăng chủ nhân điện Kremlin quan niệm rằng tuy chưa im tiếng súng ở Ukraina, nhưng « chiến dịch quân sự đặc biệt » ở Ukraina đối với ông như « chuyện đã rồi » để Matxcơva rảnh trí chuẩn bị cho những nước cờ sắp tới. Một yếu tố khác cho phép các nhà quan sát gián tiếp trả lời những câu hỏi này bắt nguồn từ cuộc trao đổi đầu tiên hồi tháng 03/2025 giữa tổng thống Vladimir Putin với đồng cấp Mỹ Donald Trump và đã được chính chủ nhân Nhà Trắng nhắc lại sau cuộc điện đàm hôm đầu tuần : Nga muốn chấm dứt chiến tranh Ukraina để mở ra những viễn cảnh hợp tác kinh tế « to lớn » với Hoa Kỳ ! Có lẽ không chỉ Matxcơva, mà cả Washington cũng đã có tầm nhìn « xa hơn » cho giai đoạn hậu chiến tranh Ukraina !
Thanh Hà
22/05/2025
Nguồn: RFI Tiếng Việt