Nhìn lại 50 năm chế độ Khmer Đỏ và cách cai trị kiểu diệt chủng (Chi Phương)

 Cách đây đúng 50 năm, ngày 17 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ tiến vào thủ đô Phnom Penh của Cam Bốt, chính thức đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Cộng hòa Khmer do Lon Nol lãnh đạo, được Hoa Kỳ yểm trợ và từ đó, Cam Bốt trải qua một chế độ lãnh đạo cực đoan chưa từng có, khiến 1,7 triệu người bỏ mạng, một trong những cuộc diệt chủng đẫm máu nhất của nhân loại.

A Khmer Rouge soldier waves his pistol and orders store owners to abandon their shops in Phnom Penh, Cambodia, on April 17, 1975 as the capital fell to the communist forces.  A large portion of the ci
Một người lính Khmer Đỏ cầm súng ra lệnh cho các chủ cửa hàng đóng cửa, tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 17/04/1975. ASSOCIATED PRESS - CHRISTOPH FROEHDER

Khmer Đỏ, lực lượng vũ trang của Đảng Cộng Sản Cam Bốt, xuất phát từ một phong trào du kích nhỏ hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn từ cuối những năm 1960. Lợi dụng tình trạng bất ổn chính trị trong nước và sự lan rộng của chiến tranh ở Việt Nam, Khmer Đỏ từng bước mở rộng ảnh hưởng với sự hỗ trợ về hậu cần và quân sự của Bắc Việt Nam và Trung Quốc.

Cuộc đảo chính năm 1970 do tướng Lon Nol thực hiện, lật đổ Quốc vương Norodom Sihanouk, đã vô tình tạo điều kiện cho Khmer Đỏ thu hút thêm lực lượng, vì Sihanouk liên minh với Khmer Đỏ trong thời gian lưu vong. Chiến tranh đã kéo dài 5 năm (1970–1975) khiến đất nước kiệt quệ, dân chúng đói nghèo, mất niềm tin vào chính quyền Lon Nol vốn bị coi là tham nhũng và bất lực. Trong khi đó, Khmer Đỏ với khẩu hiệu “giải phóng dân tộc” và hứa hẹn chấm dứt bất công trong xã hội, đã giành được sự ủng hộ, đặc biệt là ở những vùng nông thôn.

Ai đứng sau hậu thuẫn Khmer Đỏ ?

Jean-François Bouvet, tác giả của cuốn Havre de Guerre, Phnom Penh, Cambodge (Fayard), trả lời phỏng vấn báo Le Point, cho biết phong trào Khmer Đỏ được mô tả là ‘cực đoan’, theo chủ nghĩa Mao. Ông giải thích: "Trung Quốc ủng hộ Khmer Đỏ về mặt chính trị và quân sự, đặc biệt là sau khi ‘Phnom Penh sụp đổ’, Bắc Kinh đã gửi cố vấn chính trị ngay từ những ngày đầu. Một số lãnh đạo Khmer Đỏ còn được đào tạo tại Pháp"Ngoài Pol Pot được đào tạo vô truyến điện tử, còn có Khieu Samphan, một trong những nhà tư tưởng chính của chế độ, đã bảo vệ luận án kinh tế tại Paris, ủng hộ chế độ tự cung tự cấp của Cam Bốt”.

Cũng phải nhắc lại rằng, vào thập niên 1960, Cam Bốt dưới thời Quốc vương Norodom Sihanouk đã phần nào được thịnh vượng và giữ lập trường trung lập với Việt Nam. Tuy nhiên, ông Bouvet giải thích, « do đã cho phép quân Bắc Việt sử dụng lãnh thổ làm đường mòn Hồ Chí Minh tiếp tế cho lực lượng Cộng Sản ở miền nam », Sihanouk bị lật đổ năm 1970 bởi Lon Nol, người đã lập chính quyền thân Mỹ. Hoa Kỳ  sau đó can thiệp quân sự vào Cam Bốt để tấn công các căn cứ của người Việt Cộng Sản, trong khi Việt Nam liên minh với Khmer Đỏ để chống lại Lon Nol. Khmer Đỏ dần dần kiểm soát nhiều vùng nông thôn. 

Khmer Đỏ và chính sách cai trị kiểu diệt chủng

Ngày Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh cũng là lúc mà lực lượng này bắt đầu áp đặt một trật tự mới, toàn trị và triệt để.

Ngay sau khi nắm quyền, Khmer Đỏ thi hành các biện pháp cực đoan với mục tiêu xây dựng một xã hội “nguyên thủy lý tưởng”, “tự lực tự cường”, không giai cấp, không chợ, không tiền tệ, và hoàn toàn dựa vào nông nghiệp, tin rằng xã hội nông nghiệp tự cung tự cấp trong quá khứ là "thuần khiết, không có bất công giai cấp".

Toàn bộ dân cư thành thị bị cưỡng bức di dời về nông thôn, trường học, tôn giáo và các định chế của nhà nước cũ bị xóa bỏ. Tất cả người dân bị buộc phải lao động tập thể trong điều kiện khắc nghiệt. Những ai bị nghi ngờ có liên hệ với chế độ cũ, trí thức, thậm chí chỉ biết ngoại ngữ hoặc đeo kính, đều có thể bị xử tử.

Dưới chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo, xã hội Cam Bốt bị chia rẽ một cách cực đoan thành hai nhóm chính : người cũ và người mới. Nhóm người cũ là những người ở nông thôn, nông dân, sống tại khu vực do Khmer Đỏ kiểm soát, trước khi chiếm được Phnom Penh. Họ được coi là “trong sạch”, chưa bị ảnh hưởng bởi các giá trị tư sản, tư tưởng phương Tây hay văn hoá thành thị.

Người mới là những cư dân thành thị, công chức, trí thức, có liên hệ với chế độ Cộng Hoà Khmer của Lon Nol, từng làm việc cho nước ngoài. Họ bị coi là đã “bị đầu độc” bởi chủ nghĩa tư sản, chủ nghĩa đế quốc, cần được cải tạo thông qua lao động cưỡng bức, bị giám sát chặt chẽ, phân biệt đối xử, là những người cần phải thanh lọc, thậm chí cần phải tiêu diệt nếu họ chống cự…

Học thuyết của Khmer Đỏ cũng dựa trên ‘sự thuần khiết’ của chủ nghĩa dân tộc, thậm chí là bài ngoại và dẫn đến việc tiêu diệt những người Việt sống ở Cam Bốt, cũng như những người Chăm theo đạo Hồi. Do đó, ngay từ những năm đầu cầm quyền, Khmer Đỏ đã tấn công vào Việt Nam, vừa được thống nhất, và phải chịu thất bại nặng nề vào năm 1979.

Báo chí đưa tin như thế nào về sự cầm quyền của Khmer Đỏ?

Thông tín viên của báo Pháp Le Monde mô tả cảnh quần chúng hân hoan vì “thành phố đã được giải phóng”, khi lực lượng Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh. Nhật báo cánh tả của Pháp Libération trên trang nhất xác nhận “lá cờ phản kháng bay trên bầu trời Phnom Penh” và bảo vệ thường dân được coi là mối quan tâm hàng đầu của « lực lượng giải phóng ».

Báo Anh The Guardian thì mô tả sự sụp đổ của Phnom Penh, nhấn mạnh đến việc đầu hàng không kháng cự của lực lượng Cộng Hoà. Báo New York Times trong bài đăng ngày 13/04/1975, mô tả “đối với nhiều người, thật khó có thể tưởng tượng ra một cuộc sống tốt đẹp hơn mà không có người Mỹ.” Sau khi Phnom Penh rơi vào tay của Khmer Đỏ, thông tín viên của tờ báo Mỹ, Sydney Schanberg, nêu ra cảnh cưỡng bức di tản và cảm thấy có tội vì "không thể giúp những người bạn Cam Bốt”.

Tuần báo của tạp chí Time cũa Mỹ, một tuần sau đó, cho biết “mặc dù ban đầu không có thương vong”, hay những cuộc trả thù chế độ cũ, nhưng chế độ Khmer Đỏ đã nhanh chóng  thể hiện sự tàn bạo tột độ với các cuộc cưỡng bức di tản gây ra đau thương lớn cho người dân Cam Bốt. 

Trong 3 năm, 8 tháng và 20 ngày viết lại lịch sử Cam Bốt, Khmer Đỏ đã biến đất nước thành một trại lao động cưỡng bức khổng lồ, hàng ngàn người chết đói, kiệt quệ vì bệnh tật. Ước tính hơn 1,7 triệu người, tức một phần tư dân số Cam Bốt, đã chết vì nạn đói, bệnh tật hoặc kiệt sức vì lao động cưỡng bức, hoặc do sự tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ. Hơn 18 000 người Cam Bốt đã bị bỏ tủ, buộc phải thú tội trước khi bị hành quyết. Phải kể đến nhà tù khét tiếng S-21 ở Phnom Penh. Khmer Đỏ đã vẽ ra một trang sử đen tối cho Cam Bốt, cho đến khi bị quân đội Việt Nam lật đổ vào đầu năm 1979.

Gần 20 chục năm sau, vào năm 1997, tòa án đặc biệt tại Cam Bốt (ECCC) được thành lập để xét xử các lãnh đạo của Khmer Đỏ. Trong suốt thời gian hoạt động, tòa chỉ đưa ra ba bản án, trong đó phải kể đến bản án đối với Khieu Sampan, cựu nguyên thủ quốc gia của chế độ Khmer Đỏ (1975-1979). Ông đã bị kết án tù chung thân vì tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại và vi phạm nghiêm trọng Công Ước Genève.

Tuy nhiên trả lời báo giới, Khieu Sampan vẫn một mực bác bỏ vai trò của ông trong chế độ này và đã nhiều lần kháng cáo nhưng bất thành. Ông nói : "Tôi không biết rõ chuyện gì thực sự xảy ra trong giai đoạn 1975-1979. Tôi làm theo các quy tắc kỷ luật của chế độ, dẫn đến sự cô lập và sự thiếu hiểu biết của tôi về những gì đang xảy ra... Trước hết, chiến thắng của phong trào Khmer Đỏ năm 1973 cho thấy trong mắt tôi bản chất yêu nước của phong trào... Chúng ta phải tiếp cận lịch sử một cách toàn diện, chúng ta phải nhìn nhận phong trào Khmer Đỏ một cách toàn diện để thấy được toàn bộ sự phức tạp của vấn đề... Khi thảo luận với những nông dân về các tội ác và hành động tàn bạo trong giai đoạn này, tôi đã nhận thức được nỗi thống khổ của họ... Tôi cầu xin những ai đã mất đi người thân hãy tha thứ cho tôi. »

Chi Phương

17/04/2025

Nguồn: RFI Tiếng Việt