Mong người Cộng Sản hãy đập bỏ bức tường giữa chúng ta (Chu Tuấn Anh)
Mong ông Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính và tập thể lãnh đạo cộng sản, dù thủ cựu hay cấp tiến, hãy chủ động đập bỏ bức tường ngăn cách với đất nước — một bức tường duy trì khoảng tối cho những suy nghĩ hẹp hòi trong chính lòng mình. Giữa chúng ta không nên có một bức tường ngăn cách như vậy, và đó sẽ là điều có lợi cho đất nước.
********************

1. Hai dự án khép lại trước thềm kỷ nguyên mới
Trong nhiều bài viết trước đó, tôi đã trình bày về hai thứ “chủ nghĩa quốc tế”- thứ nhất là dự án Vành Đai – Con Đường mà Tập Cận Bình đã phát động năm 2013 ngay sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kết thúc, với nội dung là xuất khẩu năng lực xây dựng và khuyến khích đầu tư công vào hạ tầng dựa trên vay nợ một cách bừa bãi; thứ hai là phong trào kết hợp thương mại thông qua sắp đặt vai trò sản xuất và chuỗi cung ứng giữa các quốc gia mà chúng ta gọi là phong trào Toàn cầu hóa (đã diễn ra như một xu hướng của thời đại, rất nhanh và cấp thiết, nhưng đã xô bồ vì thiếu kinh nghiệm và tâm lý chính trị thực tiễn). Hai dự án này sẽ khép lại như một khối hỗn độn của một trật tự thế giới cũ.
Ông Tập Cận Bình cũng đã đến Việt Nam vào ngày 14 và 15 tháng tư này như điểm đến đầu tiên của mình trong chuyến đi công du Đông Nam Á trước khi tiếp tục đi thăm Indonesia và Campuchia. Chúng ta hoàn toàn thấy hình ảnh một Tập Cận Bình cô đơn, hầu như không có một người đồng minh đáng kể trên thế giới và phải tìm một chiến thắng ngoại giao vô cùng gượng gạo khi đối mặt với một nước Mỹ tỏ rõ sự hung hăng và vô lý với thế giới. Chúng ta không thấy một nước Phi Châu, Trung Á, những nước Nam Mỹ hoặc Pakistan tỏ ra trực tiếp ủng hộ Trung Quốc trong một bối cảnh mà cả hai nước Mỹ và Trung Quốc phải phát động một màn kịch cạnh tranh siêu cường như một cứu cánh cho những vấn đề nội bộ của họ. Bởi vì, những con đường, tuyến xe lửa, những đập thủy điện, và cơ sở vật chất gắn liền với bẫy nợ đã không đoàn kết được một “quần chúng quốc tế” nào cả ngoại trừ làm giàu cho một bộ phận quan chức địa phương, và duy trì sự đơn độc, cô lập của các quốc gia chấp nhận dự án này với thế giới.
Mặt khác, phong trào toàn cầu hóa xô bồ đã bị xét lại và đi đến hồi chấm dứt. Nhưng sự kết hợp thương mại của thế giới sẽ là một xu hướng không thể đảo ngược vì đó là con đường đem đến sự giàu có chung cho thế giới. Nhưng chính sự kết hợp về thương mại đó cũng dẫn đến việc các quốc gia phải có những nguyên tắc ứng xử chung: quyền con người, pháp trị, những cam kết quốc tế và cố gắng chung được thể hiện qua các Công Ước Quốc tế, những diễn đàn lớn và những định chế quốc tế. Sự xô bồ và sự triệt thoái của phong trào toàn cầu hóa chỉ để thế giới nhanh chóng thiết lập một phong trào toàn cầu hóa khác, có thể bớt xô bồ hơn nhưng trật tự và được dẫn dắt bởi kinh nghiệm.
2. Tổ chức lại các kết hợp thương mại
Trước tiên, chúng ta hãy nhìn vào xu hướng thuế bảo hộ của Hoa Kỳ với thế giới. Trong thế kỷ 19, họ đã giữ mức thuế bảo hộ gần 60%, nhưng để rồi mức thuế bảo hộ đã giảm dần bước sang thế kỷ 20 và trở nên không đáng kể khi bước vào năm 2000. Một Hoa Kỳ giàu có, thu hút nhân tài, và có vai lãnh đạo thế giới luôn là một Hoa Kỳ không áp đặt thuế bảo hộ. Nhưng rồi xu hướng bảo hộ đã nổi lên cùng với sự trở lại của Donald Trump khi Trump đắc cử năm 2025 – và ông ta cho rằng ngày 2/4/2025 sẽ là ngày giải phóng nước Mỹ. Nhưng thị trường chứng khoán – tài chính đã sụp đổ trước bức tường thuế quan của Trump, để rồi chính quyền Trump buộc phải tuyên bố hoãn thuế quan trong vòng 3 tháng (hay 90 ngày) cho các nỗ lực đàm phán song phương. Nhưng sự bất ổn và khó đoán về chính sách của Trump trong những ngày sắp tới (bị sâu sắc hóa bởi một bốn cảnh thế giới với những thay đổi gia tốc và sự khinh bỉ của thế giới với Hoa Kỳ khi đã bầu cho Donald Trump) sẽ mở đầu cho một sự tái sắp xếp phong trào gắn kết với nhau về thương mại trên tình thần thế giới mong muốn Hoa Kỳ tham gia một cách tối đa, nhưng chỉ kỳ vọng một cách tối thiểu. Ban đầu là những hợp tác tạm thời về song phương để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngay lập tức, và dần tiến đến một trật tự đa phương mới có dàn xếp và bài bản hơn.
Trung Quốc cũng tỏ ra mình có thể tham gia một trật tự đa phương mới. Nhưng họ đã gây sự một cách bỉ ổi khi họ giăng cờ chủ quyền tại một bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa và thách thức khối ASEAN (trong đó Việt Nam và Philippines bị đe dọa trực tiếp). Đó là thời điểm chúng ta nhận ra Trung Quốc có xúc tiến hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, hay các nước Đông Nam Á theo hình thức mở rộng quan hệ song phương ở giai đoạn đầu khi trật tự thế giới mới còn chưa rõ ràng. Nhưng chính Trung Quốc cũng đâu kỳ vọng một chỗ đứng nào trong một trật tự thế giới đa phương mới. Nếu có kỳ vọng thì họ cũng đâu gây sự với thế giới một cách không cần thiết như vậy?

3. Một cố gắng khôi phục hợp tác an ninh toàn cầu
Chúng ta cũng cần một lý giải tại sao trong vòng một thập kỷ qua kể từ năm 2015, thế giới đã chỉ bất ổn hơn? Theo báo cáo Global Cooperation Barometer 2025 (tạm dich là Thước đo Hợp Tác Toàn Cầu năm 2025) thì hợp tác về biến đổi khí hậu và tài nguyên tự nhiên, khoa học công nghệ, thương mại và vốn đầu tư, hợp tác về sức khỏe, đã chỉ chịu những triệt thoái nhẹ trong thời gian gần đây sau khi đã có một thập kỷ tăng trưởng thần tốc, nhưng hợp tác về vấn đề hòa bình và an ninh đã giảm đi một phần đáng kể.
Chúng ta cũng thấy được nguyên nhân đậm nhất là Hoa Kỳ đã triệt thoái về vấn đề bảo đảm an ninh thế giới như một xu hướng lưỡng đảng đã có từ thời Obama. Cao điểm là liên minh chính trị – quân sự Đại Tây Dương (thông qua NATO) đã sụp đổ chóng vánh sau những hành xử bắt nạt và trịch thượng của Hoa Kỳ với Ukraine và châu Âu trước cuộc xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ukraine. Tất nhiên chúng ta cũng phải hiểu rằng Hoa Kỳ đang trong một cơn điên với một sự sụt giảm lớn về tinh thần và thể chế dân chủ. Chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho điều này như một xu hướng dài hạn, nhưng cũng coi như đây chỉ là một phút giây bồng bột của Hoa Kỳ với hy vọng nước Mỹ sẽ trở lại với một vai trò đáng kể dù không tuyệt đối, và điều đó tất nhiên sẽ có lợi hơn với thế giới so với tình hình hiện tại.
Nhưng cũng có một bất ổn trong lòng các quốc gia thuộc thế giới các nền kinh tế mới nổi Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương, các nước còn nghèo như châu Phi, và một phần Trung Đông vẫn chìm trong chiến tranh; trong một thời điểm sự gia tăng của nhận thức và tâm lý kỳ vọng để rồi thất vọng trước thực tại đã chuyển biến quá chậm và tạo ra những phản kháng với các lực lượng cầm quyền, và đôi khi là tình trạng suy giảm về an ninh.
Châu Âu sẽ phải chi 3% chi phí cho quân sự và bảo an ở những nước Tây Âu, và 5% hoặc hơn ở các nước tiền tuyến để thay thế vai trò của Hoa Kỳ (Đức sẽ phải tái vũ trang). Khối dân chủ Đông Á – Nhật Bản – Hàn Quốc – và Đài Loan cũng sẽ phải đầu tư cho quân sự. Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy Nhật Bản tái vũ trang sau khi thất bại ở thế chiến thứ hai.
Trong một thời gian sắp tới, ưu tư cho an ninh có thể làm các cố gắng hợp tác toàn cầu khác tiếp tục triệt thoái nhẹ, nhưng đó sẽ là điều kiện tiên quyết để phong trào toàn cầu hóa được tái sắp xếp trong trật tự và có bài bản hơn để đi lên. Tất nhiên trên một tinh thần đó, những quốc gia không có vấn đề về an ninh sẽ là những người chiến thắng đầu tiên trong Kỷ nguyên mới của thế giới và tham gia vào tiến trình hợp tác và hội nhập.
Và an ninh quốc gia không chỉ được định nghĩa là một tình trạng không có chiến tranh mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đã có được. Nó còn là sự ổn vững về thể chế dân chủ và một cơ cấu kinh tế – xã hội ổn vững (vì có liên đới và an sinh xã hội). Một tình trạng khá báo động cho đất nước Việt Nam chúng ta là chúng ta vẫn chưa phải là một quốc gia có dân chủ, dù thể chế dân chủ sắp không còn là lợi thế vì dù sao dân chủ đã là con đường và thể chế mà phần lớn thế giới đã lựa chọn. Hơn nữa, chúng ta còn đang chìm trong một khủng hoảng về địa chính trị khi chúng ta vừa lệ thuộc vào Mỹ về mặt thương mại, vừa phải lệ thuộc Trung Quốc về mặt chính trị. Nhưng Trung Quốc đồng thời lại là kẻ thù và là rủi ro lớn nhất về an ninh và chủ quyền đất nước. Việt Nam đã không có một nền tảng nào trong một thế giới đi về Kỷ nguyên mới ngoài một sự lững thững và rối ren của một dân tộc không có chọn lựa và đường hướng rõ ràng.
4. Dòng vốn tư bản gắn liền với đánh giá rủi ro
Một nét đậm của thế giới trong giai đoạn hiện tại là chúng ta đang phải kế thừa một khối nợ công lớn. IMF dự báo rằng nợ công thế giới sẽ đạt mức 100% GDP toàn cầu vào cuối thập kỷ này. Nói một cách giản dị là toàn thế giới sẽ phải mất 1 năm làm việc không lương để chi trả khối nợ công hiện tại. Nhưng tình trạng báo động về nợ sẽ có tác động lên nguồn vốn hỗ trợ tài chính nhượng bộ (ODA/concessional loans), và theo lãi suất tự nhiên (OOF) – sẽ bị thắt chặt và trở nên khó tiếp cận hơn (đến từ các tổ chức ngân hàng lớn IMF, World Bank, ADB, các cơ quan quốc gia và chính phủ). Việt Nam chúng ta cũng đã được hưởng một giai đoạn tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính một cách dễ dãi, và chính quyền đã lạm dụng sự dễ dãi này cho tham nhũng và phung phí để rồi sự dễ dãi cũng chấm dứt vào năm 2020. Một viễn cảnh thế giới đối mặt với rủi ro về nợ công sẽ tạo áp lực cho các nền kinh tế mới nổi vì vốn vay quốc tế sẽ rất khó khăn vào giai đoạn tới, trong khi OECD vẫn khuyến nghị rằng các quốc gia phải dành 3-5% cho những đầu tư công một cách hợp lý. Hay nói cách khác, nguồn lực phát triển đất nước sẽ chỉ đến từ sự cân đối trong quản trị đất nước, nỗ lực chống tham nhũng, và sự tin tưởng của quần chúng dành cho thể chế chính trị.
Trong cùng một nhận thức chung về kinh tế học thế giới, vấn đề bền vững vĩ mô sẽ được đánh giá bởi hai chỉ số tăng trưởng kinh tế thực tế (real GDP growth), nghĩa là tăng trưởng kinh tế khi đã trừ hao yếu tố lạm phát; và một chỉ số toàn diện hơn là tăng trưởng rủi ro (growth-at-risk), vốn là một khái niệm được IMF đưa ra như một công cụ để theo dõi những rủi ro về tài chính vĩ mô với tăng trưởng, sự đồng đều của tăng trưởng, và triển vọng và phân bổ của tăng trưởng trong tương lai, cùng những rủi ro trong các hoạt động kinh tế tại một nền kinh tế. Điều này có nghĩa là một nền kinh tế và những hoạt động của nó từ nay sẽ phải chịu những sự giảm sát và đánh giá rủi ro, và con số GDP thuần túy chỉ đại diện một sự kỳ vọng hoặc một tổng thể về quy mô mà thôi. Xu hướng này cũng quyết định việc điều tiết những xu hướng của dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) bên cạnh nguồn viện trợ tài chính phát triển (ODF).
Gần đây, trong cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, hai tập đoàn lớn là Samsung và Apple đồng loạt tuyên bố rằng họ sẽ chuyển dịch chuỗi cung ứng và các nhà máy của mình sang Ấn Độ. Đó là một tín hiệu rất xấu đối với Việt Nam. Chúng ta dường như đang mất những nguồn lực dòng vốn tư bản đầu tiên như một hệ quả của một trật tự địa chính trị mới. Chúng ta đang thua một cách chóng vánh. Nói cách khác, “rủi ro” trong mô hình tăng trưởng Việt Nam đã bị đánh giá là cao hơn Ấn Độ và khiến cho Samsung, một đối tác đã sản xuất 50% điện thoại và máy tính bảng tại Việt Nam, ngừng mở rộng tại thị trường Việt Nam, và Apple cũng không lựa chọn đến Việt Nam dù chúng ta có mọi lợi thế để cạnh tranh với quy mô dân số, trình độ, và vị trí chiến lược. Chúng ta có thể lý luận phức tạp về kinh tế nhưng chỉ để rồi nhìn nhận rằng chính trị, nghĩa là thể chế cùng mối quan hệ quốc tế gắn với thể chế là rủi ro lớn nhất của Việt Nam trong những cố gắng thu hút đầu tư và hội nhập. Nếu xu hướng này tiếp tục, có thể nguồn vốn FDI đến Việt Nam sẽ suy giảm đáng kể. Và khi những liều thuốc tăng trưởng biến mất, chúng ta sẽ trần trụi trước một tình trạng khủng hoảng.
Dù sao chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng những sự mất cân bằng hay rủi ro về kinh tế như (nợ công, nợ xấu trong ngân hàng, ngành xây dựng lớn hơn 10% GDP, lệ thuộc vào thương mại, tăng trưởng dựa trên đầu tư công ồ ạt, sự tràn lan của các hoạt động gian lận thương mại, cạnh tranh thiếu công bằng, v.v.) chỉ là biểu hiện hoặc triệu chứng của một thể chế chính trị bất lương, độc tài, và sản phẩm của thể chế là lối làm kinh tế cẩu thả và hoang dại. Quản trị kinh tế vĩ mô chưa bao giờ là một giáo lý, mà là một thực hành thực dụng. Nhưng sự thực dụng đó chỉ có thể đúng và có lợi khi nó được dẫn dắt bởi một chính quyền lương thiện, bài bản, và có nhiều quyết tâm với đất nước.
Nhìn ở góc độ này, dòng vốn tư bản sẽ rất khắt khe với yếu tố thể chế chính trị.
5. Việt Nam và lựa chọn dân chủ hóa bắt buộc
Một kỷ nguyên mới và một trật tự thế giới mới sắp mở ra, đòi hỏi dân chủ hóa như một cuộc chuyển hóa bắt buộc để chúng ta đảo ngược tình trạng khủng hoảng kinh tế đan xen với khủng hoảng xã hội đang kéo đến và sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới. Chúng ta cần tăng trưởng kinh tế trên tinh thần gìn giữ và cân đối những thành tích kinh tế khiêm tốn, đồng thời hướng tới sự tăng trưởng về con người, xuất phát từ nội lực của đất nước. Mặt khác, Việt Nam sẽ không cần và cũng không thể tiếp tục tăng trưởng về quy mô thuần túy dựa trên việc chạy đua thành tích nhằm biện minh cho sự tàn bạo, toàn trị và độc đoán của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Gần đây, ông Tô Lâm cũng nhắc nhiều đến “thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, nghĩa là một cuộc chuyển hóa từ một nền kinh tế sản xuất sang một nền kinh tế dịch vụ và phẩm chất, từ ứng dụng công nghệ sang sáng tạo công nghệ. Thực tế, Việt Nam hiện là một nước thu nhập trung bình thấp (ở mức dưới 5.000 đô la). Chúng ta phải nhanh chóng tận dụng một sự chuyển dịch chính trị cùng với một sự học hỏi lớn (trước tiên là phải bắt kịp trình độ sản xuất tương đương với Trung Quốc) để thu hút các nguồn vốn đầu tư nhằm nhanh chóng vượt lên mức trung bình. Dù sao thì thế giới cũng bắt buộc phải thay thế vai trò cường quốc sản xuất của Trung Quốc, và chỉ mình Ấn Độ sẽ không thể đảm đương được vai trò này. Những điểm đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vẫn là một hứa hẹn. Ngay cả khi tận dụng được bối cảnh địa chính trị hiện tại, chúng ta cũng sẽ mất gần một thập kỷ để vượt lên mức thu nhập trung bình và rồi đối mặt với bẫy thu nhập trung bình bậc cao (hay bẫy thu nhập trung bình mà đáng nói tới hơn). Đó sẽ là một quá trình chuyển đổi đau đớn hơn và gian nan hơn về tâm lý xã hội, cấu trúc, các mối quan hệ sản xuất và lao động, v.v., mà ngay cả Nhật Bản cũng đã phải mất ba thập kỷ để vượt qua, dù có những lúc người ta dự đoán Nhật Bản sẽ vượt lên Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế số một thế giới.
Khi chúng ta đã xác định được tầm vóc của một cuộc chuyển hóa bắt buộc cho đất nước, chúng ta không thể chấp nhận suy nghĩ và xu hướng kỹ trị của ông Tô Lâm hay ông Phạm Minh Chính, khi họ hy vọng vào những dự án đường sắt, dự án đặc khu, hoặc mô hình sản xuất chất bán dẫn, nhà máy điện hạt nhân, v.v. Điều đó dung túng cho một sự dễ dãi đến mức mị dân rằng có thể tăng trưởng bằng cách bảo trợ một số lĩnh vực, một số siêu dự án làm mũi nhọn, nhưng lại lảng tránh những vấn đề về dân chủ, nhân quyền, một tinh thần cởi mở và bao dung (trong đó chúng ta cần tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc) trong xã hội, đủ để thúc đẩy kinh tế tư nhân và đổi mới sáng tạo; và để phát triển toàn diện và đồng đều hơn về con người và mọi địa hạt trong xã hội. Ông Tô Lâm đã phát ngôn bằng những ngôn ngữ “cách mạng”, ông Phạm Minh Chính cũng đã hô hào và thể hiện sự quyết tâm, để rồi họ sẽ tự nhận ra sự nhỏ bé trong suy nghĩ của mình và thực tế rằng họ đã chẳng làm gì để mở ra một Kỷ nguyên Mới cho đất nước ngoài việc dung túng cho sự cẩu thả và hoang dại.
Dẫu ý thức được rằng chúng ta sẽ cần chuẩn bị và xây dựng những thành tựu nối tiếp trong một vài thập kỷ để vươn mình, nhưng cơ sở vật chất cũng có thể được gia tốc, hạ tầng có thể bứt tốc trong một giai đoạn cần thiết; còn tâm lý và tinh thần đúng trong xã hội thì cần nhiều năm hơn, và phải đủ thời gian của một quá trình để bám rễ và trở thành văn hóa chung của đất nước. Vậy tại sao không nuôi dưỡng tâm lý và tinh thần đó ngay từ bây giờ và cần có một cuộc cách mạng dân chủ để xứng tầm với nó?
Ông Tô Lâm cũng nhìn nhận rằng chỉ có một đất nước, một dân tộc hòa hợp và thống nhất, không có chia rẽ, ngăn cách mới có thể phồn thịnh khi ông nói: “[…] Vậy thì không có lý do gì để những người Việt Nam – cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh – lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách…“. Vậy có lý do gì để chúng ta không quả quyết lựa chọn con đường dân chủ đa nguyên, con đường hòa giải dân tộc, đã được nhìn nhận là giải pháp duy nhất để thống nhất và hòa hợp, dẫu sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức?
Ông Tô Lâm cũng nhìn nhận sự tồn tại của khác biệt về quan điểm chính trị của những người “phía bên kia“; đáng tiếc thay, bộ máy Tuyên giáo của ông lại coi một lực lượng hạt nhân của hòa giải, hòa hợp dân tộc như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là “thế lực phản động, thù địch”. Lực lượng an ninh của ông đã bắt bớ hai chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên – Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang – chỉ vì họ đã “khác biệt với chế độ” nhưng vẫn sinh sống và làm việc ngay trên đất nước Việt Nam. Dù khác biệt với chế độ về ý kiến chính trị, họ đã là những con người thực sự yêu nước, ôn hòa, và luôn đặt hòa giải dân tộc làm triết lý của mình; họ cũng có một trình độ chính trị cao vượt mức trung bình của trí thức Việt Nam và những người trong chế độ. Là một người đại diện cho bộ mặt của chế độ, xin kính thưa ông Tô Lâm, ông không thể tiếp tục hành động bất xứng với những gì ông muốn nói, không thể duy trì sự bất dung và triệt tiêu những con người thực sự ưu tú, những người tin cậy và nguyên tắc nhất với lập trường hòa giải.
Đây là một thời điểm quan trọng với đất nước. Nếu ông Tô Lâm đồng ý rằng giữa ông, chế độ CSVN và “phía bên kia” (trong đó có Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) không nên tồn tại một bức tường nào, thì chúng ta cần trao cho nhau ngôn ngữ của sự thành thực, và trên tinh thần thành thực đó, tuyệt đối không thể có sự đàn áp nào đối với những người chỉ muốn nói những điều đúng; đồng thời, chúng ta không thể tiếp tục bán đi nguồn ngân quỹ thời gian đang hao mòn của đất nước để gia cố một bức tường buộc phải phá bỏ. Mong ông Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính và tập thể lãnh đạo cộng sản, dù thủ cựu hay cấp tiến, hãy chủ động đập bỏ bức tường ngăn cách với đất nước — một bức tường duy trì khoảng tối cho những suy nghĩ hẹp hòi trong chính lòng mình. Giữa chúng ta không nên có một bức tường ngăn cách như vậy, và đó sẽ là điều có lợi cho đất nước.
Chu Tuấn Anh
(27/04/2025)