Dân chủ hóa vì chúng ta chỉ có một quốc gia và một tương lai chung (Chu Tuấn Anh)

 Câu hỏi đặt ra cho ông Tô Lâm và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam là: chúng ta cố thủ hay tỏ ra thủ cựu với nhau để làm gì, để rồi trở thành nạn nhân của chính mình? Hãy đừng lấn sâu vào những cuộc cải tổ lộn xộn, những chính sách mị dân mang tính phá hoại, mà hãy nghĩ đến điều gì là thực sự quan trọng cho đất nước. Hãy mở rộng lòng mình và hãy từ bỏ tâm lý cho rằng đảng viên Cộng sản Việt Nam phải trung thành tuyệt đối với chế độ – dù chế độ ấy đang dần đi vào quá khứ – vì chúng ta chỉ có một Tổ quốc, một tương lai chung mà thôi.

********************

1. Thế giới trong bối cảnh của cuộc thương chiến

Ngày 4/4, Trump đã gây ra cuộc thương chiến với toàn thế giới và gọi đó là “ngày giải phóng”, với mức thuế quan chấm dứt thương mại dành cho các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam – một trong những nước bị đánh thuế nặng nề nhất, với mức thuế lên đến 46%. Dù Trump đã đảo ngược quyết định này sau khi thị trường chứng khoán phản ứng mạnh, thế giới buộc phải thừa nhận rằng một trật tự toàn cầu hóa và thương mại tự do đã chấm dứt, và chắc chắn rằng các quốc gia sẽ phải thiết lập những chuỗi cung ứng mới để tránh một cuộc khủng hoảng trực tiếp (mà theo WTO, thế giới sẽ suy thoái ít nhất 7% GDP trong một giai đoạn). Đồng thời, những tiến bộ về nhân đạo và xóa đói giảm nghèo cũng sẽ bị đảo ngược, đặc biệt là tại các quốc gia thuộc Nam Bán Cầu (hay Global South). Cũng cần nói thêm rằng tình cảnh khổ cực sẽ càng trầm trọng hơn vì cuộc thương chiến sẽ ảnh hưởng nặng nề đến những thành phần nghèo khổ nhất, như người lao động trong các nhà máy; và điều này càng nghiêm trọng hơn khi thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu viện trợ nhân đạo (Aids), do Hoa Kỳ đã rút khỏi nhiều cam kết về viện trợ phát triển và nhân đạo thông qua USAID, trong khi Liên minh châu Âu và Anh cũng buộc phải cắt giảm để ưu tiên tiếp viện cho chiến trường Ukraine.

Ngay sau sự kiện mà ông ta tuyên bố là “ngày giải phóng”, Trump đã đưa ra quyết định hoãn áp dụng mức thuế quan hiện tại trong vòng 90 ngày (hoặc 3 tháng) đối với các đối tác thương mại của mình, dù vẫn duy trì mức thuế quan đồng bộ 10% và miễn thuế cho các mặt hàng linh kiện điện tử. Dù vậy, chính quyền Trump vẫn nhắm mũi nhọn của cuộc thương chiến vào Trung Quốc với mức thuế lên tới 145%, và Trung Quốc cũng đã trả đũa với mức thuế 125%. Dù Trump gần đây có bày tỏ sự nuối tiếc rằng ông không muốn tiếp tục áp thuế vì giá cả tăng sẽ khiến người tiêu dùng không muốn mua hàng, thì sự tự ái và tính hiếu chiến của hai đế quốc có lẽ sẽ không cho phép họ đảo ngược cuộc thương chiến này, hoặc nếu có thì cũng không đáng kể.

Một điều nữa là nhiều ý kiến cho rằng 90 ngày cũng không đủ để Hoa Kỳ đàm phán các thỏa thuận song phương với 80 quốc gia đối tác thương mại của mình. Đây vẫn sẽ là 3 tháng bất an, và mức thuế quan “giảm nhẹ” 10% cũng sẽ không thể ngăn chặn tình trạng sản xuất bị đình đốn, các đơn hàng mới bị hủy, và hoạt động sản xuất bị thu hẹp; nó chỉ mở ra một tình trạng khó lường, đầy bất định sau 3 tháng – bởi vì chúng ta không biết Trump sẽ làm gì trong một cơn bốc đồng.

Chúng ta cũng phải chấp nhận sự “ly hôn” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ kéo dài suốt hai thập kỷ qua, trong đó Trung Quốc vươn lên như một cường quốc sản xuất, còn Hoa Kỳ là một cường quốc dịch vụ với thị trường tiêu thụ rộng lớn. Cũng cần lưu ý rằng, tuy chúng ta phê phán sự kết hợp quá sâu sắc giữa dân chủ và độc tài, cùng lối làm chính trị thực dụng của giới lãnh đạo Hoa Kỳ như Bill Clinton hay Obama; nhưng chúng ta cũng cần ý thức rằng, một sự đứt gãy thô bạo và hoàn toàn vô lý đến từ phía chính quyền Trump là hành động phá hoại, vì nó gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới một cách trực tiếp và ngay lập tức. Trong khi đó, một nỗ lực cô lập Trung Quốc có thể là TPP, hoặc việc hình thành một liên minh thương mại không có sự tham gia của Trung Quốc.

Dù sao, thì điều gì đến cũng phải đến. Cuộc tranh hùng Mỹ – Trung mà chúng ta rất muốn tránh sẽ xảy ra, và chúng ta cần thảo luận để hiểu những gì sẽ diễn ra.

2. Cuộc tranh hùng Mỹ – Trung

Thực vậy, cuộc “tranh hùng” giữa hai siêu cường Mỹ – Trung cũng sẽ là một đề tài chúng ta sẽ phải bàn đến trong 3 năm tới, ít nhất là khi Trump rời khỏi nhà trắng vào năm 2028. Nhưng chúng ta phải xem xét cuộc tranh hùng này có những nội hàm gì và sâu rộng ở mức nào. Nhiều người cũng đã nói về nó bằng cách nhắc lại bẫy Thucydides, khi ông giải thích về việc nhà nước Athen nổi lên và đe dọa Spartan – cường quốc hiện tại, dẫn đến tâm lý căng thẳng và nhu cầu cạnh tranh, kiềm chế nhau đến từ cả hai phía và dẫn đến chiến tranh để giải quyết vấn đề. Điều này cũng đã đúng 12 trên 16 trường hợp theo một nghiên cứu của đại học Harvard. Thế nhưng, Hoa Kỳ và Trung Quốc liệu có cạnh tranh để thay thế nhau?

Như một lập luận tôi đã nêu ra trong bài viết Người Việt Nam không cần lựa chọn một giấc mơ khiêm tốn và một cuộc đời trung bình, cần phải nhìn nhận Trung Quốc là một nền kinh tế trung bình cao và cần một cuộc chuyển đổi lớn để tái cơ cấu để trở thành một nền kinh tế có khu vực dịch vụ chiếm đa số và thu nhập cao. Chắc chắn, chúng ta không nghi ngờ gì về tiềm lực của Trung Quốc: diện tích, dân số, trình độ của những người thợ lành nghề, sự ngay ngắn và ngăn nắp của các thành phố như Thượng Hải, Hàng Châu, Thành Đô,… Nhưng nếu Trung Quốc thất bại trong việc chuyển đổi kinh tế, thì lý do duy nhất sẽ là một thể chế chính trị độc tài toàn trị được duy trì trên một đế chế rộng lớn, với dân số 1,4 tỷ người. Thể chế độc tài toàn trị đã lỗi thời, và không còn có thể gồng gánh được đế chế Trung Hoa bao lâu nữa.

Đúng là Trung Quốc đã giàu có lên, nhưng bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn cũng ngày càng gia tăng. Xin lấy một ví dụ: thu nhập sau thuế của người dân nông thôn (khoảng hơn 30% dân số) chỉ bằng 43% mức thu nhập ở khu vực thành thị, và vào khoảng hơn 3.000 đô la Mỹ. Như vậy, mức sống này vẫn chỉ ở ngưỡng trung bình thấp – tương đương với Việt Nam hoặc nhiều nước Đông Nam Á/Nam Á. Nếu muốn phát triển thành một quốc gia có thu nhập cao, thì bắt buộc phải đạt được sự đồng đều tương đối giữa thành thị và nông thôn.

Mặt khác, dân số Trung Quốc đang giảm ở mức 0,99/1000 và đang bước vào giai đoạn già hóa, nghĩa là lợi thế về dân số trẻ của Trung Quốc đã biến mất. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng lao động trẻ cần phải có năng suất cao hơn, tham gia vào các ngành dịch vụ và công nghệ bậc cao nhằm tạo ra lợi nhuận lớn hơn, thậm chí với thời gian làm việc ít hơn và được hưởng các chế độ đãi ngộ cao hơn (theo kỳ vọng chung khi quyền lợi lao động ngày càng được nhìn nhận và đòi hỏi từ phía quần chúng). Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 21,3% vào năm 2023, cùng với các phong trào xã hội như “nằm trườn ra”, “bỏ thành phố về quê”, hay “bỏ công việc văn phòng để làm công việc chân tay” – tất cả đều cho thấy một tương lai rất u ám: lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ dần suy giảm, khiến nền kinh tế – vốn đã mất cân bằng – càng thêm lao đao.

Những khoản nợ (bao gồm nợ công, nợ phi tài chính, nợ thông qua các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương) và áp lực bơm hàng ngàn tỷ đô la Mỹ (gần đây là 1,4 triệu tỷ) không còn có thể gồng gánh được nữa. Những cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, công nghiệp xây dựng, và thị trường chứng khoán cũng đã khiến tầng lớp trung lưu và thượng lưu Trung Quốc bắt đầu suy sụp và hoảng loạn. Điều này thể hiện rõ khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát, sức mua yếu ớt, mặc cho chính quyền đã cố gắng bơm tiền để kích cầu.

Một áp lực lớn hơn nữa là các chi phí dành cho quản lý nguồn nước và môi trường, tiêu biểu là công trình dẫn nước Nam – Bắc từ sông Trường Giang ở phía Nam ngược lên phía Bắc, với trị giá 70 tỷ đô la, đặt ra một thách đố lớn và làm sâu sắc thêm xung đột địa chính trị giữa hai miền của Trung Quốc. Áp lực này còn được nối dài bởi nhiều dự án khác như khắc phục sa mạc hóa, trồng rừng, xử lý ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí.

Chúng ta biết rằng sự phát triển của một siêu cường không bao giờ chỉ là sự giàu có của một vài thành phố, một số tập đoàn lớn như Alibaba, Huawei, hay một vài sản phẩm công nghệ ưu việt. Nếu như vậy thì đế chế Hy Lạp và La Mã đã có đủ lý do để tồn tại – nhưng chúng vẫn sụp đổ, ngay cả trong giai đoạn hưng thịnh, khi chính quyền không còn có một ý thức hệ đủ mạnh để gắn kết đế quốc. Sự phân mảnh, sự lo lắng về một sự suy tàn không thể tránh khỏi, và chỉ cần một vài dấu hiệu ban đầu cũng đủ để khiến một đế quốc ngã nhào.

Một đế chế Trung Hoa đang dần cạn kiệt, và động cơ tăng trưởng của nó đã già cỗi và sẽ sớm ngừng lại, kéo theo những hậu quả có thể là sự đổ vỡ to lớn, hoặc một giai đoạn trượt dài trong sự suy tàn.

Mặt khác, trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc sẽ chứng kiến sự vươn lên của nhiều nền kinh tế như Ba Lan, Tây Ban Nha – vốn đã là những quốc gia có thu nhập cao nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng; Estonia và các nước Baltic, vốn là những quốc gia hậu cộng sản, nay không chỉ trở thành các nước thu nhập cao mà còn là những nước có tốc độ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Ngay cả một quốc gia như Romania, từng thoát khỏi chế độ cộng sản trong bối cảnh bạo lực và đổ vỡ, vốn chỉ dám mơ một giấc mơ khiêm tốn, nay cũng đã trở thành một nước có thu nhập cao.

Gần hơn là Malaysia – một quốc gia Đông Nam Á với cơ cấu kinh tế ổn định, đang trên đà vươn lên và có khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong thời gian tới. Một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico hay Serbia vẫn còn những vấn đề riêng, đặc biệt là trong tiến trình dân chủ hóa, nhưng cũng có nhiều triển vọng vươn lên hơn cả Trung Quốc.

Quan trọng hơn, Ấn Độ sẽ trở thành đối thủ của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh vai trò cường quốc sản xuất, dù hiện tại họ vẫn là một quốc gia có thu nhập thấp. Có lẽ, tâm lý kiệt quệ và mất chỗ đứng cũng khiến Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy họ buộc phải gây hấn với Hoa Kỳ để khuấy động một “vở tuồng” cạnh tranh siêu cường không mang nhiều thực chất.

Nhưng Hoa Kỳ thì sao? Hoa Kỳ cũng đang trong tiến trình từ nhiệm vai trò lãnh đạo toàn cầu, điều mà chúng tôi đã phân tích nhiều lần – với một bức tường thuế quan, sự chán ghét từ giới khoa học và giới học thuật đối với chính quyền Trump, một hiện trạng tê liệt do chia rẽ và phân cực, cùng với sự bất bình đẳng sâu sắc giữa top 1%, top 10% và bottom 50%. Những người còn giữ được lý trí ở Hoa Kỳ cũng đang chật vật để trả lời cho một câu hỏi: họ sẽ ra sao sau cơn điên của thế giới mà chính họ đã góp phần tạo ra?

Chắc chắn, với một sức mạnh kinh tế chiếm 1/4 quy mô toàn cầu, đồng đô la vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới (chiếm gần 60%), và Hoa Kỳ vẫn sở hữu những siêu tập đoàn hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ vẫn giữ một vai trò quan trọng với thế giới và vẫn có một tương lai – nếu có một nỗ lực khổng lồ được thực hiện sau “thảm họa Donald Trump”. Tuy nhiên, đó sẽ là một nỗ lực vô cùng lớn, nếu không muốn nói là một cuộc cải tổ toàn diện, đồng thời là một hành trình hàn gắn với thế giới và tham gia vào một trật tự toàn cầu mới được hình thành sau những đổ vỡ vừa qua.

Thế giới thương mại đã sẵn sàng để liên kết với nhau khi không có Hoa Kỳ. Thế giới công nghệ cũng sẽ phải chuẩn bị cho việc chấm dứt vai trò độc quyền của Hoa Kỳ. Thế giới địa chính trị sẽ phải chấp nhận sự cáo chung của khối NATO – liên minh quân sự-chính trị lâu đời và ổn định nhất của nền dân chủ. Và, trước những vấn đề như vậy, liệu việc Hoa Kỳ gây hấn với Trung Quốc có đơn thuần phản ánh một tâm lý phức hợp của một tầng lớp quý tộc đã lỗi thời, đang đi xuống, nhưng vẫn phải tỏ ra cung cách, hung hăng để chứng tỏ rằng mình còn uy tín và ảnh hưởng?

Nói đến đây, chúng ta tạm kết luận rằng thuyết Thucydides về sự tranh hùng giữa một cường quốc đi lên và một cường quốc lâu đời muốn tranh giành vai trò lãnh đạo có lẽ chỉ đúng một phần với Trung Quốc và Hoa Kỳ: Trung Quốc không thể vươn lên, và Hoa Kỳ cũng không muốn tiếp tục vai trò lãnh đạo. Trung Quốc không thể thay thế hay vượt qua được Hoa Kỳ trong một tương lai mà họ phải duy trì thể chế độc tài. Hoa Kỳ cũng không thể trở lại vai trò sản xuất của Trung Quốc. Đó là một cuộc tranh hùng siêu cường giả tạo và chẳng có một nội hàm nào, cũng không đại diện cho bất cứ một thứ ý thức hệ, như giữa hai phe độc tài – dân chủ. Chẳng có gì quá đáng nếu nói rằng đây là một cuộc đánh lộn giữa hai kẻ điên.

Nhưng cuộc chiến này sẽ tiến triển hoặc dừng lại ở mức độ nào? Có lẽ là những màn khẩu chiến và những hành động phá hoại để gây thiệt hại cho nhau trong một giai đoạn ngắn trước khi Tập Cận Bình hoàn toàn thất bại trong nước, và Donald Trump rời nhà Trắng trong ê chề. Như vậy thì nó sẽ kéo dài tối đa trong vòng 3 năm và cũng sẽ không có một cuộc chiến tranh vũ trang, ngoại trừ sự leo thang của cuộc thương chiến (dù như thế nó cũng đủ thiệt hại cho thế giới).

3. Thế giới bước vào một trật tự mới

Chúng ta cần phải khiêm tốn khi bàn về một Trật tự Mới của Thế giới, bởi đó là điều chưa xảy ra. Nhưng trong giai đoạn mà thương mại toàn cầu và các chuỗi cung ứng đang bị đứt đoạn như hiện nay, thế giới sẽ buộc phải ưu tiên cho các mối quan hệ hợp tác song phương trước khi từng bước chắp nối và hình thành một hoặc một số chuỗi cung ứng đa phương ổn định và đơn giản hóa.

Chúng ta cũng không rõ giai đoạn chuyển tiếp này sẽ kéo dài bao lâu — tuy nhiên, việc thắt chặt các mối quan hệ song phương cũng cần phải dựa trên sự cân bằng về cán cân thương mại, và không có quốc gia nào phụ thuộc quá mức vào quốc gia khác. Như vậy, việc thắt chặt mối quan hệ thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng không thể được xem là một cứu cánh lớn đối với Trung Quốc, nhất là khi họ thực chất đang cạnh tranh với nhau về các mặt hàng linh kiện điện tử như điện thoại thông minh, và có thể sẽ là xe hơi điện và công nghiệp năng lượng trong thời gian tới.

Tương tự, viễn cảnh hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập châu Âu cũng khó có thể xảy ra, ngay cả khi châu Âu tiếp tục hợp tác thương mại với Trung Quốc như một giải pháp tình thế, bởi sự hợp tác ấy cũng phải dựa trên sự cân bằng trong cán cân thương mại và ở mức độ điều độ. Một thị trường nội địa yếu ớt lại càng không thể là chỗ dựa cho Trung Quốc. Do đó, theo thiển ý của tôi, nên coi Trung Quốc như một nền kinh tế trung bình, mất cân bằng, đang phải vật lộn để thích nghi với bối cảnh mới — nếu loại bỏ cuộc đối đầu Mỹ – Trung và chỉ nhìn nhận vấn đề dưới góc độ kinh tế và quan hệ thương mại thuần túy.

Nếu sản xuất suy giảm, và một nền kinh tế đã bắt đầu chậm lại, thì vốn FDI ròng (vốn đã ở mức âm, net flow: 14,2 tỷ đô trong quý 2 năm 2024) cùng khả năng tiếp cận vốn vay từ các Quỹ quốc tế cũng sẽ không còn dễ dàng, chắc chắn rằng, cơ hội cho thị trường đầu tư và nguồn vốn phát triển sẽ nghiêng về các nền kinh tế mới nổi một khi giai đoạn gián đoạn này qua đi và các định chế, cũng như hoạt động sản xuất toàn cầu, bắt đầu được tái sắp xếp.

Cũng cần nói thêm rằng, dù sao thì giai đoạn 2016–2024 cũng đã là một thập kỷ “thoát Trung” của dòng vốn tư bản. Tuy nhiên, vai trò độc quyền và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp sản xuất vẫn khiến cho các nền kinh tế mới nổi chỉ có thể đóng vai trò “phụ trợ” cho cường quốc sản xuất Trung Quốc, thay vì có thể thay thế phần lớn vị thế của Trung Quốc.

Nhưng thế giới mới sau cuộc thương chiến sẽ rất khác. Những nền kinh tế cởi mở sẽ có khả năng thay thế phần lớn vai trò hiện tại của Trung Quốc nếu họ đã có sự chuẩn bị, dù thực tế cho thấy sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Và ở đây, cũng cần nhấn mạnh rằng họ không chỉ phải thay thế vai trò của Trung Quốc, mà còn phải nhanh chóng tận dụng nguồn lợi tức từ công nghiệp sản xuất để chuyển dịch sang nền kinh tế dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào đổi mới khoa học và công nghệ.

Giáo dục sẽ đóng vai trò như một phần của quá trình “hiện đại hóa” trong Kỷ nguyên mới, khi mà “hiện đại” đồng nghĩa với các thành phố thông minh, cơ sở hạ tầng xanh, sự ứng dụng rộng rãi của AI, và con người có trình độ tri thức cao. Đó sẽ là một cuộc đua dài, nhưng cũng vô cùng gấp rút, và chỉ dành cho những ai có sự chuẩn bị.

Với khối Nam Bán Cầu bao gồm các nền kinh tế mới nổi, đây sẽ là bài toán về việc họ có thể chịu đựng và thích nghi được bao lâu trong cơn điên này của thế giới. Họ cần một quyết tâm về ổn định vĩ mô, ổn định chính trị – xã hội để vẫn có thể duy trì tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới, đồng thời chuẩn bị cho một thời cơ mới sẽ mở ra trong và sau khi Trật tự thế giới mới về thương mại, công nghệ, địa chính trị, v.v. được tái sắp xếp.

Tôi vẫn nhắc lại rằng, kết luận của giải Nobel năm 2024 về việc thể chế quyết định sự giàu nghèo (hay vinh nhục) của các quốc gia là một bài học đúng đắn; và 3–5 năm tới có thể sẽ là một bài kiểm tra sức chịu đựng của thể chế trong mỗi quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi (các quốc gia đang cởi mở). Những quốc gia có thể chế yếu ớt sẽ ngã quỵ trước khi bối cảnh thế giới trở nên khả quan hơn.

4. Việt Nam giữa một cơn điên của thế giới

Giữa lúc cuộc thương chiến leo thang, Tập Cận Bình đã đi thăm ba nước: Việt Nam, Campuchia và Indonesia. Với mỗi nước, ông đã ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác hoặc biên bản ghi nhớ như một cách lăng xê hình ảnh một Trung Quốc lý chí, nỗ lực tìm kiếm hợp tác đa phương trong bối cảnh Hoa Kỳ đang gây sự với thế giới; hoặc như một thắng lợi ngoại giao nhằm phục vụ mục tiêu đối nội.

Dù vậy, Việt Nam có ý nghĩa gì khác với Trung Quốc ngoài việc là một cửa ngõ trung gian để vận chuyển hàng hóa sang thị trường Mỹ — một cửa ngõ vốn sắp không còn có thể sử dụng được nữa? Campuchia đã trở thành một quốc gia mà Trung Quốc gần như bỏ mặc, sau khi rút khỏi hàng loạt cam kết tài chính cho các dự án trong khuôn khổ Vành đai – Con đường, như tôi đã trình bày trong loạt bài Địa chính trị trong Kỷ nguyên mới. Còn Indonesia, thực tế là họ cần siết chặt quan hệ với phương Tây hơn là với Trung Quốc (và cũng như Việt Nam, họ sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc trong việc thu hút vốn FDI). Đó là một chuyến đi dường như vô nghĩa và lạc lõng của Tập Cận Bình.

Nhìn vào Việt Nam, tôi cảm thấy một sự thất vọng khi họ đã ký với Trung Quốc những văn kiện hợp tác đến từng bộ, ngành — một sự trọng thị thái quá, như một nô bộc dành cho chủ nhân của mình — khi tiếp đón ông Tập Cận Bình, cùng với thứ ngôn ngữ “chia sẻ một tương lai chung” mà họ đã dành cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi cũng đã cố gắng quan sát, dù vẫn chưa tìm ra được một dữ kiện rõ ràng nào thể hiện rằng Trung Quốc sẽ cam kết với dự án đường sắt cao tốc khổ tiêu chuẩn trị giá 8 tỷ đô la tuyến Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam, dù họ có hứa sẽ đẩy mạnh kết nối đường sắt, đường bộ giữa hai nước, và nâng cao vai trò của Ủy ban liên hợp về hợp tác đường sắt Việt – Trung, hướng tới việc Việt Nam sẽ nâng cấp lên khổ tiêu chuẩn.

Trung Quốc có vẻ như cũng đã nói rằng họ sẽ thực hiện báo cáo khả thi cho việc nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt cao tốc Việt – Trung, có thể kéo dài khoảng 8 tháng. Nhưng dường như không có một cam kết tài chính cụ thể nào được đưa ra về dự án đường sắt cao tốc, hay trên các lĩnh vực khác — điều mà chế độ rất mong đợi.

Những gì có thể rút ra, có lẽ, là vẫn tồn tại một tâm lý muốn lệ thuộc vào Trung Quốc — một tâm lý “Vành đai – Con đường” trong một bộ phận lãnh đạo cộng sản Việt Nam — dù họ phải hiểu rằng Trung Quốc từ lâu đã không còn là một phao cứu sinh cho chế độ.

Trong một cơn mê, ông Tô Lâm đã nói đến “Kỷ nguyên vươn mình”; ông Phạm Minh Chính thì bịt mắt, bịt tai để kiên quyết theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 8%, bất chấp thực trạng quá bi đát của đất nước. Các cuộc cải tổ tinh giản bộ máy hành chính, sáp nhập các tỉnh, xã, lược bỏ đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập chính quyền ba cấp đang được tiến hành một cách gấp gáp và cẩu thả, điều này sẽ khiến cho bộ máy chính quyền sớm tê liệt và không còn đảm bảo được các chức năng hành chính cơ bản.

Trong tình trạng tê liệt ấy, chúng ta lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế cấp tính, khi mô hình kinh tế vẫn lệ thuộc vào ngoại thương, ngân sách cạn kiệt do giải ngân đầu tư công bừa bãi, nạn tham nhũng tràn lan; những bất ổn lộ rõ từ liên minh ngân hàng – bất động sản, lạm phát có dấu hiệu mất kiểm soát cùng với nguy cơ đầu cơ trục lợi, và sự tàn phá đến từ các đầu sỏ tài phiệt lợi dụng chính sách cũng như khủng hoảng để làm giàu bất chính, v.v.

Một tình trạng khẩn cấp của đất nước với những khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, vấn đề nối tiếp vấn đề sắp diễn ra. Chúng ta phải hiểu với nhau rằng thời gian tới chúng ta cần một cuộc chuyển hóa cấp tốc về dân chủ bằng một dự án chính trị và một đội ngũ nhân sự nghiêm chỉnh, thay vì một sự nhốn nháo và những lời nói bạt mạng của giới lãnh đạo chế độ cộng sản, được hậu thuẫn bởi một lực lượng tuyên giáo thủ cựu ngay cả khi họ không thể thủ cựu được nữa.

5. Việt Nam cần những gì cho một giai đoạn chuyển tiếp của thế giới.

Trước tiên, đó là những cố gắng lương thiện để bình ổn lại tình trạng đất nước đang trong một cuộc khủng hoảng cấp tính, như ngăn chặn những xu hướng có hại trong kinh tế hay đảm bảo một an ninh kinh tế cho đất nước (kiểm soát lạm phát và vật giá leo thang do đầu cơ, tính trữ; kiểm soát nạn thổi phồng bất động sản, và kiểm soát nạn làm giá các tài sản trú ẩn điển hình như vàng). Tôi cũng trình bày trong bài viết Nguy cơ tài phiệt chiếm đoạt đất nước khi Việt Nam đang trong một tình trạng khẩn cấp rằng một người đại diện cho một chế độ bắt buộc phải qua đi như Gorbachev, với những cải tổ nửa vời, và một tay mơ thiếu sự bài bản như Yeltsin, cũng sẽ không thể giải quyết được một tình trạng nguy cấp. Chúng ta cần những nhân sự chính trị mới lương thiện, có tổ chức, có một thái độ quyết tâm, như một đảm bảo lớn để tình hình an ninh đất nước được khôi phục trong một thời gian ngắn.

Về lâu dài, một nhà nước nhẹ, làm đúng bổn phận của mình với một sinh hoạt chính trị lương thiện dưới mô hình dân chủ đại nghị sẽ khiến nạn tham ô bị triệt tiêu và mang lại những nguồn lực mới cho đất nước. Tản quyền và tinh thần đa nguyên sẽ đem đến sự phát triển tương đối đồng đều ở các cộng đồng. Những miền duyên hải của đất nước sẽ sớm cất cánh với mức tăng trưởng trên hai con số (hoàn toàn nằm trong khả năng).

Chúng ta cần một hiến pháp tôn trọng những quyền con người phổ quát và nhìn nhận những giá trị tiến bộ; một thị trường tư doanh lấy nền tảng là đổi mới, sáng tạo, cùng với một hệ thống pháp trị lành mạnh, bao gồm các quy định về cạnh tranh công bằng, quyền sở hữu trí tuệ, tác quyền, các hỗ trợ trong việc tiếp cận pháp lý, thông tin từ chính quyền, luật lao động và luật về quan hệ lao động lành mạnh. Tất cả những điều đó sẽ khai mở ra nội lực và những động lực để đổi mới sáng tạo trong con người Việt Nam.

Và ngay cả trong những điều kiện ngặt nghèo nhất, với những nỗ lực chống tham nhũng để không làm thất thoát tài sản quốc gia, cùng một nền kinh tế FDI vẫn dồi dào nhờ lợi thế đặc thù về địa lý – chúng ta vẫn cần dành những ưu tư lớn cho liên đới xã hội, bao gồm bảo trợ xã hội, giáo dục và y tế, như một chiến lược để tránh những đổ vỡ xã hội do sự phát triển nhanh nhưng không thể cân bằng tuyệt đối. Đặc biệt, ưu tư cho giáo dục sẽ rút ngắn quá trình phấn đấu cực khổ của nhân dân, bởi chúng ta cần những lao động trẻ có tri thức.

Một chế độ dân chủ lương thiện và thể chế ổn định vẫn sẽ đem lại những nguồn đầu tư và yểm trợ quốc tế khiến chúng ta tăng trưởng ngay cả trong những điều kiện thế giới bất ổn nhất.

Trên hết, một giấc mơ chung, một lòng yêu nước một cách tự nguyện mới là sức mạnh để người dân Việt Nam gắn bó với đất nước Việt Nam. Hòa giải dân tộc sẽ chinh phục mọi thành phần dân tộc, trong đó có cộng đồng hải ngoại, cùng những nguồn lực và tri thức mà họ mang về cho đất nước khi họ nhìn thấy một thái độ hòa giải và thiện chí từ chính quyền Việt Nam trong tương lai.

Chúng ta cần những chuẩn bị về thể chế chính trị, những cố gắng để dân chủ hóa đất nước nhằm đảm bảo một mô thức và những định hướng đúng đắn được đặt nền móng trên đất nước Việt Nam, trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn chạy đà cho một Kỷ nguyên mới, một trật tự toàn cầu mới. Lãnh đạo chế độ cộng sản Việt Nam như ông Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính, ông Lương Cường không nên nhìn vào cuộc cạnh tranh siêu cường Mỹ – Trung để kết luận rằng mình cần phải dựa vào “bức tường giấy” Trung Quốc – điều vốn dĩ không khả thi – hay hy vọng vào những trò luồn cúi để ve vãn Donald Trump, một người có thể sẽ rời khỏi chính trường trong ba năm tới. Một thế giới phân cực và chia rẽ không có nghĩa rằng họ có thể tùy tiện nêu cao quan điểm thủ cựu và độc tài, hay tự mình “đơn phương”. Dường như điều đó chỉ cho phép người lãnh đạo rút ra một kết luận duy nhất: chúng ta cần phải dân chủ hóa để dựa vào chính nội lực của đất nước, và nhanh chóng có những chuẩn bị trước khi cơ hội khép lại – cũng là để cứu đất nước Việt Nam khỏi chìm sâu hơn vào tuyệt vọng.

Hơn thế nữa, hãy từ bỏ những giấc mơ “tổng thống chế”, “kỹ trị”, và “tài phiệt hóa” đất nước. Việt Nam chưa bao giờ có một nguồn tài nguyên phong phú để có thể nuôi sống mãi chủ nghĩa độc tài. Chúng ta có một hệ sinh thái mong manh và một nền tảng xã hội yếu ớt; đất nước cần được nâng niu thay vì bị vắt kiệt. Việt Nam phải được dẫn dắt đi vào một con đường đúng đắn, được quản lý một cách hiệu quả và ngăn nắp, với thái độ vô cùng bao dung và khiêm tốn của các lớp lãnh đạo; một tinh thần đa nguyên, luôn đặt hòa giải làm triết lý điều hành quốc gia, để có thể có một tương lai đáng kể hơn, tiếp tục tăng trưởng và bắt kịp với phần còn lại trong một Kỷ nguyên thế giới mới. Bất cứ con đường nào khác đều là sai trái nếu nó dung túng cho sự cẩu thả với đất nước, sự tàn bạo và độc đoán.

Như một lời kết, câu hỏi đặt ra cho những trí thức chính trị Việt Nam là: Chúng ta phải suy nghĩ gì và có những chuẩn bị gì để xứng đáng với một tương lai mới của đất nước? Chúng ta sẽ là một tập thể đấu tranh chính trị có nề nếp, có tư tưởng, để đất nước có được một sự đảm bảo vững chắc trước một cuộc chuyển hóa bắt buộc; hay lại trao đất nước như những món đồ chơi cho những tay mơ?

Câu hỏi đặt ra cho ông Tô Lâm và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam là: chúng ta cố thủ hay tỏ ra thủ cựu với nhau để làm gì, để rồi trở thành nạn nhân của chính mình? Hãy đừng lấn sâu vào những cuộc cải tổ lộn xộn, những chính sách mị dân mang tính phá hoại, mà hãy nghĩ đến điều gì là thực sự quan trọng cho đất nước. Hãy mở rộng lòng mình và hãy từ bỏ tâm lý cho rằng đảng viên Cộng sản Việt Nam phải trung thành tuyệt đối với chế độ – dù chế độ ấy đang dần đi vào quá khứ – vì chúng ta chỉ có một Tổ quốc, một tương lai chung mà thôi.

Chu Tuấn Anh

(19/04/2025)