Cải Cách Thể Chế – Thành Công Hay Thất Bại? (Nguyễn Trần Đặng)
Những ai thường xuyên theo dõi tình hình đất nước sẽ biết rằng Đảng Cộng sản đang tiến hành một cuộc cải cách thể chế rầm rộ vào thời điểm hiện tại. Tổng Bí thư Tô Lâm còn tuyên bố rằng cuộc cải cách này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi: Thứ nhất, tại sao Đảng Cộng sản lại cải cách vào lúc này? Thứ hai, họ đang cải cách những gì? Và cuối cùng, quan trọng nhất, liệu cuộc cải cách này có thành công hay không?
Tại sao Đảng Cộng sản tiến hành cải cách vào lúc này?
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 2 năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói về sự tụt hậu của Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng trước đây, Sài Gòn từng được ví như “hòn ngọc Viễn Đông”, người Singapore còn mong muốn sang Sài Gòn để chữa bệnh, nhưng giờ thì ngược lại. Ông cũng nói rằng từ khi mở cửa nền kinh tế năm 1986, mức độ phát triển của Việt Nam và Trung Quốc là tương đương, nhưng hiện nay GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã gấp ba lần Việt Nam.
Tô Lâm cũng đề cập đến bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, trong đó có nguy cơ tụt hậu – điều mà Đảng từng xác định từ lâu và hiện vẫn còn tồn tại.
Nguy cơ đầu tiên là tụt hậu về kinh tế, chính là nguyên nhân khiến Đảng Cộng sản buộc phải cải cách thể chế vào thời điểm này. Trước thực trạng này, Đảng đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và từ 10% trở lên trong các năm tiếp theo, để đến năm 2030 GDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.
Các bước cải cách
Thứ nhất, họ xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, điều này đã được ghi vào dự thảo văn kiện Đại hội 14 của Đảng. Nhà nước sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, tôn vinh doanh nghiệp và doanh nhân. Khu vực tư nhân cũng sẽ được phép tham gia vào các dự án quan trọng như hạ tầng, năng lượng, quốc phòng và an ninh. Điều này cho thấy họ có vẻ đã chọn phát triển kinh tế thị trường với tư doanh làm nền tảng. Tuy nhiên, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể vẫn sẽ được duy trì và coi là lực lượng nòng cốt.
Thứ hai, là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” – tức mô hình tản quyền. Đây là một sự cải cách rất đúng. Ví dụ, tỉnh Bình Dương muốn xây dựng tuyến metro nối với Sài Gòn thì hiện tại phải trình Thủ tướng phê duyệt và đưa ra Quốc hội biểu quyết. Nhưng nếu có tản quyền, đây chỉ là vấn đề giữa hai địa phương. Tuy nhiên, mô hình này mâu thuẫn với bản chất tập trung quyền lực của chế độ độc tài toàn trị.
Thứ ba, là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để phát triển đất nước và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng bản chất của đổi mới sáng tạo là thay đổi, trong khi chế độ độc tài lại thiên về bảo thủ, duy trì hiện trạng để giữ quyền lực.
Ông Tô Lâm cũng nhắc đến việc thế giới đã tiến xa, ví dụ các nhà máy, kho hàng, xưởng và cảng đều không cần ánh sáng vì đều vận hành tự động bằng robot, điều khiển qua mạng. Thực tế, sau 40 năm mở cửa, Việt Nam vẫn chủ yếu là nền kinh tế gia công, lắp ráp, thu hút đầu tư nước ngoài nhờ vào chi phí nhân công rẻ. Theo số liệu năm 2024, Việt Nam có 53 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng 38 triệu trong số đó chưa qua đào tạo, không có bằng cấp hay chứng chỉ. Nếu tự động hóa được áp dụng, năng suất tăng nhưng hàng triệu lao động phổ thông sẽ thất nghiệp. Khi đó, nhà nước phải tăng ngân sách cho an sinh xã hội và giáo dục để giúp người lao động thích nghi với công việc mới. Tuy nhiên, ngân sách dành cho công an hiện đang cao gấp 15 lần ngân sách cho giáo dục.
Cuối cùng là cải cách tinh gọn bộ máy, giảm biên chế. Chính quyền cho biết sẽ có khoảng 100.000 người bị cắt giảm, nhưng con số này là nhỏ so với quy mô bộ máy hiện tại, vốn vẫn có nhiều bộ phận không cần thiết như Ban Tuyên giáo, đội ngũ dư luận viên, hay lực lượng an ninh đàn áp người dân.
Nguy cơ thứ hai đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ là tham nhũng. Ai cũng thấy Việt Nam là một trong những quốc gia tham nhũng nặng nề nhất thế giới, với số tiền trong mỗi vụ án lên đến hàng triệu đô la. Tham nhũng là sự lợi dụng công quyền vì mục đích cá nhân. Muốn chống tham nhũng thực sự thì phải giới hạn quyền lực nhà nước. Nhưng trong một chính quyền độc tài, điều này là gần như không thể. Một chính quyền đã tham nhũng trầm trọng thì không thể tự thay đổi để hết tham nhũng, mà phải được thay thế bằng một chính quyền khác thông qua bầu cử tự do – điều mà chế độ độc tài không cho phép.
Sự tụt hậu về kinh tế và tham nhũng là nguy cơ chung với bất cứ chế độ nào trong thời đại toàn cầu hóa, không chỉ riêng với chế độ cộng sản. Ở các quốc gia dân chủ, nếu một chính quyền để xảy ra tụt hậu hay tham nhũng tràn lan, họ chắc chắn sẽ bị thay thế qua bầu cử. Trong khi đó, chế độ cộng sản còn đối diện với hai nguy cơ riêng: chệch hướng xã hội chủ nghĩa và tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Kết quả của cuộc cải cách
Đây là mâu thuẫn nội tại: nếu chính quyền cộng sản thực hiện các chính sách cải cách đến nơi đến chốn – phát triển kinh tế tư nhân, giảm vai trò kinh tế nhà nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm quyền lực công an, tăng ngân sách giáo dục, phân quyền – thì họ sẽ rơi vào nguy cơ “chệch hướng xã hội chủ nghĩa” và “tự diễn biến“. Ngược lại, nếu họ tiếp tục bảo vệ hệ tư tưởng lỗi thời, duy trì đàn áp và bảo thủ, thì đất nước sẽ ngày càng tụt hậu, tham nhũng tiếp diễn.
Bằng việc xác định bốn nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ, Đảng Cộng sản đã vô tình thừa nhận rằng quyền lợi của họ mâu thuẫn với quyền lợi dân tộc. Sự tồn tại của chính chế độ cộng sản đã là một mâu thuẫn lớn. Cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin từng nói: “Chế độ cộng sản không thể cải cách, mà phải bị đào thải.“
Do đó, nhiệm vụ lịch sử của người Việt Nam, kể cả Tổng Bí thư Tô Lâm và các đảng viên cộng sản, là nhanh chóng giải phóng dân tộc khỏi chế độ cộng sản để cứu đất nước khỏi nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn. Mà nguy cơ này cũng chính là nguy cơ mất nước, vì những quốc gia không đem lại hạnh phúc, tự hào, hy vọng vươn lên cho người dân, sớm hay muộn cũng sẽ bị tan rã.
Một thống kê từ các công ty tư vấn định cư cho thấy hơn 90% khách hàng Việt Nam cho biết họ muốn định cư để con cháu có một tương lai tốt đẹp hơn.
Nguyễn Trần Đặng
(20/04/2025)